Thứ Bảy, 03/09/2022, 16:03 (GMT+7)
.

Liệt sĩ Đỗ Văn Chiệu: Xứng đáng là một Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân

Trong cuộc kháng chiến vì nền độc lập, tự do của dân tộc từ ngày 2-9-1945 lịch sử đến ngày thống nhất đất nước 30-4-1975, có biết bao người con Việt Nam đã ngã xuống, trong đó có Liệt sĩ Đỗ Văn Chiệu - người con của quê hương Tiền Giang.

NGƯỜI KHAI HỎA ĐÁNH CHÌM TÀU CUỐC JAMAICABAY

Năm 1965, lính Mỹ bắt đầu tham chiến tại Việt Nam. Tháng 2-1966, địch triển khai xây dựng căn cứ Đồng Tâm, chuẩn bị cho sư đoàn 9 Mỹ trực tiếp tham chiến ở Đồng bằng sông Cửu Long. Chiếc tàu cuốc Jamaicabay được chúng đưa đến phục vụ xây dựng căn cứ Đồng Tâm có 3 tầng, trang bị máy hút cát với công suất lớn nhất trong số tàu đưa đến Việt Nam, và là tàu cuốc lớn vào hạng thứ tư trên thế giới, bà con TX. Mỹ Tho, tỉnh Mỹ Tho (nay là TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) ngày đó quen gọi là “thành phố nổi”.

 Chiếc tàu cuốc Jamaicabay đồ sộ và 12 tàu bảo vệ chìm dần xuống đáy sông. Tầng trên của tàu cuốc  vẫn trồi lên trên mặt sông, sau nhiều năm tháng nó như một vật chứng về sự thất bại thảm hại của  quân đội Mỹ trong thời gian đầu đến đồng bằng Nam bộ. Ảnh do Nhà báo Trần Biểu sưu tầm và cung cấp.
Chiếc tàu cuốc Jamaicabay đồ sộ và 12 tàu bảo vệ chìm dần xuống đáy sông. Tầng trên của tàu cuốc vẫn trồi lên trên mặt sông, sau nhiều năm tháng nó như một vật chứng về sự thất bại thảm hại của quân đội Mỹ trong thời gian đầu đến đồng bằng Nam bộ. Ảnh do Nhà báo Trần Biểu sưu tầm và cung cấp.

Tàu được trang bị 4 khẩu pháo lớn, gần 200 kỹ sư, chuyên viên kỹ thuật điều hành máy móc điện tử, ra-đa, phòng vô tuyến. Quanh nó có 12 tàu bảo vệ tuần tra suốt ngày đêm, một tiểu đoàn ngụy canh gác dọc bờ sông và hệ thống đường ống…

Chiếc tàu này đã thổi cát được 4 lỗ và đang thổi vào lỗ thứ 5 để mở rộng căn cứ Đồng Tâm, chuẩn bị cho sư đoàn 9 Mỹ đến, thì bị đánh chìm vào đêm ngày 8 rạng sáng ngày 9-1-1967. Đây là chiến thắng có ý nghĩa đánh phủ đầu bọn xâm lược Mỹ khi chúng vừa đặt chân lên đất Mỹ Tho.

Chiến công hạ “thành phố nổi” vang dội đó thuộc về Trung đội 1, Đại đội 334, Tiểu đoàn 341 Công binh (viết tắt đặc công thủy), thuộc Quân khu 2, sau này là Quân khu 8. Và người trực tiếp khai hỏa đánh chìm tàu cuốc Jamaicabay là đồng chí Đỗ Văn Chiệu.

Trong Hồi ký “Cuộc đọ sức thần kỳ”, đồng chí Lê Quốc Sản”, nguyên Tư lệnh Quân khu 8 có kể về chiến công hạ tàu Jamaicabay trên sông Tiền đầu năm 1967. Đồng chí khẳng định, chính đồng chí đã giao nhiệm vụ cho đồng chí Đỗ Văn Chiệu (Bảy Chiệu) chỉ huy Trung đội 1 về đứng chân ở cồn Thới Sơn (TX. Mỹ Tho, tỉnh Mỹ Tho) nhằm cản bước xây dựng căn cứ Đồng Tâm của địch. Hoạt động này do Quân khu chỉ huy trực tiếp. Trước khi hạ tàu Jamaicabay, tổ của đồng chí Bảy Chiệu đã hạ nhiều tàu địch khi chúng qua lại trên sông Tiền.

Thực hiện kế hoạch hạ tàu Jamiacabay, suốt 60 ngày đêm liên tục ngâm mình dưới dòng sông Tiền, tổ của đồng chí Bảy Chiệu (gồm đồng chí Bảy Chiệu - Tổ trưởng và các đồng chí Nguyễn Văn Đực, Hùng và Mười Tý) đã bám sát tàu địch nghiên cứu quy luật bố phòng của chúng, từ đó xây dựng kế hoạch đánh tàu và được lãnh đạo Quân khu đồng ý.

