.

Tập trung hoàn thiện Hướng dẫn tạm thời về thích ứng và kiểm soát dịch Covid-19

Cập nhật: 16:59, 02/10/2021 (GMT+7)

 

a
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Trước những ý kiến phản hồi khác nhau về lộ trình kiểm soát dịch bệnh và nới lỏng giãn cách tại nhiều địa phương, Thủ tướng đề nghị cấp tỉnh cần bàn bạc thêm để hoàn thiện việc xây dựng Hướng dẫn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Sáng 2-10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9.

Phát biểu ý kiến mở đầu phiên họp, Thủ tướng nêu rõ, vừa qua, chúng ta đã thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội ở 23 tỉnh, thành phố, nhờ đó đạt được kết quả bước đầu.

Chúng ta có cuộc họp của Ban Chỉ đạo thống nhất bàn lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, sau đó, Ban Chỉ đạo đã yêu cầu Bộ Y tế gửi văn bản cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lấy ý kiến tận quận, huyện, xã, phường, thị trấn.

Trước những ý kiến phản hồi khác nhau, Thủ tướng đề nghị cấp tỉnh cần bàn bạc thêm để hoàn thiện việc xây dựng Hướng dẫn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Thủ tướng nhấn mạnh, đây là vấn đề khó nên cần phát huy dân chủ, đoàn kết, nhất trí, huy động trí tuệ tập thể, cầu thị, lắng nghe, để có đầy đủ thông tin, cơ sở khoa học để xây dựng hướng dẫn phù hợp nhất có thể trong điều kiện hiện nay.

“Đây là hướng dẫn tạm thời vì việc chống dịch này chưa có tiền lệ, diễn biến lại nhanh và phức tạp, lại liên quan nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, đến an ninh - trật tự, an sinh xã hội... Trên cơ sở đó, chúng ta áp dụng thực tiễn thế nào, cái gì được hay chưa được thì sẽ nhanh chóng bổ sung, sửa đổi trên tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bổ sung, hoàn thiện dần”.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu phản ánh trong hướng dẫn tạm thời những vấn để chưa phù hợp. “Qua gần 2 năm thì chúng ta cũng hiểu được loại virus này. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, một văn bản không thể điều chỉnh hết từ cấp Trung ương đến cấp xã, phường. Vấn đề quan trọng là cách xử lý, phối hợp như thế nào để thực hiện hướng dẫn. Trong thời điểm này chỉ cần chọn phương án tối ưu chứ không có phương án hoàn hảo”.

Tại phiên họp, lãnh đạo một số địa phương đã đóng góp ý kiến để làm rõ hơn nội hàm của các nội dung trong bản hướng dẫn tạm thời.

a
Toàn cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9. (Ảnh: TRẦN HẢI)

* Theo Tổng cục Thống kê, tháng 9-2021, cả nước có 3.899 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 62,4 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 49,9 nghìn lao động, giảm 32,3% về số doanh nghiệp, giảm 8,1% về vốn đăng ký và tăng 15% về số lao động so với tháng 8-2021; so với cùng kỳ năm 2020, giảm 62,2% về số doanh nghiệp, giảm 69,3% về số vốn đăng ký và giảm 39,9% về số lao động.

Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 16 tỷ đồng, tăng 35,7% so với tháng trước và giảm 18,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong tháng, cả nước còn có 3.317 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 14,2% so với tháng trước và giảm 27,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Tính chung 9 tháng năm 2021, cả nước có 85,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.195,8 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 648,8 nghìn lao động, giảm 13,6% về số doanh nghiệp, giảm 16,3% về vốn đăng ký và giảm 16,6% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng đạt 14 tỷ đồng, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả 1.677,2 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 32 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 9 tháng năm nay là 2.873 nghìn tỷ đồng, giảm 20,2% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, còn có 32,3 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 6,6% so với 9 tháng năm 2020, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 9 tháng lên 117,8 nghìn doanh nghiệp, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước.

Bình quân một tháng có 13,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III-2021 cho thấy: Có 13,2% số doanh nghiệp đánh giá tốt hơn so với quý II-2021; 25,4% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 61,4% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn. Dự kiến, quý IV-2021, có 43,4% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý III-2021; 26,3% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 30,3% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định. Trong đó, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lạc quan nhất với 79,4% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý IV-2021 tốt hơn và giữ ổn định so với quý III-2021; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước và doanh nghiệp nhà nước lần lượt là 71,8% và 68,8%.

Theo nhandan.vn

 

.
.
.