Thứ Hai, 03/10/2022, 14:26 (GMT+7)
.
Ngành Tư pháp tỉnh Tiền Giang:

Tự hào 40 năm hình thành và phát triển

Suốt 40 năm qua, với sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của tập thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang đã từng bước phát triển và trưởng thành, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn ngày càng hiệu quả, chất lượng đi vào chiều sâu.

Sở Tư pháp luôn giữ vai trò nòng cốt là cơ quan tham mưu, giúp Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thực hiện công tác xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), xây dựng nền tư pháp vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, phục vụ nhân dân.

40 NĂM KHÔNG NGỪNG PHÁT TRIỂN

Cách đây 40 năm, ngày 4-10-1982, UBND tỉnh Tiền Giang ban hành Quyết định 730 thành lập Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang do đồng chí Đào Viễn Trung - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Tiền Giang được điều động sang làm Giám đốc - đây là vị Giám đốc đầu tiên của Sở Tư pháp.    

UBND tỉnh Tiền Giang tổng kết Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu hiến pháp và pháp luật.
UBND tỉnh Tiền Giang tổng kết Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu hiến pháp và pháp luật.

Ra đời trong điều kiện tình hình kinh tế - xã hội còn rất khó khăn, hệ thống pháp luật còn thiếu, mô hình tổ chức thiếu ổn định, đội ngũ cán bộ thiếu về số lượng, hạn chế về trình độ pháp luật và kỹ năng hành nghề. Bộ máy hoạt động ban đầu của Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang chưa đến 10 người, 1 Chi bộ với 6 đảng viên, chức năng nhiệm vụ còn rất hạn chế, như: Quản lý công tác văn bản pháp quy; phổ biến, giáo dục pháp luật; quản lý Tòa án nhân nhân cấp huyện về mặt tổ chức; làm tư vấn cho UBND về mặt pháp lý; công tác hòa giải ở cơ sở.

Sau gần 10 năm thành lập, Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang đã gặp không ít khó khăn mà cao điểm là thời kỳ 1991 - 1992, có lúc Trung ương muốn sắp xếp lại và gần như giải thể ngành Tư pháp. Nhưng nhận thức của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Tiền Giang, đặc biệt là đồng chí Nguyễn Công Bình là Chủ tịch UBND tỉnh lúc bấy giờ, luôn coi trọng và đánh giá cao công tác tư pháp; đồng thời, do yêu cầu khách quan của công cuộc đổi mới, sự đòi hỏi của xã hội nên Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang vẫn tồn tại và phát triển cho đến hôm nay.

Với sự nỗ lực vượt khó 40 năm qua, Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang vinh dự được tặng thưởng 3 Huân chương Lao động Nhất, Nhì, Ba; 6 Cờ thi đua của Chính phủ; 2 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 16 Cờ thi đua của Bộ Tư pháp; 19 Cờ thi đua của UBND tỉnh Tiền Giang và nhiều Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang trao tặng. Đây là sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước về công lao đóng góp của Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Ngay sau khi thành lập năm 1982, công tác trọng tâm hàng đầu là kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy, biên chế, chất lượng đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở. Lúc bấy giờ, Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang đề ra mục tiêu trong vòng 15 năm phải đào tạo cán bộ tư pháp cấp tỉnh 100% có trình độ đại học; cấp huyện 50% có trình độ đại học và 50% có trình độ trung cấp; cấp xã hầu hết có trình độ trung cấp. Bằng quy hoạch, kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn với nhiều hình thức liên kết đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao… mục tiêu này đến năm 1995 cơ bản đã đạt được.

Đến nay, tổ chức bộ máy, biên chế, đội ngũ cán bộ ngành Tư pháp tỉnh Tiền Giang đã chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Bộ máy tổ chức của Sở Tư pháp với 5 phòng chuyên môn, nghiệp vụ và 4 đơn vị sự nghiệp trực thuộc với 78 công chức, viên chức và người lao động. Về trình độ, Sở có 13 thạc sĩ luật, 48 cử nhân luật, 5 cử nhân khác, 3 trung cấp khác và 9 nhân viên hợp đồng lao động; nhiều cán bộ, công chức, viên chức có 2 bằng đại học. Phòng Tư pháp cấp huyện đang thực hiện 50/52 biên chế trong tổng số 11 đơn vị huyện, thành phố, thị xã (bình quân đạt trên 4,54 biên chế/huyện); 100% đều có trình độ cử nhân luật trở lên, trong đó có 3 thạc sĩ luật.

Ở cấp xã hiện có 299 công chức Tư pháp - Hộ tịch chuyên trách/172 đơn vị xã, phường, thị trấn, giảm 23 công chức so với cùng kỳ năm 2021 (nhưng vẫn còn tăng 29 công chức so với cùng kỳ năm 2012 - năm tổ chức kỷ niệm 30 năm thành lập Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang). Trong đó, có 122 đơn vị cấp xã bố trí từ 2 công chức Tư pháp - Hộ tịch trở lên (chiếm tỷ lệ 70,93%); 100% công chức có trình độ từ trung cấp luật trở lên (trong đó có 1 thạc sĩ luật, 249 đại học luật, chiếm tỷ lệ 83,61%).

THỰC HIỆN TỐT VAI TRÒ “GÁC CỔNG” VỀ PHÁP LÝ

Công tác văn bản QPPL luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm mà ngành Tư pháp tỉnh Tiền Giang tập trung thực hiện, nhằm tham mưu cho HĐND và UBND các cấp ban hành những văn bản QPPL đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, khả thi, phù hợp với thực tiễn, góp phần quản lý nhà nước về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và các lĩnh vực khác ở địa phương. Công tác văn bản QPPL ngày càng được khẳng định là một trong những thế mạnh của ngành Tư pháp trong thực hiện tốt vai trò “gác cổng” về mặt pháp lý cho UBND các cấp.

