Thứ Hai, 17/04/2023, 09:39 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Đẩy mạnh phát triển đội ngũ cán bộ nữ

Đội ngũ cán bộ nữ của tỉnh Tiền Giang ngày có nhiều đóng góp trong tổ chức thực hiện các chủ trương, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh. Để tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của đội ngũ này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục chỉ đạo tạo mọi điều kiện cho đội ngũ cán bộ nữ phát triển; đồng thời, làm tốt công tác quy hoạch cán bộ nữ để tạo nguồn kế cận lâu dài.

CÔNG TÁC CÁN BỘ NỮ CÓ NHIỀU CHUYỂN BIẾN

Qua 5 năm triển khai, thực hiện Chỉ thị 21 ngày 20-1-2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, triển khai có hiệu quả nhiều phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả; phong trào phụ nữ đã thật sự chuyển mình. Cán bộ nữ được quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý ngày càng tăng.

Phụ nữ Tiền Giang ngày càng khẳng định vai trò của mình, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang tặng hoa chúc mừng cán bộ nữ tỉnh qua các thời kỳ nhân Họp mặt kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; 12 năm Ngày Phụ nữ Việt Nam.

Cán bộ nữ của tỉnh Tiền Giang phần lớn đạt chuẩn cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ nữ ổn định cả về số lượng và chất lượng, được điều chỉnh, bổ sung kịp thời để phù hợp với yêu cầu thực tế, đảm bảo cho các cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, thực hiện tốt mục tiêu chiến lược vì sự tiến bộ của phụ nữ mà tỉnh đã đề ra.

Nhiều cán bộ nữ đã được tín nhiệm giao giữ những trọng trách trên cương vị lãnh đạo, quản lý và qua thực tiễn công tác đã thể hiện được năng lực trong điều hành, quản lý, xây dựng và tập hợp quần chúng; làm nòng cốt trong các phong trào ở địa phương, đơn vị; ngày càng phát huy và khẳng định vai trò giới nữ trong các cơ quan lãnh đạo Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội các cấp.

Vừa qua, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương chủ trì Tọa đàm “Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới” do Ban Tổ chức Trung ương phối hợp Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức. Đồng chí Trương Thị Mai đã nhấn mạnh:

“Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm đến công tác phụ nữ và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, phát huy cao độ vai trò, tiềm năng to lớn và không ngừng nâng cao địa vị của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Việc xây dựng và phát triển vững chắc đội ngũ cán bộ nữ tương xứng với vai trò to lớn của phụ nữ là yêu cầu khách quan, là nội dung, nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược công tác cán bộ của Đảng.

Quan điểm này được thể hiện sâu sắc và xuyên suốt trong các nghị quyết Đại hội Đảng cùng các nghị quyết và chỉ thị của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Nhà nước cũng đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật để cụ thể hóa chủ trương của Đảng nhằm tạo môi trường, điều kiện cho phụ nữ phát triển và thúc đẩy bình đẳng giới”.

Cụ thể, qua Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ cơ sở có 652 cán bộ nữ/2.373 cấp ủy viên, tỷ lệ 27,5% (tăng 5% so với nhiệm kỳ trước). Ban Thường vụ Đảng bộ cơ sở có 139 cán bộ nữ, 19 cán bộ nữ được bầu làm Bí thư Đảng ủy và 44 cán bộ nữ giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy; có 135 cơ sở (tỷ lệ 78,5%, tăng 3,4% so với nhiệm kỳ trước) đạt tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên.

Đối với cấp trên cơ sở, Ban Chấp hành Đảng bộ có 93 cán bộ nữ/423 ủy viên, tỷ lệ 22% (tăng 2,9% so với nhiệm kỳ trước); Ban Thường vụ Đảng bộ có 21 cán bộ nữ/137 ủy viên, tỷ lệ 15,3% (tăng 1,9% so với nhiệm kỳ trước); 11/11 huyện, thị, thành có cán bộ nữ tham gia cấp ủy, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy đạt 15% trở lên. 10/11 huyện, thị, thành có cán bộ nữ tham gia Ban Thường vụ. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh có 7/47 đồng chí là cán bộ nữ, chiếm tỷ lệ 14,9% (tăng 0,9% so với nhiệm kỳ trước).

TIẾP TỤC NÂNG CHẤT ĐỘI NGŨ CÁN BỘ NỮ

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức Hội thi Ý tưởng “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo - Kết nối thành công”.
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội thi Ý tưởng “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo - Kết nối thành công”.

Trong giai đoạn hiện nay, để nâng cao hiệu quả thực hiện công tác xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ nữ, Tiền Giang đã đề ra 4 giải pháp:

Một là: Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nữ phải xuất phát từ yêu cầu, mục tiêu, chiến lược, phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của tỉnh. Việc duy trì và phát triển chất lượng đội ngũ cán bộ nữ không được tách rời nhu cầu thực tiễn. vì vậy, các yêu cầu, mục tiêu phát triển chiến lược của Tiền Giang chính là cơ sở khách quan hết sức quan trọng để duy trì và hoàn thiện chất lượng đội ngũ cán bộ nữ trên địa bàn tỉnh.

Hai là: xây dựng tiêu chuẩn chất lượng đội ngũ cán bộ nữ phải dựa trên cơ sở hiệu quả kinh tế, chính trị, xã hội; hiệu quả của công tác xây dựng đội ngũ cán bộ nữ biểu hiện ở chính hoạt động của cán bộ nữ và mức độ hoàn thành trọng trách được giao. Hoạt động của cán bộ nữ cũng như hoạt động của đội ngũ cán bộ nói chung được thể hiện ở việc thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ tại vị trí công tác được đảm nhận. đây chính là cơ sở để đề ra chính sách, quy hoạch, đào tạo, rà soát, tạo nguồn cán bộ nữ cho phù hợp và đạt hiệu quả.

Ba là: Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nữ của tỉnh phải đảm bảo tính toàn diện, đồng bộ và có tính kế thừa. Để thực hiện yêu cầu này, đòi hỏi phải chú trọng việc phát hiện, tạo nguồn cán bộ nữ, kết hợp nhiều hình thức đào tạo, bồi dưỡng, mạnh dạn giao việc thử thách; đồng thời, động viên tinh thần tự tu dưỡng rèn luyện để nâng cao chất lượng cán bộ, nghiêm túc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ nữ phải xây dựng và tuân thủ theo quy chế rõ ràng, minh bạch và chặt chẽ.

Bốn là: Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nữ phải xem trọng công tác kiểm tra, sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm. Kiểm tra là một trong những chức năng lãnh đạo của Đảng, là khâu quan trọng của tổ chức thực hiện, đây cũng là biện pháp hữu hiệu để đánh giá khách quan và nhân rộng  những nội dung, những nơi làm tốt; đồng thời, rút kinh nghiệm những việc, những nơi còn khuyết điểm, yếu kém trong công tác cán bộ, nhất là cán bộ nữ.

P. MAI

.
.
.