Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2021
Chiều 5/5, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ, VPCP tổ chức buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2021, cung cấp thông tin tình hình kinh tế-xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Trần Văn Sơn phát biểu tại họp báo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Buổi họp báo diễn ra ngay sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2021 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu tiên sau khi Chính phủ được Quốc hội kiện toàn tại kỳ họp thứ 11.
Mở đầu buổi họp báo đầu tiên với tư cách là Người phát ngôn Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn đề cao vai trò của công tác thông tin, báo chí và đã có nhiều chỉ đạo về công tác này. Tinh thần chung là đổi mới theo hướng chủ động cung cấp thông tin chính thống, bảo đảm chính xác, kịp thời, tạo đồng thuận xã hội.
Tổng hợp những nội dung chính của phiên họp Chính phủ, Người phát ngôn Chính phủ cho biết, tại phiên họp, Chính phủ đã nghe và thảo luận về các nội dung: tình hình kinh tế-xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2021, tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; báo cáo về một số vấn đề nổi lên gần đây trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 và chủ trương xây dựng Đề án nhập khẩu, sản xuất, tổ chức tiêm vaccine và bố trí, huy động nguồn lực để thực hiện; công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 142/2016/QH13 ngày 12/4/2016 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và một số nội dung quan trọng khác.
Luôn sẵn sàng đối phó với dịch bệnh ở mức cao nhất
Nội dung đầu tiên được Chính phủ xem xét tại phiên họp là một số vấn đề nổi lên gần đây trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, xuất hiện tình huống xấu và khó lường khi xuất hiện các ca nhiễm trong cộng đồng tại nhiều địa phương.
Về nội dung này, Chính phủ thống nhất nhận định, thời gian qua, Ban Bí thư, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã thường xuyên chỉ đạo quyết liệt; cả hệ thống chính trị đã tích cực vào cuộc kịp thời; nhiều biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp đã được triển khai hiệu quả; đến nay, dịch bệnh vẫn cơ bản trong tầm kiểm soát.
Tuy nhiên, dự báo tình hình dịch COVID-19 tiếp tục phức tạp và kéo dài; chưa một quốc gia, tổ chức hay các nhân nào có thể khẳng định thời điểm kết thúc. Do đó, đại dịch này vẫn đang là mối đe dọa lớn, nếu không kiểm soát tốt, dịch có thể cuốn trôi mọi thành quả chúng ta đã đạt được trong hơn 1 năm qua. Chính vì vậy, nhiệm vụ quan trọng nhất của Chính phủ, của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương hiện nay là phòng, chống dịch COVID-19 một cách triệt để, hiệu quả, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, bảo đảm cuộc sống an toàn, ổn định cho nhân dân; nỗ lực giữ vững những thành quả đã đạt được, tiếp tục phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương, các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị và nhân dân phải luôn sẵn sàng đối phó với dịch bệnh ở mức cao nhất, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác nhưng cũng không bi quan, hoảng hốt; phải luôn bình tĩnh, tỉnh táo, nghiêm túc, trách nhiệm trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện và triển khai các giải pháp phòng chống COVID-19 tốt hơn, phù hợp hơn với diễn biến dịch bệnh.
"Vai trò của các bạn phóng viên có mặt tại đây là rất quan trọng trong việc cung cấp thông tin chính xác, kịp thời để người dân nắm bắt thông tin, bình tĩnh, thực hiện các biện pháp phòng dịch cần thiết, đồng thời tạo tâm lý ổn định, an tâm", Bộ trưởng Trần Văn Sơn nhấn mạnh.
Tại Phiên họp hôm nay, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo, nhắc nhở của Chủ tịch nước, Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, đặc biệt là Công điện 570/CĐ-TTg ngày 2/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19. Chống dịch phải thực chất, cụ thể, chi tiết, tuyệt đối không hình thức, phô trương. Thực hiện nghiêm quan điểm “chống dịch như chống giặc”, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, sức khỏe của nhân dân, của cộng đồng lên trên hết. Như phương châm đã nêu tại Nghị quyết 45 ngày 16/4/2021 là: “phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình”.
Tiếp tục nêu cao ý thức và trách nhiệm trong phòng, chống dịch, tuyệt đối không bao che, nể nang; xử lý nghiêm, không có ngoại lệ đối với các trường hợp vi phạm gây lây nhiễm dịch bệnh; các hành vi nhập cảnh trái phép, không tuân thủ quy định về cách ly y tế có thể bị xem xét xử lý hình sự tùy theo mức độ vi phạm. Thực hiện nghiêm cách ly y tế, nhất là đối với người nhập cảnh. Cùng với đó, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các quy định, quy chế về phòng chống dịch và xử lý hậu quả cũng như bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội.
