.

Cựu chiến binh trọn đời theo Đảng

Cập nhật: 16:41, 14/04/2023 (GMT+7)

Cựu chiến binh (CCB) Huỳnh Văn Gương (sinh năm 1925), hiện là đảng viên Chi bộ 4, Đảng bộ bộ phận ấp Tân Thuận B, xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Tuy tuổi cao, sức yếu nhưng ông Gương vẫn minh mẫn, kể rành mạch về một thời kỳ “nằm gai nếm mật” những ngày tham gia cách mạng đầy gian truân nhưng hào hùng.

Ông Gương giác ngộ, tham gia cách mạng và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam khi còn rất trẻ. Năm 1961, ông được điều động ra miền Bắc học tập và vinh dự tham dự Đại hội Chiến sĩ thi đua tại Sư đoàn 338. Khi đế quốc Mỹ và tay sai lần lượt thực hiện các chiến dịch, kế hoạch tham chiến tại chiến trường miền Nam, ông tiếp tục cầm súng từ Bắc vô Nam, cùng với đồng đội tham gia chiến đấu cho đến ngày đất nước giải phóng.

Ông Gương, cựu chiến binh trọn đời theo Đảng.
Ông Gương, cựu chiến binh trọn đời theo Đảng.

Hơn nửa cuộc đời đi theo cách mạng nên khi nhắc lại, từng hồi ức về một thời máu lửa lại lần lượt ùa về, ông Gương nhớ rất rõ về những trận chiến đấu với kẻ thù, tháng ngày cùng vào sinh ra tử với đồng chí, đồng đội đánh địch. Khoảng thời gian từ năm 1962 - 1973, ông luôn có mặt trong các trận đánh, nhất là các cuộc đối đầu trong Chiến dịch Mùa khô lần thứ nhất giai đoạn 1965 - 1966; Mùa khô thứ hai giai đoạn 1966 - 1967, rồi trận đánh Tết Mậu Thân năm 1968 đến Chiến dịch Xuân - Hè năm 1972...

“Vào năm 1965, tôi được điều động về thành lập Trung đoàn 3, Sư đoàn 9, lên Tây Ninh thực hiện mệnh lệnh đánh Sư đoàn “Anh Cả Đỏ” của Mỹ. Sư đoàn “Anh Cả Đỏ” từng hô hào rằng “hai cuộc chiến tranh rồi không thua ai hết”. Nhưng khi đối đầu với đội quân ta thì trong một ngày, quân ta diệt được 2.040 tên địch và 41 xe tăng...”, ông Gương nhớ lại.

Trong trí nhớ của ông Gương, có những hình ảnh không bao giờ quên đó là những hôm anh em, đồng đội bị bệnh sốt rét. “Tôi luôn động viên các anh em chiến sĩ phải ráng cố gắng, không được chùn bước, phải đứng dậy để chúng ta đánh Mỹ. Rồi anh em chiến sĩ hào hứng đứng dậy tung hô: “Hồ Chí Minh muôn năm”, có một số anh em bệnh nặng quá thì mới ngồi dậy không nổi. Có những đêm trời tối mịt, đường vào rừng cao su lại càng tối hơn và khó đi, có lúc phải lấy lá cây gắn trên lưng người đi trước để làm điểm nhận biết...”, ông Gương nhớ lại. Sau khi miền Nam giải phóng năm 1975, ông tham gia làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia.

Đến năm 1999, dù nghỉ hưu nhưng ông Gương vẫn tham gia công tác ở đoàn thể, địa phương như làm Chủ tịch Hội CCB tỉnh Bến Tre, Bí thư Chi bộ 4, Đảng bộ bộ phận ấp Tân Thuận B, Tổ trưởng Tổ tự quản ấp Tân Thuận B, xã Bình Đức, huyện Châu Thành… Ở cương vị, lĩnh vực công tác nào, ông Gương cũng hoàn thành nhiệm vụ được giao và đặc biệt là chưa bỏ qua bất kỳ buổi họp sinh hoạt chi bộ nào.

Gần 100 tuổi, sức khỏe dần yếu đi, nhưng ông Gương không nghĩ cho bản thân mà cảm thấy buồn vì hằng tháng không còn gặp gỡ đồng chí, anh em. Tuy không còn dự sinh hoạt chi bộ, không cùng quán triệt nghị quyết với đồng chí, anh em; song qua báo đài, ông đã tự mình tiếp thu, nghiên cứu. Và những lúc anh em, cán bộ trẻ đến thăm hỏi, ông vẫn ân cần, động viên phải làm tròn nhiệm vụ, thực hiện nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quan tâm tới bà con nhân dân.

Với những cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng, đóng góp của ông Gương đã được ghi nhận bằng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao Vàng, Huy chương Quân kỳ quyết thắng...

LÊ NGUYÊN

.
.
.