Trách nhiệm với Đảng, với dân - BÀI CUỐI: Đảng viên trẻ khuyết tật làm nhiều việc tử tế
Trách nhiệm với Đảng, với dân - BÀI 1: Chị không về nữa…
Trách nhiệm với Đảng, với dân - BÀI 2: Hơn 500 ngày vào tuyến lửa
Trách nhiệm với Đảng, với dân - BÀI 3: Người đảng viên nói dân nghe, làm dân tin
Sau một lần bị tai nạn, Bí thư Xã đoàn Mỹ Tân, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhịp cầu hữu nghị huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang), đảng viên trẻ Nguyễn Thành Đạt trở thành người khuyết tật. Đạt đi khập khiễng và chậm chạp vì khớp nối chiếc chân giả vào mỏm cụt của chân hay làm anh đau buốt. Những hôm trái gió trở trời, vết thương cũ lại khiến Đạt đau nhức không nguôi…
Thế nhưng từ tinh thần trách nhiệm với Đảng, với dân, khát khao sống và cống hiến khiến Đạt vượt qua rào cản khiếm khuyết của bản thân, trở thành đoàn viên thanh niên tiêu biểu của tỉnh Tiền Giang được Trung ương đoàn tuyên dương, trao Huy hiệu Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ V-2018.
Cuối tháng 12-2020, Đạt là gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu được Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam vinh danh trong Chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt năm 2020; được Tỉnh đoàn tuyên dương Tuổi trẻ tiêu biểu tỉnh Tiền Giang năm 2021…
Trao 8.000 quyển tập cho học sinh Trường Tiểu học Phú Hồ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế trong “Hành trình Vì miền Trung thân yêu” (ảnh chụp khi dịch Covid-19 chưa bùng phát ở Việt Nam, do nhân vật cung cấp). |
1. Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm. Câu nói ấy của Bác luôn thôi thúc đảng viên trẻ 30 tuổi đời, có 13 năm làm thủ lĩnh Đoàn - Nguyễn Thành Đạt, khiến anh đau đáu với suy nghĩ phải làm gì đó cho dân, cho cộng đồng, cho mảnh đất nơi anh sinh ra và lớn lên. Sự thôi thúc ấy ngày càng định hình rõ nét, kể cả khi Đạt trải qua tai nạn kinh hoàng, để rồi khi dần bình phục, dù đôi chân đã mất đi một nửa, những cơn đau nhức vẫn liên tục hành hạ mỗi khi trái gió trở trời, nhưng sự thôi thúc ấy vẫn vẹn nguyên trong lòng.
Chứng kiến sự hồi phục của Đạt, các bác sĩ lúc đầu chẩn đoán “khó có hy vọng” đã phải ngạc nhiên, nhưng những người hiểu Đạt thì không bất ngờ. Bởi Đạt là người khao khát được sống và cống hiến; bởi ngoài kia còn những chiếc cầu thủng lỗ chỗ gây nguy hiểm cho các em học sinh đến trường, những mảnh đời bất hạnh, bệnh tật… đang chờ Đạt đứng lên và đến bên họ. Những “chất liệu” ấy chính là nguồn năng lượng tích cực giúp Đạt “hồi sinh” một cách mạnh mẽ.
2. Mặt cầu Hữu Nghị 1 nối liền ấp 1 và ấp 3 (xã Mỹ Tân, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) thủng lỗ chỗ, chân cầu yếu, bề ngang nhỏ hẹp, nhiều người dân và học sinh đã té ngã khi lưu thông qua đây. Làm sao có cây cầu mới để các hộ dân trong ấp, nhất là học sinh thuận tiện trong việc đi lại? Câu hỏi ấy luôn canh cánh trong lòng, thôi thúc Đạt phải đi tìm nhà tài trợ để trình bày ý tưởng việc xây cầu. Khi được nhà tài trợ yêu cầu lập hồ sơ, Đạt lại chạy đi tìm người giúp vẽ bản thiết kế, bản chiết tính kinh phí xây dựng…
Thế rồi nhà tài trợ chỉ đồng ý hỗ trợ kinh phí vật tư xây cầu, còn phần tiền công thợ, anh phải tự lo. Đạt lại tiếp tục đi vận động anh em thợ xây dựng hỗ trợ miễn phí ngày công. Nhưng khi mọi người giúp đỡ xây dựng miễn phí, phần ăn uống cho công thợ mình phải lo. Thế là Đạt lại phải đi gõ cửa, vận động xin kinh phí để lo cơm nước cho nhân công. Ngày 20-1-2018, cầu Hữu Nghị 1 được khởi công xây dựng, với kinh phí 175 triệu đồng. Đến tháng 3-2018 thì hoàn thành và đưa vào sử dụng, tạo điều kiện cho 80 hộ dân với hàng trăm nhân khẩu thuộc ấp 1, xã Mỹ Tân đi lại dễ dàng hơn.
