.

Góp thêm trang sử vàng trong lịch sử đấu tranh giữ nước trên quê hương Tiền Giang

Cập nhật: 09:36, 13/03/2023 (GMT+7)

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân tỉnh Mỹ Tho cùng các lực lượng chủ lực Quân khu 8 làm nên nhiều chiến công vang dội, góp phần cùng nhân dân cả nước giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Một trong những chiến công đó là Chiến thắng Ngã Sáu - Bằng Lăng ở xã Mỹ Trung, huyện Cái Bè, từ ngày 11 đến ngày 14-3-1975.

48 năm đã trôi qua nhưng Chiến thắng Ngã Sáu - Bằng Lăng không thể phai mờ đối với những người trong cuộc. Chiến thắng ấy là chiến công chung của nhiều người, nhiều đơn vị; trong đó, có sự góp sức của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Mỹ Tho, huyện Cái Bè và xã Mỹ Trung.

TIÊU DIỆT “PHÁO ĐÀI” BẤT KHẢ XÂM PHẠM

Yếu khu Ngã Sáu nằm trên phần đất xã Mỹ Trung, huyện Cái Bè (theo địa giới hành chính của địch là quận Giáo Đức, giáp với quận Mỹ An (tỉnh Sa Đéc), trước là căn cứ tiền tiêu của sư đoàn 7 ngụy, do quân Mỹ hỗ trợ xây dựng năm 1969, lúc đó quân ngụy biến thành yếu khu do tiểu đoàn bảo an 450 của tỉnh Sa Đéc tăng cường cho tiểu khu Định Tường trấn giữ, quân số khoảng 250 tên. Nơi đây tạo thành trung tâm giao lưu đường thủy, bao gồm các kinh: Nguyễn Văn Tiếp B (kinh Tổng đốc Lộc hay kinh Cái), kinh số 28, kinh số 4 (kinh mới), kinh số 5 (kinh Bùi) và Mỹ Lợi (kinh Bằng Lăng).

Ngã Sáu  - Bằng Lăng vẫn còn đó,  được ví như “nhân chứng” lịch sử ghi nhận những chiến công oanh liệt của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống  đế quốc Mỹ xâm lược. Ảnh: VĂN THẢO
Ngã Sáu - Bằng Lăng vẫn còn đó, được ví như “nhân chứng” lịch sử ghi nhận những chiến công oanh liệt của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Ảnh: VĂN THẢO

Toàn bộ căn cứ giống như một pháo đài đồ sộ và bất khả xâm phạm, án ngữ tại một yếu điểm quan trọng ở cửa ngõ Đồng Tháp Mười, nơi tiếp giáp 3 tỉnh Mỹ Tho, Kiến Phong và Kiến Tường. Ngoài căn cứ Ngã Sáu, có lực lượng trung đoàn 10 của sư đoàn 7 cùng các tiểu đoàn bảo an sẵn sàng ứng cứu. Có 4 trận địa pháo ở Thiên Hộ, Cái Bè, An Hữu, Cống Trâu và pháo cơ động cùng với không quân sẵn sàng chi viện.

Bước vào mùa khô năm 1974 - 1975, thực hiện chỉ đạo của Quân ủy Miền, chiến dịch tiến công tổng hợp ở Quân khu 8 được chia làm 2 đợt. Khi bước vào đợt 1, phát hiện được ý định của ta, địch điều động quân chủ lực tập trung đối phó ở khu vực trọng điểm, nên kết quả hoạt động của quân chủ lực ta không cao như dự kiến. Từ kinh nghiệm thực tiễn và được sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh (BTL) Miền, Quân khu chủ trương chuyển bộ đội chủ lực Quân khu về tiến công mở màn chiến dịch tổng hợp đợt 2 là vùng Bắc Cái Bè. Với quyết tâm phải giành được thắng lợi có ý nghĩa quyết định trên chiến trường Quân khu, sau khi thảo luận, BTL Quân khu đi đến nhất trí: Nếu giải phóng Vùng 4 Kiến Tường cũng không nhất thiết phải tập trung lực lượng như đợt 1, mà lần này địa bàn chiến dịch được mở ở quận Cái Bè (tỉnh Mỹ Tho) và quận Mỹ An (tỉnh Sa Đéc), trong đó yếu khu Ngã Sáu là mục tiêu then chốt.

SƯ ĐOÀN BB8 VÀ TRẬN ĐÁNH THEN CHỐT

Chuẩn bị Chiến dịch mùa khô năm 1974 - 1975, BTL Quân giải phóng miền Nam quyết định cho Quân khu 8 được thành lập sư đoàn chủ lực đầu tiên của khu Trung Nam bộ, lấy phiên hiệu là Sư đoàn Bộ binh 8 (BB8). Sư đoàn BB8 - sư đoàn chủ lực đầu tiên và duy nhất của Quân khu 8 đóng vai trò “quả đấm” quyết định cho trận quyết chiến cuối cùng trên chiến trường Trung Nam bộ. Ngay sau khi thành lập, Sư đoàn BB8 đã cùng quân và dân tỉnh Mỹ Tho chiến đấu tạo thế, tạo lực trong Chiến dịch mùa khô năm 1974 - 1975, để sau đó cùng toàn quân, toàn dân tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước.

