Thứ Hai, 26/07/2021, 09:48 (GMT+7)
.

"Ngọn nến tri ân" vẫn cháy mãi…

Năm nay, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên một số hoạt động đền ơn đáp nghĩa nhân dịp kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2021) không được tổ chức như hằng năm, trong đó có hoạt động thắp nến tri ân.

Tuy nhiên, dù những ngọn nến hồng không được thắp trên các phần mộ ở các nghĩa trang liệt sĩ trong toàn tỉnh Tiền Giang, nhưng “ngọn nến tri ân” các Anh hùng liệt sĩ vẫn sẽ cháy mãi trong lòng mỗi chúng ta…

KHÔNG ĐỂ GIA ĐÌNH CHÍNH SÁCH  NÀO “BỊ BỎ LẠI PHÍA SAU”

Hoạt động thắp nến tri ân nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7 đã được Tỉnh đoàn Tiền Giang phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh tổ chức trong nhiều năm qua, nhằm thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa của tuổi trẻ tỉnh nhà đối với các thế hệ cha anh đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.

Năm nay, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nên tỉnh không tổ chức hoạt động thắp nến tri ân. (Trong ảnh: Thắp nến tri ân tại Bia ghi danh liệt sĩ ở huyện Tân Phú Đông nhân kỷ niệm 68 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7-2015), ảnh: Phương Mai.
Năm nay, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nên tỉnh Tiền Giang không tổ chức hoạt động thắp nến tri ân. (Trong ảnh: Thắp nến tri ân tại Bia ghi danh liệt sĩ ở huyện Tân Phú Đông nhân kỷ niệm 68 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7-2015). Ảnh: Phương Mai.

Đã nhiều lần chứng kiến hoạt động thắp nến tri ân ở Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Tiền Giang, nhưng lần nào chúng tôi cũng trào dâng cảm xúc bởi sự thiêng liêng, bởi tình cảm chân thành, lắng đọng của tuổi trẻ tỉnh nhà hướng về các Anh hùng liệt sĩ, hướng về nguồn cội với lòng tri ân và tự hào.

Thế mới thấy, thắp nến tri ân là hoạt động mang nhiều ý nghĩa, qua đó góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng tự hào dân tộc, khơi dậy tinh thần yêu nước, nâng cao ý thức trách nhiệm cho tuổi trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

Dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7 năm nay do phòng, chống dịch Covid-19 nên hoạt động thắp nến tri ân sẽ không được tổ chức. Tuy nhiên, ngọn nến tri ân chưa bao giờ ngừng cháy trong tim tuổi trẻ Tiền Giang nói riêng và toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tỉnh nhà nói chung. Chính vì vậy, hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn vẫn luôn được tiếp nối từ thế hệ này đến thế hệ khác.

Ngay cả khi kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay đúng vào lúc dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, một số hoạt động tri ân phải tạm gác lại, nhưng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tỉnh nhà vẫn luôn hướng về các Anh hùng liệt sĩ, những gia đình chính sách, có công với cách mạng, những phần quà của Đảng và Nhà nước được gửi đến tất cả gia đình chính sách đúng dịp 27-7, không để bất kỳ gia đình chính sách nào bị “bỏ lại phía sau”.

Phát biểu tại buổi gặp mặt 50 đại biểu là người có công tiêu biểu diễn ra vào chiều ngày 24-7-2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: “Chiến tranh đã lùi xa chúng ta, nhưng nỗi đau vẫn còn hiện hữu. Hàng triệu người con gửi lại tuổi thanh xuân, gửi lại ước mơ, gửi lại khát vọng dưới lòng đất…”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng nói: “Sự hy sinh anh dũng của liệt sĩ đã làm cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ…”.

Bác nhắc nhở: “Đối với những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng”. Chính vì vậy, 46 năm đã trôi qua kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, truyền thống uống nước nhớ nguồn cao đẹp của dân tộc luôn được tiếp nối, “ngọn nến tri ân” vẫn được thắp lên, cháy mãi, lan tỏa từ thế hệ này sang thế hệ khác, trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống xã hội.

