.

Cán bộ binh vận nói về mũi giáp công binh vận

Cập nhật: 09:05, 20/04/2022 (GMT+7)

Trong không khí hân hoan chào mừng kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-20220), chúng tôi đến gặp ông Lê Văn Kiếm, nguyên cán bộ binh vận Khu 8, được ông chia sẻ về mũi giáp công binh vận trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chiến tranh đã lùi vào quá khứ gần nửa thế kỷ, nhưng những bài học và những ký ức về những tháng năm lịch sử ấy vẫn còn ý nghĩa sâu sắc.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, công tác binh vận được xác định là một trong những nhiệm vụ chiến lược. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng từ trung ương đến cơ sở, công tác binh vận đã kết hợp chặt chẽ với đấu tranh quân sự và chính trị, tạo nên sức mạnh tổng hợp để đánh thắng kẻ thù, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Ông Lê Văn Kiếm chia sẻ tư liệu về công tác binh vận tỉnh Mỹ Tho cho cán bộ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tiền Giang.
Ông Lê Văn Kiếm chia sẻ tư liệu về công tác binh vận tỉnh Mỹ Tho cho cán bộ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tiền Giang.

Tại tỉnh Mỹ Tho và tỉnh Gò Công (nay là tỉnh Tiền Giang), công tác binh vận là một trong ba mũi giáp công được sử dụng hiệu quả ngay từ đầu cuộc kháng chiến, mang lại những thắng lợi quan trọng.

ĐÁNH THỨC LƯƠNG TRI NGƯỜI CON VIỆT

Ông Lê Văn Kiếm trực tiếp công tác tại Tiền Giang trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cho biết, công tác binh vận là một trong những công tác chiến lược, là một trong ba mũi tấn công chiến lược do Đảng lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt. Đảng ta luôn quan tâm xây dựng tổ chức bộ máy Ban Binh vận vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong mỗi giai đoạn của cách mạng.

Nhiều đồng chí lãnh đạo chủ chốt đã được phân công phụ trách công tác này. Đảng luôn quan tâm giáo dục, quán triệt cho cán bộ, đảng viên và chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách binh vận. Đảng cử cán bộ binh vận đi học tập nâng cao trình độ, sau đó về cài cắm những cán bộ này vào sâu trong hàng ngũ của địch, thực hiện phân hóa hàng ngũ kẻ thù, khoét sâu mâu thuẫn trong hàng ngũ địch, thực hiện nắm bắt thông tin, kịp thời cung cấp những thông tin có lợi cho cách mạng.

Bên cạnh đó, bám sát quần chúng nhân dân, đưa cán bộ ta vào trong quần chúng, kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm của nhân dân để tranh thủ sự ủng hộ của lực lượng toàn dân. Tùy theo tình hình cụ thể, binh vận có thể phục vụ và kết hợp với đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang; cá nhân độc lập chiến đấu diệt ác ôn, phá hoại phương tiện chiến tranh của địch; khởi nghĩa làm binh biến…

Tại Tiền Giang, Ban Binh vận được thành lập và hoạt động nhịp nhàng từ khu cho đến tỉnh, huyện và cơ sở. Cán bộ binh vận đã khéo léo dùng tình cảm đánh trúng vào tâm tư, nguyện vọng của binh lính ngụy, thức tỉnh lòng yêu quê hương đất nước của họ và tuyên truyền, giáo dục giúp họ hiểu về cách mạng, bỏ súng quy hàng trở về với gia đình hoặc theo cách mạng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho bộ đội đánh địch lấy đồn địch. Từ sự giác ngộ của quần chúng và gia đình binh sĩ mà có phong trào tập hợp quần chúng và gia đình binh sĩ địch thành mũi xung kích đánh địch thành công lớn, góp phần cho mũi vũ trang giảm đổ xương máu.

