Hoàn thiện các quy định về thi đua và danh hiệu theo hướng về cơ sở
Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương đang lấy ý kiến nhân đóng góp cho dự thảo Luật Thi đua Khen thưởng sửa đổi lần này. Cổng TTĐT Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Huy Giang, Trưởng ban Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương xung quanh những điểm mới, khắc phục hạn chế, bất cập, tính hình thức trong sửa đổi lần này.
Ông Phạm Huy Giang trao đổi với Cổng TTĐT Chính phủ. Ảnh: VGP/ Lê Sơn. |
Cụ thể một số hình thức khen thưởng đối với công nhân, nông dân
Xin ông cho biết những điểm mới trong dự thảo Luật Thi đua khen thưởng lần này?
Ông Phạm Huy Giang: Thực hiện Chương trình công tác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương đang tham mưu để Bộ trưởng Bộ Nội vụ trình Chính phủ dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Trong quá trình tham mưu xây dựng dự án luật, Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương đã nghiên cứu, rà soát thể chế, các quan điểm, định hướng đổi mới công tác thi đua, khen thưởng theo tinh thần Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị và các phương án chính sách đã được thông qua, tập trung vào các nội dung chủ yếu sau:
Thứ nhất, hoàn thiện các quy định về thi đua và các danh hiệu thi đua theo hướng về cơ sở, phù hợp với thực tiễn tổ chức phong trào thi đua ở các ngành, các cấp, các địa phương trong cả nước. Dự thảo luật đã quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tổ chức phát động, triển khai, sơ kết, tổng kết phong trào thi đua; phát hiện, tuyên truyền, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến. Bổ sung danh hiệu thi đua đối với tập thể (danh hiệu “xã, phường, thị trấn tiêu biểu”), đồng thời quy định các tiêu chuẩn cụ thể xét tặng danh hiệu Cờ thi đua, Chiến sĩ thi đua các cấp đáp ứng yêu cầu thực tiễn tổ chức phong trào thi đua ở các bộ, ngành, địa phương và cơ sở
Thứ hai, sửa đổi các quy định về khen thưởng nhằm khen thưởng nhiều hơn đối với người lao động trực tiếp thông qua việc quy định các tiêu chuẩn riêng, cụ thể một số hình thức khen thưởng đối với công nhân, nông dân, đồng thời sửa đổi một số tiêu chuẩn để phù hợp với thực tiễn lao động sản xuất của công nhân, nông dân. Quy định khen thưởng đối với tập thể, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài để phù hợp với quá trình phát triển, hội nhập quốc tế và tăng cường khen thưởng đối ngoại theo Chỉ thị của Bộ Chính trị. Bổ sung tiêu chuẩn một số hình thức khen thưởng đối với tập thể, cá nhân theo hướng cụ thể, phù hợp với các quy định của Đảng và các luật có liên quan.
Thứ ba, hoàn thiện các quy định về thẩm quyền và trách nhiệm quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng, trong đó quy định cụ thể về thẩm quyền công nhận danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng. Phân cấp cho bộ, ban, ngành, tỉnh quy định cụ thể về đối tượng, tiêu chuẩn cụ thể một số danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng thuộc thẩm quyền, như: Quy định cụ thể tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến”; đối tượng, tiêu chuẩn xét tặng Cờ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh; danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, “Đơn vị Quyết thắng”; danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến”, “Đơn vị tiên tiến”; tiêu chuẩn Bằng khen cấp bộ, ban, ngành, tỉnh cho cá nhân, gia đình...
Thứ tư, sửa đổi các quy định để thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong thi đua, khen thưởng (giảm số lượng hồ sơ, thành phần hồ sơ...), quy định hồ sơ, thủ tục đơn giản đối với việc khen thưởng do người đứng đầu phát hiện, khen thưởng đột xuất, khen thưởng cống hiến, khen thưởng đối ngoại, khen thưởng thành tích có nội dung bí mật nhà nước, để kịp thời khen thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích đột xuất, công trạng rõ ràng và phục vụ khen thưởng đối ngoại. Quy định cụ thể về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng và hệ thống thi đua, khen thưởng.
