Thứ Sáu, 07/01/2022, 20:37 (GMT+7)
.

Cần đảm bảo "công bằng", "bình đẳng" trong tiếp cận Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

(ABO) Đó là ý kiến đóng góp của đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội khóa XV, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Tiền Giang đối với dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tại phiên thảo luận trực tuyến ngày 7-1. Ngoài ra, các ĐBQH còn góp nhiều ý kiến cho dự thảo Nghị quyết cho phép áp dụng thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ.

CẦN QUAN TÂM HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP DO PHỤ NỮ LÀM CHỦ

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm cơ bản đồng tình với dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ (gọi tắt Chương trình). Tuy nhiên, đại biểu cho rằng để đảm bảo tính toàn diện, công bằng trong tiếp cận nguồn lực của chương trình, đề nghị bổ sung thêm quan điểm “đảm bảo công bằng và bình đẳng” trong thực hiện Chương trình.

Theo phân tích của đại biểu, việc bổ sung thêm quan điểm này vào Chương trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi thực tế cho thấy đại dịch Covid-19 tác động sâu sắc tới mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội; trong đó, tác động lớn hơn đối với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi, người già, người lang thang, cơ nhỡ, các lao động phi chính thức - những người bị mất việc làm, có việc làm không ổn định, thu nhập thấp, ít tham gia bảo hiểm xã hội, ít được chăm lo, bảo vệ.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội, đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang,
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm phát biểu tại phiên thảo luận trực tuyến.

Cùng với đó, đại dịch làm gia tăng khoảng cách giới ở Việt Nam. Theo báo cáo tác động của đại dịch Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam do VCCI phối hợp với Ngân hàng Thế giới thực hiện cho thấy, có tới 87,2% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19, phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, doanh nghiệp mới thành lập; 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ.

Đại biểu cũng dẫn nghiên cứu khác cho thấy, dịch bệnh Covid-19 khiến cho số doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ phải tạm ngừng một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh cao gấp đôi so với doanh nghiệp nhỏ và vừa do nam làm chủ. Đây là những doanh nghiệp cần nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với nam và nữ có sự khác biệt, đã tạo ra khoảng cách về tỷ lệ thất nghiệp, vốn chưa từng có trước đại dịch. Trong quý IV-2019, tỷ lệ thất nghiệp giữa nam và nữ là như nhau. Khi đại dịch xuất hiện, tỷ lệ thất nghiệp của phụ nữ tăng lên so với trước đây, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở nam là không thay đổi. Ngoài ra, phụ nữ thường tập trung ở một số ngành/lĩnh vực sản xuất, dịch vụ và bị ảnh hưởng nhiều nhất, cụ thể là thương mại bán lẻ, khách sạn và du lịch và các ngành sản xuất hàng may mặc xuất khẩu. Khi Việt Nam và các nước áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại và đóng cửa nền kinh tế để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 khiến phụ nữ chiếm số đông trong các lĩnh vực này dễ bị tổn thương hơn.

ĐBQH tại điểm cầu Tiền Giang
ĐBQH tỉnh Tiền Giang tham dự phiên họp trực tuyến tại điểm cầu Tiền Giang.

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, hiện nay cơ cấu phân bổ kinh phí của Chương trình vẫn tập trung nhiều vào đầu tư cơ sở hạ tầng. Đại biểu đề nghị, Chính phủ cần tiếp tục quan tâm hơn nữa việc đầu tư cho an sinh xã hội, để Chương trình thực sự đạt được mục tiêu tạo động lực để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; và không để ai, nhóm nào, ngành nghề lĩnh vực, địa phương nào bị bỏ lại phía sau trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, quan điểm quan trọng là “công bằng” và “bình đẳng” cần được đảm bảo xuyên suốt trong quá trình thực hiện Chương trình, góp phần thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội và công bằng xã hội.

