.
TIẾN TỚI KỶ NIỆM 60 NĂM NGÀY CHIẾN THẮNG ẤP BẮC (2-1-1963 - 2-1-2023)

Tình hình tỉnh Mỹ Tho trong năm 1961 - 1962

Cập nhật: 08:40, 30/11/2022 (GMT+7)

LTS: Chiến thắng Ấp Bắc (2-1-1963) đã đánh bại 2 chiến thuật chủ yếu trong “Chiến tranh đặc biệt” là “trực thăng vận”, “thiết xa vận” của quân chủ lực ngụy do cố vấn Mỹ chỉ huy và đã làm đảo lộn nhiều chương trình bình định của địch ở Đồng bằng sông Cửu Long. Âm vang của chiến thắng đã vượt qua không gian và sẽ tồn tại mãi với thời gian.

Từ hôm nay, Báo Ấp Bắc mở chuyên mục “Tiến tới kỷ niệm 60 năm Ngày Chiến thắng Ấp Bắc”. Qua chuyên mục này, chúng tôi mong muốn cùng độc giả ôn lại một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, từ đó tiếp tục phát huy hào khí Ấp Bắc anh hùng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Phong trào Đồng khởi năm 1960 làm thay đổi cục diện ở miền Nam, cách mạng chuyển sang thế tiến công, chính quyền Ngô Đình Diệm đứng trước nguy cơ sụp đổ. Để cứu vãn tình thế, Mỹ - ngụy quyết định chuyển hướng từ chiến lược Chiến tranh không tuyên bố sang chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”.

ĐỊCH CÀN QUÉT, ĐÔN QUÂN, BẮT LÍNH

Tỉnh Mỹ Tho, tỉnh Gò Công, Mỹ - Diệm xếp vào khu chiến thuật Tiền Giang và điều chỉnh lại tổ chức hành chính trong tỉnh. Bộ máy chính quyền được quân sự hóa, những tên ác ôn được bổ nhiệm làm tỉnh trưởng, quận trưởng, cảnh sát, xã trưởng. Hệ thống kìm kẹp ở những nơi chúng kiểm soát và vùng chúng mới tái chiếm xây dựng, kiện toàn để làm cơ sở đôn quân, bắt lính và chuẩn bị xây dựng ấp chiến lược.

Nông dân tỉnh Mỹ Tho biểu tình chống Mỹ và tay sai lập ấp chiến lược và bắt thanh niên, phụ nữ vào tổ chức cộng hòa. 	                                  Ảnh: Tư liệu
Nông dân tỉnh Mỹ Tho biểu tình chống Mỹ và tay sai lập ấp chiến lược và bắt thanh niên, phụ nữ vào tổ chức cộng hòa. Ảnh: Tư liệu

Tháng 4-1961, chính quyền Diệm điều Sư đoàn 7 từ vĩ tuyến 17 (Quảng Trị) về Mỹ Tho, đặc trách Khu Chiến thuật Tiền Giang (gồm các tỉnh: Mỹ Tho, Gò Công, Bến Tre, Kiến Tường, Kiến Phong, Sa Đéc...). Chúng đôn quân, bắt lính, tổ chức đào tạo tân binh bổ sung cho các đơn vị. Chúng “tuyển mộ” thanh niên nhẹ dạ cả tin, thích hưởng thụ vào các đơn vị đặc biệt như cảnh sát dã chiến, biệt kích...

Chúng bố trí mỗi quận 1 đại đội hoặc 1 trung đội cảnh sát dã chiến, trung đội biệt kích chuyên đánh phá cơ sở cách mạng. Mỹ còn đưa về Mỹ Tho 182 cố vấn Mỹ để vừa cố vấn vạch kế hoạch càn quét, lập ấp chiến lược vừa huấn luyện quân sự. Mỹ - Diệm chẳng những không thể giải quyết được mâu thuẫn nội sinh, mà còn làm trầm trọng hơn, đó là sự băng hoại từ bên trong dẫn đến sự sụp đổ liên tiếp của các chính phủ bù nhìn.Tháng 10-1961, địch lập ấp chiến lược thí điểm tại xã Tân Lý Tây (Châu Thành).