Sửa đổi để khắc phục kịp thời những bất cập, vướng mắc
Sau 17 năm tổ chức thực hiện, Luật đã bộc lộ những hạn chế, tồn tại gì cần được sửa đổi, bổ sung kịp thời cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống, thưa ông?
Ông Phạm Huy Giang: Luật Thi đua, khen thưởng được Quốc hội khóa XI (Kỳ họp thứ 4) thông qua ngày 26/11/2003, có hiệu lực từ ngày 01/7/2004 và được sửa đổi, bổ sung năm 2005, năm 2013. Sau 17 năm thực hiện, Luật đi vào cuộc sống, được các cấp, các ngành tổ chức thực hiện có hiệu quả. Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình tổ chức thực hiện còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được nghiên cứu, sửa đổi để hoàn thiện, phù hợp với thực tiễn.
Cụ thể, về công tác thi đua: Việc tổ chức triển khai một số phong trào thi đua còn hình thức, chưa tạo được động lực thi đua từ cơ sở, từ quần chúng nhân dân; hiệu quả, tác dụng còn chưa cao, một số nơi phong trào thi đua chưa gắn kết với thực hiện nhiệm vụ chính trị; việc sơ kết, tổng kết phong trào thi đua chưa kịp thời; nội dung, tiêu chí xét tặng danh hiệu thi đua chưa cụ thể, rõ ràng, việc công nhận danh hiệu thi đua chưa thống nhất. Thực tiễn có danh hiệu thi đua chưa được quy định trong Luật nhưng đã đi vào cuộc sống và có tác dụng động viên kịp thời, cần được bổ sung vào Luật để tạo cơ sở pháp lý khi triển khai thực hiện.
Đối với công tác khen thưởng, Luật có đối tượng điều chỉnh rộng liên quan đến cả hệ thống chính trị nhưng điều kiện, tiêu chuẩn khen thưởng chưa bao quát hết các đối tượng và người trực tiếp lao động, sản xuất.
Luật hiện hành đã có quy định về tiêu chuẩn để khen thưởng cho công nhân, nông dân, người lao động nhưng trong quá trình tổ chức thực hiện còn có khó khăn, vướng mắc. Một số quy định về tiêu chuẩn chưa rõ ràng, cụ thể, phải điều chỉnh bằng nghị định, thông tư…
Luật hiện hành quy định các hình thức khen thưởng cấp Nhà nước và các hình thức khác thuộc thẩm quyền của các cấp, các ngành nhưng trên thực tế việc phân cấp trong khen thưởng chưa quy định rõ, tỷ lệ khen thưởng cấp nhà nước chưa cân đối trong từng lĩnh vực, tập trung chủ yếu vào khen niên hạn, khen công chức, viên chức, lực lượng vũ trang. Một số quy định về khen thưởng của Đảng chưa được thể chế hoá.
Về thủ tục, hồ sơ khen thưởng: Một số quy định về thủ tục, hồ sơ chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính, thành phần số lượng hồ sơ còn nhiều; quy định thủ tục một số loại hình khen thưởng chưa hợp lý.
Luật chưa quy định cụ thể về quy trình thủ tục, hồ sơ khen thưởng đối với tập thể, cá nhân khi cấp trên phát hiện có thành tích đột xuất. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi đua, khen thưởng đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa chưa được quy định cụ thể...
Từ những vấn đề nêu trên cần sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng để thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng tại Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị; nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện của Luật Thi đua, khen thưởng; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Thẳng thắn nhìn nhận thì một số phong trào thi đua vẫn còn mang tính hình thức, chưa tạo được động lực thi đua từ cơ sở, từ quần chúng nhân dân, trong khen thưởng thì đối tượng điều chỉnh rộng nhưng lại chưa bao quát hết các đối tượng là người lao động trực tiếp… Giải quyết vấn đề này ra sao, thưa ông?
