.

Quan trọng nhất vẫn là sự trong sạch, liêm khiết của người đứng đầu

Cập nhật: 21:13, 02/06/2022 (GMT+7)

Quan trọng nhất vẫn là việc đề cao trách nhiệm nêu gương và sự trong sạch, liêm khiết của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền; tiếp tục rà soát, bổ sung và ban hành các cơ chế, quy định tăng cường kiểm soát quyền lực, nhất là trên các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực.

Đó là giải pháp mà GS.TS Lê Hữu Nghĩa, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nêu ra trong cuộc trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

a
GS.TS Lê Hữu Nghĩa, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Ảnh: VGP/Phương Liên

Quyết liệt, đồng bộ, đi vào chiều sâu

Thưa Giáo sư, thời gian qua, công tác phòng chống tham nhũng được chỉ đạo hết sức quyết liệt, với quyết tâm chính trị rất cao, không có vùng cấm trong công tác phòng chống tham nhũng... Ông có đánh giá như thế nào về kết quả phòng chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua?

GS.TS Lê Hữu Nghĩa: Ngay sau Đại hội XIII, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được Đảng ta triển khai quyết liệt, đồng bộ, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả quan trọng, tích cực, rõ rệt với phương châm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ", "không chịu bất kỳ sức ép không trong sáng của tổ chức, cá nhân nào" theo đúng như lời khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Việc quán triệt và triển khai Nghị quyết Đại hội XIII về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được tổ chức triển khai đồng bộ, bài bản từ Trung ương tới cơ sở.

Trong đó, Trung ương tổ chức nhiều Hội nghị lớn để quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng, điển hình là Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính lần đầu tiên ở quy mô toàn quốc ngày 15/9/2021 và Hội nghị cán bộ toàn quốc ngày 9/12/2021 quán triệt và triển khai Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" (Kết luận số 21-KL/TW) và các quy định của Đảng. Đồng thời, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều chỉ thị, quy định, kết luận về nội dung này nhằm bổ sung, hoàn thiện và hướng dẫn các tổ chức Đảng từ Trung ương tới cơ sở triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất.

Chỉ tính riêng trong năm 2021, đã có 618 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái; xử lý kỷ luật 32 trường hợp thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; khởi tố, điều tra về các tội tham nhũng với 390 vụ án/1.011 bị can.

Đáng chú ý, tháng 9/2021, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã được kiện toàn, bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ với nội hàm phòng, chống cả tham nhũng, tiêu cực.

Điều này khẳng định, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, đạt được nhiều kết quả rõ rệt, có mặt cao hơn năm trước, khẳng định quyết tâm mạnh mẽ, "không ngừng", "không nghỉ", không vì chống dịch mà "chùng xuống, không xử lý" của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Những kết quả đó đã để lại dấu ấn tốt, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao, được các tổ chức quốc tế ghi nhận, đồng thời đã tiếp tục củng cố, tăng cường lòng tin của nhân dân đối với công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng.

Sát thực và phù hợp hơn với tình hình mới

Cùng với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII, Kết luận số 21-KL/TW tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII đã đề ra nhiều giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực... Ông có đánh giá như thế nào về những điểm mới của công tác quan trọng này trong tình hình hiện nay?

GS.TS Lê Hữu Nghĩa: Có thể khẳng định, theo Kết luận số 21-KL/TW, nội hàm về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã được mở rộng hơn, không chỉ trong Đảng mà cả hệ thống chính trị; không chỉ đối với cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên mà còn cả đối với cán bộ, công chức, viên chức, các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị. Đặc biệt là với các cơ quan thực thi pháp luật, những người có chức, có quyền, những nơi có liên quan đến đặc quyền, đặc lợi, kể cả các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Kết luận số 21-KL/TW xác định mục tiêu cao hơn, mang tính sát thực và phù hợp hơn với tình hình mới. Đó là: Không chỉ ngăn chặn, đẩy lùi mà phải đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị đúng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân - nguồn gốc của tham nhũng, tiêu cực; ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện "tự diễn biến, tự chuyển hóa"; kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa "xây" và "chống", "xây" là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; "chống" là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, cấp bách.

Kết luận số 21-KL/TW đã đề ra 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu, trong đó, trên cơ sở kế thừa các nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã đề ra, Trung ương có bổ sung nhấn mạnh thêm 2 nhóm nhiệm vụ, giải pháp là: Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm.

Quan trọng nhất vẫn là đề cao trách nhiệm nêu gương và sự trong sạch

Để công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí tiếp tục đạt được hiệu quả, theo ông những giải pháp gì sẽ là quan trọng?

GS.TS Lê Hữu Nghĩa: Đảng ta nhất quán khẳng định, phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm, thực hiện đồng bộ, thống nhất và triệt để các nhóm nhiệm vụ giải pháp theo tinh thần Kết luận số 21-KL/TW, làm cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thực hiện đúng "4 không" (không muốn tham nhũng, không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không cần tham nhũng).

Điều này sẽ góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá". Với việc Trung ương thống nhất cao tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có ý nghĩa rất lớn, khẳng định tính cấp thiết và đây chính là "cánh tay nối dài" của Ban Chỉ đao Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm kịp thời khắc phục những khuyết điểm, hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng, quan trọng nhất vẫn là việc đề cao trách nhiệm nêu gương và sự trong sạch, liêm khiết của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là việc thực hiện và chấp hành nghiêm Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 Quy định về những điều đảng viên không được làm. Đồng thời, sớm rà soát, bổ sung và ban hành các cơ chế, quy định tăng cường kiểm soát quyền lực, nhất là trên các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực; có giải pháp cụ thể để tiếp tục mở rộng công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ra ngoài khu vực Nhà nước; kiểm soát chặt chẽ tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và xử lý nghiêm minh hành vi tham nhũng, lãng phí và thu hồi tài sản tham nhũng.

Bên cạnh đó, cần có những cơ chế hiệu quả, thực chất để phát huy vai trò giám sát, phản biện của của quần chúng nhân dân, các tổ chức chính trị-xã hội trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

(Theo chinhphu.vn)


 

.
.
.