Đêm mùng 8 rạng mùng 9-1-1967, từ một gốc cây bần ở xã Thới Sơn, đồng chí Bảy Chiệu dẫn tổ công binh thủy mang theo 4 khối thuốc nổ (200 kg TNT), bí mật bơi theo dòng nước chảy, tiến dần về phía mục tiêu.

Sau khi đặt được hai khối thuốc nổ áp sát 2 bên hông tàu, đợi khi 12 tàu bảo vệ trở về áp sát hai bên hông tàu mẹ, đồng chí Bảy Chiệu là người trực tiếp điểm hỏa, kéo dây điện ra khoảng 100m; do dây bị rối, không tháo ra được, đồng chí cho anh em trong tổ nhanh chóng bơi vào bờ, một mình đồng chí ở lại trên sông, thổi 2 phao rồi nằm trên phao và điểm hỏa.

Do không đủ khoảng cách an toàn, đồng chí bị ngất, nhưng may mắn kịp tỉnh lại và cố gắng nương theo dòng nước, tấp vào cồn Thới Sơn an toàn.

HY SINH ĐỂ BẢO VỆ ĐỒNG ĐỘI

Sau trận đánh tàu Jamaicabay, lữ đoàn 2, sư đoàn 9 Mỹ tổ chức nhiều toán biệt kích đi lùng sục điều tra lực lượng đánh tàu. Phát hiện lực lượng của đồng chí Bảy Chiệu ở xã Thới Sơn, chúng nhiều lần càn quét nhưng không phát hiện chỗ ẩn nấp. Đến đầu tháng 3-1967, xác định khu vực trú ẩn của tổ công binh do đồng chí Bảy Chiệu phụ trách, chúng cho biệt kích lùng sục tìm kiếm. Khoảng 10 ngày sau, địch càn vào khu vườn nhà ông Ba Lễ, cán bộ Tài chính xã, ở ấp Thới Thuận, xã Thới Sơn.

Ông Đỗ Văn Út bên tấm Huân chương Chiến công của Liệt sĩ Đỗ Văn Chiệu.
Ông Đỗ Văn Út bên tấm Huân chương Chiến công của Liệt sĩ Đỗ Văn Chiệu.

Đại tá Lê Dũng, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Tiền Giang cho biết, thời điểm năm 1967 ông là đội viên Đội Biệt động Mỹ Tho. Sau trận Tết Mậu Thân 1968, ông về đóng quân tại xã Thới Sơn, ở ngay ngôi nhà nơi đồng chí Bảy Chiệu bị địch phát hiện và bắn trọng thương.

“Tôi không trực tiếp chứng kiến thời điểm đồng chí Bảy Chiệu chiến đấu và hy sinh; nhưng khi hoạt động ở đây, tôi đã được nghe nhiều người kể về chiến công và sự hy sinh anh dũng vì đồng đội của đồng chí. Qua lời kể của cơ sở cách mạng, lực lượng du kích, quân y và đồng đội của đồng chí, thì công lao và hành động dũng cảm của đồng chí xứng đáng là một Anh hùng của Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam…” ông Lê Dũng nói.

“Theo lời kể của nhân chứng thời điểm đó, khi địch càn tới, Tổ công binh của đồng chí Bảy Chiệu ở dưới hầm bí mật. Nhận thấy tình hình khó giữ được nên đồng chí nói với đồng đội: “Các ông cứ ém trốn dưới hầm, để tôi lên đánh lạc hướng chúng, nếu có gì chỉ một mình tôi thôi…”.

Lên khỏi hầm, đồng chí chạy về phía sau vườn, địch phát hiện đã truy đuổi và bắn đồng chí bị thương ở đùi. Tình hình lực lượng địch khá đông, khó chạy thoát được, đồng chí đã “chém vè” dưới mương lắng - nơi chứa nước phân heo, phân dê tuôn xuống. Dưới mương có một ngọn dừa bị pháo bắn đứt. Địch không tìm được, đến chiều tối rút quân.

Sau khi địch rút quân, anh em trong tổ công binh và bà con bung ra tìm và đưa đồng chí về băng bó vết thương, chăm sóc. Nhưng do ở dưới nước quá lâu, gặp nước bẩn, nên vết thương bị nhiễm trùng, hành sốt suốt mấy ngày liền, đồng chí ngày càng yếu đi, nên đồng đội và du kích xã Thới Sơn tổ chức đưa đồng chí về quân y của TX. Mỹ Tho đặt ở tỉnh Bến Tre để tiếp tục điều trị.

