Võ Nguyên Giáp với "Thủ đô" của khu giải phóng
Tư lệnh Giải phóng quân Việt Nam Võ Nguyên Giáp tại lễ duyệt binh ở Hà Nội, ngày 26-8-1945, sau khi giành được chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám. Ảnh: Tư liệu |
Về cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược kéo dài 30 năm (1945-1975) của nhân dân Việt Nam, Chủ bút tờ Tuần tin tức (Mỹ) - William Browler cho rằng: Cuộc chiến này bắt đầu từ Tân Trào - Đại bản doanh của Hồ Chí Minh! Quả thật, W. Browler đã có lý khi đưa ra nhận xét như vậy. Vào hè - thu năm 1945, Tân Trào được chọn làm “đại bản doanh” của cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại và Võ Nguyên Giáp là một trong những người để lại nhiều dấu ấn tại “Thủ đô” của Khu giải phóng đó.
Tân Trào - vùng đất địa linh, trước Cách mạng Tháng Tám vốn mang tên là Kim Lung (người dân địa phương quen gọi là Kim Lộng), bao gồm bốn làng: Lúng Búng, Đồng Cầy, Đồng Tâm và Làng Cả. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Kim Lung được đổi tên thành Tân Trào (xã có phong trào mới). Đối với Việt Minh thì: Kim Lung cảnh đẹp như tiên. Ai mà đến đó thì quên đường về. Với kẻ địch: Kim Lung đất hiểm tứ bề. Kẻ nào muốn chết thì về Kim Lung!
Đầu tháng 5-1945, sau khi dự Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc kỳ, Võ Nguyên Giáp tức tốc trở lại Chợ Chu để chuẩn bị cho việc thống nhất các lực lượng vũ trang. Giữa lúc đang suy tư, trăn trở với trọng trách mới thì được tin của Liên Tỉnh ủy cho biết, Hồ Chí Minh vừa từ nước ngoài trở lại Pác Bó và đã lên đường về xuôi, Võ Nguyên Giáp lên đón Bác. Sau khi nghe báo cáo tình hình, Bác Hồ đã chỉ thị cho Võ Nguyên Giáp nội dung là phải chọn ngay trong vùng Cao - Bắc - Lạng -Thái - Tuyên một địa điểm có dân tốt, có cơ sở cách mạng tốt, địa hình tốt thuận tiện làm một trung tâm liên lạc với miền xuôi, miền ngược và ra cả nước ngoài.
Vâng lệnh Cụ Hồ, trở lại Kim Quan Thượng, với nhãn quan quân sự sắc sảo, Võ Nguyên Giáp nhận thấy trong vùng rừng núi Việt Bắc trùng điệp ấy Tân Trào là nơi đáp ứng được các yêu cầu mà Bác đặt ra. Đây là một địa bàn hiểm trở, xa quốc lộ, bảo đảm “tiến có thể công, thoái có thể thủ”, lại có cơ sở chính trị tốt, nhất là từ sau cuộc Khởi nghĩa Thanh La, nơi đây đã được xây dựng thành khu tự do. Trong con mắt của nhà quân sự này thì Tân Trào hội đủ các yếu tố “nhân sơn, nhân hải” để có thể xây dựng thành “đại bản doanh” cho Bác và Trung ương chỉ đạo Cách mạng. Sau khi trao đổi, bàn bạc với các ông Song Hào, Tạ Xuân Thu, Lê Trung Đình... về ý định của mình và cùng nhau xây dựng các phương án bảo vệ, Võ Nguyên Giáp đón Bác cùng đoàn tùy tùng về Tân Trào.
Thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc kỳ, ngày 15-5, tại Định Biên Thượng (Chợ Chu, Thái Nguyên) Võ Nguyên Giáp chủ trì buổi lễ hợp nhất Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, Cứu quốc quân thành Việt Nam Giải phóng quân - lực lượng bộ đội chủ lực đầu tiên của cả nước. Việt Nam Giải phóng quân được đặt dưới quyền chỉ huy của Bộ Tư lệnh miền bắc đứng đầu là Võ Nguyên Giáp cùng với Chu Văn Tấn, Trần Đăng Ninh. Các tổ chức vũ trang trong cả nước cũng được thống nhất mang tên Việt Nam Giải phóng quân.
