Nhiều giải pháp phục hồi nông nghiệp và kéo giảm tai nạn giao thông
(ABO) Làm thế nào để kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT) và sớm phục hồi, phát triển cơ cấu ngành Nông nghiệp sau đại dịch Covid-19 là 2 vấn đề được các đại biểu tiếp tục đặt ra với lãnh đạo UBND tỉnh, thủ trưởng các sở, ngành tỉnh tại Phiên giải trình, chất vấn của Kỳ họp thứ 4 - Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Tiền Giang khóa X. Đây cũng là vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận, cử tri tỉnh nhà.
NHIỀU GIẢI PHÁP PHỤC HỒI NGÀNH NÔNG NGHIỆP
Tại Phiên giải trình, các đại biểu đặt vấn đề: Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến ngành Nông nghiệp. Để phục hồi và phát triển cơ cấu ngành Nông nghiệp sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội, UBND tỉnh, ngành Nông nghiệp tỉnh có những giải pháp cụ thể gì trong thời gian tới?
Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Văn Mẫn giải trình: Thực hiện chủ trương vừa chống dịch vừa phát triển kinh kế trong thời gian qua, UBND tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi và chia sẻ cùng các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) và người dân trong các hoạt động sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Theo đó, đã phát huy được các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ giữa các HTX, THT với nông dân. Một số DN, HTX nông nghiệp tổ chức hoạt động theo phương án “3 tại chỗ”, góp phần tiêu thụ, xuất khẩu nông sản (thủy sản, sả, chanh, ớt…) cho người dân. Kết quả trong năm 2021, tốc độ tăng trưởng khu vực nông, lâm, ngư nghiệp tăng 1,66%, tuy không đạt kế hoạch đề ra nhưng là ngành duy nhất có tăng trưởng dương.
Cụ thể: Giá trị sản xuất năm 2021 đạt 49.825 tỷ đồng, tăng 0,96% so với năm 2020. Về sản lượng: Các chỉ tiêu chủ yếu trên cả 3 lĩnh vực (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản) đều đạt, vượt kế hoạch và tăng hơn so với năm 2020.
Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Mẫn giải trình các giải pháp phục hồi ngành Nông nghiệp. |
Tuy nhiên, việc sản xuất, tiêu thụ nông sản cũng gặp không ít khó khăn, như công lao động khan hiếm, giao thông đi lại khó khăn, một số nhà máy chế biến tạm ngưng hoạt động do đứt gãy nguồn nguyên liệu nên giá cả nông sản có sụt giảm so với cùng kỳ và so với trước khi thực hiện giãn cách xã hội, dẫn đến thu nhập của nông dân có giảm so với năm 2020.
Để phục hồi và phát triển cơ cấu ngành Nông nghiệp, UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tỉnh có liên quan và các địa phương tập trung triển khai thực hiện tốt các nội dung tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên cơ sở xác định các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có lợi thế so sánh để tập trung đầu tư về khoa học công nghệ, kết cấu hạ tầng, tạo bước đột phá về sức cạnh tranh, nâng cao giá trị sản phẩm, từ đó cải thiện thu nhập và mức sống cho người dân, góp phần thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Trong thực hiện, lấy liên kết chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông sản làm trọng tâm, lấy khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao làm động lực phát triển.
Ngành Nông nghiệp tỉnh đề ra nhiều giải pháp phục hồi ngành Nông nghiệp, giúp nông dân tiêu thụ nông sản trong thời gian tới. |
Để thực hiện đạt các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm này, Sở NN&PTNT đã đề ra một số giải pháp cụ thể sau: Tiếp tục phát triển vùng chuyên canh hàng hóa đã có, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, cấp mã số vùng trồng gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Trong giai đoạn 2021 - 2025, ngành Nông nghiệp tập trung đầu tư phát triển ngành hàng trái cây theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, ứng dụng khoa học và công nghệ vào khâu sản xuất - chế biến - tiêu thụ.
Tập trung hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản theo Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND ngày 12-7-2019 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Phấn đấu đến năm 2025, có 30 - 40 chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm làm mô hình điểm để nhân rộng.
Cùng với đó là tập trung mời gọi DN đầu tư vào nông nghiệp, nhất là đầu tư lĩnh vực chế biến nông sản theo Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐND ngày 12-7-2019 của HĐND tỉnh về quy định chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Tập trung phối hợp các đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh, đề xuất Trung ương để tham gia 2 dự án sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới gồm: Dự án Thực phẩm an toàn tỉnh Tiền Giang và Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và chuyển đổi sinh kế vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững và thịnh vượng nhằm cải thiện hệ thống quản lý an toàn thực phẩm sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị.
