Báo Ấp Bắc Xuân trong kháng chiến
Báo Ấp Bắc giai đoạn đầu mỗi tháng ra 2 số, về sau do chiến tranh ác liệt, địch kiểm soát gắt gao, vật liệu làm báo khan hiếm, bị địch đánh phá liên tục nên tòa soạn báo cố gắng duy trì ra những số nhân dịp các ngày lễ lớn như: 1-5, 2-9... hoặc trong năm có sự kiện quan trọng thì ra số đặc biệt; riêng Báo Ấp Bắc Xuân được xuất bản hằng năm.
Các tờ Báo Ấp Bắc Xuân trong kháng chiến. |
MÓN QUÀ XUÂN ĐẦY Ý NGHĨA
Sau gần 1 năm tờ báo của Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho mang tên Ấp Bắc ra đời, ngày 5-2-1964, Báo Ấp Bắc Xuân Giáp Thìn 1964, 20 trang, ấn hành 5.000 tờ tại Nhà in Huỳnh Văn Sâm ra mắt bạn đọc để làm quà xuân.
Từ tháng 1 đến tháng 4-1965, mỗi tháng Báo Ấp Bắc ra một số, đặc biệt là xuất bản tờ báo Xuân Ất Tỵ năm 1965, 20 trang; in tại Nhà in Huỳnh Văn Sâm, phát hành 4.500 tờ.
Trang bìa tờ báo xuân do họa sĩ Châu Hồ và Xuân Thu vẽ; tranh minh họa của Xuân Thu và Phan Trần Nguyễn; bản khắc do Trần Thọ, Văn Bá Hạnh, Việt Ánh thực hiện; trình bày: Lê Thái, Hồng Danh…
Cuối năm 1969, Tỉnh ủy quyết định dời căn cứ và toàn bộ cơ quan từ Cái Bè về xã Long Trung, huyện Cai Lậy Nam. Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy cùng các bộ phận chuyển căn cứ về xã Long Trung. Tòa soạn Báo Ấp Bắc và nhà in cũng chuyển về xã Long Trung nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.
Việc chuyên chở hàng tấn chữ chì qua lộ 4, qua đồn bót địch trót lọt là sự dũng cảm, thông minh, sáng tạo của cán bộ, phóng viên, nhân viên trong sự đùm bọc, góp sức, chở che của nhân dân, trong đó có bà Ba Đính, chị Tám Lạc, cô Hai Thơm...
Ở căn cứ Long Trung, Ba Rài, mặc dù phải đối mặt với nhiều cuộc càn quét, khủng bố, đánh phá địa hình, đốt nhà, gom dân của địch, nhưng tòa soạn báo vẫn chuẩn bị bài cho việc xuất bản tờ Báo Ấp Bắc Xuân Kỷ Dậu năm 1969. Ban Biên tập phân công phóng viên đi chiến trường tìm “chất liệu” để viết tin, bài; nhà in chuẩn bị giấy, mực in, chữ chì...; khi hoàn thành tờ báo, đồng chí Trần Công Thoại hy sinh (vì bị pháo của địch).
Báo Ấp Bắc Xuân Kỷ Dậu năm 1969 được in bằng chữ chì, bìa 4 màu. Tờ báo được phát hành đến tay cán bộ, chiến sĩ và cơ sở làm món quà tết. Nội dung Báo Ấp Bắc Xuân Kỷ Dậu năm 1969 có 10 trang, in tại Nhà in Huỳnh Văn Sâm, phát hành 3.000 tờ. Tranh bìa và minh họa do họa sĩ Châu Hồ thực hiện.
CHỮ CHÌ - KHÓ KHĂN LỚN NHẤT KHI LÀM BÁO XUÂN NĂM 1973
Để chuẩn bị in báo Xuân năm 1973, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Mỹ Tho chỉ đạo phải khôi phục lại nhà in chữ chì để tiếp tục in báo. Mặc dù địch bình định, đánh phá ác liệt, chữ chì thiếu trầm trọng, mực, giấy in cũng thiếu nhiều, nhưng Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy quyết tâm in tờ báo Xuân năm 1973 bằng chữ chì.
Việc phát hành Báo Ấp Bắc được các trạm giao liên xem như thư “thượng khẩn”, không để báo ứ đọng. Quần chúng nòng cốt phối hợp bộ đội địa phương giúp các trạm giao liên mang báo vượt lộ 4, qua sông đưa đến tay người đọc. Người phát hành báo luôn xác định thà hy sinh, quyết không để báo lọt vào tay giặc. Nhận được báo xuân mọi người đều mừng rỡ, nhất là đồng bào ở vùng bị địch kìm kẹp. Mỗi lần địch đổ quân càn quét, bọn tâm lý chiến của địch thường tung tin chúng đã tiêu diệt được Nhà in Huỳnh Văn Sâm và cơ quan đầu não của Báo Ấp Bắc nên đồng bào rất băn khoăn, lo lắng. Nhận được tờ báo xuân, bà con như trút hết nỗi lo âu. Nhiều người nói “Báo còn là Đảng còn, cách mạng còn”. Lòng tin của bà con được nhân lên gấp bội. |
Thực hiện chỉ đạo của Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy, Tiểu ban Thông tấn - Báo chí xây dựng kế hoạch xuất bản tờ báo xuân.
