.

Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Trương Công Trung: Cả cuộc đời vì sức khỏe nhân dân

Cập nhật: 17:00, 19/09/2021 (GMT+7)

Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Trương Công Trung sinh năm 1919, quê quán xã Quơn Long, quận Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho (nay là huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang). Ông là nhà khoa học danh tiếng, giữ nhiều trọng trách quan trọng và có nhiều đóng góp cho công tác y tế ở miền Nam. Ông còn là người thầy kính yêu của nhiều thế hệ bác sĩ ngoại khoa…

Sau hơn nửa thế kỷ lặn lội ở khắp núi rừng của chiến trường Nam bộ, ông đã cứu sống biết bao đồng đội, đào tạo nhiều thế hệ học trò ngành Y từ chiến khu trong điều kiện vô vàn khó khăn, thiếu thốn. Là một phẫu thuật viên có trái tim nồng nhiệt, ông đã đem lại mạng sống cho nhiều đồng đội, cán bộ cao cấp của Miền, kể cả các bệnh nhân là các chuyên gia nước ngoài công tác tại Việt Nam trong thời buổi ấy.

THẲNG TIẾN VỀ NAM

Thuở nhỏ, ông học Trường Collège de Mytho, sau đó học Trường Pétrus Ký (Sài Gòn). Năm 1940 là sinh viên Trường Đại học Y khoa Hà Nội. Tháng 8-1945, ông về Sài Gòn gia nhập lực lượng Thanh niên Tiền phong và tham gia khởi nghĩa giành chính quyền. Ông từng giữ nhiều trọng trách: Ủy viên Ban Y tế kháng chiến tỉnh Hậu Giang, Trưởng ban Giải phẫu lưu động Mặt trận tỉnh Hậu Giang, Viện trưởng Quân Y viện Phân liên khu miền Tây Nam bộ...

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, tại khu kháng chiến của rừng U Minh Thượng, Giáo sư Trương Công Trung có nhiều sáng kiến được vận dụng trong những năm tháng khó khăn, thiếu thốn đã được phổ biến rộng rãi trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp như: Giăng “mùng vải xô” để mổ trong điều kiện khó khăn do nhiều đợt càn quét của giặc Pháp, sử dụng tơ tằm để xe lại thành chỉ phẫu thuật, lấy trái dừa xiêm làm dịch truyền hay dùng mật ong thay băng các vết thương nhiễm trùng nặng... đã mang lại thành công mỹ mãn.

Giáo sư Nguyễn Thiện Thành (trái) và Giáo sư Trương Công Trung.
Giáo sư Nguyễn Thiện Thành (trái) và Giáo sư Trương Công Trung.

Năm 1954, ông tập kết ra Bắc để hoàn thành luận án tốt nghiệp Bác sĩ Y khoa tại Trường Đại học Y khoa Hà Nội. Năm 1955, ông sang Liên Xô lấy bằng Phó Tiến sĩ. Sau khi về nước, năm 1961 - 1964, ông được bổ nhiệm làm: Tổng Chủ nhiệm Khoa Ngoại Bệnh viện 108 - Hà Nội, Phó Viện trưởng Học viện Quân y, Chủ nhiệm Liên khoa Ngoại Bệnh viện 103 Hà Đông - cùng tham gia chương trình đào tạo các bác sĩ chuẩn bị cho chiến trường miền Nam (B2) sau này.

Từ tháng 4-1964, Giáo sư trở về miền Nam, từ 1965 đến tháng 12-1975 là Phó phòng Quân y Miền, kiêm Hiệu trưởng Trường Quân Y sĩ. Từ tháng 1-1976 đến tháng 1-1977, được phong hàm Đại tá Bác sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam và là Viện trưởng Viện Quân y 175. Từ năm 1977 đến tháng 11-1994 là Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, kiêm Trưởng khoa Y, kiêm Trưởng Bộ môn Ngoại tổng quát. Đồng thời, ông là Đại biểu Quốc hội khóa VII (tỉnh Long An).

HAI NGƯỜI BẠN TRI KỶ VÀ PHƯƠNG PHÁP FILATOV

Năm 1947, ông được giao giữ chức Viện trưởng Quân y viện khu IX. Tại đây, ông đã tổ chức đào tạo nhiều khóa cán bộ y tế về các chuyên khoa ngoại, nội, sản, dược... Ông cũng trực tiếp tham gia nhiều chiến dịch lớn ở các chiến trường Tân Hưng, Cà Mau; tham gia các trận đánh của Tiểu đoàn 307...