Đồng thời, nâng cao khả năng chống chịu biến đổi khí hậu, chuyển đổi sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân ở vùng chịu ảnh hưởng của lũ. Ngoài ra, tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cấp hoàn thiện các công trình thủy lợi, hệ thống giao thông, hệ thống điện... phù hợp với yêu cầu chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp…
NÂNG CAO Ý THỨC NGƯỜI DÂN ĐỂ KÉO GIẢM TAI NẠN GIAO THÔNG
Cũng tại đây, đại biểu Lê Thị Thanh Nhàn chất vấn: Đầu quý II-2021 dịch Covid-19 bùng phát, một số địa phương và toàn tỉnh dần thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, theo báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 của UBND tỉnh, tình hình TNGT tăng cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương... Đại biểu đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, ngành Công an tỉnh cho biết nguyên nhân và giải pháp khắc phục trong thời gian tới?
Đại tá Nguyễn Văn Nhựt, Giám đốc Công an Tiền Giang giải trình về vấn đề TNGT. |
Giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Văn Nhựt giải trình, trong 6 tháng đầu năm 2021, trước sự gia tăng của các phương tiện giao thông, mặc dù cơ sở hạ tầng được nâng cấp, mở rộng nhưng chưa đáp ứng kịp so với hoạt động giao thông vận tải dẫn đến tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh có lúc, có nơi diễn biến phức tạp và tăng cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên từ quý III-2021, áp dụng Chỉ thị số 15/CT-TTg, Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 nên TNGT được kiềm giảm sâu so với cùng kỳ năm 2020 (số vụ giảm 53%, số người chết giảm 62%, số người bị thương giảm 50%).
Đại biểu Lê Thị Thanh Nhàn chất vấn tại hội trường. |
Đến khi Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ về quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, phương tiện tham gia giao thông tăng cao trở lại nên TNGT diễn biến phức tạp.
Có nhiều nguyên nhân TNGT tăng như: Một bộ phận người dân còn thiếu ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, vi phạm về tốc độ, nồng độ cồn, phần đường, làn đường, không giảm tốc độ khi ra đường chính, vượt đèn đỏ, người đi bộ leo qua dải phân cách, qua đường không đúng quy định...
Cùng với đó là cơ sở hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển của xã hội, phương tiện xe cơ giới đường bộ tăng cao. Các tuyến quốc lộ (Quốc lộ 1, 30, 50, 60) qua địa bàn tỉnh Tiền Giang, đường dẫn cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, tuyến tránh TX. Cai Lậy, làn đường dành cho xe mô tô còn hẹp. Lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến quốc lộ rất cao, nhất là vào các ngày cuối tuần, lễ, tết.
Riêng trên Quốc lộ 1 có khoảng 70 ngàn lượt phương tiện lưu thông qua lại/ngày đêm. Trong khi lực lượng Cảnh sát giao thông còn mỏng, cùng lúc thực hiện nhiều nhiệm vụ nên đôi lúc lực lượng chưa đảm bảo khép kín địa bàn tuần tra kiểm soát nên việc xử lý, phòng ngừa vi phạm còn hạn chế, nhất là lực lượng Cảnh sát giao thông ở các huyện, thành, thị. Ngoài ra, một số tuyến đường tỉnh, huyện xuống cấp, hư hỏng… cũng chưa được khắc phục kịp thời, do kinh phí còn hạn chế.
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Vân có ý kiến về nguyên nhân dẫn đến gia tăng TNGT tại Phiên chất vấn. |
Về các giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm nhằm kéo giảm TNGT trong thời gian tới, trong Tờ trình kèm theo dự thảo Nghị quyết về biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2022 - 2026 của UBND tỉnh trình HĐND tỉnh đã nêu cụ thể; với trách nhiệm được giao ngành Công an sẽ nỗ lực thực hiện khi Nghị quyết được ban hành nhằm kéo giảm TNGT trong thời gian tới.
Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự huyện Châu Thành tuần tra xử lý vi phạm an toàn giao thông trên đường tỉnh 864. Ảnh: Hoàng Long |
Ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh khẳng định: Thời điểm tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, TNGT trên địa bàn tỉnh không tăng, mà giảm rất sâu trên cả 3 tiêu chí.
Đồng chí nhấn mạnh: Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo ngành Công an, làm sao để nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Đồng thời, tăng cường thường xuyên tuần tra, kiểm soát, xử phạt vi phạm trật tự an toàn giao thông; đề xuất Bộ Công an phân cấp việc tuần tra, kiểm soát, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên quốc lộ theo hướng: Công an cấp huyện được quyền tuần tra, kiểm soát trên các tuyến quốc lộ trong phạm vi địa phương quản lý, nhất là các “điểm đen”.
THU HOÀI