Thứ Năm, 01/09/2022, 14:24 (GMT+7)
.
"Tròn việc Đảng, trọn việc dân"

BÀI 2: Tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả

Bài 1: Đảng viên đi trước

Nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng ấp, khu phố là mô hình được nhiều địa phương trong cả nước triển khai thực hiện từ năm 2017 theo Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Tại tỉnh Tiền Giang, mô hình này đã và đang được thực hiện ở nhiều địa phương, bước đầu tạo chuyển biến tích cực, góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở. Tuy nhiên, qua ghi nhận thực tế cho thấy mô hình này cũng còn  những “nút thắt” cần tháo gỡ.

TINH GỌN, HIỆU QUẢ

Thực hiện Nghị quyết 18 và Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII gắn với thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị khóa XI, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang đã ban hành Đề án 02, ngày 21-3-2018 “Về sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị tỉnh Tiền Giang”.

Nhiều bí thư chi bộ kiêm trưởng ấp, khu phố không ngại khó, ngại khổ, tích cực vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ kinh phí chăm lo cho người nghèo, hộ khó khăn.
Nhiều bí thư chi bộ kiêm trưởng ấp, khu phố không ngại khó, ngại khổ, tích cực vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ kinh phí chăm lo cho người nghèo, hộ khó khăn.

Qua triển khai quán triệt các nghị quyết, kế hoạch, đề án… đã nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và cả hệ thống chính trị về sự cần thiết phải tiến hành sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, mô hình “Bí thư chi bộ kiêm trưởng ấp, khu phố” cho thấy đã có hiệu quả bước đầu.

Theo nhận xét của các đồng chí bí thư chi bộ kiêm trưởng ấp của một số địa phương trong tỉnh, khi một người vừa là bí thư vừa là trưởng ấp, khu phố thì mọi việc từ công tác Đảng đến công tác chính quyền, công tác dân vận trên địa bàn ấp đã được chỉ đạo thực hiện nhanh, hiệu quả, bớt được quy trình thủ tục.

Trước đây, khi chưa triển khai mô hình này, trưởng ấp không có thẩm quyền quyết định, mà phải tổ chức nhiều cuộc họp để bàn, xin ý kiến giải quyết, nên mất nhiều thời gian, nhất là đối với những vấn đề nóng, bức xúc đòi hỏi giải quyết nhanh, nên gặp một số khó khăn nhất định…

Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Gò Công Tây Trần Chí Hiền cho biết, mô hình “Bí thư chi bộ kiêm trưởng ấp, khu phố” đã được huyện triển khai thực hiện từ năm 2018, đến nay đã cho thấy tổ chức bộ máy của ấp, khu phố được sắp xếp tinh gọn, phát huy năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành toàn diện, từ công tác Đảng, đến công tác chính quyền của người đứng đầu; khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm lẫn nhau giữa đồng chí bí thư chi bộ và trưởng ấp, khu phố trước đây.

Theo Báo cáo của Tỉnh ủy Tiền Giang, năm 2017, người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khu phố kiêm nhiệm toàn tỉnh có 4.258 người; thì tính đến tháng 6-2022 đã giảm còn 2.989 người (bí thư chi bộ kiêm trưởng ấp, khu phố). Nhìn chung, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 18, các mô hình thí điểm tinh gọn tổ chức bộ máy và kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý được triển khai thực hiện đúng với tinh thần chỉ đạo của Trung ương. Các địa phương trong tỉnh đã chủ động sắp xếp bộ máy, quá trình thực hiện xuyên suốt, tập trung, thống nhất, toàn diện của các cấp ủy và sự chủ động, tích cực của các ngành, các cấp, nhất là người đứng đầu.

Bên cạnh đó, thuận lợi trong việc triển khai thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vừa triển khai, vừa chỉ đạo, kiểm tra và vừa thực hiện. Công tác quản lý địa bàn cũng sâu sát hơn, kịp thời nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người dân và có biện pháp giải quyết nhanh các khó khăn, bức xúc trong nhân dân.

Tại huyện Châu Thành, mô hình này cũng đã mang lại tín hiệu tích cực. Huyện cũng đã sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trên địa bàn huyện, đánh giá những thuận lợi, khó khăn, kinh nghiệm trong quá trình thực hiện...

Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Châu Thành Hồ Văn Lăng cho biết, đối với huyện Châu Thành, số lượng, chức danh người hoạt động không chuyên trách ở ấp/khu phố là 266/399; trong đó, số lượng, chức danh kiêm nhiệm là 131 người (bí thư chi bộ kiêm trưởng ấp/khu phố là 127).