Nhờ binh vận tốt mà ta tổ chức đánh đồn, đánh bót địch ngay ban ngày, như đánh đồn Tân Hội, bót Ngũ Hiệp (Cai Lậy). Cái Tết năm 1963 là cái tết trong vùng giải phóng lớn kéo dài từ Nam Cái Bè cho tới phía Tây xã Vĩnh Kim, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho. Cán bộ, bộ đội ăn, ở trong dân an toàn. Nhân dân phấn khởi. Nhiều cán bộ trung ương đi công tác ghé vui tết trong khu trung tâm Ba Dừa... Còn nhiều lắm chiến công của binh vận, đặc biệt là “đánh quỵ sư đoàn 7” của địch trong cuộc Tổng tiến công và nổi dây Xuân Mậu Thân 1968 theo chỉ đạo của Trung ương Cục Miền Nam…

THƯƠNG LẮM ĐỒNG ĐỘI KIÊN TRUNG!

Có thể nói, thành tích mà công tác binh vận lập nên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là vô cùng to lớn. Sau ngày đất nước thống nhất, Ban Binh vận kết thúc nhiệm vụ, những người làm công tác binh vận chuyển sang làm công tác khác hoặc trở về với cuộc sống đời thường. Dù ở vị trí nào thì điều đọng mãi trong tâm tư họ là nỗi nhớ nhung và sự cảm phục đối với những đồng đội đã hy sinh thầm lặng cho Tổ quốc.

Ban Liên lạc Binh vận Tiền Giang ra đời và hoạt động hơn 20 năm trước, do ông Lê Văn Kiếm liên lạc, tập hợp được hơn 130 người làm công tác binh vận ngày xưa. Họ cùng nhau san sẻ kỷ niệm, động viên nhau, giúp nhau trong cuộc sống.

Nhắc lại kỷ niệm thời chiến, ông Lê Văn Kiếm bùi ngùi: Cán bộ binh vận dũng cảm lắm, hy sinh vì đại nghiệp chứ không hề lo nghĩ gì đến cái chết. Có người biết chết mà vẫn bình thản và lo nghĩ cho đồng đội…

Anh Hà Văn Mến, lính sư đoàn 7 ngụy được cán bộ binh vận cảm hóa, đã dùng trung liên tiêu diệt tiểu đội thảm sát của sư đoàn 7 ngụy trong quá trình đi hành quân và ôm vũ khí chạy vô vùng giải phóng. Sau đó anh bị địch bắt và bị cảnh sát Săn hành hình dã man. Mãi tới 40 năm sau ngày anh hy sinh mới tìm được gia đình anh ở tỉnh Quảng Ngãi để làm thủ tục công nhận liệt sĩ cho anh.

Nhiều đồng chí hy sinh mồ mả chưa tìm thấy, như anh Nguyễn Văn Triết, quê ở Ngũ Hiệp, cùng 20 cán bộ binh vận được đưa đi huấn luyện ở Chi Lăng (An Giang). Sau khóa huấn luyện, anh được cài làm nội tuyến trong sư đoàn 7 ngụy. Năm 1966, anh Triết cùng đồng đội khởi nghĩa, đưa đại đội 52 ôm vũ khí chạy ra vùng giải phóng ở chân núi Vàng. Trên đường di chuyển, anh bị trúng đạn nhưng kiên quyết không để đồng đội khiêng theo vì nghĩ tới sinh mạng của hơn 100 anh em khác. Sau 2 ngày, đồng đội quay lại tìm nhưng không thấy anh Triết. Cùng đợt này có anh Dũng, quê ở Tân Hội, cũng mất tích khi tìm đồng đội.

Trong trận đánh vào Trung tâm Huấn luyện Hùng Vương của địch, trên đường mang vũ khí rút ra ngoài, anh Bảy vì cứu chị Chương là dân công hỏa tuyến mà hy sinh, nhưng sáng ra đồng đội không tìm thấy thi thể. Cũng trong trận đánh này, anh Thảo làm nội tuyến, sau đó rút đi cùng đơn vị. Trong chuyến công tác tại Phú An (Cai Lậy), anh bị trúng miểng pháo bị thương nhưng kiên quyết không cho đồng đội đem đi cấp cứu vì: “Em biết em chết anh Hai ơi! Đừng đem em đi cấp cứu làm chi, kẻo vì em mà anh em sa vào tay giặc, bị thương hoặc hy sinh…”. Ông Lê Văn Kiếm xúc động kể lại và thổn thức “Còn nhiều sự hy sinh khác anh dũng lắm, kiên cường lắm!...”.

THỦY HÀ (lược ghi)

 

.
.
.