Nhắc đến việc áp dụng thành công phương pháp Filatov ở Quân y viện khu IX, không thể không nhắc đến vai trò của Bác sĩ Nguyễn Thiện Thành và Y sĩ Trương Công Trung - hai người bạn gắn bó thân thiết với nhau trong suốt những năm kháng chiến chống Pháp. Sau này, khi đất nước đã thống nhất, hai ông vẫn tiếp tục là bạn tri kỷ và có mối quan hệ mật thiết với nhau trong cả lĩnh vực chuyên môn và công tác quản lý.   

Người đầu tiên đưa ra ý tưởng áp dụng phương pháp Filatov ở Quân y viện khu IX là Bác sĩ Nguyễn Thiện Thành. Trong thời gian ông Nguyễn Thiện Thành bị giam giữ ở nhà giam Virgile, Sài Gòn, do cảm mến nhân cách của ông nên có người lính Pháp - vốn là sinh viên y khoa - đã cho ông mượn một số sách báo, tạp chí về y học, trong đó có cuốn sách tiếng Pháp “Thuyết đấu tranh với nghịch cảnh” của tác giả H. Vachon.

Phương pháp chữa bệnh bằng Filatov mà ông đọc được trong cuốn sách này đã gợi niềm hy vọng mới trong việc tăng cường hiệu quả điều trị bệnh và ông nghĩ đến việc áp dụng vào thực tế chiến trường Nam bộ. Sau khi ra tù vào cuối năm 1950, ông tìm cách thực hiện ý tưởng đó.

Trong quá trình hoạt động không mệt mỏi của mình, ông đã nghiên cứu và biên soạn 72 đề tài về Ngoại khoa, 32 đề tài về Dược khoa phục vụ cho công việc điều trị và giảng dạy. Ông được Đảng, Nhà nước trao tặng các danh hiệu cao quý: Anh hùng Lao động; Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ; Huân chương Độc lập hạng Nhì; Huân chương Lao động hạng Nhất; Huân chương Quân công hạng Ba; Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhì; Huân chương Chiến công hạng Nhì; Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Ba; Huân chương Chiến sĩ Giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba.

Qua một thời gian nghiên cứu, Bác sĩ Nguyễn Thiện Thành bàn bạc với Viện trưởng Trương Công Trung, rồi cả hai cùng tìm hiểu để đưa ra thử nghiệm. Tháng 5-1951, sau một thời gian nghiên cứu, Bác sĩ Nguyễn Thiện Thành và Viện trưởng Trương Công Trung chính thức giới thiệu phương pháp Filatov trước tập thể cán bộ chuyên môn của Quân y viện và được mọi người nhiệt tình hưởng ứng.

Đến tháng 11 năm ấy, lá nhau đầu tiên do Viện trưởng Trương Công Trung trực tiếp lấy và khử trùng được đưa vào tủ lạnh bảo quản, mở đầu cho việc sử dụng một phương pháp mới để chữa bệnh, góp phần ngăn ngừa bệnh tật, tăng cường sức đề kháng và giảm tỷ lệ tử vong cho thương bệnh binh, đảm bảo quân số cho chiến trường trong cuộc chiến ngày càng ác liệt.

Phương pháp Filatov đem lại kết quả tốt đối với các bệnh nhân có vết mổ ở bụng, viêm loét giác mạc, viêm xoang, viêm dây thần kinh, viêm thấp khớp cấp, viêm đại tràng, các vết thương lâu lành và các chứng bệnh tâm thần. Ngoài các thương bệnh binh, phương pháp Filatov còn được áp dụng cho cả nhân dân trong vùng kháng chiến và đồng bào ở vùng địch tạm chiếm.

MÓN QUÀ ĐẶC BIỆT CỦA BÁC HỒ

Hiệu quả áp dụng phương pháp Filatov gây tiếng vang lớn và nhanh chóng được phổ biến rộng rãi trong các chiến khu Nam bộ. Sau những kết quả đạt được, Bác sĩ Nguyễn Thiện Thành - khi ấy là Vụ trưởng Vụ Quân y phân khu miền Tây đã báo cáo thành tích này với Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam bộ và Trung ương Cục miền Nam.

Tập thể cán bộ Quân y viện khu IX được tặng thưởng một chiếc radio bán dẫn nhãn hiệu Phillip. Riêng nguyên Viện trưởng Trương Công Trung, sau những nỗ lực áp dụng, phổ biến phương pháp Filatov ở khu IX và các vùng chiến khu Nam bộ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi quà động viên là một xấp lụa Hà Đông kèm theo tấm thiếp, có ý nghĩa đặc biệt đối với cuộc đời hoạt động và nghiên cứu khoa học của Giáo sư Trương Công Trung.

Năm 2006, sau thời gian nằm bệnh, Giáo sư Trương Công Trung đã vĩnh viễn ra đi, để lại sự tiếc thương sâu sắc cho gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và các thế hệ học trò.

LINH THỦY (tổng hợp)

.
.
.