Ngày 4-6-1945, tại Tân Trào, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã triệu tập Hội nghị cán bộ đầu tiên của Đảng. Hội nghị đã quyết định thành lập Khu giải phóng, Tân Trào được chọn làm Thủ đô Khu giải phóng, đồng thời giao cho Võ Nguyên Giáp làm Thường trực Ủy ban chỉ huy lâm thời Khu giải phóng, phụ trách vấn đề quân sự.
Trong quá trình tập trung chỉ đạo chỉnh đốn, phát triển lực lượng vũ trang làm nòng cốt cho cuộc Tổng khởi nghĩa, Võ Nguyên Giáp đặc biệt coi trọng hai vấn đề then chốt nhất mà ông cho rằng sẽ quyết định sức mạnh và sự trưởng thành của Việt Nam Giải phóng quân: 1. Thiết lập hệ thống tổ chức Đảng và công tác chính trị trong Việt Nam Giải phóng quân. 2. Đào tạo đội ngũ cán bộ. Dưới bàn tay “đạo diễn” của Võ Nguyên Giáp và sự giúp sức của ông Mười Khang (tức Hoàng Văn Thái), Trường Quân chính Kháng Nhật - ngôi trường đào tạo cán bộ đầu tiên của Quân đội Cách mạng Việt Nam đã được mở ngay tại Tân Trào. Chỉ trong một thời gian ngắn, với hai khóa đào tạo, Trường Quân chính Kháng Nhật đã cho “ra lò” hàng chục cán bộ nòng cốt chỉ huy các đơn vị Việt Nam Giải phóng quân trong cao trào Tổng khởi nghĩa giành chính quyền diễn ra ngay sau đó.
Hè - thu năm 1945 là quãng thời gian cực kỳ nóng bỏng và sôi động của cách mạng Việt Nam. Nhận rõ vị trí, vai trò quan trọng của “đại bản doanh” Tân Trào cũng như căn cứ địa Việt Bắc đối với cách mạng Việt Nam, quân Nhật liên tục tổ chức các cuộc tuần tiễu, càn quét vào những địa bàn hiểm yếu của Khu giải phóng. Hạ tuần tháng 6, chúng còn triển khai lực lượng chuẩn bị tiến công thẳng vào Tân Trào. Lúc bấy giờ, cũng có ý kiến cho rằng không nên đối đầu với quân Nhật vì trước đó Nhật đã đảo chính Pháp.
Tuy nhiên, Võ Nguyên Giáp đã kiên quyết phản bác ý kiến đó. Một mặt, ông lệnh cho chi đội Giải phóng quân bảo vệ căn cứ tức tốc triển khai lực lượng tại khu vực đèo Chắn trên con đường huyết mạch dẫn vào Tân Trào, kiên quyết không cho địch lọt qua; mặt khác, ông chỉ đạo các địa phương trên địa bàn thực hiện “vườn không, nhà trống”, sơ tán dân vào sâu trong rừng. Nhờ sự chỉ đạo kiên quyết, kịp thời và sắc sảo đó mà chi đội Việt Nam Giải phóng quân đã chặn đứng được cuộc tiến công, phá tan âm mưu của địch nhằm xóa sổ “đại bản doanh” của cách mạng.
Trung tuần tháng 7-1945, thực hiện thỏa thuận giữa Hồ Chí Minh và Bộ Tư lệnh Mỹ ở Côn Minh, đội Con Nai (gồm một số sĩ quan tình báo và kỹ thuật Mỹ) dưới danh nghĩa quân Đồng Minh đã nhảy dù xuống Tân Trào, phối hợp cùng Việt Minh đánh quân Nhật và giúp huấn luyện một số môn kỹ thuật cho Việt Nam giải phóng quân.
