Quân và dân huyện Cai Lậy với chiến thắng Ấp Bắc
Trong dòng chảy lịch sử của dân tộc, trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Cai Lậy có vị trí rất quan trọng. Huyện Cai Lậy là nơi tranh chấp gay go và quyết liệt giữa ta và địch. Trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, quân và dân Cai Lậy dưới sự lãnh đạo của Đảng làm nên chiến thắng Ấp Bắc (2-1-1963). Chiến thắng Ấp Bắc đã mở ra trang sử mới trong lịch sử lãnh đạo cuộc kháng chiến của Đảng bộ huyện Cai Lậy nói riêng, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) nói chung.
QUÂN DÂN CHỦ ĐỘNG PHẢN CÔNG
Ngay trong đêm 1-1-1963, được tin địch sẽ tổ chức trận càn lớn vào Ấp Bắc, đồng chí Nguyễn Văn Thạnh - Phó Bí thư Huyện ủy Cai Lậy đã triệu tập khẩn cấp đồng chí Lê Văn Phấn - Bí thư Chi bộ xã Tân Phú về huyện giao nhiệm vụ đưa dân ra lộ 4 tránh địch, đồng thời hình thành mũi tấn công chính trị đánh địch, du kích xã gắn chặt chiến đấu với bộ đội, đoàn thể; tổ chức tiếp tế, tải thương và vận động người còn ở lại kiên quyết bám trụ và tham gia chiến đấu.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Cai Lậy tích cực xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp. Ảnh: QUẾ NGÂN |
Huyện ủy cũng lệnh khẩn cấp cho lực lượng vũ trang toàn huyện: Trung đội địa phương quân huyện đang ở tại Long Tiên cùng du kích các xã chung quanh bao vây bắn tỉa các đồn Ba Dừa, Cẩm Sơn, Phú An. Du kích các xã ven lộ 4 tổ chức tấn công hoặc bắn tỉa các đoàn xe địch di chuyển trên lộ. Riêng du kích hai xã Tân Hội và Điềm Hy phối hợp trinh sát bộ đội đánh làm chậm bước tiến của địch vào trận địa. Hội Phụ nữ huyện cùng các đoàn thể tổ chức các mũi tấn công chính trị vào sở chỉ huy hành quân trên lộ 4, các cụm pháo binh để phá rối địch, phối hợp với trận đánh của ta ở Ấp Bắc.
5 giờ sáng ngày 2-1-1963, Chiến đoàn A bảo an tiểu khu Định Tường từ lộ 4 chia làm hai cánh tiến vào: Một cánh tiến theo ngã cầu Trường Gà, một cánh tiến theo ngã cầu Sao. Cánh thứ nhất bị du kích xã Điềm Hy và trinh sát chặn đánh. Ta vừa đánh vừa lùi dần về phía trước trận địa của Đại đội Bộ binh 1, Tiểu đoàn Bộ binh 261 ở cầu Ông Bồi. Đại đội 1 nổ súng. Trung đội địa phương Châu Thành đánh vào sau lưng và sườn địch. Chúng chết và bị thương khoảng 50 tên, bị ta bắt 7 tên, số còn lại hoảng hốt tháo chạy.
Cánh thứ hai bị du kích xã Tân Hội đánh chặn nên tiến quân chậm. Chúng đánh vào đội hình trung đội địa phương Châu Thành, bị Đại đội 1, Tiểu đoàn 261 đánh vào sau lưng và ngang sườn, bị diệt hơn 60 tên, tháo chạy trở lại chùa Thầy Lơ. Cùng lúc, Chiến đoàn B bảo an và Đại đội 7 cơ giới bảo an theo lộ đất Tân Hội tiến vào xóm Hội Đồng Vàng. Thấy hai cánh kia bị đánh, chúng dừng lại.
