.

Anh hùng LLVT nhân dân Lê Thị Hồng Gấm: "Kiện tướng đánh mìn"

Cập nhật: 14:39, 24/10/2021 (GMT+7)

Anh hùng Lực lượng Vũ trang (LLVT) nhân dân Lê Thị Hồng Gấm sinh năm 1951, ở ấp Thanh Hòa, xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Chị là con thứ tư trong số 9 người con của ông Lê Văn Phước và Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Đỗ Thị Quế, nên nhiều người gọi thân thương: Chị Tư Gấm!

Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Đỗ Thị Quế chụp ảnh lưu niệm cùng tập thể cán bộ, giáo viên Trường Mầm non  Lê Thị Hồng Gấm, TP. Mỹ Tho.
Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Đỗ Thị Quế chụp ảnh lưu niệm cùng tập thể cán bộ, giáo viên Trường Mầm non Lê Thị Hồng Gấm, TP. Mỹ Tho.

Khi nhắc chị Lê Thị Hồng Gấm, nhiều người nhớ lại những lời ca trong bài hát “Những cánh chim Hồng Gấm” của Nhạc sĩ Phạm Tuyên:
“Dâng tuổi xuân cho đất nước quê hương
Tấm gương Hồng Gấm kiên trung, trong sáng yêu thương
Ta như cánh chim tung bay, vượt qua giông tố ngàn trùng
Và mỗi chúng ta hãy là một Hồng Gấm anh hùng…”.

TUỔI THƠ GAN DẠ

Năm 16 tuổi, chị Tư Gấm bí mật gia nhập đội du kích xã, làm công tác giao liên. Từ tháng 12-1967 đến tháng 5-1968, chị làm giao liên cho xã, địa bàn hoạt động hẹp, lại phải qua khu căn cứ và vành đai của địch nên rất gian khổ và hiểm nguy. Cuối năm 1968, Tổ giao liên của xã chỉ còn một mình chị, có ngày phải chuyển tới 7 công văn nhưng chị vẫn nỗ lực hoàn thành.

Sau đó, chị lên huyện làm giao liên và cuối năm 1968 được chỉ định về Long Hưng làm Xã đội phó du kích, xây dựng lực lượng đánh địch lâu dài, bảo vệ xóm làng, căn cứ. Nhiều lần mang tài liệu mật, đưa cán bộ vượt tuyến, đối mặt với quân địch, chị đã mưu trí, dũng cảm, thoát hiểm an toàn, giải vây cho cán bộ. Tháng 8-1969, chị được cử làm Trung đội phó du kích vành đai liên xã. Hơn 8 tháng chiến đấu, chị cùng đơn vị đánh 10 trận, diệt 63 tên địch, bắn rơi 1 máy bay lên thẳng.

Khi về xã nhà hoạt động, chị Tư Gấm nổi tiếng là một “kiện tướng đánh mìn” khiến bọn giặc khiếp vía, kinh hồn. Có lần, theo yêu cầu cấp trên giao, chị đánh mìn bọc hậu sau khi tiểu đoàn lính đi qua, chủ yếu tạo kinh hãi cho chúng, vì hỏa lực của địch rất mạnh, không an toàn cho người đánh mìn. Trước khi đánh mình, chị Tư leo lên ngọn cây xoài rậm rạp nhìn đoàn lính di chuyển, phát hiện hai tên cố vấn Mỹ đi giữa hàng, liền giật mìn nổ, khiến một tên cố vấn chết tại chỗ, tên kia bị thương nặng đưa về Mỹ Tho cấp cứu và hàng chục lính ngụy bị thương. Trận đánh gây tiếng vang lớn khiến giặc vô cùng hoảng sợ.

Ông Lê Trọng Nghĩa (thường gọi Sáu Nghĩa), là em trai chị Tư Gấm, từng kể rằng: Mỗi lần chị Tư đi cài mìn, thường hỏi ý kiến má. Má thường dặn: “Đừng để trúng con nít hay người dân mình nghe con!...”. Có lần nghe tin địch đi càn, chị Tư cài mìn Claymor thả dây thòng dưới mé kinh và rút bớt cây trên cầu khỉ, chỉ để lại một cây, khiến bọn lính Mỹ - ngụy không dám qua, ùn ứ tại bờ bên này, buộc chúng phải lội qua kinh. Mìn nổ, hàng chục tên chết và bị thương. Sau đó chúng điên cuồng nhả đạn như mưa.

