.

Giồng Dứa 75 năm hào khí mãi âm vang

Cập nhật: 14:01, 22/04/2022 (GMT+7)

Chiến thắng Giồng Dứa (25-4-1947) oai hùng đã đi vào lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc. Đảng bộ và nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang nói chung và xã Long Định nói riêng tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, tinh thần bất khuất này trong công cuộc dựng xây, đưa quê hương ngày càng đi lên giàu đẹp, văn minh.

GIỒNG DỨA HÔM QUA

Giồng Dứa là vùng đất giồng, có nhiều cây dứa gai mọc hoang nên nhân dân địa phương gọi là Giồng Dứa (thuộc ấp Đông, xã Long Định). Cách đây 75 năm, nắm được quy luật là cứ vào ngày 25 hằng tháng sẽ có một đoàn Công-voa của thực dân Pháp từ Sài Gòn đi tiếp tế cho các tỉnh miền Tây, nhất là sau chiến thắng Cổ Cò ngày 22-1-1947.

Di tích Chiến thắng Giồng Dứa tại ấp Đông, xã Long Định.
Di tích Chiến thắng Giồng Dứa tại ấp Đông, xã Long Định.

Bộ Tư lệnh Chiến khu 8 đã quyết định mở trận tấn công. Sau nhiều lần nghiên cứu đoạn đường từ Nhị Bình đến Chợ Bưng, đồng chí Khu bộ trưởng Chiến khu 8 Trần Văn Trà đã thống nhất chọn đoạn Giồng Dứa làm trận địa phục kích.

Từ tháng 3-1947, ta đã tổ chức lực lượng và bố trí đội hình cho trận đánh. Đại đội chủ lực của Khu 8 được tổ chức từ học viên khóa 2 Trường Quân chính Khu do đồng chí Nguyễn Doãn Bảy làm Đại đội trưởng, gồm 3 trung đội: Bộ binh, hỏa lực và trung đội trinh sát.

Bên cạnh đó là Đại đội Dân quân và Chi đội 17 Vệ quốc đoàn tỉnh Mỹ Tho, với quân số khoảng 200 đồng chí. Quân số của ta được bố trí sát cặp 2 bên lề lộ để đánh xe địch; lực lượng khác được bố trí để đánh đồn và đánh chặn viện binh địch từ hướng Mỹ Tho lên.

19 giờ ngày 24-4-1947, đồng chí Trần Văn Trà hạ lệnh cho các lực lượng của ta từ căn cứ Xóm Keo (xã Tam Hiệp) hành quân ra chiếm lĩnh trận địa dài 3 km từ ấp Trung (xã Long Định) đến cầu An Thạnh (xã Phước Thạnh, tỉnh Tiền Giang) và bám sát công sự. Đến 1 giờ sáng ngày 25-4-1947, các đơn vị của ta đã hoàn thành công tác chuẩn bị, ngụy trang kín đáo chờ lệnh nổ súng.

Sáng 25-4-1947, đoàn Công-voa gồm 39 xe, trong đó có 12 xe quân sự đến ngã ba Trung Lương thì dừng lại gần nửa giờ để tập hợp lực lượng, đoàn xe xếp hàng dài trên 2 km. Đến 10 giờ 30 phút, đoàn xe bắt đầu di chuyển. Sau khi vượt qua cầu An Thạnh (nay là cầu Rượu thuộc xã Phước Thạnh), đoàn xe địch lọt vào trận địa phục kích của ta. Mấy chiếc xe đi đầu cán phải 3 quả mìn của ta cài trên mặt lộ bị nổ tung. Toàn trận địa nổ súng tấn công.

Để ghi dấu trận đánh oai hùng, năm 1985, UBND tỉnh Tiền Giang đã xây dựng Tượng đài Chiến thắng Giồng Dứa, gồm tượng tròn và phù điêu mô tả trận đánh, cảnh đốt xe địch do 2 nhà điêu khắc Đỗ Nhu Cần và Phạm Mười tạo mẫu. Tượng đài với chất liệu bê tông cốt thép cao 7 m, phù điêu dài 24 m, trong một khuôn viên với diện tích 8.826 m2 gồm các hạng mục công trình như: Công viên, vườn hoa, cây cảnh, hồ cảnh bao bọc chung quanh. Di tích Chiến thắng Giồng Dứa được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích Lịch sử Quốc gia vào ngày 27-11-2003.

Cùng lúc đó, một chiến sĩ giả làm người nông dân kéo chiếc xe bò chở đầy rơm đi trên đường bất ngờ đẩy ra giữa lộ chặn ngang đường cản trở đoàn xe hộ tống, buộc những xe này phải chựng lại.

Trong khi đó, những xe đi đầu lọt vào trận địa phục kích bị ta tiêu diệt nhanh chóng, có xe định quay lại tháo chạy nhưng bị trọng liên 12,7mm kiềm lại không thoát được. Một nông dân thổi tù và làm hiệu lệnh xung phong. Toàn đội hình của ta xung phong mãnh liệt. Những chiếc xe nằm ở đội hình phía sau quay đầu chạy thoát về Mỹ Tho báo động.