Đến 9 giờ ngày 2-1-1963, trực thăng đổ Tiểu đoàn Bộ binh 1, Trung đoàn Bộ binh 11 xuống Ấp Bắc ngay trước chính diện trận địa Đại đội Bộ binh 1, Tiểu đoàn 261. Toàn đơn vị nổ súng bắn trúng 6 chiếc trực thăng làm 3 chiếc rơi tại chỗ, 3 chiếc bị hỏng bay được vài trăm thước cũng rơi xuống. Một số địch đã nhảy xuống, còn một phần bị kẹt trên máy bay, lớp chết, lớp bị thương la ó inh ỏi, tháo chạy tán loạn. Pháo địch từ căn cứ Thẻ 33, Tân Hội, ngã ba Đông Hòa, khu trù mật Mỹ Phước Tây dội xuống trận địa.
Trong lúc trận đánh đang xảy ra ở Ấp Bắc thì du kích các xã Nhị Quý, Phú Quý áp sát lộ 4 bắn xe quân sự địch. Ta bắn hỏng 3 xe quân sự, làm bị thương 6 tên địch, bắt 2 tên. Bọn chỉ huy trận càn phải dàn quân giữ lộ. Du kích các xã Tân Bình, Mỹ Hạnh Trung, Mỹ Hạnh Đông bắn tỉa các đồn Xóm Chòi, chợ Kinh 12, Cống Huế. Trung đội địa phương huyện tấn công các đồn Ba Dừa, Ba Dầu, du kích Cẩm Sơn bao vây đồn Cẩm Sơn, du kích xã Phú An tấn công đồn Thẻ 33, du kích Bình Phú tấn công đồn Lộ Quẹo, du kích Mỹ Thành tấn công đồn Ngã Năm. Như vậy, trong toàn huyện Cai Lậy, nơi nào địch cũng bị đánh, buộc tên Đại úy Bùi Văn Ba, quận trưởng phải rải quân phòng giữ và báo động lên tỉnh.
Mũi tấn công chính trị của quần chúng tiếp tục ra quân. Hơn 500 quần chúng của xã Tân Phú và Điềm Hy lên lộ 4 kéo lên Thẻ 33, đi ngang cầu đúc Bưng Môn làm kẹt đoàn xe chở lính bảo an của địch hơn một giờ. Tại căn cứ Thẻ 33, đồng bào đòi địch không được bắn pháo vào khu dân cư; ở khu trù mật Mỹ Phước Tây, hơn 700 quần chúng các xã vùng III (Mỹ Phước Tây, Mỹ Hạnh Đông, Mỹ Hạnh Trung, Tân Bình, Tân Hội, Tân Phú, Nhị Mỹ) bao vây cụm pháo đòi không được bắn phá. Trước tình thế đó, địch bị động phải ngừng bắn pháo hơn một giờ.
Đến 12 giờ, địch đổ tiếp Tiểu đoàn Bộ binh 2, Trung đoàn Bộ binh 11 và hai Tiểu đoàn Bộ binh thuộc Trung đoàn Bộ binh 12 xuống Miễu Hội, tấn công vào trận địa Đại đội 1, Tiểu đoàn 514 ở Tân Thới. Bị ta chống trả quyết liệt, địch phải tháo lui, hơn 50 tên chết và bị thương.
Đến 12 giờ 30 phút, xe M.113 kéo theo các chiến đoàn bảo an đến trước tiền duyên Đại đội 1, Tiểu đoàn 261 ở Ấp Bắc. Địch tổ chức nhiều đợt tấn công bộ binh có xe M.113 yểm trợ vào trận địa ta nhưng không vào được. Hai xe M.113 bị bắn cháy, 2 xe bị bắn hỏng, nhiều tên địch chết và bị thương (trong đó có nhiều tên xạ thủ trọng liên 12,7 mm trên xe M.113 làm cho bọn địch còn lại hoang mang). Bom pháo địch trút tối đa xuống trận địa Ấp Bắc, nhiều căn nhà bốc cháy, cây cối bị gãy ngổn ngang nhưng nhân dân Ấp Bắc vẫn bình tĩnh tiếp tế cơm nước, tải thương, chăm sóc chiến sĩ bị thương.