Tại thị xã Mỹ Tho, địch chiếm trường Châu Phước Liêm làm căn cứ cho cố vấn Mỹ, đuổi dân ở xóm Lò Heo, chợ Vòng Nhỏ, xóm Chợ Cũ, san bằng mồ mả khu đất Thánh Tây...; mua chuộc, kích động, chia rẽ các tôn giáo, tổ chức lực lượng quân sự trong tôn giáo bảo vệ đạo nhưng thực chất là đội quân tay sai của Mỹ - Diệm, được chính quyền trang bị, huấn luyện và chỉ huy.

Tháng 7-1962, địch sử dụng trực thăng đổ quân càn quét căn cứ Trại Lòn, xã Tân Ninh, tỉnh Kiến Tường, đánh thiệt hại nặng Đại đội 2, Tiểu đoàn 261. Ngày 18-8-1962, địch sử dụng trực thăng đổ quân càn quét vùng Tân Hòa Đông (Châu Thành), đánh cơ quan Quân y và công trường (binh công xưởng) và trại tân binh, phá hủy một số phương tiện, làm hy sinh 20 đồng chí và hơn 100 tân binh bị bắt.

Ngày 2-9-1962, địch đổ quân càn vào xã Hưng Thạnh, Mỹ Phước, đánh căn cứ của Tỉnh ủy, Tỉnh đội Mỹ Tho. Trận càn này, địch gây thiệt hại nặng cho ta, 52 cán bộ và chiến sĩ hy sinh, trong đó có 1 đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, 1 tiểu đội vũ trang của Trung đội 2, Đại đội 2, Tiểu đoàn 514 hy sinh, mất 6 súng.

TA CHỦ ĐỘNG ĐÁNH CÀN

Tháng 4-1961, Tỉnh ủy Mỹ Tho tổ chức hội nghị tại xã Hưng Thạnh (Châu Thành). Tỉnh ủy chủ trương: Vừa xây dựng, củng cố, phát triển lực lượng cách mạng, tăng cường quản lý vùng giải phóng; vừa tập trung lực lượng tấn công địch trên khắp địa bàn. Tỉnh ủy Mỹ Tho đề ra phương châm là: Kết hợp chặt chẽ giữa 3 mặt tấn công (chính trị, binh vận, vũ trang), 3 mũi giáp công trên cả 3 vùng (vùng giải phóng, vùng tranh chấp, vùng địch tạm chiếm), bao vây, bức rút, bức hàng đồn bót địch, phá khu trù mật, mở rộng vùng giải phóng. Nhanh chóng củng cố, kiện toàn, phát triển lực lượng cách mạng, trong đó cần tập trung củng cố, kiện toàn hệ thống lãnh đạo và phát triển lực lượng vũ trang...

Tỉnh ủy chỉ đạo Ban Quân sự củng cố đơn vị 514 thành Tiểu đoàn 514, xây dựng 1 đại đội mạnh làm quả đấm vũ trang của tỉnh; phát triển bộ đội địa phương tập trung ở các huyện, lực lượng du kích ở cơ sở. Tỉnh ủy Mỹ Tho ra chỉ thị thành lập Ban Bảo vệ an ninh các cấp nhằm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, quản lý vùng giải phóng; bảo vệ Đảng, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy xây dựng lực lượng chính trị, binh vận; phát triển, mở rộng các đoàn thể.

Tháng 4-1962, Thường vụ Tỉnh ủy họp bàn về công tác phá ấp chiến lược. Trong cuộc họp, Tỉnh ủy tuy vẫn chưa đề ra được phương pháp chống, phá ấp chiến lược một cách cụ thể nhưng xác định quyết tâm: Nông dân bám ruộng vườn, du kích, bộ đội bám dân để hoạt động, các cấp ủy bám cơ sở để lãnh đạo nhân dân tiến công và nổi dậy, làm thất bại âm mưu lập ấp chiến lược của địch.