Năm 2007, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang đã quyết định xây dựng công trình Bia Chiến thắng Ngã Sáu - Bằng Lăng tại xã Mỹ Trung trên nền đồn cũ của địch, với quy mô tổng diện tích trên 4.000 m2, gồm các hạng mục: Công viên, sân đường nội bộ, cổng rào, phòng trưng bày, Bia Chiến thắng. Trong đó, Bia Chiến thắng có diện tích xây dựng 254 m2, chiều cao 20 m, với biểu tượng đóa sen vươn lên giữa Đồng Tháp Mười. Khu di tích nhằm khắc ghi lại chiến công vang dội của quân và dân ta trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm 2020, UBND tỉnh Tiền Giang quyết định xếp hạng Di tích Chiến thắng Ngã Sáu - Bằng Lăng là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Tháng 3-1975, trên chiến trường Khu 8, các lực lượng vũ trang bước vào đợt 2 chiến dịch tiến công tổng hợp. Nhiệm vụ đợt 2 được Khu ủy và Quân khu ủy đề ra là: Giải phóng hoàn toàn vùng trung tâm Đồng Tháp Mười, làm chủ tuyến kinh Dương Văn Dương và vùng 4 Kiến Tường, tuyến kinh Nguyễn Văn Tiếp nối liền mảng 4 Cai Lậy Bắc và Bắc Cái Bè.

Ở Mỹ Tho, thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy, Ban Cán sự Tỉnh đội xác định: “Động viên sự nỗ lực cao nhất của các lực lượng vũ trang địa phương thực hành xuất sắc vai trò nòng cốt cho cao trào nổi dậy của quần chúng giải phóng cơ bản Nam - Bắc lộ 4, giải phóng cơ bản huyện Chợ Gạo, mở nhiều tuyến hành lang qua lại lộ 4. Chuyển thế làm chủ đến các ấp ven sát thị trấn, làm chủ nhiều lõm trong nội ô, tạo điều kiện diệt bức 1 - 2 chi khu, tiến lên giải phóng cơ bản Mỹ Tho”.

Chiến trường tỉnh Mỹ Tho được chia làm 3 khu vực chỉ đạo: Khu vực 1: Toàn huyện Chợ Gạo, là khu vực trọng điểm của tỉnh; khu vực 2: 4 huyện Châu Thành Nam, Châu Thành Bắc, Cai Lậy Nam, Cai Lậy Bắc, là khu vực trung tâm chỉ đạo và khu vực 3: Toàn huyện Cái Bè, là khu vực quan trọng.

Vào đợt 2, ở Cái Bè, lực lượng địa phương tiến công và bao vây đồn bót, phối hợp tốt với lực lượng chủ lực tiến công Ngã Sáu. Bộ đội địa phương huyện kết hợp 3 mũi bứt rút 5 đồn, đánh thiệt hại nặng phân chi khu Mỹ Đức Đông và 1 đại đội bảo an. Trên lộ 20 và kinh 28 sát đường 4, lực lượng 3 mũi cũng tiến công liên tục, thường xuyên bao vây trên 40 đồn.

Trên các tuyến giao thông, lực lượng vũ trang địa phương phối hợp lực lượng chủ lực cắt đứt, phá lộ 4 với nhiều hình thức đắp mô, đánh sập cầu, huy động nhiều dân công đào phá lộ 20; đánh bứt 3 đoạn lộ 30 và bao vây đồn Rạch Giồng, Cái Lâm, Rạch Ruộng... Khi Trung đoàn 24 tiến công yếu khu Ngã Sáu, nhân dân địa phương huy động xuồng ghe đưa bộ đội sang sông và hàng trăm dân công cùng bộ đội thu dọn chiến trường. Ngã Sáu được giải phóng lần thứ nhất.

Bị thua rất đau, đối phương tiếp tục điều động 1 tiểu đoàn chủ lực hòng tái chiếm căn cứ Ngã Sáu đã bị Trung đoàn 207 của Sư đoàn BB8 đánh cho tơi tả, tháo chạy thoát thân. Trung đoàn 207 tiếp tục nổ súng tiến công dứt điểm đồn ngã tư Thạnh Mỹ và kinh Nhất, giải phóng một loạt đồn bót từ Ngã Sáu đến kinh 3 Mỹ Điền.

Kết quả, qua 4 ngày chiến đấu, ta đánh thiệt hại nặng nề tiểu đoàn bảo an 450 và tiểu đoàn 2, thuộc trung đoàn 10, sư đoàn 7 ngụy; đánh tiêu hao tiểu đoàn 453, loại khỏi vòng chiến đấu 653 tên, trong đó diệt 285 tên, làm bị thương 313 tên, bắt 55 tên. Ta san bằng toàn bộ yếu khu, quá trình tiến công ta phá hủy một kho đạn và lương thực.

Thắng lợi to lớn của trận “công đồn” Ngã Sáu và “đả viện” Bằng Lăng  trong chiến dịch cao điểm tạo ra hiệu ứng tích cực. Nhân dân các huyện Cái Bè (tỉnh Mỹ Tho), Mỹ An (tỉnh Kiến Phong) và Vùng 4 tỉnh Kiến Tường phấn khởi, tin tưởng cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn BB8. Chính quyền địa phương, các đoàn thể cách mạng liên tục thăm hỏi, động viên bộ đội. Địch ở 3 tỉnh giáp ranh thì hoang mang lo sợ, bỏ hàng loạt đồn bót. Ta giải phóng thêm xã Thạnh Mỹ, Mỹ Trung và một phần của xã Mỹ An, Đốc Binh Kiều. Vùng giải phóng nối liền 3 tỉnh Kiến Tường, Kiến Phong và Mỹ Tho. Khí thế của Sư đoàn BB8 lên cao hơn bao giờ hết và trưởng thành một bước cơ bản trong chiến thuật đánh tập trung hiệp đồng cấp sư đoàn.

HỒNG LÊ (tổng hợp)

.
.
.