.

Bác bỏ luận điệu xuyên tạc "30-4-1975 không phải là ngày thống nhất đất nước"

Cập nhật: 08:41, 07/04/2023 (GMT+7)

Chúng ta cần phải nhìn nhận trên phương diện khách quan của lịch sử, tôn trọng, bảo vệ sự thật, chân lý, phản bác những luận điệu xuyên tạc, phi lịch sử.

NHẬN DIỆN

Trước sự phát triển của công nghệ thông tin, các thế lực thù địch đã lợi dụng, nhân danh “quyền tự do ngôn luận” để thành lập các hội, nhóm, trang thông tin nhằm đăng tải, chia sẻ các tin, bài, video, hình ảnh có nội dung xuyên tạc, nhằm chống phá, bôi nhọ quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta.

Xe tăng Quân giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc Lập trưa ngày 30-4-1975 (ảnh tư liệu).
Xe tăng Quân giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc Lập trưa ngày 30-4-1975 (ảnh tư liệu).

Nhìn tổng quan, các cá nhân, tổ chức này được chia theo 2 nhóm: Đó là người Việt Nam ở nước ngoài đã từng đi theo chính quyền tay sai Việt Nam Cộng hòa (VNCH). Còn lại hầu hết là những phần tử cơ hội, bất mãn chính trị, những tổ chức truyền thông và tổ chức khủng bố Việt Tân. Họ luôn mang tư tưởng “uất hận, tiếc nuối” về quá khứ, về sự sụp đổ của một chế độ mà họ tôn vinh khi mỗi dịp tháng Tư.

Một tổ chức phản động với tên gọi “Con đường nào cho Đông Lào” xuất hiện trên ứng dụng Facebook, nhân danh là “người đi tìm công lý” được sự tiếp sức, tài trợ của thế lực thù địch nước ngoài. Họ đưa ra lập luận, “30-4 nên gọi là ngày gì? Nếu dùng khái niệm “giải phóng” thì hơi bị trừu tượng. Giải phóng khỏi cái gì? Ngày 30-4-1975 không phải là ngày thống nhất đất nước, vì vẫn còn hai nước Việt Nam”. “Từ năm 1973 - 1975, bản chất cuộc chiến không còn là “kháng chiến chống Mỹ cứu nước” mà thực ra là người Việt đánh người Việt, sao gọi là giải phóng?” - họ còn lý giải thêm.

Nghiêm trọng hơn, họ bôi đen lịch sử bằng những từ ngữ cổ súy gọi tháng 4-1975 là “Tháng Tư đen” và ngày 30-4-1975 là “Ngày quốc hận”... Những từ ngữ này được họ viết đi viết lại nhiều lần, “bóc trần sự thật” một cách tự diễn biến, nhằm kích động hận thù dân tộc.

Tựu trung lại, tất cả những lập luận mà các lực lượng trên cố gắng thêu dệt chỉ nhằm mục đích hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng và sự đoàn kết của nhân dân ta trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ và tay sai. Qua đó, xoay chuyển cục diện chiến tranh từ cuộc đấu tranh chính nghĩa thành cuộc nội chiến - một cuộc chiến tranh phi nghĩa và dẫn đến sự chuyển hóa về tư tưởng chính trị, sai lệch về nhận thức lịch sử của dân ta, đặc biệt là giới trẻ hiện nay trong bề dày lịch sử đấu tranh vẻ vang của dân tộc.

LÀM RÕ SỰ PHI LÝ CỦA LUẬN ĐIỆU

Điều quan trọng nhất là cần nhìn nhận bản chất cuộc chiến tranh Việt Nam. Theo họ gọi cuộc chiến tranh này là một “cuộc nội chiến của người Việt Nam”. Căn cứ vào thực tế lịch sử thì đó là những luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật theo lý lẽ của họ.

Trong những năm 1954 - 1975 đã chứng minh một thực tế không thể đảo ngược rằng, đế quốc thực hiện dã tâm xâm lược bằng việc “mượn tay” người Việt thực hiện chính sách thực dân mới, dựng lên chính quyền tay sai VNCH với nhiều lần “thay ngôi đổi chủ” để phục vụ trung thành hơn cho lợi ích của Mỹ tại Việt Nam.

