Thứ Ba, 12/01/2021, 21:22 (GMT+7)
.

Giải Búa liềm vàng: Lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội về xây dựng Đảng

Các tác phẩm dự Giải phong phú về chủ đề, thể loại, phủ khắp tất cả các tỉnh, thành cả nước; bám sát vấn đề nóng, những sự kiện nổi bật, phản ánh kịp thời những vấn đề thu hút sự quan tâm của xã hội.

Lễ công bố và trao Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (mang tên Búa liềm Vàng) lần thứ 5 năm 2020 sẽ được tổ chức vào tối 13/1, tại Hà Nội.

Đây là giải thưởng báo chí thường niên tôn vinh những tác phẩm báo chí xuất sắc về công tác xây dựng Đảng do Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, Đài Truyền hình Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức.

a
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Phó Tổng giám đốc TTXVN Lê Quốc Minh và các tác giả đạt giải B (thể loại ảnh) thuộc Ban Biên tập Ảnh TTXVN tại lễ trao Giải Búa liềm vàng năm 2019. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Phong phú về chủ đề, thể loại

Theo Ban Tổ chức, năm nay, cơ quan Thường trực Giải (Tạp chí Xây dựng Đảng) đã nhận được 1.710 tác phẩm, tăng 50 tác phẩm so với năm 2019.

Các tác phẩm tham dự Giải phong phú về chủ đề, thể loại và đã phủ khắp tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Các tác phẩm bám sát vấn đề nóng, những sự kiện nổi bật, phản ánh kịp thời những vấn đề thu hút sự quan tâm của toàn xã hội như công tác lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng; phòng, chống dịch COVID-19; phòng tránh, khắc phục hậu quả của thiên tai, bão lũ…

Bên cạnh những chủ đề quen thuộc về xây dựng Đảng, gương sáng đảng viên, năm nay có nhiều loạt bài có chất lượng về chủ đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng trên các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; việc lựa chọn nhân sự cho Đại hội XIII, những bài học đúc kết từ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng; về đổi mới công tác đánh giá cán bộ; vấn đề kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm; cách lựa chọn người có đức, có tài.

Ngoài ra, những mô hình mới thực hiện thí điểm trong nhiệm kỳ Đại hội XII cần tổng kết để áp dụng trên diện rộng; những vấn đề mới về lý luận và thực tiễn cần nghiên cứu, phân tích, lý giải; phát triển lý luận để chỉ đường cho cách mạng tiến lên trong giai đoạn mới; về củng cố mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân; phát huy vai trò của nhân dân trong xây dựng Đảng; nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng ở các địa bàn, các lĩnh vực cụ thể (trong quân đội, công an, doanh nghiệp, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào có đạo, trong các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài)… cũng được phản ánh đầy đủ, toàn diện.

Đáng chú ý, nét mới của Giải năm nay là đa số các tác phẩm quán triệt phương châm “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực,” “lấy cái đẹp dẹp cái xấu,” dòng chủ lưu của các bài dự giải mang chủ đề về “xây,” khác với các năm trước thiên về mảng chủ đề “chống.”

Nhiều tác phẩm viết về chủ đề học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, biểu dương gương người tốt, việc tốt, giới thiệu những mô hình mới, cách làm sáng tạo, hiệu quả, có sức hấp dẫn bạn đọc và khán, thính giả, có sức lan tỏa.

Dấu ấn về sự lao động không mệt mỏi

Chủ đề về xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ vừa có đức, vừa có tài, ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới là nội dung được nhiều tác phẩm tham dự Giải năm nay tập trung phản ánh.

Trong đó, loạt 5 bài “Tìm người tài” của Tiến sỹ Nguyễn Văn Minh, Trưởng ban Xây dựng Đảng, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã làm rõ quan niệm, nhận diện người tài; những yếu tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn người tài...

Đặc biệt, khi đất nước đang đứng trước cơ đồ vận hội mới, nhất là Đại hội XIII của Đảng đang đến gần, đòi hỏi Đảng ta phải sáng suốt lựa chọn cho được đội ngũ cán bộ vừa có đức, vừa có tài.

Tác giả Nguyễn Văn Minh chia sẻ trong lịch sử xã hội loài người từ xưa đến nay, đất nước luôn tìm kiếm người tài. Tuy nhiên, mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ có cách làm khác nhau. Thực tiễn trong lịch sử phong kiến Việt Nam hay trong giai đoạn cách mạng, việc lựa chọn nhân tài cho đất nước đã được đề cập, có những bước đi đúng và trúng.