Đảng bộ Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang tổ chức Đại hội lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Đảng bộ Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang tổ chức Đại hội lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang tích cực tham mưu về mặt pháp lý cho UBND tỉnh trong công tác quản lý, điều hành nhằm giải quyết có hiệu quả, đúng pháp luật các vấn đề xã hội nảy sinh và phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là đối với các dự án đầu tư phát triển trên địa bàn ngày càng hiệu quả.

UBND tỉnh đã phân công các đồng chí trong Ban Giám đốc Sở Tư pháp tham gia làm thành viên các Hội đồng, Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc thực hiện những dự án đầu tư phát triển của tỉnh, điển hình có các dự án: Đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; mở rộng, nâng cấp kinh Chợ Gạo; cầu Rạch Miễu 2; đổi mới và phát triển doanh nghiệp tỉnh; giải phóng mặt bằng; tham mưu về mặt pháp lý trong việc thu hồi đất giao khoán tại Nông trường Tân Lập, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, xúc tiến đầu tư... Đồng thời, Sở Tư pháp còn tham gia vào các vấn đề pháp lý đặt ra của địa phương như xử lý vi phạm hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đầu tư, kinh doanh, đất đai, cải cách hành chính...

Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật liên tục được đổi mới với phương châm “hướng mạnh về cơ sở”, phát triển về số lượng, nâng cao chất lượng và bám sát chủ trương, chính sách, quy định pháp luật mới của Nhà nước. Những vấn đề pháp luật mà người dân và xã hội quan tâm đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân. Công tác hòa giải cơ sở được quan tâm, củng cố, nâng chất lượng hoạt động, với tỷ lệ hòa giải thành ngày càng cao (bình quân hằng năm đạt trên 85%).

Công tác tham mưu tổ chức thi hành pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật và quản lý xử lý vi phạm hành chính ở địa phương có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng đi vào chiều sâu. Hằng năm, Sở Tư pháp đều tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý nhà nước của địa phương, chủ yếu tập trung thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật trong các lĩnh vực trọng tâm, liên ngành, chuyên đề; theo dõi thi hành pháp luật đối với những lĩnh vực phức tạp, có nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành pháp luật, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, đời sống nhân dân. Qua đó, đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Công tác hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp tiếp tục được thực hiện nền nếp, có nhiều chuyển biến tích cực, phục vụ kịp thời yêu cầu chính đáng của người dân và doanh nghiệp. Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giảm chi phí, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân với phương châm “thân thiện với nhân dân”.

Thực hiện quy trình quản lý hồ sơ theo tiêu chuẩn ISO, cơ chế một cửa, một cửa liên thông nên đã giải quyết kịp thời, hạn chế trễ hẹn hồ sơ, không để xảy ra tình trạng vô cảm của cán bộ, công chức, viên chức khi tiếp xúc, giải quyết công việc cho nhân dân.

Phát động cán bộ, công chức, viên chức Sở Tư pháp thực hiện phương châm “thân thiện với nhân dân qua những nội dung, tiêu chí cụ thể và được công khai tại trụ sở, nơi làm việc; thực hiện 4 đúng (đúng pháp luật, đúng thời gian, đúng đối tượng và đúng phong cách) khi tiếp nhận và trả kết quả. Công tác xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp về lĩnh vực công chứng, đấu giá tài sản, thừa phát lại được thực hiện có hiệu quả.

TIẾP TỤC ĐOÀN KẾT, ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO

Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, phát huy truyền thống lịch sử vẻ vang của ngành Tư pháp tỉnh nhà; đồng thời, khắc phục khó khăn, thách thức trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn ra, cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động toàn diện, sâu rộng trên tất cả lĩnh vực, thời gian tới Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang đề ra nhiều giải pháp bám sát các chương trình, nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, ngành Tư pháp và các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Sở chủ động, tích cực trong việc tham mưu cho tỉnh thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng, của Chính phủ và các định hướng trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tiền Giang phù hợp với điều kiện, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh.

Cùng với việc góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, toàn ngành Tư pháp tỉnh Tiền Giang sẽ tiếp tục tăng cường hiệu quả công tác thực thi pháp luật, bảo đảm gắn kết chặt chẽ công tác theo dõi thi hành pháp luật với công tác xây dựng, kiểm tra văn bản QPPL, kiểm soát thủ tục hành chính. Đổi mới công tác phổ biến giáo dục pháp luật theo hướng lấy người dân làm trung tâm; tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân, gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các lĩnh vực này.

Tiếp tục triển khai hiệu quả pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; kịp thời hướng dẫn những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thi hành; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng các dịch vụ công trong lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ có hiệu quả hoạt động chỉ đạo, điều hành công tác tư pháp. Tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao năng lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành và phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đẩy mạnh công tác truyền thông về các hoạt động của ngành Tư pháp.

Trên cơ sở nhận thức sâu sắc yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn tới, cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp tỉnh quyết tâm không ngừng trau dồi bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của người cán bộ Tư pháp theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

 Đề cao trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, thực hành tự phê bình và phê bình sâu sắc, thực chất, thực lòng theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII và Kết luận 21 ngày 25-10-2021 của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực thực tiễn; kế thừa xứng đáng sự nghiệp vẻ vang của các thế hệ đi trước, hoàn thành xuất sắc công tác tư pháp của đất nước và địa phương, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và niềm tin yêu của nhân dân.

Nhìn lại chặng đường 40 năm qua, có thể khẳng định rằng ngành Tư pháp tỉnh Tiền Giang đã có sự lớn mạnh rõ rệt, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần tích cực vào quá trình phát triển
kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

LÊ PHƯƠNG

.
.
.