Ngày 7-9-1962, Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp với Ban Chỉ huy Tỉnh đội ở xã Hưng Thạnh (Châu Thành) có đồng chí Võ Chí Công, Thường vụ Trung ương Cục và đồng chí Lê Việt Thắng, Thường vụ Khu ủy tham dự. Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhận định: Địch đang đối phó với phong trào cách mạng miền Nam bằng chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, chủ yếu là càn quét và lập ấp chiến lược, ta từ thế chủ động tấn công lại bị động lúng túng, nhưng thực tế không phải địch mạnh mà tại ta chỉ đạo chưa phù hợp.

Đồng chí Võ Chí Công chỉ đạo: Địch tiến hành “Chiến tranh đặc biệt”, quy luật chiến tranh của địch là càn quét, ta phải chống càn quét theo đường lối chiến tranh nhân dân, phải kết hợp chính trị, vũ trang, kết hợp ba thứ quân trên thế trận “xã chiến đấu”. Lực lượng vũ trang phải đứng lại đánh càn, tiêu diệt địch, không thể tránh càn mà tồn tại. Đưa lực lượng vũ trang phối hợp với lực lượng vũ trang huyện, du kích xã vừa phá ấp chiến lược vừa xây dựng xã, ấp chiến đấu, xây dựng trận địa chống càn.

Ngày 10-9-1962, Đại đội 1, Tiểu đoàn 514 kết hợp với du kích phá ấp chiến lược Dưỡng Điềm (Châu Thành). Ngày 12-9, địch rải quân dọc lộ 4 và lộ Ba Dừa chặn đường rút về căn cứ Bắc lộ 4. 6 giờ ngày 13-9, địch mở cuộc càn vào 8 xã vùng Nam lộ 4 của 2 huyện Châu Thành, Cai Lậy; nhưng đơn vị bố trí trận địa tại Cả Nai, xã Mỹ Long chặn đánh một hướng hành quân của địch, diệt 1 đại đội, thu 30 súng.

Qua chiến đấu, Tỉnh ủy và Ban Quân sự tỉnh xác định lực lượng vũ trang của ta có khả năng chống càn thắng lợi. Hội nghị lấy kinh nghiệm này phổ biến cho bộ đội học tập và chỉ đạo đánh càn tích cực hơn. Mặt trận chống càn, phải kết hợp lực lượng tuyến trong, tuyến ngoài. Du kích, dân quân đào công sự hình thành trận địa cho bộ đội.

Tháng 11-1962, Hội nghị quân sự Khu VIII rút kinh nghiệm tình hình toàn Khu, đặc biệt kinh nghiệm đánh càn thắng lợi của quân và dân Mỹ Tho. Hội nghị kết luận: Lực lượng vũ trang phải đứng lại đánh càn, nhưng đánh càn phải chủ động dựa vào thế xã, ấp chiến đấu, công sự vững chắc, tập trung tiêu diệt từng cánh quân địch. Chuẩn bị sẵn sàng đánh địch suốt ngày, đánh với trực thăng vận, thiết xa vận của địch.
Sau 2 năm giằng co với địch, Đảng bộ, nhân dân Mỹ Tho vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, kịp thời xây dựng mọi mặt để bước cuộc đấu tranh mới, góp phần đáng kể vào thắng lợi chung của cách mạng miền Nam.

Như vậy, trận Ấp Bắc diễn ra ngày 2-1-1963, lực lượng cách mạng giành thắng lợi hoàn toàn không phải bất ngờ, may rủi, mà là một trận đánh nằm trong sự chuẩn bị đầy đủ nhất của cả ta và địch. Đây là trận đánh trong đợt tấn công bằng hai chân: Chính trị và quân sự; ba mũi giáp công: Chính trị, binh vận, vũ trang của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trận này nếu không diễn ra ở Ấp Bắc, xã Tân Phú, huyện Cai Lậy (nay là TX. Cai Lậy) thì cũng xảy ra ở một nơi nào đó trên địa bàn tỉnh Mỹ Tho!

LÊ VĂN TÝ

.
.
.