Ông Phạm Huy Giang: Trong những năm qua, phong trào thi đua trong cả nước đã có nhiều đổi mới, sáng tạo về nội dung, hình thức, ngày càng thiết thực, hiệu quả, tạo động lực góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của các bộ, ngành, địa phương và của đất nước; đặc biệt là các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động đã được các cấp, các ngành triển khai hiệu quả, trở thành nòng cốt, định hướng cho các phong trào thi đua.
Tuy nhiên, trên bình diện chung của cả nước, phong trào thi đua và công tác khen thưởng vẫn có những tồn tại, hạn chế. Theo tôi, để khắc phục, trong thời gian tới, công tác thi đua, khen thưởng cần tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu:
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật về thi đua, khen thưởng, trọng tâm là việc xây dựng Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi và các quy định chi tiết thi hành, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện để tổ chức hiệu quả các phong trào thi đua và công tác khen thưởng.
Đặc biệt, trong sửa đổi luật lần này sẽ bổ sung trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phát động phong trào thi đua, phát hiện, tuyên truyền, phổ biến và nhân rộng các điển hình tiên tiến; trách nhiệm trong việc phát hiện tập thể, cá nhân có thành tích để khen thưởng và trình cấp có thẩm quyền khen thưởng.
Đồng thời, dự thảo luật cũng xây dựng cụ thể tiêu chuẩn xét tặng Huân chương Lao động, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen cấp bộ, cấp tỉnh cho công nhân, nông dân, người lao động nhằm tăng cường khen thưởng cho người trực tiếp lao động, sản xuất.
Trong tổ chức phong trào thi đua phải thực sự thiết thực, cụ thể và gắn với nhiệm vụ chính trị, nhất là những nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá và phải mang lại lợi ích thực tế cho tập thể và cá nhân những người tham gia.Các phong trào thi đua phải luôn gắn liền với công tác thông tin, tuyên truyền với nội dung và hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, vùng miền, ngành nghề. Gắn công tác tuyên truyền với việc phát hiện, tôn vinh, biểu dương nhân rộng các điển hình tiên tiến; gắn kết giữa thi đua và khen thưởng, khen thưởng phải chính xác, công bằng, công khai theo đúng quy định.
Công tác khen thưởng phải được thực hiện kịp thời, đúng quy định, bảo đảm công khai, minh bạch, đáp ứng yêu cầu “động viên, giáo dục, nêu gương”. Quan tâm nhiều hơn việc khen thưởng tập thể nhỏ, người lao động trực tiếp sản xuất, công tác; các tập thể, cá nhân ở cơ sở, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số và các trường hợp lập được thành tích đột xuất, đặc biệt xuất sắc và các hành động dũng cảm, xả thân vì Tổ quốc, vì cộng đồng.
Quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác thi đua khen thưởng. Tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ ổn định, có năng lực chuyên môn, đạo đức, tâm huyết và công tâm với công việc, chủ động tham mưu, mạnh dạn đề xuất, đổi mới, sáng tạo tổ chức phong trào thi đua và công tác khen thưởng sẽ mang lại hiệu quả thiết thực.
Tăng cường khen thưởng cơ sở, vùng sâu vùng xa, người lao động trực tiếp
Trên thực tế, việc phân cấp và tỷ lệ trong khen thưởng chưa quy định rõ, chưa cân đối trong từng lĩnh vực mà chủ yếu khen thưởng niên hạn, khen thưởng cho công chức viên chức, lực lượng vũ trang?