Trên cơ sở đó phân công cán bộ, phóng viên đi chiến trường nắm tình hình để viết tin, bài; đồng thời, huy động lực lượng ở các ban, ngành khác cùng tham gia như: Tiểu ban Văn nghệ, Tiểu ban Giáo dục...
Nội dung tờ báo bao gồm nhiều thể loại như: Tin tức, phóng sự, ghi nhanh, tin tổng hợp, tập trung nhiều bài viết về kết quả thực hiện Hiệp định Paris của địch, về sự đấu tranh của quân và dân ta buộc địch thi hành hiệp định; về tình hình chiến sự, chiến thắng của quân và dân ta, cũng như vạch trần tội ác của Mỹ - ngụy. Tờ báo xuân đã phản ánh một cách sâu sắc, chân thực về các sự kiện nổi bật trên khắp chiến trường.
Để cho tờ báo Xuân năm 1973 phát hành kịp thời, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Mỹ Tho củng cố nhà in, phân công đồng chí Năm Thanh làm Giám đốc. Bộ máy nhà in chữ chì trên cơ sở nhân sự của tổ in sáp gồm các đồng chí: Năm Thanh, Minh Tiến, Bé Ba và trưng dụng thêm các đồng chí: Đỗ Nguyễn Vũ, Nguyễn Việt Ánh, Năm Tỉnh và Phước Tường cùng 5 đồng chí của Nhà in Lý Tự Trọng (Khu 8) chi viện: Trung, Dũng, Vân, Trãi và Thanh. Thành lập xong bộ máy, nhà in chữ chì phân công nhau đốn cây, chặt lá cất nhà, đắp bờ thành xung quanh để phòng, tránh bom pháo của địch.
Khó nhất là chữ chì. Mặc dù được tin Khu 8 sẽ chi viện, nhưng Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy vẫn tổ chức đoàn cán bộ đi lên ấp 14, xã Long Trung, huyện Cai Lậy Nam tìm số chữ chì do đồng chí Năm Thanh và Cu Chín cất giấu sau khi chuyển căn cứ từ xã Hậu Mỹ, huyện Cái Bè về.
Gần 10 ngày tìm kiếm mà không được cục chì nào, đến đầu tháng 12-1972, bài vở cơ bản xong, nhưng tin tức về việc cung cấp chữ chì của Nhà in Lý Tự Trọng hỗ trợ vẫn chưa thấy. Cuối cùng, các đồng chí Vũ, Năm Tỉnh và Năm Thanh phải trở lên đình Ba Hơn cắt một số cây trính và cây xiên bị bom còn sót lại về sử dụng.
Khi được tin chữ chì của khu chi viện đã về tới Ấp Bắc, kế hoạch tải chữ chì được Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy triển khai nhanh chóng và thành lập ngay tổ tải chữ chì, gồm các đồng chí: Năm Thanh, Cu Chính, Minh Tiến, Dụng, Hoàng Hà, Bé Ba, Long, Đỗ Nguyễn Vũ. Các đồng chí cấp tốc vượt qua lộ 4 cùng 5 đồng chí của khu bàn việc tổ chức đưa về.
Nhưng gần một tháng tổ không qua được lộ 4. Cuối cùng, báo cáo về Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy, sau đó Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy và được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo Tỉnh đội cử đồng chí Năm Diệp, Phó Tham mưu Tỉnh đội cùng với 2 đồng chí (Dũng, Hải) giao bưu của tỉnh, 1 chiến sĩ trinh sát kỹ thuật và 1 chiến sĩ bảo vệ hỗ trợ.
Kế hoạch qua lộ 4 được thực hiện, đến 5 giờ chiều số lượng chữ chì được tập kết tại kinh 2 (cách lộ 4 khoảng 2 cây số). Đồng chí Năm Diệp theo dõi địch qua máy PRC25 của trinh sát kỹ thuật, đồng chí Hải và Dũng ra kinh 1 bám lộ 4 để nắm tình hình. Đến 8 giờ tối, thấy trên lộ không có gì khả nghi, tổ sắp xếp đội hình, sinh hoạt mật khẩu, hành quân vượt lộ 4.
Khi đến sát kinh cặp lộ 4, 2 mũi đi đầu dừng lại quan sát, thấy yên tĩnh, dự định vượt qua. Bất ngờ bị địch phục kích sẵn, chúng nổ súng, ném lựu đạn về phía ta, các đồng chí trong tổ vừa đánh trả, vừa hô xung phong và rút về phía sau an toàn. Nhiều lần qua lộ không thành, cuối cùng đồng chí Đỗ Nguyễn Vũ đề nghị phương án đi qua lộ 4 đoạn xã Nhị Mỹ, huyện Cai Lậy, được anh em trong đoàn thống nhất.
Sáng hôm sau, lính Sư đoàn 7 của địch càn vào khu vực từ cầu Bà Quạ lên xã Tân Hội, huyện Cai Lậy Bắc và đóng quân đêm ở phía ngoài bưng Bồn Bồn (cách nơi ta cất chữ chì gần 1 cây số). Trời chạng vạng tối, anh em lách về lấy chữ chì và hành quân. Số lượng chữ chì nhiều và nặng, nhưng nhờ gặp được lực lượng du kích của ta hướng dẫn, cuối cùng qua được lộ 4, đến 1 giờ khuya, lượng chữ chì đã được chuyển về đến cơ quan. Vượt qua tất cả những khó khăn, Báo Ấp Bắc Xuân 1973 in được 2.500 tờ và phát hành vào ngày 28-1-1973.
HỒNG LÊ