Đến 16 giờ 30 phút, một đoàn máy bay vận tải bay đến đổ tiểu đoàn dù xuống ngay trên đầu trận địa Đại đội 1, Tiểu đoàn 514 ở Tân Thới. Bọn địch bị đánh ngay từ lúc chúng còn đang lơ lửng trên không, cho đến khi tiếp đất, bộ đội ta và địch quần nhau xen kẽ trong từng bờ mương, liếp chuối. Tên Tiểu đoàn trưởng chết gục trước khi chạm đất. Bọn còn sống sót hợp với bọn tàn quân dưới đất tổ chức tấn công vào trận địa Đại đội 1, Tiểu đoàn 514 nhưng bị ta đẩy bật ra. Đến 20 giờ, địch tổ chức phản công lần nữa vào trận địa nhưng cũng bị quân và dân ta đẩy lùi. Sau một ngày chiến đấu anh dũng, quân và dân ta đã giành được thắng lợi hoàn toàn.
PHÁT HUY TINH THẦN ẤP BẮC XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG
Thực hiện Nghị quyết 130 ngày 26-12-2013 của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Cai Lậy để thành lập TX. Cai Lậy và huyện Cai Lậy; phát huy tinh thần Chiến thắng Ấp Bắc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Cai Lậy đã khắc phục khó khăn, tập trung sức người, sức của đối phó liên tiếp với thiên tai, bão lụt, dịch bệnh, nhất là dịch Covid-19, từng bước khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, củng cố tổ chức Đảng, bộ máy chính quyền, đoàn thể, ổn định đời sống nhân dân.
Thành tựu nổi bật nhất của huyện Cai Lậy là đã thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, với nhiều giải pháp đồng bộ - sáng tạo - linh hoạt, phát huy sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, đặc biệt là sự đồng thuận, quyết tâm của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn toàn huyện. Đến nay, 15/15 xã thuộc huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó 5 xã nông thôn mới nâng cao) và thị trấn Bình Phú đạt chuẩn đô thị văn minh, đang xây dựng và đề nghị công nhận huyện nông thôn mới vào cuối năm 2022.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Cai Lậy đã nỗ lực phấn đấu, phát huy nội lực kết hợp với các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước để tạo nên bước đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng được vùng trồng chuyên canh cây ăn trái chủ lực, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhân rộng mô hình VietGap, thương hiệu “Sầu Riêng Cai Lậy”, xây dựng mã số vùng trồng trong sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc; đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ; nâng cao chất lượng hoạt động của hợp tác xã, liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, gắn sản xuất với thị trường, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng trên sản phẩm, nhằm mục tiêu tăng thu nhập của người dân.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển tích cực. Hệ thống trường học, trạm y tế,… được đầu tư xây dựng mới và nâng cấp ngày càng khang trang hơn tạo điều kiện thuận lợi cho việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, môi trường học tập cho học sinh tốt hơn, công tác đảm bảo an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa đối với gia đình chính sách được quan tâm thường xuyên.
Quốc phòng - an ninh được giữ vững, công tác sẵn sàng chiến đấu, diễn tập, huấn luyện, tuyển quân, xây dựng lực lượng đã đạt được yêu cầu chỉ tiêu đề ra. Tình hình an ninh - chính trị ổn định, các biện pháp phòng ngừa và tấn công các loại tội phạm được tiến hành thường xuyên và có hiệu quả. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được củng cố và nâng lên, góp phần giữ vững trật tự an toàn xã hội.
Công tác cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “Một cửa”, “Một cửa liên thông”, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân được cải tiến và đạt được những kết quả quan trọng.
Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị được quan tâm thực hiện tốt, đặc biệt là thực hiện Kết luận 01 ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Kết luận 21 ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” được đội ngũ cán bộ, đảng viên tích cực thực hiện bằng nhiều hình thức và nội dung thiết thực, góp phần xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ.
Phát huy tinh thần chiến thắng Ấp Bắc, tiếp nối truyền thống cách mạng, sẽ là động lực tinh thần to lớn cho toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Cai Lậy tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, quyết tâm xây dựng và giữ vững danh hiệu huyện nông thôn mới: Vững mạnh về chính trị, kinh tế phát triển vượt bậc, an ninh trật tự được giữ vững, đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, tiến bộ, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
NGUYỄN VĂN BẰNG
(Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Cai Lậy)
(Báo Ấp Bắc lược trích)