Do vết thương càng ngày càng nặng, bác sĩ đã đề nghị cưa chân để kịp thời cứu chữa, nhưng đồng chí không đồng ý, nói “cưa chân tôi, còn lại 1 chân thì làm sao tôi đi đánh giặc được!”. Đồng chí hy sinh ngày 28-3-1967.

GIA CẢNH ÉO LE VÀ ĐỜI BINH NGHIỆP LẪY LỪNG

Theo gia đình cung cấp, Liệt sĩ Đỗ Văn Chiệu (bí danh Bảy Chiệu) sinh năm 1929, quê ấp Long Phước, xã Mỹ Phước Tây, quận Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang). Mồ côi cha từ khi mới lên 3 tuổi, mẹ bỏ đi, nên ông về sống cùng với nội, chẳng bao lâu nội cũng qua đời, được chú ruột nuôi lớn.

Ông tham gia cách mạng lúc 18 tuổi (năm 1947), vào lực lượng dân quân, du kích xã Mỹ Phước Tây, đã tham gia nhiều trận đánh gây cho địch nhiều thiệt hại nặng. Đến ngày 20-5-1951, ông nhập ngũ vào Đại đội 940, thuộc Tiểu đoàn 309, lập nhiều công trạng trong việc đánh tàu giặc trên vùng Đồng Tháp Mười. Trong kháng chiến chống Pháp, ông đã đánh chìm 2 tàu chiến Pháp, ông được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công.

Năm 1954, tập kết ra Bắc và được điều động sang Lào để chia sẻ kinh nghiệm đánh tàu, đánh cầu cho lực lượng công binh quân đội nước bạn. Tháng 4-1961, ông vượt Trường Sơn trở về miền Nam và vào công binh Quân khu 2. Khi quay trở về quê thì vợ đã lấy chồng khác, nên đến khi hy sinh vẫn độc thân.

Ông Đỗ Văn Út, người em con chú ruột đang thờ cúng Liệt sĩ Đỗ Văn Chiệu cho biết: “Tên gọi Bảy Chiệu là gọi theo bên vợ, chứ anh là con độc nhất của bác Sáu tôi. Cha tôi nuôi anh, coi như con ruột và chúng tôi xem anh như anh ruột trong nhà.

Có lần, trên đường đi công tác ghé qua nhà, mọi người trong gia đình mừng rỡ và khuyên anh nên cưới vợ khác, nhưng anh chỉ cười, rồi từ giã gia đình về đơn vị tiếp tục chiến đấu đến ngày hy sinh. Kỷ vật của anh hiện chỉ còn cái đồng hồ lúc anh hy sinh đơn vị gửi về và thẻ bài anh tự làm bằng mảnh vỏ bom được anh gửi lại cho đồng đội cùng đi tập kết ngoài Bắc trước khi trở về quê chiến đấu, ảnh thờ cũng không có.

Sau giải phóng, cha với má tôi nhiều lần đi qua tỉnh Bến Tre tìm mộ anh nhưng không tìm được. Đây là nỗi ray rứt của cha tôi cho tới ngày ông nhắm mắt”.

“Tháng 4-2021, nhờ Thượng tá Nguyễn Thanh Nhàn, nguyên Trưởng ban Khoa học quân sự, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tiền Giang sau nhiều năm tìm kiếm đã báo tin vui là tìm được mộ nghi của anh tôi. Nói là nghi, vì ngôi mộ được tìm thấy ở xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, tại nơi Quân y Mỹ Tho điều trị cho anh ngày xưa.

Khu vực đó chỉ có duy nhất một ngôi mộ và hài cốt được quấn trong chiếc võng dù, trong hài cốt không có thông tin gì khác. Qua xem xương cốt thì nhiều khả năng đó là của anh tôi, vì xương chân rất ngắn, anh tôi chỉ cao tầm một mét rưỡi.Hài cốt đã được cải táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Châu Thành.

Gia đình chúng tôi thiết tha được xét nghiệm ADN để xác định đó có phải là xương cốt của anh tôi không, để chúng tôi đưa anh về bên ông bà và để cha tôi thanh thản nơi suối vàng” - ông Đỗ Văn Út xúc động nói.

THỦY HÀ - THANH NHÀN

Tấm lòng đối với người có công

Thượng tá Nguyễn Thanh Nhàn, nguyên Trưởng ban Khoa học quân sự, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tiền Giang đã ròng rã nhiều năm tìm kiếm thông tin về Liệt sĩ Đỗ Văn Chiệu, do niềm ray rứt không nguôi đối với người nằm xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc và vì nhiệm vụ được giao. Thượng tá đã chia sẻ cơ duyên mình biết về câu chuyện của Liệt sĩ Đỗ Văn Chiệu.

