Bài cuối: Chung tay chăm lo cho thiếu nhi
BÀI 1: Học Bác chăm lo cho người nghèo
TẤM LÒNG MẸ ĐỠ ĐẦU
Ngay sau khi Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh phát động Chương trình “Mẹ đỡ đầu - Kết nối yêu thương”, nhiều hội viên, phụ nữ (HV-PN) trong tỉnh đã nhận đỡ đầu trẻ mất cha, mất mẹ do đại dịch Covid-19.
Theo chân cô Đặng Tuyết Nga (ngụ xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho) đi đến gần cuối con hẻm ngoằn ngoèo, chúng tôi tới nhà em Nguyễn Bảo Châu, hiện là học sinh lớp 9, Trường Trung học cơ sở (THCS) Lê Ngọc Hân. Vừa thấy mẹ Tuyết Nga, Bảo Châu chạy ra đón, ngoan ngoãn, hồn nhiên ngồi nép vào mẹ Nga nũng nịu, tâm sự.
Chương trình “Kết nối và sẻ chia” của Hội LHPN tỉnh đã kết nối trao 200 suất học bổng trị giá hơn 1 tỷ đồng cho các em có hoàn cảnh khó khăn. |
Trường hợp của Bảo Châu rất đáng thương. Ba em bỏ mẹ con em từ lúc em chỉ khoảng 1 tuổi. Khi Châu được 6 tuổi thì mẹ bị bệnh qua đời, được dì ruột Trần Thị Lệ Thủy (66 tuổi, hoàn cảnh kinh tế khó khăn) nhận nuôi. Biết hoàn cảnh của Châu, cán bộ, hội viên Hội LHPN xã Đạo Thạnh thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, giúp đỡ trong cuộc sống hằng ngày.
Vui mừng hơn, vừa qua, cô Tuyết Nga đã nhận làm “Mẹ đỡ đầu” cháu Bảo Châu. Cô tâm sự, biết thông tin về Chương trình “Mẹ đỡ đầu - Kết nối yêu thương”, ban đầu cô chỉ nghĩ sẽ giúp đỡ về vật chất, nhưng khi gặp Bảo Châu và nghe kể về hoàn cảnh đáng thương của gia đình cháu, cô đã xin nhận làm “Mẹ đỡ đầu”, với mong muốn cháu Châu bớt đi cảm giác lẻ loi, u buồn, trong khi các bạn quanh mình sống trong tình yêu thương bên cha mẹ…
Theo Sở LĐ-TB&XH, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đã được cấp ủy, chính quyền và toàn xã hội quan tâm về vật chất lẫn tinh thần, góp phần giảm thiểu tối đa tình trạng trẻ em bị bạo hành, xâm hại. Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 20 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”, Tiền Giang đã đạt được một số kết quả nổi bật: Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đã giảm từ 15,58% vào năm 2012, xuống còn 7,64% vào năm 2021; có 90,8% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn Phù hợp với trẻ em; 93% xã, phường, thị trấn có điểm văn hóa, vui chơi dành cho trẻ em; 99,68% trẻ dưới 5 tuổi được đăng ký khai sinh, 83,1% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin; 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp; 72,7% trẻ em khuyết tật được tiếp cận giáo dục chuyên biệt, giáo dục hòa nhập và hỗ trợ phục hồi chức năng. Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non của tỉnh đạt 79,4%; tỷ lệ huy động trẻ em 5 tuổi đi học mẫu giáo và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi đạt 100%; trẻ em hoàn thành cấp tiểu học và trung học cơ sở đạt trên 97%. Công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nghèo, trẻ em vùng khó khăn, trẻ khuyết tật được đặc biệt quan tâm. |
Hoàn cảnh của em N.N.N.A. (học sinh lớp 9, Trường THCS An Thái Đông, huyện Cái Bè) có 4 anh chị em, mẹ mất do Covid-19, cha đi làm thuê nuôi các con, ông bà nội thì tuổi cao sức yếu, cũng lâm cảnh khó khăn. Qua sự kết nối của Hội LHPN tỉnh, Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã đến thăm và trao học bổng 10 triệu đồng cho em A., và nhận làm “Mẹ đỡ đầu” cho em trong suốt 5 năm học.
Theo Chủ tịch Hội LHPN huyện Chợ Gạo Đặng Thị Minh Khai: “Huyện Chợ Gạo có 19 trẻ mồ côi do Covid-19, đã được Hội LHPN từ huyện đến cơ sở vận động trao quà, dụng cụ học tập…, và hiện đang thực hiện Chương trình “Mẹ đỡ đầu”. Mỗi cơ sở Hội LHPN trong huyện nhận đỡ đầu ít nhất 1 trẻ, riêng Huyện hội nhận đỡ đầu 6 trẻ…”.
