Thứ Tư, 22/06/2022, 09:48 (GMT+7)
.

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV giải quyết hiệu quả các vấn đề thực tiễn đặt ra

Sau 19 ngày làm việc với tinh thần khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành chương trình đề ra và thành công tốt đẹp. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét một khối lượng công việc lớn, quyết định nhiều nội dung quan trọng, không chỉ cho năm 2022, mà cho cả giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo.

Trước yêu cầu của thực tiễn, Quốc hội cũng đã linh hoạt điều chỉnh, quyết định tăng thêm thời lượng truyền hình trực tiếp trên sóng của Truyền hình Quốc hội Việt Nam nhiều phiên thảo luận tại hội trường, tạo điều kiện thuận lợi để cử tri và nhân dân theo dõi, giám sát các hoạt động của Quốc hội. Theo đó, đã nâng từ 13 phiên họp lên 19 phiên họp, với tổng thời lượng 62 giờ.

QUYẾT ĐỊNH NHIỀU VẤN ĐỀ QUAN TRỌNG CỦA ĐẤT NƯỚC

Qua 6 phiên thảo luận tổ, 23 phiên thảo luận toàn thể tại hội trường, đã có 2.138 lượt đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu, tranh luận (trong đó có 1.484 lượt đại biểu phát biểu thảo luận tại tổ, 592 lượt thảo luận và 62 lượt tranh luận tại hội trường).

Ủy viên Ban Chấp hành  Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Danh cùng các ĐBQH  của tỉnh tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp  thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Danh cùng các ĐBQH của tỉnh tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Tại 5 phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn, đã có 133 lượt đại biểu thực hiện quyền chất vấn, 28 lượt đại biểu tranh luận để làm rõ hơn những vấn đề quan tâm. Các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và cơ quan có liên quan đã tổng hợp đầy đủ, tiếp thu, giải trình nghiêm túc, cầu thị các ý kiến của ĐBQH, nhằm hoàn thiện các dự án luật, dự thảo nghị quyết, bảo đảm trình Quốc hội với chất lượng cao nhất.

Theo đó, Quốc hội đã thông qua 5 Luật, 17 Nghị quyết; cho ý kiến về 6 dự án luật khác và quyết nghị nhiều nội dung quan trọng khác. Đặc biệt, lần đầu tiên tại một kỳ họp Quốc hội, có 5 dự án quan trọng quốc gia được xem xét quyết định chủ trương đầu tư, nâng tổng số dự án mà Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định chủ trương đầu tư trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ lên 6 dự án, với tổng mức đầu tư 392.644 tỷ đồng.

Đây đều là những dự án giao thông trọng điểm, cấp bách, bảo đảm quốc phòng, an ninh, có tác động lan tỏa, tăng cường liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của đất nước, các vùng và từng địa phương.

Quốc hội cũng đã dành nhiều thời gian thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển (KT-XH) và ngân sách nhà nước năm 2021; kết quả phát triển KT-XH, tài chính, ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022.

Đồng thời, quyết nghị nhiều định hướng lớn, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để Chính phủ, các cấp, các ngành tiếp tục quyết liệt triển khai thực hiện nhằm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra tại các Kết luận của Trung ương Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển KT-XH, phòng, chống dịch Covid-19 năm 2022, về các khung kế hoạch 5 năm 2021 - 2025; đặc biệt là khẩn trương triển khai đồng bộ, đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và phát triển KT-XH…, nhằm khơi thông nguồn lực, khơi dậy mọi tiềm năng, tạo động lực để vượt qua khó khăn, thách thức, nhanh chóng phục hồi và phát triển KT-XH.

Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về Chương trình Giám sát của Quốc hội năm 2023, Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề. Ngoài ra, đã thực hiện các thủ tục theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, ban hành Nghị quyết bãi nhiệm tư cách ĐBQH; phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc cách chức Bộ trưởng Bộ Y tế đối với ông Nguyễn Thanh Long, vì đã có những sai phạm nghiêm trọng trong vụ án Công ty Việt Á.

ĐOÀN ĐBQH TỈNH TIỀN GIANG ĐÓNG GÓP NHIỀU Ý KIẾN TẠI KỲ HỌP

Để Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội đạt kết quả cao nhất, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang đã tổ chức 11 cuộc tiếp xúc cử tri, có 1.017 cử tri tham dự, phát biểu 81 lượt với 146 ý kiến trên nhiều lĩnh vực. Các ý kiến của cử tri đã được ĐBQH tỉnh nghiêm túc tiếp thu, tổng hợp, kịp thời chuyển đến các cơ quan có trách nhiệm; đồng thời báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo dõi, giám sát kết quả giải quyết.

Tại kỳ họp này, trong 6 buổi thảo luận ở tổ, có 15 lượt đại biểu trong Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia phát biểu với 72 nội dung đóng góp ý kiến. Đoàn ĐBQH tỉnh đã thảo luận nội dung đề nghị của cơ quan có thẩm quyền về việc xem xét bãi nhiệm tư cách ĐBQH và phê chuẩn đề nghị cách chức Bộ trưởng Bộ Y tế đối với ông Nguyễn Thanh Long.

Đối với các phiên thảo luận tại hội trường, có 7 lượt các vị đại biểu tham gia đóng góp các nội dung quan trọng trình ra Quốc hội: Về chương trình xây dựng luật, Pháp lệnh 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, Pháp lệnh 2022; về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)... Các ĐBQH tỉnh cũng đã chất vấn trách nhiệm trong lãnh đạo, điều hành đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Kết quả của Kỳ họp khẳng định Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan, tổ chức có liên quan luôn lắng nghe ý kiến của cử tri và nhân dân, chủ động, tích cực phối hợp để kịp thời đưa ra những quyết sách quan trọng, giải quyết hiệu quả các vấn đề thực tiễn đặt ra, góp phần phục hồi, phát triển KT-XH của đất nước, thể hiện Quốc hội luôn đại diện cho trí tuệ toàn dân, không ngừng đổi mới, cống hiến và hành động vì lợi ích của cử tri, nhân dân và đất nước.
 

MINH TÂM

.
.
.