Ông Phạm Huy Giang: Như tôi đã nói ở trên, để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng và thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng theo Chỉ thị 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị, một trong những nội dung trong sửa đổi luật lần này là phân cấp về thẩm quyền cho bộ, ban, ngành, tỉnh quy định cụ thể tiêu chuẩn một số danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng thuộc thẩm quyền theo hướng: Luật sẽ quy định tiêu chuẩn chung đối với danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng theo thẩm quyền của bộ, ban, ngành, tỉnh; đồng thời giao bộ, ban, ngành, tỉnh trên cơ sở quy định chung của luật, căn cứ đặc điểm, tình hình của từng đối tượng, lĩnh vực, ngành nghề, quy định cụ thể tiêu chuẩn cho phù hợp, nhằm tăng cường khen thưởng ở cơ sở, vùng sâu, vùng xa...
Mặt khác, dự thảo luật cũng quy định cụ thể thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xét tặng danh hiệu thi đua và khen thưởng đối với nông dân, người lao động trên địa bàn; quy định tiêu chuẩn cụ thể tặng thưởng Huân chương Lao động (các hạng), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen cấp bộ, cấp tỉnh cho công nhân, nông dân, người lao động; sửa đổi tiêu chuẩn khen thưởng cho công nhân, nông dân “có sáng kiến” hoặc “mô hình sản xuất hiệu quả” thay thế tiêu chuẩn “có phát minh, sáng chế”, để phù hợp với thực tiễn quá trình lao động, sản xuất của công nhân, nông dân.
Với những quy định cụ thể như trên và các quy định khác được xây dựng trong dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng, nếu được thông qua và tổ chức thực hiện sẽ góp phần tăng tỷ lệ khen thưởng đối với các lĩnh vực, đối tượng khác, sẽ tạo sự cân đối hơn trong công tác khen thưởng.
Dư luận băn khoăn và cho rằng viết “sáng kiến kinh nghiệm” trong các cơ quan đơn vị rất hình thức. Vậy chúng ta có nên bỏ hay không, thưa ông?
Ông Phạm Huy Giang: Luật Thi đua, khen thưởng không quy định cá nhân khi đề nghị khen thưởng phải viết “sáng kiến kinh nghiệm”, trong quá trình lao động, sản xuất, học tập, công tác, nếu cá nhân có sáng kiến được áp dụng mang lại hiệu quả, góp phần tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả công tác thì được xem xét tặng thưởng danh hiệu thi đua hoặc hình thức khen thưởng theo quy định.
Trong thời gian qua, nhiều cá nhân có sáng kiến, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đã được khen thưởng, có tác dụng khuyến khích, động viên cá nhân đổi mới, sáng tạo. Trong dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng lần này, một số danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng vẫn tiếp tục quy định “sáng kiến” là một trong những tiêu chuẩn để xét khen thưởng.
Đồng thời, tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, đối với hình thức khen thưởng Huân chương Lao động, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen cấp bộ, cấp tỉnh cho cá nhân đã bổ sung tiêu chuẩn lấy danh hiệu thi đua làm tiêu chuẩn để xét khen thưởng (thay thế tiêu chuẩn “có sáng kiến”), để bảo đảm mối quan hệ giữa thi đua và khen thưởng, tạo động lực phát triển các phong trào thi đua từ cơ sở.
Ông kỳ vọng gì khi Luật Thi đua, khen thưởng mới được ban hành và đi vào cuộc sống?
Ông Phạm Huy Giang: Dự án Luật Thi đua, khen thưởng đã được hoàn thiện để trình Chính phủ cho ý kiến, trong quá trình thực hiện các trình tự, thủ tục theo quy định, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát và tiếp thu ý kiến của các cơ quan để tiếp tục hoàn thiện dự án luật trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội. Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) được ban hành và triển khai thực hiện sẽ tạo cơ sở pháp lý ngày càng hoàn thiện để Nhà nước quản lý thi đua, khen thưởng bằng pháp luật, là cơ sở cho việc nghiên cứu, hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng; khắc phục được những tồn tại, hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện một số quy định của Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành.
Việc tổ chức thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) cũng góp phần nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị đối với công tác thi đua, khen thưởng; tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua, thực hiện có hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng trên phạm vi cả nước, tạo động lực góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng./.
Trân trọng cảm ơn ông!
(Theo chinhphu.vn)