Các “Mẹ đỡ đầu” đã kết nối sợi dây tình cảm yêu thương giữa mẹ và con ngày càng khăng khít, chăm sóc những bữa ăn, tắm giặt, ru ngủ… (đối với những mẹ đỡ đầu trực tiếp); những người mẹ đỡ đầu gián tiếp thì kết nối với nhau từ xa qua màn hình điện thoại, rồi giúp đỡ theo khả năng bằng nhiều cách thiết thực, vì mục đích tốt đẹp là tạo dựng một cuộc sống mới cho các em theo lời dạy của Bác. .
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Kim Phượng trao tặng quà trẻ mồ côi vì Covid-19. |
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Kim Phượng cho biết: Trong năm 2021 và 2022, các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã nhận đỡ đầu 285 trẻ mồ côi (trong đó có 96 trẻ mồ côi do Covid-19 và 189 trẻ mồ côi do các nguyên nhân khác), giúp trẻ với nhiều hình thức: Tiền mặt, nhu yếu phẩm, học bổng, trực tiếp nuôi nấng....
Đa số “Mẹ đỡ đầu” giúp trẻ theo định kỳ hằng tháng hoặc hằng quý trong 1 năm hoặc 5 năm; số tiền hỗ trợ từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng/tháng/trẻ. Hội còn vận động cán bộ, hội viên, các tổ chức, cá nhân hảo tâm hỗ trợ về vật chất lẫn tinh thần nhằm giúp trẻ phát triển toàn diện theo lời Bác dạy. Cán bộ hội đã chỉ đạo các cấp hội cơ sở phải thực sự là kênh kết nối giữa gia đình và mẹ đỡ đầu, thường xuyên hướng dẫn cách chăm sóc, hỗ trợ, nuôi dưỡng trẻ.
TẠO ĐIỀU KIỆN ĐỂ TRẺ PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Để tạo điều kiện cho trẻ phát triển toàn diện, hằng năm, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Việc xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em đã có sự chuyển biến tích cực, được triển khai thực hiện ở 3 cấp độ: Phòng ngừa; can thiệp giảm thiểu nguy cơ; hỗ trợ phục hồi, hòa nhập cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Công tác chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho trẻ em được cải thiện rõ rệt; hệ thống trường, lớp được đầu tư, đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ. Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ các cấp và các ban, ngành, đoàn thể đã vận động nhiều nguồn lực để chăm lo, hỗ trợ trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em mồ côi.
Cô Đặng Tuyết Nga là “Mẹ đỡ đầu” của em Nguyễn Bảo Châu. |
Với những ai sinh ra kém may mắn, phải khổ luyện nhiều hơn, cố gắng nhiều hơn mới có thể phát triển như những bạn bè trang lứa. Với em Nguyễn Thành Lâm, học sinh lớp 12, Trường THPT Phan Việt Thống, huyện Cai Lậy, dù bị khuyết tật hệ vận động, nhưng 12 năm liền luôn là học sinh khá, giỏi.
Với Lâm, được đi học là niềm hạnh phúc không gì bằng. Chặng đường đi học của em gắn với chiếc xe lăn, rồi xe lắc do các đơn vị tặng. Khó khăn, vất vả, thế nhưng thành tích học tập của Lâm khiến mọi người khâm phục.
Theo Hội Khuyến học huyện Cai Lậy, trong những năm qua, Hội cùng nhà trường luôn đồng hành cùng em Nguyễn Thành Lâm trong học tập cũng như sinh hoạt. Hội Khuyến học huyện đã kêu gọi cộng đồng hỗ trợ xe lăn, các suất học bổng…, giúp em không bị thiệt thòi cùng bạn bè trang lứa.
Ngoài vận động nguồn lực, các hoạt động vui chơi, giải trí, thể dục - thể thao phục vụ trẻ em cũng đã được đẩy mạnh, đa dạng hóa dưới nhiều hình thức. Được biết, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, các cấp Hội Khuyến học trong tỉnh đã vận động được trên 18 tỷ đồng, phối hợp với các tổ chức hỗ trợ duy trì thực hiện nhiều chương trình trao học bổng “Nâng bước đến trường”, “Tiếp sức đến trường”, hay “Mái ấm khuyến học”, các chương trình trao thiết bị học trực tuyến, thăm và tặng quà học sinh, sinh viên có người thân mất vì Covid-19…
LÊ PHƯƠNG