Thứ Tư, 01/03/2023, 10:06 (GMT+7)
.
KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH TRUNG TƯỚNG ĐỒNG SỸ NGUYÊN (1-3-1923 - 1-3-2023)

Mãi mãi tự hào về "Cánh đại bàng của Trường Sơn"

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (tên khai sinh Nguyễn Hữu Vũ, bí danh Nguyễn Văn Đồng) sinh ngày 1-3-1923 tại xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch (nay là TX. Ba Đồn), tỉnh Quảng Bình. Đồng chí là một trong những danh tướng xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam, có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp cách mạng dân tộc, đặc biệt có công lao lớn đối với tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn (Đường Hồ Chí Minh) trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Với những cống hiến và thành tích xuất sắc, đồng chí đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng cùng nhiều Huân chương, Huy chương, nhiều phần thưởng cao quý khác của Đảng, Nhà nước ta và của bạn bè quốc tế trao tặng.

Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên trong một chuyến thị sát chiến trường. Ảnh tư liệu
Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên trong một chuyến thị sát chiến trường. Ảnh tư liệu

NGƯỜI CỘNG SẢN KIÊN CƯỜNG, NHÀ LÃNH ĐẠO XUẤT SẮC

Xuất thân trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước, ngay từ thời niên thiếu, đồng chí đã sớm giác ngộ cách mạng, tích cực tham gia các hoạt động trong các tổ chức hội quần chúng cứu quốc ở trường học và ở xã. Tháng 12-1939, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Dù ở vị trí công tác nào, đồng chí cũng không quản ngại hiểm nguy, có mặt trên nhiều chiến trường khó khăn, ác liệt, thể hiện tài năng, bản lĩnh của mình trên các mặt công tác.

Đặc biệt là từ năm 1967 đến tháng 5-1976, trên cương vị Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước diễn ra ác liệt nhất, đồng chí đã có những quyết định sáng tạo trong chỉ đạo, tổ chức lực lượng, xây dựng, phát triển, khai thác hiệu quả đường Trường Sơn và lập nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc. Năm 1974, đồng chí được phong quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đồng chí tham gia Bộ Chỉ huy các chiến dịch, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Lúc đương thời, nhận xét về đồng chí Đồng Sỹ Nguyên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng ghi nhận: “Đồng chí đã có công lao lớn trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc; đặc biệt, đồng chí có công lớn đối với con đường chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh”.

Không chỉ là vị tướng tài ba và có tầm nhìn sắc sảo, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên còn là một vị chỉ huy luôn tha thiết với đồng chí, đồng đội. Sau Hiệp định Paris tháng 1-1973, tại Hội nghị Đảng ủy Bộ Tư lệnh, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên đã đề xuất và đưa ra bàn chủ trương tổ chức lực lượng cất bốc hài cốt liệt sĩ hy sinh ở Tây Trường Sơn để đưa về nước.

Từ cuối năm 1974, kế hoạch xây dựng Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn cũng đã được vạch ra. Trong thời gian này, dù phải tập trung chỉ huy chuẩn bị cho Chiến dịch Tây Nguyên, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên vẫn dành thời gian để xuyên rừng, lội bộ cùng trinh sát công binh trực tiếp tìm địa điểm đặt Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn tại Đồi Bến Tắt (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị).

Ngày 24-2-1975, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn đã được Bộ Tư lệnh Trường Sơn khởi công xây dựng và hoàn thành ngày 10-4-1977. Đây là công trình đền ơn đáp nghĩa đồ sộ nhất, quy mô nhất, có tính nghệ thuật cao, thể hiện lòng thương nhớ sâu sắc, niềm biết ơn vô hạn và sự tôn vinh của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đối với những người con yêu quý trên mọi miền đất nước đã không tiếc máu xương cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trên Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh vĩ đại.

Hòa bình lập lại, đồng chí được Đảng tín nhiệm giữ nhiều trọng trách: Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng..., Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa IV, V, VI; Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị khóa V; Ủy viên Bộ Chính trị khóa VI; Đại biểu Quốc hội các khóa I, VI, VII, VIII. Đồng chí qua đời vào năm 2019, thọ 96 tuổi.

LỊCH SỬ MÃI KHẮC GHI “CÁNH ĐẠI BÀNG CỦA TRƯỜNG SƠN”

Từ một con đường mòn thô sơ trở thành trận đồ bát quái xuyên rừng rậm, “xương sống” của cuộc kháng chiến chống Mỹ với 800 km đường kín, 1.500 km đường rải đá, 200 km đường nhựa, 1.500 km đường ống xăng dầu, 1.350 km cáp thông tin, 3.800 km đường giao liên, 500 km đường sông… Những công trình vĩ đại ấy đều in đậm dấu ấn của Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn 559 - Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.

Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên thăm, động viên chiến sĩ lái xe trước khi lên đường làm nhiệm vụ.
Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên thăm, động viên chiến sĩ lái xe trước khi lên đường làm nhiệm vụ.

Là người sâu sát thực tiễn, ngay sau khi nhận nhiệm vụ, đã đi thực địa từng tuyến đường, tận mắt quan sát mọi diễn biến “địch đánh, ta sửa ta đi”, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên cho rằng cách này không hiệu quả vì sửa đường mất rất nhiều công sức. Bằng tư duy của một nhà chính trị, quân sự mưu lược, từ sự phân tích khoa học và thực tiễn nhiệm vụ đặt ra, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên cùng với Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Đoàn 559 đưa ra kết luận nhận định đánh giá tình hình: Địch đã chuyển từ cuộc chiến tranh phá hoại sang cuộc chiến tranh ngăn chặn tổng hợp ác liệt nhất bằng không quân, bộ binh, phương tiện điện tử, hóa học... tạo thành nhiều trọng điểm, tập đoàn trọng điểm.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Trường Sơn, thanh niên xung phong và các lực lượng phục vụ khác có tinh thần chiến đấu rất kiên cường, dũng cảm nhưng do chủ trương chỉ đạo lấy phòng tránh là chính, nên không dám làm đường ban ngày, không dám bám đường, không dám lợi dụng tất cả sơ hở của địch, thể hiện thụ động trong thực thi nhiệm vụ.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên đã chỉ đạo nắm vững quy luật thời tiết, đặc điểm khí hậu của Trường Sơn, quy luật đánh phá của địch... từ đó nhanh chóng “đá hóa” mặt đường. Hơn nữa, phải khắc phục tình trạng độc tuyến, trong lúc chờ sửa chữa, tất cả xe vận tải đều bị đình trệ, có khi cả tháng không đưa hàng tới chiến trường. Do đó, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên chỉ đạo: Cùng với “đá hóa” đường chính, phải mở đường phụ, đường tránh, đường nhánh; kiên quyết xóa thế độc đạo. Từ vận chuyển ban đêm đến tổ chức ô tô chạy lấn sáng, lấn chiều; rồi làm đường kín, tiến tới chủ động đánh địch để chạy ngày... từ đơn thuần đường bộ, kết hợp vận tải đường sông.

Chỉ đạo táo bạo, kịp thời, phù hợp với thực tiễn của đồng chí Đồng Sỹ Nguyên, đã góp phần phát triển tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn thành một hệ thống với hàng trăm ngả như “trận đồ bát quái” xuyên rừng rậm có tổng chiều dài gần 17.000 km, gồm mạng lưới đường - cầu nhiều trục dọc Bắc - Nam, Đông - Tây Trường Sơn xuyên cả 3 nước Đông Dương, nhiều trục ngang nối 2 sườn Đông - Tây, trải trên địa bàn rộng 132.000 km2, xuyên qua 21 tỉnh của 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia, trở thành nơi tập kết hàng hóa, xe vận tải, binh chủng kỹ thuật, bộ binh hành quân bổ sung cho chiến trường, là nơi nối tất cả các chiến trường, nơi điều trị, an, điều dưỡng thương, bệnh binh; huấn luyện bộ đội; đảm bảo kỹ thuật xe máy, pháo, là nơi trú quân của bộ đội chủ lực các chiến trường khi gặp khó khăn, là nơi đóng sở chỉ huy, cơ quan đầu não một số chiến trường; là bàn đạp chuẩn bị các chiến dịch tiến công, “tạo thành một hệ thống căn cứ địa - hậu phương liên hoàn, ngày càng vững chắc”.

Với lực lượng phòng không, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên xác định nhiệm vụ hiệp đồng bảo vệ tuyến vận tải quân sự là bảo vệ trục đường vận chuyển và các mục tiêu vận chuyển như xe, hàng, kho... Theo đó, các trận địa phòng không được thiết lập ngay trên trọng điểm đánh phá của địch, phải “quay nòng pháo theo bánh xe” để đánh địch, bảo vệ đội hình vận tải; kết hợp chốt trận địa tại các trọng điểm với cơ động phục kích; kết hợp hỏa lực binh chủng chủ lực, kể cả tên lửa với hỏa lực tầm thấp của lực lượng tại chỗ, tạo thành lưới lửa nhiều tầng, nhiều vòng; nơi nào, lúc nào cũng đánh được máy bay địch.

Thời gian có thể xóa mờ dấu chân con người trên tuyến lửa Trường Sơn năm nào, nhưng những công lao, đóng góp to lớn của đồng chí Đồng Sỹ Nguyên cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung, cho sự phát triển của tuyến chi viện Trường Sơn nói riêng sẽ còn lưu mãi. Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên xứng đáng là danh tướng kiệt xuất của đường Trường Sơn huyền thoại.

HỒNG LÊ (tổng hợp)

.
.
.