Giao Bộ Y tế chủ trì chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị và địa phương có phương án bảo đảm nhân lực, thuốc chữa bệnh, trang thiết bị, phương tiện khám, chữa bệnh phục vụ nhân theo các kịch bản, phương án ứng phó và tình huống diễn biến của dịch bệnh. Chủ động, tích cực tiếp cận nhiều nguồn vaccine và công nghệ xét nghiệm nhanh; đẩy nhanh tiến độ tiêm số vaccine hiện đang có, bảo đảm an toàn và không để vaccine quá hạn; công khai việc tiêm vaccine trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân giám sát. Đồng thời, xây dựng Đề án nhập khẩu, sản xuất, tổ chức tiêm vắc xin và huy động nguồn lực thực hiện, báo cáo Chính phủ tại phiên họp chuyên đề vào tháng 5 năm 2021.
Chính phủ đồng ý với việc công dân Việt Nam từ các nước láng giềng về nước bằng đường bộ khi thực hiện biện pháp cách ly y tế tập trung theo yêu cầu phòng, chống dịch thì được ngân sách Nhà nước hỗ trợ chi phí cách ly y tế (bao gồm chi phí: đưa đón từ cơ sở, địa điểm phát hiện đến cơ sở cách ly y tế tập trung; xét nghiệm sàng lọc; phục vụ sinh hoạt; tiền ăn, ở) tại các cơ sở cách ly bắt buộc.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Kinh tế-xã hội tiếp tục phục hồi tích cực
Về tình hình kinh tế-xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2021; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, Chính phủ khẳng định: Kinh tế-xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2021 tiếp tục phục hồi và đạt được những kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng 4 tháng tăng 0,89%, mức thấp nhất kể từ năm 2016. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm.
Thu ngân sách nhà nước 4 tháng đạt 40,5% dự toán năm, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2020; đã gia hạn thời hạn nộp thuế đối với khoảng 24.000 tỷ đồng theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP; đã bố trí 12.100 tỷ đồng tiết kiệm chi thường xuyên năm 2020 chuyển sang năm 2021 để mua vaccine.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 4 tháng ước tăng 29,5% so với cùng kỳ năm trước; tiếp tục duy trì xuất siêu, đạt 1,29 tỷ USD. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 4 tăng 24,1%, tính chung 4 tháng, ước tăng 10% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 12,7%, cao hơn cùng kỳ năm trước (tăng 9,7%). Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai hiệu quả.
"Vừa qua, báo chí cũng đã đưa rất nhiều tin tức về chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ tới Indonesia để dự Hội nghị các nhà Lãnh đạo ASEAN. Hội nghị này là dịp Việt Nam tiếp tục khẳng định nỗ lực đối với tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, thể hiện tinh thần đầy trách nhiệm, sẵn sàng phối hợp ứng phó các vấn đề nảy sinh; đồng thời tiếp tục mở rộng và phát triển quan hệ toàn diện với các nước trong khu vực, tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa lãnh đạo Việt Nam và lãnh đạo ASEAN", Bộ trưởng Trần Văn Sơn nhấn mạnh.
Từ phân tích thẳng thắn, sâu sắc thực trạng tình hình, những khó khăn, thách thức, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, các Nghị quyết số 01, 02 ngày 01/01/2021, Nghị quyết số 45 ngày 16/4/2021 và các nghị quyết khác của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Kiên định thực hiện “mục tiêu kép“, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Tập trung nghiên cứu, rà soát, có biện pháp kịp thời, hiệu lực tháo gỡ những vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách để giải phóng các nguồn lực phục vụ phát triển đất nước. Như Thủ tướng Chính phủ đã phát biểu tại Phiên họp Chính phủ ngày 15/4, chúng ta phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tự lực, tự cường, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, quyết liệt trong hành động.
Khẩn trương tổng kết, đánh giá, đề xuất giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian qua, nhất là vốn ODA. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn để bảo đảm giải ngân hết số vốn được giao.
Thúc đẩy tiêu thụ nông sản, đặc biệt là các loại nông sản vào mùa thu hoạch lớn. Tập trung đẩy nhanh triển khai các dự án đầu tư lớn của ngành, đặc biệt là các dự án trọng điểm, các dự án năng lượng; nghiên cứu, xây dựng các phương án tiêu thụ điện, cơ chế điều chỉnh giá bán điện phù hợp với nhu cầu sử dụng tại các thời điểm, tránh việc cắt giảm, lãng phí điện.