Thi công cầu Hữu Nghị 1 nối liền ấp 1 và ấp 3 thuộc xã Mỹ Tân, huyện Cái Bè, do Đạt vận động xin kinh phí (ảnh chụp khi dịch Covid-19 chưa bùng phát). Ảnh: Phan Thắng |
Do không có đèn đường nên việc đi lại vào ban đêm của người dân ấp Tân Thiện, xã Tân Phong, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang gặp nhiều khó khăn, đôi khi không đảm bảo an toàn. Một số người tìm Đạt, nhờ anh giúp đỡ để tuyến đường có đèn chiếu sáng. Đạt lại đi khảo sát rồi mang nguyện vọng của hàng chục hộ dân sống trên tuyến đường gửi gắm, đi tìm nhà tài trợ để trình bày. Nhận được cái gật đầu của nhà tài trợ, Đạt mừng khấp khởi.
Ngày 17-2-2018, công trình được khởi công xây dựng. Đến ngày 7-3-2018, công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng với 80 trụ đèn trên toàn tuyến đường dài gần 3 km, kinh phí 20 triệu đồng. Từ đó, hàng chục hộ dân ở ấp Tân Thiện ai cũng mừng vì có đèn đường chiếu sáng, việc đi lại vào ban đêm đảm bảo an toàn hơn. Khi nhìn con đường sáng choang vào ban đêm, người dân ấp Tân Thiện, xã Tân Phong vui một thì Đạt vui hai, vui ba…, vui đến không ngủ được.
Chuyện của Đạt đi xây cầu, lắp đèn đường chiếu sáng… nhanh chóng lan tỏa. Được người quen giới thiệu, anh Nguyễn Văn Thanh, Trưởng ấp Tân Hiệp, xã Tân Hưng, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau liên hệ với Đạt nhờ anh giúp đỡ, xây cầu, vì hàng chục năm qua, mấy chục hộ dân trong ấp phải kết phao làm bè để đi lại do không có cầu giao thông. Đạt lại khăn gói xuống Cái Nước khảo sát. Khi chứng kiến các em học sinh đến trường, các cụ già muốn qua sông phải đi trên những chiếc bè được kết bằng phao rất nguy hiểm, khiến Đạt xót xa.
Sau chuyến khảo sát về, Đạt đi tìm nhà tài trợ, rồi lập bản vẽ, bản chiết tính kinh phí… Đến ngày 18-3-2018, chiếc cầu mơ ước của hàng chục hộ dân ở ấp Tân Hiệp đã hoàn thành trong niềm hân hoan của mọi người. Chiếc cầu có chiều dài 36 m, ngang 2 m, kinh phí 157 triệu đồng. Nhìn chiếc cầu ưỡn mình nối nhịp bờ vui, nhìn những cụ già, trẻ nhỏ đặt chân lên chiếc cầu mơ ước bao đời với ánh mắt, nụ cười rạng rỡ, Đạt thấy bao nỗi vất vả như tan biến.
Tháng 10-2020, mưa lũ ở miền Trung gây thiệt hại nặng nề cho đồng bào. Xem thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, Đạt quặt thắt lòng. Vậy là kế hoạch chi tiết về một chuyến đi với tên gọi “Hành trình Vì miền Trung thân yêu” được hình thành. Đạt chuyển kế hoạch đến các nhà hảo tâm, kêu gọi đóng góp với chủ trương của ít lòng nhiều. Cuối tháng 10-2020, Đạt lên đường đi miền Trung với 430 phần quà được trao cho bà con khó khăn bị ảnh hưởng mưa lũ ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, tổng kinh phí 130 triệu đồng.