Trận đánh kết thúc nhanh chóng sau 30 phút giao tranh ác liệt, ta tiêu diệt hoàn toàn 14 xe đi đầu trong đoàn Công-voa của dịch. Đến 11 giờ, địch đưa viện binh từ Mỹ Tho đến trận địa phục kích. Lúc này, quân ta đã rút lui về căn cứ sau khi đã bắt tù binh và đốt cháy các xe của địch.

Với trận phục kích tại Giồng Dứa, ta đã tiêu diệt 43 tên, bắt sống 7 tên địch, thu được một số súng đạn. Về phía ta, đồng chí Nguyễn Doãn Bảy, Đại đội trưởng Đại đội chủ lực Khu 8 hy sinh khi dẫn đội hình nhảy lên lộ xung phong diệt địch.

LONG ĐỊNH HÔM NAY

Theo Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Châu Thành, hằng năm vào ngày 25-4, lãnh đạo tỉnh, huyện, xã đều tổ chức các đoàn đến đặt tràng hoa, dâng hương tại Tượng đài Chiến thắng Giồng Dứa. Đây là hoạt động nhằm ôn lại truyền thống lịch sử, tinh thần bất khuất, kiên cường, sức mạnh quật khởi, khí phách dũng cảm của Đảng bộ và nhân dân Tiền Giang nói chung, Đảng bộ và nhân dân huyện Châu Thành, xã Long Định nói riêng trong cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm.

Những tuyến đường tại ấp Đông, xã Long Định được bê tông hóa khang trang.
Những tuyến đường tại ấp Đông, xã Long Định được bê tông hóa khang trang.

Chúng tôi về Long Định trong những ngày tháng tư lịch sử, cảm nhận không khí phấn khởi lan tỏa khắp vùng đất giàu truyền thống cách mạng, nhiều đổi thay trên mảnh đất anh hùng. Xen lẫn hồi ức chống giặc của các cụ cao niên là những chia sẻ của lớp trẻ bàn chuyện xây dựng nông thôn mới (NTM), chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để làm giàu... Chúng tôi không còn nhận ra những vết tích của chiến tranh, mà thay vào đó, từng con đường, từng ngôi nhà đang bừng lên sức sống mới, đường làng, ngõ xóm trải bê tông sạch đẹp, nhà cửa khang trang mọc san sát, niềm vui về quê hương đổi mới hiển hiện trên khuôn mặt từng người dân.

Ông Phan Văn Mật, (72 tuổi, một nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi ngụ ấp Đông) phấn khởi: “Trước đây, đời sống người dân khổ lắm, nhất là tìm cách làm ăn để thoát nghèo. Nhưng nay đã khác rồi, được Nhà nước quan tâm hỗ trợ giống cây trồng, cho vay vốn làm ăn, xây dựng trường học nên con cháu được học trong ngôi trường khang trang, giao thông đi lại thuận tiện..., chúng tôi rất phấn khởi”.

Theo Chủ tịch UBND xã Long Định Nguyễn Thị Nga, sau nhiều năm khắc phục hậu quả chiến tranh, tập trung phát triển kinh tế, từ năm 2017, xã Long Định chính thức bắt tay vào xây dựng NTM, mang lại diện mạo mới cho quê hương giàu truyền thống cách mạng. Dù xuất phát điểm thấp, nhưng đúng 5 năm, với nỗ lực của toàn Đảng bộ và sự đồng lòng của người dân, Long Định đã về đích xã NTM. “Những con đường liên xã, liên ấp… hiện nay đều được nhựa hóa, bê tông hóa từ chính công sức đóng góp của người dân. 

Trong giai đoạn xã thực hiện xây dựng NTM, người dân toàn xã đóng góp trên 90 tỷ đồng. Đến nay, thu nhập bình quân của người dân trong xã đạt trên 50 triệu đồng/năm. Từ kết quả chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đời sống nhân dân từng bước nâng cao, tăng hộ khá giàu, giảm hộ nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo của xã còn dưới 2%. Sau khi về đích NTM, Long Định tiếp tục quyết tâm xây dựng xã đạt NTM nâng cao trong tương lai gần” - đồng chí Nguyễn Thị Nga cho biết.

Đặc biệt, công tác chăm lo gia đình chính sách được Đảng bộ và chính quyền rất quan tâm, mức sống các gia đình chính sách cơ bản ổn định, nhiều gia đình đã phát huy truyền thống cách mạng, gương mẫu đi đầu trong xây dựng NTM.

Trở lại thăm Tượng đài Chiến thắng Giồng Dứa trong những ngày tháng 4 đầy nắng gió, khi cả nước đang hân hoan kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cảm xúc và tự hào xen lẫn trong chúng tôi. Nhớ về những hy sinh của biết bao thế hệ cha anh qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ để non sông nối liền một dải trong ngày 30-4 lịch sử và chúng tôi tin rằng với truyền thống quê hương Giồng Dứa anh hùng, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Châu Thành nói chung và Long Định nói riêng sẽ viết tiếp những trang sử vẻ vang trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước ngày một đẹp giàu.

 LÊ PHƯƠNG

.
.
.