Làm công tác lịch sử quân sự, chúng tôi nỗ lực tìm hiểu những cống hiến của cán bộ, chiến sĩ các đơn vị tham gia chiến đấu chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ diễn ra vô cùng ác liệt trên chiến trường tỉnh Mỹ Tho. Khi nghiên cứu về lịch sử của đơn vị Tiểu đoàn 341 Công binh, Quân khu 8 đã góp phần cùng lực lượng bộ đội các tỉnh và nhân dân trong khu 8, trong đó có tỉnh Mỹ Tho, tôi biết được về sự hy sinh anh dũng và những éo le của Liệt sĩ Đỗ Văn Chiệu, tên thường gọi là Bảy Chiệu.

Sau khi được các cô chú kể về thành tích của các cán bộ, chiến sĩ  đơn vị Tiểu đoàn 341 Công binh hoạt động trên chiến trường tỉnh Mỹ Tho, trong đó có thành tích người chỉ huy đánh thiệt hại nặng chiếc tàu cuốc Jamaicabay là đồng chí Bảy Chiệu, đã khiến mọi người ngậm ngùi, vì mộ phần nơi nào chưa ai biết. Tôi quyết phải tìm hiểu cho được thân thế và mộ phần của đồng chí.

Thông qua mối quan hệ và hiểu biết trong công tác, tôi bắt đầu tìm từng manh mối một. Có khi phấn khởi vì gần như sắp tìm được thì chợt tắt. Cứ như vậy, tôi không nản lòng, mà quyết tìm cho bằng được, vì chậm trễ sẽ mất đầu mối, do những người từng chiến đấu với Liệt sĩ Bảy Chiệu ngày một ít đi.

Ngoài thời gian công tác, tôi rong ruổi bằng xe máy qua các tỉnh Bến Tre, Long An và Tiền Giang để tìm. Ngày đầu tiên, tôi đến địa bàn nơi đội công binh của đồng chí Bảy Chiệu trú ẩn để nghiên cứu trận đánh, đã được chú Nguyễn Phục Cảnh cung cấp tư liệu về nội dung chiếc tàu bị đánh chìm được ghi lại bằng thể loại thơ ca do đồng đội của Liệt sĩ Bảy Chiệu đọc; trong đó có nội dung đồng chí Bảy Chiệu quê ở Bang Dầy, xã Mỹ Phước Tây, quận Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho (nay là TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang), nhưng xã Mỹ Phước Tây không có địa danh Bang Dầy. Tôi tìm đến địa danh Bang Dầy thuộc xã Thạnh Lộc nhưng không có ai biết gì về đồng chí Bảy Chiệu đánh tàu.

Trong những lần đi dự họp sau đó, có các cô, chú lão thành cách mạng là tôi tiếp tục hỏi thăm, nhưng chỉ được trả lời: Có nghe nói đồng chí Bảy Chiệu đánh tàu, nhưng không ai biết tên thật là gì và quê quán nơi đâu. Tôi lại bế tắc. Khi tiếp cận quyển Hồi ký “Cuộc đọ sức thần kỳ” của đồng chí Lê Quốc Sản, nguyên Tư lệnh Quân khu 8, trong đó có kể công lao to lớn trong việc chỉ huy đội công binh đánh chìm tàu của đồng chí Bảy Chiệu tại căn cứ Đồng Tâm, nhưng không có ghi chép người thân ở đâu, thành tích đó có được khen thưởng gì chưa? Hy vọng trong tôi ngày một mong manh, thì một nguồn tin cho biết quê đồng chí Bảy Chiệu ở gần bến đò LaCua, xã Mỹ Phước Tây. Được tin, hôm sau tôi đi thẳng vào xã Mỹ Phước Tây, đến Nhà bia ghi danh liệt sĩ của xã tìm trên danh sách có tên Liệt sĩ Đỗ Văn Chiệu, tôi liền tìm đến gia đình, biết Liệt sĩ Đỗ Văn Chiệu có bí danh Bảy Chiệu, nhưng hiện chưa tìm được mộ phần.

Tôi trở lại tỉnh Bến Tre tìm mộ. Qua nghĩa trang các xã khu vực ven sông Tiền tìm nhưng không thấy mộ. Ngày tháng 4-2021, đồng chí Xã đội trưởng An Khánh điện báo trong vườn nhà dân gần trạm thu phí cầu Rạch Miễu có một ngôi mộ của bộ đội hy sinh từ năm 1967 (qua lời kể), nhưng chưa thấy ai đến tìm, nên gia đình nhà dân này tảo mộ và cúng hằng năm. Qua năm tháng, ngôi mộ được đắp dài ra và không tên tuổi, nên gia đình người dân gọi là mộ Ông Ốm. Và chủ đất cũng xác định, nơi đây từng là nơi đơn vị trạm quân y đóng chốt.

THANH NGUYÊN


 

 

.
.
.