Thứ Tư, 05/01/2022, 18:30 (GMT+7)
.

Đề xuất 12 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về kinh tế - xã hội của Chính phủ năm 2022

(ABO) Ngày 5-1, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương về tổng kết công tác năm 2021 và triển khai Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
 
Dự tại điểm cầu Chính phủ có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng…
 
Dự tại điểm cầu Tiền Giang có các đồng chí: Võ Văn Bình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tiền Giang; Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang.
 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại điểm cầu Trung ương. (Ảnh chụp qua màn hình trực tuyến)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại điểm cầu Trung ương (ảnh chụp qua màn hình trực tuyến).
Ngay từ đầu năm 2021, Chính phủ đã xác định phương châm “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển” với 8 trọng tâm, 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 193 nhiệm vụ cụ thể phân công cho từng bộ, ngành và địa phương.
 
Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 2,58% so với năm 2020. Thu ngân sách nhà nước cả năm vượt dự toán 16,5%, cơ bản bảo đảm nguồn lực cho các nhiệm vụ chi, nhất là cho công tác phòng, chống dịch và các nhiệm vụ cấp bách khác; tổng kinh ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 22,6%, đạt 668,5 tỷ USD. Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) có mức tăng trưởng cao (tăng 9,2%); đặc biệt, vốn tăng thêm tăng mạnh trên 40%...
 
Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh phát biểu tại điểm cầu Tiền Giang.
Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh phát biểu tại điểm cầu Tiền Giang.
Phát biểu tại điểm cầu Tiền Giang, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, trong 6 tháng đầu năm, tỉnh kiểm soát được hạn, mặn; do vậy, các chỉ tiêu đều đạt và vượt so với cùng kỳ, tốc độ tăng trưởng 3,31%.
 
Sang quý III, tốc độ tăng trưởng giảm mạnh. Cả năm, tỉnh đạt 11/19 chỉ tiêu, những chỉ tiêu không đạt nhưng tăng so với cùng kỳ.
 
Đặc biệt, đến nay, 100% doanh nghiệp đã trở lại hoạt động bình thường và dịch Covid-19 đã được kiểm soát. Năm 2021, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt rất cao.
 
Tính đến ngày 31-12-2021, tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách trung ương trên 94,6%, vốn ngân sách cấp tỉnh đạt 94%. Dự kiến trong tháng 1-2022, sẽ giải ngân đạt 100% kế hoạch năm 2021, Tiền Giang là 1 trong 10 địa phương dẫn đầu về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công. 
 
Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh phát biểu tại hội nghị trực tuyến với Chính phủ.
Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh phát biểu tại hội nghị trực tuyến với Chính phủ.
Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh kiến nghị: Chính phủ tăng cường phân cấp cho địa phương với tư cách là “Cơ quan nhà nước có thẩm quyền” đối với các dự án quan trọng (thực tế đã chứng minh từ Dự án Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận).
 
Tách công tác giải phóng mặt bằng thành các dự án thành phần để địa phương chủ động, linh hoạt thực hiện công việc đồng bộ (nhất là giá đền bù, chế độ hỗ trợ và thời hạn chi trả).
 
Bên cạnh đó, đồng chí đã kiến nghị về thẩm quyền mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ để địa phương chủ động thực hiện dự án đầu tư; phân cấp thẩm quyền dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp.
 
Đối với Dự án Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải có ý kiến về thu phí đầu tuyến để hoàn vốn dự án. 
 
Năm 2022, chủ đề được Chính phủ xác định là “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”. Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 đề xuất 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu (tương ứng với 180 nhiệm vụ cụ thể)…
 
Quang cảnh tại điểm cầu Tiền Giang.
Quang cảnh tại điểm cầu Tiền Giang.
Tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu năm 2022 và những năm tiếp theo, cần tiếp tục theo dõi sát sao, nắm chắc các diễn biến của tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước, đặc biệt là nguy cơ từ các biến chủng mới để kịp thời có chính sách, biện pháp ứng phó phù hợp. Đây được coi là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của các cấp, các ngành ngay từ đầu năm 2022...
 
Về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Tổng Bí thư yêu cầu tập trung thực hiện có hiệu quả, gắn với thực hiện nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững, thực chất hơn; đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và thích ứng với biến đổi khí hậu…
 
Bên cạnh đó, Tổng Bí thư yêu cầu quan tâm hơn nữa đến nhiệm vụ phát triển văn hóa hài hòa và ngang tầm với phát triển kinh tế, xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn…
VĂN THẢO
 
.
.
.