Thực hiện đúng phương châm "giám sát phải mở rộng", "kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm"
Kiểm tra, giám sát (KTGS) là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng, là một nội dung quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Thời gian qua, với phương châm “giám sát phải mở rộng”, “kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang đã tập trung chỉ đạo, cùng sự chủ động, quyết liệt của các cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) các cấp triển khai thực hiện tốt việc KTGS cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên trong việc chấp hành các chỉ thị, nghị quyết, quy định, Điều lệ Đảng. Qua đó kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên; hạn chế việc khiếu nại, tố cáo và việc thi hành kỷ luật đảng…
Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh tặng Giấy khen cho các tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ KTGS năm 2021. |
SỐ TRƯỜNG HỢP THI HÀNH KỶ LUẬT GIẢM
Ngay từ đầu năm 2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác KTGS; cấp ủy, UBKT các cấp trong tỉnh, nhất là người đứng đầu đã lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện khá toàn diện nhiệm vụ KTGS, thi hành kỷ luật đảng đúng theo quy định của Điều lệ Đảng, các quy định, hướng dẫn của Trung ương và của cấp ủy cấp trên.
Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2022, số lượng các cuộc KTGS tăng so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, cấp ủy các cấp đã kiểm tra 61 tổ chức đảng, tăng 10,9% và 107 đảng viên, tăng 12,63%; giám sát 69 tổ chức đảng, tăng 60% và 108 đảng viên, tăng 20%.
Đối với công tác thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên, cấp ủy các cấp quyết định thi hành kỷ luật 31 đảng viên (trong đó có 12 cấp ủy viên các cấp) với các hình thức: Khiển trách 22, cảnh cáo 6, cách chức 2, khai trừ 1, giảm 40,39% so với cùng kỳ năm 2021.
Nội dung vi phạm chủ yếu: Vi phạm những điều đảng viên không được làm; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo; đất đai, tài nguyên; tham nhũng, cố ý làm trái, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ... Trong số đảng viên bị kỷ luật, có 1 trường hợp bị phạt tù, 4 trường hợp bị xử lý hành chính. Đảng viên bị thi hành kỷ luật ở lĩnh vực Đảng chiếm 16,13%; hành chính, nhà nước 35,48%; lực lượng vũ trang 19,36%; sản xuất, kinh doanh, dịch vụ 12,9%; lĩnh vực khác 16,13%...
Theo đánh giá của UBKT Tỉnh ủy, chất lượng, hiệu quả các cuộc KTGS có chuyển biến nâng lên, đã kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong tỉnh ngày càng trong sạch, vững mạnh. Sự chủ động, quyết liệt vào cuộc của các cấp ủy, của cơ quan UBKT và của cán bộ, làm công tác kiểm tra đã hạn chế được việc khiếu nại, tố cáo và việc thi hành kỷ luật đảng trong 6 tháng qua.
Cụ thể, thi hành kỷ luật giảm 9,1%; về nhận và giải quyết đơn tố cáo, phản ánh có liên quan giảm 35,49% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là kết quả của việc cấp ủy và UBKT các cấp chú trọng đổi mới phương pháp trong công tác KTGS, thực hiện đúng phương châm “giám sát phải mở rộng”, “kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm” mang lại hiệu quả thiết thực.
“KHÔNG ĐỂ VI PHẠM NHỎ TÍCH TỤ THÀNH SAI PHẠM LỚN”
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác KTGS và thi hành kỷ luật đảng vẫn còn có mặt hạn chế, tồn tại, cần sớm có giải pháp khắc phục.
Thời gian qua, nhiều cấp ủy, UBKT tổ chức tốt công tác KTGS. |
Theo đánh giá của UBKT Tỉnh ủy, một số UBKT cấp huyện việc đôn đốc, theo dõi, giám sát, hậu KTGS các kết luận kiểm tra, kết quả giám sát đã ban hành chưa được thực hiện thường xuyên; có nơi mất sức chiến đấu, nội bộ không đoàn kết, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ còn lỏng lẻo; không làm tròn vai trò hạt nhân lãnh đạo. Mặt khác, chưa phối hợp tốt với các tổ chức đảng, cơ quan có liên quan để tiến hành các cuộc KTGS trong lĩnh vực nội chính; đảng viên bị thi hành kỷ luật ở lĩnh vực hành chính, nhà nước và ở lực lượng vũ trang vẫn còn chiếm tỷ lệ cao trong số đảng viên vi phạm bị thi hành kỷ luật…
Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy Châu Thành Nguyễn Văn Hạnh cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, cấp ủy và UBKT các cấp kiểm tra, thi hành kỷ luật 10 đảng viên (UBKT Huyện ủy 5, cấp ủy cơ sở 2, UBKT Đảng ủy 3), tăng 25% so với 6 tháng đầu năm 2021. Nội dung vi phạm gồm: Lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ; vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình; vi phạm nếp sống văn minh; làm mất thẻ đảng viên không có lý do chính đáng; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ; chưa thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao; vi phạm pháp luật bị tuyên án tù.
Theo UBKT Tỉnh ủy, để thực hiện nghiêm túc Điều lệ Đảng, các quy định của Đảng và chủ trương chỉ đạo của Tỉnh ủy, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác KTGS trong thời gian tới, cấp ủy, UBKT các cấp cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các quy định, hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác KTGS của Đảng. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến công tác KTGS của Đảng đến các tổ chức đảng và đảng viên của cấp mình, để mỗi cán bộ, đảng viên thông suốt các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ của công tác KTGS.
Cùng với đó, tăng cường giám sát, chủ động nắm tình hình, phát hiện vi phạm, đẩy mạnh việc quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh với phương châm “không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn”; chủ động nắm bắt thông tin để tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng và đảng viên.
Trong tổ chức thực hiện công tác KTGS và thi hành kỷ luật đảng phải có sự phối hợp tốt hơn giữa UBKT với các tổ chức đảng và các ban, ngành có liên quan, giữa cấp trên và cấp dưới; thực hiện đồng bộ giữa kỷ luật đảng với kỷ luật về mặt chính quyền. KTGS tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, có nhiều dư luận về tham nhũng, tiêu cực, về suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Phải chú trọng phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng mới với phương châm “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, không chịu sự tác động không đúng của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào. Phải ngăn chặn có hiệu quả tình trạng vòi vĩnh, nhũng nhiễu, “gợi ý”, “lót tay”, gây phiền hà người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Việc đánh giá, nhìn nhận về các sai phạm cũng cần phải đặt trong những điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể để có quan điểm xử lý khách quan, phù hợp, đúng người, đúng việc và phải minh bạch.
Cần quán triệt sâu rộng việc xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên sai phạm. Quan tâm hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra; đồng thời, mỗi cán bộ kiểm tra phải tích cực học tập để nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực công tác, thái độ làm việc phải thật sự khách quan, thận trọng, công tâm, công tư nghiêm minh, không bị “tha hóa” về phẩm chất đạo đức.
Cấp ủy, UBKT các cấp tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc Quy định 205 của Bộ Chính trị để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; phải cụ thể hóa từng nội dung của Quy định theo thẩm quyền để KTGS nhằm ngăn chặn, phòng ngừa, hạn chế thấp nhất những sai phạm xảy ra, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng phải gương mẫu, nêu gương trong thực hiện Quy định.
THU HOÀI