Lần khác, tại cạnh dốc cầu Ông Hổ, chị muốn đặt hai quả mìn diệt lính canh bót cầu nhưng rất dễ bị lộ. Chị Tư về hỏi ý kiến má. Má nghĩ ra cách giả vờ đi gánh rơm khô về cho trâu ăn, khi ngang qua gần chân cầu “đánh rơi” quang gánh, rơm đổ ra đường. Sau khi hốt dọn xong, phần rơm rơi vãi còn lại là chỗ ngụy trang cho con gái gài mìn, khiến địch không thể ngờ được. Trận đó 13 tên giặc phải đền nợ máu nhân dân Long Hưng.

Mùng 2 Tết Mậu Thân năm 1968, chị Tư xin phép mẹ xuống Mỹ Tho khiến cả nhà đứng ngồi không yên, vì nghe tin đánh nhau rất dữ dội trong nội thành Mỹ Tho. Hôm sau, một người hàng xóm về kể lại, đã nhìn thấy tận mắt chị Tư Gấm ôm súng áp sát tường bắn máy bay trực thăng địch quần đảo trên trời và rút lui cùng bộ đội.

“CÓ CÁI CHẾT HÓA THÀNH BẤT TỬ”

Ngày 18-4-1970, để chuẩn bị cho trận đánh đêm, chị cùng 2 nữ du kích đi mua lương thực cho đồng đội. Khi ra giữa cánh đồng, các chị bị địch phát hiện. Hai chiếc máy bay HU.1A sà thấp định bắt sống các chị. Trước tình thế nguy cấp, chị đã chỉ đường trốn thoát cho 2 đồng chí, còn bản thân thì lợi dụng địa hình để chiến đấu nhằm thu hút địch. Hai chiếc trực thăng HU1A xả đạn bắn uy hiếp, quần đảo trên đầu kêu gọi đầu hàng. Chị không hề nao núng, bình tĩnh nhắm thẳng trực thăng nhả đạn, một chiếc cháy rơi tại chỗ. Chiếc trực thăng thứ hai sà xuống đổ quân và bao vây gọi hàng.

Trong giờ phút sinh tử ấy, chị không nao núng, bắn hạ thêm 3 tên địch. Do địch quá đông, chúng tập trung hỏa lực bắn về phía chị, khiến chị bị thương quá nặng, đạn đã hết, chị gắng sức đập gãy khẩu súng để vũ khí không rơi vào tay địch và anh dũng hy sinh. Trận đánh quyết liệt ấy là trận đánh cuối cùng, diễn ra khi chị mới 19 tuổi đời.

Có thể nói, sự anh dũng hy sinh trong chiến đấu của chị Tư Gấm đã tạo thêm những thành tích kỳ diệu ở khắp mọi nơi, với những phong trào “Học tập và làm theo Hồng Gấm”, “Bắn máy bay như Hồng Gấm”, “Đánh phá bình định như Hồng Gấm”, “Dẫn đầu như Hồng Gấm”… Sự hy sinh của chị đã tiếp thêm sức mạnh cho các nữ chiến sĩ tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ. Vào ngày 22-2-1972, dưới dốc Ba Hầm thuộc ranh giới huyện Ba Tơ và huyện Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi), Đại đội nữ Lê Thị Hồng Gấm chính thức được thành lập, đã anh dũng chiến đấu, trở thành nỗi khiếp sợ của kẻ thù và đã vinh dự nhận được danh hiệu cao quý Anh hùng LLVT nhân dân.

Nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Có cái chết hóa thành bất tử”, đó là những anh hùng trẻ tuổi của Việt Nam: Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Viết Xuân, Lê Thị Hồng Gấm… Tấm gương anh dũng chiến đấu, hy sinh của chị Lê Thị Hồng Gấm đã tạo nguồn khích lệ, cổ vũ cho toàn thể thanh niên nam nữ khắp hai miền như được tăng thêm sức mạnh, sôi sục vùng lên lập những chiến công rực rỡ trong chiến đấu và sản xuất. Chị hy sinh ở tuổi 19 - tuổi đẹp nhất của người con gái, để lại bao tiếc thương cho gia đình, đồng đội. Sự anh dũng chiến đấu, huy sinh của chị, nói như Nhà thơ Tố Hữu, đã “hóa thành bất tử”.

HỒNG LÊ (tổng hợp)

.
.
.