Mới đây, trong mùa khô năm 2021, hàng chục hộ dân ở ấp Bình Hưng, xã Bình Phan, huyện Chợ Gạo bị thiếu nước sinh hoạt do giếng cũ bị nhiễm mặn và phèn vượt chuẩn quy định. Đạt tiếp tục đi khảo sát, chiết tính kinh phí rồi lại tiếp tục đi gõ cửa các nhà hảo tâm. Tháng 2-2021, giếng khoan được khởi công, đến cuối tháng 3-2021 thì đưa vào sử dụng. Giếng khoan được thiết kế bằng bê tông gồm: Ống giếng, sân, nhà bảo quản giếng, 1 máy bơm với công suất khoảng 200 m3 nước/ngày, cung cấp nước sinh hoạt cho 70 hộ dân với hơn 200 nhân khẩu, tổng kinh phí xây dựng hơn 180 triệu đồng.
3. Khuya. Đồng hồ ở góc phải màn hình máy tính của tôi đã báo sang ngày mới. Đạt nhắn tin cho tôi qua ứng dụng chát trên mạng xã hội: Anh ơi, em đang thực hiện công trình xây cầu giao thông ở xã Mỹ Lương, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, kinh phí 124 triệu đồng, mà mới vận động được 108 triệu đồng… Vài hôm sau, Đạt lại nhắn tin cho tôi cũng vào lúc nửa đêm: Anh ơi, em đã vận động đủ 124 triệu đồng rồi. Mừng quá!
Hầu như ngày nào Đạt cũng làm việc đến khuya. Ban ngày, Đạt dành hết thời gian cho công việc ở cơ quan, tối về là khoảng thời gian anh miệt mài với đống hồ sơ xin học bổng, xin xây nhà, xin xây cầu giao thông, xin khoan giếng… Những ngày cuối tuần, Đạt quảy ba lô đi xác minh, tẩn mẩn chụp từng tấm hình, ghi chép cẩn thận để gửi cho các nhà hảo tâm vận động xin kinh phí, rồi nhờ những người có chuyên môn thiết kế bản vẽ, chiết tính kinh phí…
Đói thì ghé vào quán ăn tô mì gói, uống ly trà đá, hay sang hơn thì ăn cơm hộp. Nắng mệt thì ghé vào quán võng ven đường nằm ngã lưng một chút, rồi lại đi tiếp. Cứ thế, trong suốt hơn 4 năm qua, Đạt cứ tất bật với những chuyến đi - về rồi thức đến khuya để nghiên cứu hồ sơ, bản vẽ, chiết tính kinh phí, xây dựng kế hoạch… trong thầm lặng một mình.
Có người nói Đạt hơi đâu lo chuyện bao đồng, làm việc không lương mà còn tốn tiền túi đổ xăng xe, ăn uống và các chi phí khác. Đạt lại nghĩ khác, mình là đảng viên thì phải có trách nhiệm với Đảng, với dân. Thế nên Đạt là nơi ấm áp để nhiều người tìm đến nhờ sự chia sẻ, giúp đỡ. Cứ thế, quyển sổ ghi chép các hoàn cảnh cần giúp đỡ của Đạt ngày một dày thêm, chồng hồ sơ về những chiếc cầu đã được xây dựng, những con đường được lắp đèn thắp sáng, những giếng khoan giúp người nghèo có nước sạch sinh hoạt… cũng ngày một nhiều hơn.
Trong 4 năm qua, Đạt đã vận động hàng trăm suất quà, học bổng; khoan nhiều giếng tặng bà con thiếu nước sinh hoạt; sửa chữa, nâng cấp, xây mới 16 cây cầu giao thông; thực hiện 3 tuyến đèn đường với tổng chiều dài 6,7 km…; tổng kinh phí hàng tỷ đồng.
Chi phí cho những việc làm tử tế ấy có thể tính được, nhưng công sức của Đạt thì khó có thể đong đếm hết. Và đó không chỉ là sự đồng cảm, sẻ chia của Đạt với cộng đồng; mà hơn thế nữa, đó còn là tinh thần trách nhiệm với Đảng, với dân của một đảng viên trẻ, dù anh là người khuyết tật…
NGUYÊN CHƯƠNG