.

Chủ tịch Quốc hội: "Ép buộc lựa chọn giới tính thai nhi; xâm hại, bạo hành con riêng của vợ; của chồng là những vấn đề nhức nhối"

Cập nhật: 17:41, 16/04/2022 (GMT+7)

“Cần nhận diện đầy đủ hơn hành vi này. Bởi nhiều khi bạo lực về tinh thần còn nặng nề hơn bạo lực thể xác. Thậm chí, có chuyên gia nói, việc ép buộc lựa chọn giới tính thai nhi cũng là hành vi bạo lực gia đình. Tình trạng xâm hại, bạo hành con riêng của vợ; mẹ kế bạo hành con riêng của chồng cũng xảy ra rất nhức nhối”, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ quan điểm.

Trình bày tờ trình về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, bạo lực gia đình vẫn còn là một vấn đề nhức nhối, nan giải ở Việt Nam. Nhiều vụ việc xuất hiện những hành vi bạo lực gia đình có mức độ gây hại nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, tinh vi, khó lường và khó xử lý bằng các quy định pháp luật hiện hành.

Trước tình hình đó, dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tập trung vào 3 nhóm nội dung chính: các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, tăng cường bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ chế phối hợp và các điều kiện bảo đảm để thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình; khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

a
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, dự thảo luật chưa bao quát hết các hành vi bạo lực gia đình

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói, việc Chính phủ trình dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình ngay đầu nhiệm kỳ mới thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước đối với vấn đề văn hóa, xã hội, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, dự thảo luật chưa bao quát hết các hành vi bạo lực gia đình.

“Cần nhận diện đầy đủ hơn hành vi này. Bởi nhiều khi bạo lực về tinh thần còn nặng nề hơn bạo lực thể xác. Thậm chí, có chuyên gia nói, việc ép buộc lựa chọn giới tính thai nhi cũng là hành vi bạo lực gia đình”, Chủ tịch Quốc hội nêu ví dụ và đề nghị cơ quan soạn thảo có những nghiên cứu sâu thêm. Bên cạnh đó, nội dung quy định về hành vi bạo lực “áp dụng với người đã ly hôn hoặc chung sống với nhau như vợ chồng” chưa bao quát hết các trường hợp trong thực tiễn. Dẫn trường hợp em bé 3 tuổi bị người tình của mẹ đóng đinh vào đầu, Chủ tịch Quốc hội nhận định, tình trạng xâm hại, bạo hành con riêng của vợ, mẹ kế bạo hành con riêng của chồng, cũng diễn ra rất nhức nhối.

“Lần sửa đổi này nhận diện và và khắc phục việc này thế nào?”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ trăn trở và đề nghị cơ quan soạn thảo phối hợp với các cơ quan thuộc khối tư pháp xem rà soát để nhận diện và có biện pháp để khắc phục.

a
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại phiên họp

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đề cập đến khía cạnh bạo lực gia đình liên quan việc dạy và học tập của trẻ em trong thời gian gần đây, dẫn đến nhiều câu chuyện đau lòng.

"Những kỳ vọng quá lớn của cha mẹ với con cái dẫn đến yêu cầu các cháu phải học đến 3 - 4 giờ sáng cũng như mong muốn con cái cứ phải được điểm 10, phải đi theo nghề nghiệp cha mẹ, trở thành niềm hãnh diện của cha mẹ đã tạo ra áp lực, vượt quá năng lực, khả năng của trẻ em”, Bộ Trưởng Nguyễn Kim Sơn nhận định. Áp lực trong lao động, học tập, cưỡng ép trong lựa chọn, định hướng nghề nghiệp trái với nguyện vọng của trẻ em theo ông, cũng là một dạng bạo lực cần nhận diện.

Sau khi tiếp tục hoàn thiện, dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5).

Theo sggp.org.vn



 

.
.
.