Đặc biệt trong giai đoạn năm 1965 - 1973, Mỹ nhân danh vai trò là “hậu thuẫn”, hỗ trợ chính quyền VNCH tại chiến trường miền Nam đã trực tiếp đưa hơn nửa triệu quân Mỹ và quân đội một số nước chư hầu tham chiến vào năm 1965. Bên cạnh ngăn chặn chi viện từ miền Bắc và quốc tế vào miền Nam, đế quốc Mỹ còn mở rộng phạm vi sang cả miền Bắc Việt Nam thông qua các hoạt động chiến tranh phá hoại với quy mô lớn. Điển hình là dùng “pháo đài bay” B.52 ném bom hủy diệt với âm mưu “đưa miền Bắc trở lại thời kỳ đồ đá”.

Đến năm 1973, ngay khi quân Mỹ phải rút phần lớn lực lượng khỏi miền Nam trên cơ sở tuân thủ theo điều khoản của Hiệp định Paris, bản chất của chính quyền VNCH vẫn không thay đổi - vẫn là chính quyền tay sai, thực hiện theo sự chỉ đạo, kế hoạch của đế quốc Mỹ. Do đó, cuộc chiến tranh Việt Nam không phải một cuộc nội chiến của người Việt Nam, mà là một cuộc chiến chính nghĩa của dân tộc Việt Nam chống lại sự xâm lược của đế quốc Mỹ, đồng minh của Mỹ và chính quyền tay sai VNCH.

Mặt khác, theo lập luận của nhóm phản động rằng “30-4-1975 không nên gọi là ngày giải phóng, vì vẫn còn hai nước Việt Nam”, nhìn lại lịch sử, nếu như không phải vì tham vọng của Mỹ thì non sông Việt Nam đã thu về một mối, không bị chia cắt sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ) được ký kết tháng 7-1954. Nhóm này còn dùng những luận điệu phản khoa học để phục vụ, biện minh một thứ chính trị vô cùng phản động để vẽ lên một cuộc chiến tranh nghiêng về phía họ.

Nhưng dù họ cố tình tìm cách quét lên vết sơn lịch sử giả hiệu để che lấp đi những khoảng trống, thì hành động man rợ khi dồn dân vào ấp chiến lược, thi thành Luật 10/59 lê máy chém đi khắp miền Nam, tàn sát người dân vô tội, rải chất độc hóa học... vẫn nằm trong kế hoạch tiến hành chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, một thực tế lịch sử không thể xóa nhòa.

Dựa theo kế hoạch, chiến lược chiến tranh, quân đội Mỹ và chính quyền VNCH tưởng rằng càng khủng bố, đàn áp mạnh thì chính quyền của họ càng được củng cố tại miền Nam. Nhưng kế hoạch ấy đã lần lượt thất bại trước những đợt tấn công dồn dập, mãnh liệt của cuộc chiến tranh nhân dân cả 2 miền Nam - Bắc.

Thất bại trước nghệ thuật quân sự linh hoạt, sáng tạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo quân và dân ta chống lại cuộc chiến tranh phi nghĩa, tàn bạo của đế quốc và tay sai. Thắng lợi đó được ghi dấu bằng máu và nước mắt, sự hy sinh của rất nhiều người dân Việt, những người mẹ mất con, vợ mất chồng... Tất cả đã mở ra cho người dân đất Việt một trang sử hào hùng, vẻ vang về thắng lợi của ngày Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Nhìn về bản chất của cuộc chiến tranh Việt Nam, về quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, chúng ta khẳng định nhất quán rằng “đất nước Việt Nam là một khối, Bắc - Nam thống nhất không thể chia cắt”. Cho nên, ngày 30-4-1975 là ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, thông qua đó để bác bỏ, đập tan những quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc, phản động của các thế lực thù địch. Tầm vóc, ý nghĩa của ngày 30-4-1975 là không thể hạ thấp, không thể phủ nhận và mãi mang giá trị trường tồn với lịch sử của dân tộc.

LÊ TRANG

.
.
.