GÓP NHIỀU Ý KIẾN CHO DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT THÍ ĐIỂM CƠ CHẾ ĐẶC THÙ TP. CẦN THƠ

Tại các buổi thảo luận tổ, thảo luận trực tuyến, nhiều ĐBQH đã có ý kiến thảo luận, đóng góp đối với dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Dương, TP. Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc Trung ương có vị trí trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mang những đặc trưng cơ bản của một trung tâm đa chức năng, có sức lan tỏa về kinh tế, văn hóa, xã hội và là cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mê Kông, đóng vai trò kết nối nước ta với các nước thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng.

Về hạ tầng cho phát triển y tế, giai đoạn từ năm 2002 đến 2020, nhiều bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế đã và đang được tiến hành xây mới, nâng cấp, sửa chữa từ nguồn vốn đầu tư trung ương, vốn địa phương và vốn ODA của các Chính phủ Pháp, Hungary. Trong đó, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ (quy mô 1.000 giường) là bệnh viện tuyến trung ương, tiếp nhận bệnh nhân của cả khu vực ĐBSCL...

Đại biểu Nguyễn Văn Dương phát biểu ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Cần Thơ.
Đại biểu Nguyễn Văn Dương phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tổ.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Văn Dương cho rằng, mặc dù Cần Thơ đã khai thác lợi thế cho phát triển; kinh tế tăng trưởng khá với chất lượng tăng trưởng được nâng lên, từng bước khẳng định vai trò trung tâm của vùng ĐBSCL nhưng phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; chưa thực sự là trung tâm động lực của vùng ĐBSCL.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, nhất là ngành công nghiệp; phát triển ngành dịch vụ chưa tạo ra được sự đột phá, chưa trở thành trung tâm dịch vụ lớn, đa ngành và chưa xây dựng được các khu liên kết sản xuất của vùng. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị còn bất cập, thiếu bền vững. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, chất lượng chưa cao, là điểm nghẽn đối với phát triển của TP. Cần Thơ và vùng ĐBSCL.

Ngoài ra, theo thống kê vùng ĐBSCL đóng góp khoảng 50% sản lượng gạo, 65% thủy hải sản và 70% rau quả cả nước, kim ngạch xuất khẩu nông sản hằng năm đạt 18 tỷ USD. Tuy nhiên, toàn vùng hiện nay chưa có trung tâm logistics cấp II, chủ yếu chỉ dừng lại ở hệ thống kho trong các cảng biển, kho lạnh riêng lẻ, chưa đáp ứng được yêu cầu tập kết và cung ứng hàng xuất khẩu mang quy mô vùng. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là nguyên liệu thô, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng thấp.

Do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 trong 2 năm qua, các sản phẩm nông nghiệp của vùng không tiêu thụ được nên sản phẩm quá lứa, quá thời gian thu hoạch, bị hư hỏng, ứ đọng, gây thiệt hại lớn cho người dân và doanh nghiệp. Việc hình thành trung tâm liên kết tại Cần Thơ là cần thiết để tạo hệ thống logistics liên hoàn, tận dụng được ưu thế hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ, cảng biển, đường hàng không và giải quyết các vấn đề bất cập nêu trên…

Đại biểu Nguyễn Kim tuyến phát biểu đối với dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Cần Thơ
Đại biểu Nguyễn Kim Tuyến phát biểu ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ.

Vì vậy, cơ chế, chính sách đặc thù cho TP. Cần Thơ cần được Quốc hội thông qua ngay, do đây là địa phương động lực của cả vùng ĐBSCL. Khi thành phố phát triển thì sẽ kéo các tỉnh khác cùng phát triển.

Đồng quan điểm với đại biểu Nguyễn Văn Dương, đại biểu Nguyễn Kim Tuyến góp ý thêm về việc quản lý tài chính ngân sách. Đại biểu Nguyễn Kim Tuyến cho rằng, Cần Thơ là một trong những tỉnh, thành có số thu tương đối cao nhưng chưa thực sự cao so với tiềm năng của địa phương. TP. Cần Thơ cần nâng cao khả năng huy động nội lực để phát triển, kết hợp với cơ chế đặc thù tạo đột phá, làm đầu tàu kéo các địa phương trong khu vực ĐBSCL phát triển trong giai đoạn tiếp theo.

THU HOÀI

.
.
.