Thời gian qua, việc thi tuyển, đánh giá cán bộ; thực hiện quy chế dân chủ; bầu cử… đã được nhiều bộ, ngành, địa phương thực hiện để tìm ra người tài cho đất nước. Thế nhưng, để lựa chọn được người tài có tâm, có tầm như Bác Hồ nói là vừa có đức và vừa có tài vẫn còn nhiều băn khoăn, trăn trở. Tác phẩm cũng hiến kế, đưa ra nhiều giải pháp để tập hợp, thu hút đội ngũ nhân tài tham gia vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Giai Bua liem vang: Lan toa manh me trong toan xa hoi ve xay dung Dang hinh anh 2Quang cảnh buổi họp của Hội đồng sơ khảo Giải Búa liềm Vàng. (Nguồn: Tạp chí Xây dựng Đảng)

Để có được những tuyến thông tin đậm nét, phong phú, đa dạng, nhiều phóng viên, biên tập viên đã thâm nhập sâu thực tiễn các vùng miền, lĩnh vực, phản ánh những mặt hạn chế để rút kinh nghiệm, kịp thời chấn chỉnh.

Tác phẩm "Cao su Sơn La: Khi Nghị quyết khác xa thực tế” của nhóm tác giả Xuân Thọ và Thu Thùy-Đài Tiếng nói Việt Nam phản ánh cuộc sống khó khăn của người dân khi không có thu nhập từ cây cao su sau hơn 10 năm được đưa vào trồng tại tỉnh Sơn La.

Tác giả Xuân Thọ cho biết khi về tìm hiểu người dân chặt phá cây cao su ở huyện Yên Châu, một vị trưởng bản vỗ vai chúng tôi hỏi: Cán bộ đi làm mà một năm không có lương, có “kêu” không?! Chúng tôi đằng đẵng chờ cây cao su hơn 10 năm rồi, mãi đến nay, chưa cho thu đồng nào! Không có tiền, con cái học hành, ốm đau, sinh hoạt hàng ngày… phải đi “cắm,” nợ nần chồng chất; đi làm thuê không phải lúc nào cũng có việc, đói lắm cán bộ à, đành phải chặt cao su lấy đất trồng cây khác cho khỏi đói thôi…

“Nghịch lý là các vùng trồng cao su đang gặp khó, nhưng từ dự thảo Báo cáo chính trị, đến nghị quyết Đại hội Đảng cấp cơ sở, cấp trên cơ sở ở những vùng trồng cao su ở Sơn La lại không hề nhắc đến chương trình phát triển cây cao su. Ngược lại với những năm 2007, 2008, thực hiện các nghị quyết, quyết định của tỉnh, cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến huyện, xã, bản đã cùng vào cuộc tuyên truyền rầm rộ về chương trình phát triển cây cao su và triển vọng về cây này là không chỉ giúp dân xóa đói, giảm nghèo, mà có thể làm giàu,” tác giả Xuân Thọ chia sẻ.

Người dân, đảng viên ở địa phương rất mong chờ Đại hội các cấp, ngoài công tác nhân sự, công tác xây dựng Đảng, cần đánh giá lại hiệu quả các nghị quyết, chương trình mục tiêu trong nhiệm kỳ đã đưa ra và đang thực hiện; đồng thời, rút ra bài học kinh nghiệm, nhằm định hướng lãnh đạo chính quyền đưa ra các đề xuất, kiến nghị, giải pháp cho phù hợp.

Có thể nói, các tác phẩm tham dự Giải đã cho thấy dấu ấn về sự lao động không mệt mỏi của các phóng viên, biên tập viên; là kết quả của cả một quá trình lao động sáng tạo đầy khó khăn, vất vả, thậm chí phải đối mặt với cả hiểm nguy.

Theo Ban Tổ chức, năm nay, nhiều bài viết công phu, được đầu tư kỹ lưỡng từ khâu xác định đề tài, chủ đề, nghiên cứu thực tiễn, đến cách thể hiện. Điều này chứng tỏ ban biên tập các cơ quan báo đã tập trung chỉ đạo, phân công phóng viên, biên tập viên có năng lực thực hiện, thu hút trí tuệ tập thể, nâng cao chất lượng tác phẩm. Nhiều bài viết ngắn gọn, súc tích, cách thể hiện sinh động, ngôn ngữ trong sáng, dung dị, khá hấp dẫn bạn đọc.

Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng lần thứ V đã lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội không chỉ bởi số lượng tác giả, tác phẩm tham gia đông đảo, sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy các cấp, của các hội nhà báo, cơ quan báo chí trên khắp cả nước, mà quan trọng hơn là những dấu ấn sinh động về tuyên truyền công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị năm 2020./.
 

(Theo TTXVN/Vietnam+)

.
.
.