Võ Nguyên Giáp được Bác Hồ tin tưởng giao trực tiếp chỉ đạo hoạt động phối hợp với lực lượng này. Với trọng trách được giao, Võ Nguyên Giáp luôn biết đề cao nguyên tắc bảo mật lên trên hết, hợp tác và biết tận dụng đối đa mọi sự giúp đỡ cũng như kỹ năng của những sĩ quan Mỹ. Ông luôn nhắc những cán bộ được tiếp xúc, làm việc với những người bạn phương Tây đang cùng ta hợp tác đánh Nhật phải có thái độ đúng mực, thể hiện văn hóa của một quân đội cách mạng. Những chỉ đạo sắc sảo của Võ Nguyên Giáp góp phần tạo cơ sở nền móng cho hoạt động đối ngoại quân sự của Quân đội nhân dân Việt Nam về sau này.
Trong suốt thời gian Hồ Chí Minh ở Tân Trào, Võ Nguyên Giáp thường xuyên qua lại lán Nà Nưa để báo cáo tình hình và trực tiếp lĩnh hội ý kiến chỉ đạo của Người. Cuối tháng 7-1945, Bác Hồ trải qua một trận ốm nặng. Cơn sốt rét ác tính ập đến đe dọa sức khỏe và tính mạng của Người trong bối cảnh “nước sôi, lửa bỏng” càng làm cho Võ Nguyên Giáp và mọi người hết sức lo lắng, chạy đôn đáo tìm thầy, tìm thuốc.
Trong những ngày này, Võ Nguyên Giáp luôn có mặt bên Bác, thậm chí có đêm còn ngủ lại ở lán Nà Nưa. Nhờ vào bài thuốc gia truyền của một ông lang người dân tộc mà Bác đã vượt qua được trận sốt ác tính nguy kịch. Vừa tỉnh lại sau một cơn mê sảng, Hồ Chí Minh đã căn dặn Võ Nguyên Giáp: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập” - một câu nói đã đi vào lịch sử dân tộc.
Tình hình trong nước cũng như thế giới những ngày đầu tháng 8-1945 biến đổi hết sức mau lẹ. Trong bối cảnh đó, vâng lệnh Cụ Hồ, Võ Nguyên Giáp đã viết thư hỏa tốc gửi đi các địa phương thúc giục các đại biểu khẩn trương về dự Hội nghị toàn quốc của Đảng và Đại hội Quốc dân.
Ngày 13-8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng khai mạc tại Tân Trào. Tại Hội nghị này, Võ Nguyên Giáp là một trong bốn ủy viên được bầu bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ngày 15-8, sau khi được tin Nhật hoàng đã ra lệnh cho quân đội đầu hàng, Hội nghị đã quyết định lập Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc và thành lập Bộ Tư lệnh Giải phóng quân Việt Nam do Võ Nguyên Giáp đứng đầu.
Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc đã thông qua bản Quân lệnh số 1 phát lệnh Tổng khởi nghĩa trong cả nước. Hội nghị Toàn quốc của Đảng vừa bế mạc thì ngày 16-8, Đại hội Quốc dân khai mạc tại đình Tân Trào. Đại hội đã lập ra Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam.
Ngay trong buổi chiều 16-8, bên gốc đa Tân Trào, thay mặt Ủy ban khởi nghĩa, Võ Nguyên Giáp trịnh trọng đọc bản Quân lệnh số 1, giao nhiệm vụ cho Chi đội Việt Nam Giải phóng quân. Đồng thời, ông cũng tạm chia tay Tân Trào, cùng một chi đội Việt Nam Giải phóng quân tiến về giải phóng Thái Nguyên.
Chỉ còn có mấy ngày nữa là bước vào tuổi 34, Võ Nguyên Giáp đâu ngờ rằng cái ngày 16-8 tạm chia tay “Thủ đô” của Khu Giải phóng đầy ắp kỷ niệm và để lại nhiều dấu ấn đáng nhớ ấy lại là sự khởi đầu cho một cuộc trường chinh không mong muốn kéo dài ngót một phần ba thế kỷ.
Theo nhandan.vn