Các cơ quan, đơn vị đã xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết 18 của Trung ương, Đề án 02 của Tỉnh ủy, Kế hoạch 147 của UBND tỉnh, xác định được nhiệm vụ trọng tâm, lộ trình thực hiện, đáp ứng yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ và tiến độ thời  gian. Sau sắp xếp, các cơ quan, đơn vị đã nhanh chóng ổn định và đi vào hoạt động, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, cơ bản đã khắc phục được tình trạng chồng chéo, bất cập trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ ở một số cơ quan, đơn vị.

Trong đó, việc nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng ấp, khu phố đã góp phần tinh gọn bộ máy ở cơ sở, bớt được khâu trung gian, phát huy tốt năng lực người đứng đầu ấp, khu phố…

VẪN CÒN KHÓ KHĂN, BẤT CẬP

Bên cạnh những thuận lợi, mô hình “Bí thư chi bộ kiêm trưởng ấp, khu phố” cũng có những khó khăn, bật cập nhất định; trong đó, nổi lên ở nhiều nơi triển khai mô hình này là công việc tăng lên nhưng chế độ đãi ngộ chưa tương xứng.

Đồng chí Nguyễn Văn Qưới, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp Phú Qưới,  xã Yên Luông, huyện Gò Công Tây ân cần giải quyết công việc cho người dân.
Đồng chí Nguyễn Văn Qưới, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp Phú Qưới, xã Yên Luông, huyện Gò Công Tây ân cần giải quyết công việc cho người dân.

Chủ tịch UBND phường 1, TP. Mỹ Tho Hồ Văn Bá cho biết, 6 khu phố của phường thực hiện mô hình này, do đảm nhiệm 2 chức danh, vừa công tác Đảng, công tác chính quyền và công tác dân vận nên công việc quá tải, không thể giải quyết kịp thời, vì vậy thường chú trọng thực hiện công tác chính quyền nhiều hơn, do phải giải quyết ngay các vấn đề liên quan đến quyền lợi cấp thiết của người dân, lại không có chức danh phó trưởng khu phố hỗ trợ (do chưa đủ số dân theo quy định).

Bên cạnh đó, nhóm đối tượng này cũng chưa được ngân sách mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội (trừ các bí thư kiêm trưởng ấp là đại biểu HĐND xã).  Nhiều đồng chí bí thư chi bộ kiêm trưởng ấp, khu phố chia sẻ, trước đây, khi chỉ làm bí thư chi bộ ấp, khu phố hoặc chỉ làm trưởng ấp thì còn có thời gian làm các công việc khác để có thêm thu nhập cho gia đình (chăn nuôi, trồng trọt, buôn bán…); nay công việc dồn dập, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp vừa qua rất vất vả.

Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp Tân Lý 1, xã Tân Lý Đông (huyện Châu Thành) Tạ Hữu Tùng chia sẻ: “Việc thực hiện kiêm nhiệm có nâng thêm mức phụ cấp, tuy nhiên so với giá cả thị trường hiện nay thì cũng không thể trang trải cuộc sống gia đình. Nếu một mình tôi đi làm và là lao động chính của gia đình thì có lẽ tôi không làm bí thư kiêm trưởng ấp đến hôm nay. Do gia đình có vợ, các con đều đi làm việc nên kinh tế gia đình khá ổn định, tôi mới an tâm công tác, làm tròn 2 chức trách cùng lúc…”.

Ngoài ra, việc thực hiện mô hình này còn gặp một bất cập khác là khó tìm người đủ tiêu chuẩn, năng lực, trình độ, có kinh nghiệm và uy tín trong Đảng, trong dân để làm tròn 2 vai bí thư kiêm trưởng ấp, khu phố. Đối với người còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa đủ uy tín trong Đảng, trong dân; còn đối với các đồng chí có kinh nghiệm công tác lâu năm thì không đủ sức khỏe… Mặt khác, do chế độ, chính sách ưu đãi còn thấp so với số lượng công việc cũng như trách nhiệm trước Đảng, trước dân nên khó tìm người kế thừa.

Theo Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Gò Công Tây Trần Chí Hiền, bên cạnh những thuận lợi nêu trên, việc thực hiện mô hình “Bí thư kiêm trưởng ấp, khu phố” trong thời gian qua cũng bộc lộ những khó khăn, hạn chế, như: Một số ấp, khu phố địa bàn rộng, đông dân cư nên trách nhiệm của bí thư chi bộ kiêm trưởng ấp rất nặng nề, nếu không sắp xếp thời gian hợp lý và sự nhiệt tình trong công tác thì sẽ khó hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

THU HOÀI - ĐỖ PHI

(Còn tiếp)

.
.
.