"Sự kiện chính trị trọng đại của đất nước đã diễn ra dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật"
Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Vương Đình Huệ khẳng định, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 là sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, đã diễn ra dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, đảm bảo an toàn, tiết kiệm và thành công rất tốt đẹp, thực sự là ngày hội lớn của toàn dân.
Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: VIẾT CHUNG |
Ngày 15-7, hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 đã được tổ chức dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Vương Đình Huệ, tại điểm cầu Nhà Quốc hội.
Tăng chuyên trách, giảm kiêm nhiệm
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Vương Đình Huệ khẳng định, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 là sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, đã diễn ra dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, đảm bảo an toàn, tiết kiệm và thành công rất tốt đẹp, thực sự là ngày hội lớn của toàn dân.
Đây là cuộc bầu cử có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, thể hiện ở số lượng cử tri tham gia bỏ phiếu, với gần 70 triệu lá phiếu tại 84.767 khu vực bỏ phiếu.
Cử tri đã lựa chọn trong số gần 45.000 người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp để bầu chọn những người thực sự tiêu biểu, xứng đáng cả về phẩm chất đạo đức và năng lực, trí tuệ đại diện cho mình tham gia vào các cơ quan quyền lực nhà nước ở Trung ương và địa phương.
Kết quả, như Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, cử tri cả nước đã bầu đủ 500 đại biểu Quốc hội khóa XV. Tuy nhiên, Hội đồng bầu cử quốc gia đã quyết định không xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV vì không bảo đảm tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội theo quy định của pháp luật đối với 1 trường hợp tại đơn vị bầu cử số 1 thuộc tỉnh Bình Dương.
Do đó, đã có 499 người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV (đạt 99,8%). Đáng lưu ý, cơ cấu thành phần đại biểu Quốc hội khóa XV đã giảm đại biểu kiêm nhiệm làm việc trong các cơ quan hành pháp, tư pháp, tăng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIẾT CHUNG |
Lần đầu tiên trong các nhiệm kỳ Quốc hội, tỷ lệ đại biểu Quốc hội dự kiến hoạt động chuyên trách trúng cử cao, đạt 38,6% tổng số đại biểu Quốc hội. Các cơ cấu như tỷ lệ đại biểu là phụ nữ, trẻ tuổi, đại biểu là người dân tộc thiểu số, đại biểu tái cử đều đạt hoặc vượt so với chỉ tiêu đặt ra...
Cử tri cũng đã bầu ra 3.721 đại biểu HĐND cấp tỉnh; 22.550 đại biểu HĐND cấp huyện và 239.788 đại biểu HĐND cấp xã.
Tại hội nghị, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Đỗ Văn Chiến cũng khẳng định: “Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử, thật sự là ý Đảng lòng dân, thể hiện niềm tin tuyệt đối của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ của chúng ta. Qua các sự kiện chính trị trọng đại của Đảng, Nhà nước và công cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19 ở nước ta, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống MTTQ từ Trung ương đến địa phương, cơ sở thấm nhuần sâu sắc thêm lời dạy thiêng liêng của Bác Hồ: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định về bầu cử
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhận định, cuộc bầu cử lần này cũng còn một số hạn chế.
Chẳng hạn, cơ cấu đại biểu trúng cử có nơi chưa đạt, một số trường hợp nhân sự do Trung ương giới thiệu về địa phương ứng cử nhưng không trúng cử đại biểu Quốc hội. Như, Trung ương giới thiệu về TPHCM 13 người, nhưng có 6 người không trúng cử; giới thiệu về Sóc Trăng 3 người, nhưng có 1 người không trúng cử; Trà Vinh, Vĩnh Long mỗi tỉnh được Trung ương giới thiệu 2 người, nhưng mỗi tỉnh chỉ có 1 người trúng cử.
Ở một số khu vực bầu cử còn để xảy ra nhầm lẫn trong việc đóng dấu phiếu bầu; sai sót trong in ấn tiểu sử tóm tắt của ứng cử viên, danh sách chính thức người ứng cử không sắp xếp đúng thứ tự; phiếu bầu in sai tên đệm của một số ứng cử viên đại biểu HĐND cấp xã.
Vẫn còn một số ít đơn vị hành chính cấp xã chưa bầu đủ số lượng đại biểu cần bầu, phải tổ chức bầu cử thêm; còn 5 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp xã phải tổ chức bầu cử lại…
Tuy nhiên, Hội đồng Bầu cử quốc gia đánh giá, những sai sót, khiếm khuyết nói trên chỉ là cá biệt và đều đã được các cơ quan, tổ chức phụ trách bầu cử khắc phục, xử lý kịp thời theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật.
Rút kinh nghiệm từ cuộc bầu cử lần này, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đề nghị chỉ đạo nghiên cứu, hoàn thiện các quy định của pháp luật về bầu cử, chẳng hạn như việc đổi mới hình thức tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử theo hình thức trực tiếp và trực tuyến; việc tổ chức bầu cử sớm ở một số địa bàn khó khăn…; thống nhất hướng dẫn rõ ràng, cụ thể về tiêu chuẩn chính trị, độ tuổi và sức khỏe của người ứng cử để bảo đảm kịp thời, thống nhất.
Về phía Chính phủ, đồng thuận với những đánh giá về thành công của cuộc bầu cử, song Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, bên cạnh đó, một số khó khăn, bất cập cũng đã ảnh hưởng lớn đến quá trình chuẩn bị và tổ chức bầu cử. Đơn cử, kinh phí phục vụ cuộc bầu cử còn hạn hẹp, trong khi lại phát sinh nhiều khoản chi liên quan đến thực hiện nghiệp vụ bầu cử trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19.
“Nhiều địa phương phụ thuộc chủ yếu chi thường xuyên từ ngân sách Trung ương nên gặp nhiều khó khăn, cần tiếp tục có biện pháp xem xét, giải quyết”, người đứng đầu Bộ Nội vụ đề nghị.
Thêm vào đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc thống kê, rà soát, lập danh sách cử tri có nhiều biến động, khó khăn do nhiều cử tri đi làm ăn xa hoặc có người di cư từ nơi khác đến. Công tác thông tin, tuyên truyền về bầu cử ở cơ sở còn hạn chế và gặp khó khăn tại một số địa bàn miền núi, vùng cao, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số.
Đáng lưu ý, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, một số khu vực bầu cử chưa nắm chắc nghiệp vụ bầu cử, còn để xảy ra sai sót, nhầm lẫn trong phiếu bầu; một số đơn vị hành chính cấp xã chưa bầu đủ số lượng đại biểu cần bầu, phải tổ chức bầu thêm, có một số ít đơn vị phải tổ chức bầu cử lại.
“Chính phủ đề nghị Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Cụ thể là về thời gian bỏ phiếu đối với khu vực đạt tỷ lệ 100% cử tri trong danh sách đã đi bỏ phiếu; khoảng thời gian để địa phương in ấn tài liệu, phiếu bầu và niêm yết danh sách người ứng cử; quy định về cử tri đi bỏ phiếu nơi khác; về danh sách người ứng cử trong lần bầu cử thêm...”, bà Thanh Trà phát biểu.
Liên quan đến kinh phí phục vụ cuộc bầu cử, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Bộ Tài chính đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ quyết định cấp kinh phí phục vụ bầu cử năm 2021 cho các bộ, ngành, địa phương là 1.707,822 tỷ đồng.
(Theo sggp.org.vn)