ĐỀN ƠN ĐÁP NGHĨA TRỞ THÀNH NÉT ĐẸP VĂN HÓA

46 năm qua, dù trải qua nhiều bước thăng trầm, nhưng “ngọn nến tri ân” vẫn không ngừng thắp lên và lan tỏa mạnh mẽ đến tất cả các ngành, các cấp và các tầng lớp nhân dân, từ đó luôn dấy lên phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, đầy nghĩa tình trong chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình người có công với cách mạng, thể hiện truyền thống “hiếu nghĩa bác ái”, lòng quý trọng và biết ơn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những người đã vì nền độc lập, tự do, thống nhất đất nước, vì cuộc sống bình yên của nhân dân mà cống hiến, hy sinh.

Cấp ủy, chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”, xem đây là trách nhiệm, tình cảm, vinh dự để tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã có công lao trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, góp phần thực hiện tốt an sinh xã hội, vun đắp, tô thắm thêm truyền thống nhân nghĩa tốt đẹp của dân tộc.

Năm nay, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nên tỉnh không tổ chức hoạt động thắp nến tri ân. (Trong ảnh: Thắp nến tri ân nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7-2016, ảnh: Tuấn LÂm).
Năm nay, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nên tỉnh Tiền Giang không tổ chức hoạt động thắp nến tri ân. (Trong ảnh: Đoàn viên, thanh niên chuẩn bị thắp nến tri ân nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7-2016, ảnh: Tuấn Lâm).

Trên tinh thần đó, cấp ủy và chính quyền các cấp của tỉnh nhà đã quyết tâm đưa công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng trở thành một nét đẹp văn hóa trong đời sống hằng ngày, đền đáp xứng đáng sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh cho cuộc sống hòa bình, tự do, ấm no, hạnh phúc của dân tộc hôm nay.

Qua đó, đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho gia đình chính sách được thực hiện, như vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa để xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa; tặng Sổ tiết kiệm tình nghĩa; nhận phụng dưỡng 100% Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống, cha mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn; mua bảo hiểm y tế cho 100% đối tượng thuộc diện hưởng chính sách bảo hiểm y tế; tổ chức nhiều chương trình đền ơn đáp nghĩa cho đối tượng chính sách ở vùng sâu, vùng căn cứ cách mạng. Ngoài ra, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn được khám, chữa bệnh theo tiêu chuẩn Tỉnh ủy Tiền Giang quản lý tại Bệnh viện Thống nhất TP. Hồ Chí Minh.

Hằng năm, ngành LĐ-TB&XH tỉnh Tiền Giang còn đưa thương binh đi an dưỡng, tổ chức đưa Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và người có công tiêu biểu đi tham quan thủ đô Hà Nội và viếng Lăng Bác. Hầu hết các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được Đảng, Nhà nước xây tặng nhà tình nghĩa.

Các phong trào chăm sóc khác cũng được quan tâm như: Xây dựng mô hình VAC (vườn - ao - chuồng) cho hộ chính sách; hỗ trợ nước sạch để sử dụng; hỗ trợ điện thắp sáng; tặng tủ thờ, ghế thờ cho gia đình liệt sĩ; hỗ trợ hộ chính sách được vay vốn từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm để phát triển sản xuất, chuyển giao khoa học - kỹ thuật…

Ngoài ra, còn có các hình thức giúp đỡ khác cho đối tượng chính sách như: Vận động ngày công lao động để tôn tạo nền nhà, sửa chữa nhà, đào ao lập vườn, hoặc hướng dẫn kinh nghiệm sản xuất… Nhờ thực hiện nhiều chính sách nên hiện nay hộ gia đình chính sách có mức sống bằng và cao hơn mức sống trung bình của hộ dân cư trên địa bàn cư trú.

Những kết quả đạt được của phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” của tỉnh Tiền Giang đã góp phần tô đậm thêm nét đẹp văn hóa của người dân Việt Nam, làm giàu thêm truyền thống nhân văn của dân tộc. Đó là biểu tượng của trách nhiệm, của nghĩa tình.

NGUYÊN CHƯƠNG

.
.
.