Theo dõi sát diễn biến giá cả, nhất là hiện tượng tăng giá các mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu trong thời gian qua, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ các biện pháp bảo đảm kiểm soát lạm phát. Tiếp tục đẩy mạnh kết nối cung cầu thị trường lao động, tạo việc làm cho người lao động. Tập trung xây dựng, trình ban hành các Nghị quyết về định hướng giảm nghèo bao trùm đến năm 2030.
Tập trung rà soát các vướng mắc, khẩn trương tổng kết việc thi hành Luật Đất đai. Kiên quyết xử lý các vi phạm về môi trường; kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải. Có biện pháp hỗ trợ hiệu quả việc đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa của Việt Nam ở nước ngoài, nhất là đối với những hàng hóa và tại thị trường tiềm năng.
Các bộ, cơ quan tập trung rà soát, sớm báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét việc điều chỉnh cơ cấu Chính phủ, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, cơ quan cho phù hợp yêu cầu của tình hình mới. Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam đến năm 2030 và Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài.
Tăng cường bố trí lực lượng kiểm soát chặt chẽ, kiên quyết ngăn chặn người, phương tiện xuất, nhập cảnh trái phép trên toàn tuyến biên giới đường bộ, đường biển, đường thủy; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Tiếp tục triển khai hiệu quả các hoạt động đối ngoại cấp cao; thúc đẩy thực hiện những kết quả của Hội nghị các Nhà lãnh đạo ASEAN tại Indonesia; phát huy vai trò tích cực đẩy mạnh hợp tác trong và ngoài ASEAN; tiếp tục đảm nhiệm tốt vai trò Ủy viên Không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc.
Tập trung phục vụ bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp
Về công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, đây là cuộc vận động chính trị quan trọng và là đợt sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân; là ngày hội của toàn dân. Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục tập trung chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, kịp thời cấp phát kinh phí và các điều kiện cần thiết phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, an toàn trong bối cảnh dịch COVID-19; triển khai hiệu quả công tác thông tin truyền thông về bầu cử, tạo sự đồng thuận trong xã hội; đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội trong dịp bầu cử.
Người Phát ngôn Chính phủ nhấn mạnh, trong tháng 5 và thời gian tới, nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19, bảo đảm thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 cũng như nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội là rất nặng nề, rất cần sự chung tay của tất cả chúng ta, trong đó có vai trò quan trọng của báo chí.
"Tôi tin rằng các đồng chí, các bạn, nhất là các bạn phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tin báo chí có mặt hôm nay - những người làm báo uy tín, tâm huyết, có trách nhiệm chính trị, nghĩa vụ công dân, đạo đức nghề nghiệp cao sẽ phối hợp chặt chẽ với VPCP, tiếp tục thông tin, truyền thông tốt hơn nữa về các hoạt động và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, góp phần vào sự nghiệp chung xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", Bộ trưởng Trần Văn Sơn bày tỏ.
Nội dung hỏi đáp tại họp báo:
PV Hiếu Công (Zing News): Bộ VHTT&DL đã nghiên cứu hộ chiếu vaccine đến đâu, và trước đề xuất của tỉnh Quảng Nam là chấp nhận hộ chiếu vaccine thì Chính phủ đã có câu trả lời chưa?
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn: Về hộ chiếu vaccine, Thủ tướng đã có chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét các biện pháp phòng chống dịch phù hợp khi triển khai hộ chiếu vaccine. Tuy nhiên, hộ chiếu vaccine vẫn là vấn đề đang được nhiều nước nghiên cứu, thảo luận.
Nhiều ý kiến cho rằng hộ chiếu vaccine có thể được sử dụng chỉ khi miễn dịch chủ động trong cộng đồng đạt được nhờ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Tuy nhiên, chưa đủ bằng chứng về hiệu quả phòng ngừa của vaccine đối với các biến chủng của SARS-CoV-2.
Bộ Y tế sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, báo cáo, đề xuất Chính phủ xem xét quyết định thời điểm phù hợp với quan điểm an toàn cho người dân được đặt lên hàng đầu bởi vì như đã nói ở trên, các loại vaccine không có loại nào đạt hiệu quả 100% cả. Mặt khác, hộ chiếu vaccine chỉ có hiệu quả khi trong nước đạt được miễn dịch cộng đồng, nghĩa là 70% dân số được tiêm chủng. Do đó khi áp dụng hộ chiếu vaccine, chúng ta phải lưu ý, xem xét và có những thông tin hết sức đầy đủ để áp dụng, triển khai đảm bảo hiệu quả và an toàn. Trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh việc tiêm chủng vaccine, chúng ta cần thực hiện tốt khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, thực hiện tốt những biện pháp này là chúng ta đã góp phần đẩy lùi dịch bệnh.
(Theo chinhphu.vn)