ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH TIỀN GIANG TIẾP XÚC CỬ TRI TRƯỚC KỲ HỌP THỨ 5, QUỐC HỘI KHÓA XV:
Cử tri kiến nghị nhiều vấn đề dân sinh
Cập nhật: 20:12, 04/05/2023 (GMT+7)
(ABO) Chiều ngày 4-5, thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tiền Giang gồm đại biểu Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh, cùng các đại biểu Nguyễn Kim Tuyến, Nguyễn Thanh Cầm, Nguyễn Hoàng Mai, Nguyễn Văn Dương, Tạ Minh Tâm, Nguyễn Minh Sơn, Nguyễn Thị Uyên Trang đã đến tiếp xúc cử tri tại TX. Cai Lậy, huyện Châu Thành và huyện Gò Công Đông.
Đoàn ĐBQH đơn vị bầu cử số 1 do đồng chí Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang làm Trưởng đoàn tiếp xúc cử tri TX. Cai Lậy. |
Tại các điểm tiếp xúc, sau khi nghe ĐBQH tỉnh báo cáo những nội dung dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, cử tri phản ánh, kiến nghị một số vấn đề còn bức xúc ở địa phương.
CHĂM LO HƠN NỮA NGƯỜI CÓ CÔNG, NGƯỜI CAO TUỔI
Cử tri TX. Cai Lậy cho rằng, trong thời gian tới, Đảng và Nhà nước cần có những chính sách quan tâm, chăm lo hơn nữa đối với gia đình chính sách, có công với cách mạng. Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm chăm lo các chế độ cho người cao tuổi.
Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta có những quan tâm chăm lo cho gia đình chính sách, có công với cách mạng. Việc xây dựng các chế độ chính sách được các ngành chức năng tính toán dựa trên các nguyên tắc phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và theo mức độ đóng góp của các Anh hùng Liệt sĩ, các gia đình chính sách, có công với cách mạng. Chính vì vậy, rất mong các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước có những quan tâm, chăm lo hơn nữa đối với gia đình chính sách. Một tin vui cho người dân là từ ngày 1-7 cùng với tăng lương cơ sở, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng sẽ được điều chỉnh tăng, bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị giai đoạn 2022 - 2025.
Cử tri TX. Cai Lậy phát biểu ý kiến. |
Còn đại biểu Nguyễn Kim Tuyến cho biết, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang đã phản ánh rất nhiều về vấn đề cử tri kiến nghị nêu trên. Cuối năm 2021, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã trình Chính phủ ban hành Pháp lệnh Ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Theo đó, Pháp lệnh có những bổ sung về điều kiện tiêu chuẩn công nhận cán bộ hoạt động trước năm 1945, cán bộ hoạt động cách mạng trước tháng 8-1945 và nhiều chính sách ưu đãi hơn so với trước đây. Công lao đóng góp của các vị Anh hùng dân tộc trong kháng chiến là rất lớn trong khi nguồn kinh phí hỗ trợ trong giai đoạn hiện còn hạn chế trên cơ sở tính toán, cân nhắc các điều kiện. Trong thời gian tới, khi đất nước ta phát triển, mong rằng Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục có những quan tâm, chăm lo cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng.
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri các xã của TX. Cai Lậy. |
Về chế độ chính sách người cao tuổi đây thật sự là mối quan tâm của nhiều người dân tại nhiều đợt tiếp xúc. Theo đó, nhiều cử tri đề nghị cần tăng mức trợ cấp, làm sao giảm độ tuổi người cao tuổi từ 80 tuổi xuống 75 tuổi. Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách nhà nước còn khó khăn, nếu tình từ độ tuổi 80 thì thống kê cả nước xấp xỉ 10 triệu người. Nếu tăng mức độ trợ cấp, giảm độ tuổi xuống thì cần thêm một khoảng kinh phí khá lớn. Trong thời gian tới, các ngành, các cấp sẽ tiếp tục có những tính toán, chăm lo tốt để người cao tuổi có thể sống vui, sống khỏe cùng con cháu.
NGƯ DÂN GẶP KHÓ TRONG ĐÁNH BẮT THỦY HẢI SẢN XA BỜ
Tại buổi tiếp xúc với ĐBQH đơn vị bầu cử số 3, cử tri xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông cho rằng, theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ ngư dân trong khai thác đánh bắt thủy hải sản xa bờ thì ngư dân hiện nay gặp nhiều khó khăn trong việc khai thác đánh bắt, cũng như xử lý nợ xấu trong thời gian dịch bệnh Covid-19 xảy ra… nên nhiều ngư dân phải tạm dừng nghề biển. Một số ngư dân mong muốn chính quyền địa phương có giải pháp hỗ trợ để tiếp tục vươn khơi bám biển.
Đoàn ĐBQH đơn vị bầu cử số 3 tiếp xúc cử tri huyện Gò Công Đông. |
Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Nhựt cho biết, ngân hàng hiện đang cho vay 28/63 tỉnh, thành theo Nghị định 67. Riêng tại tỉnh Tiền Giang, ngân hàng hiện đang cho vay 43 tàu đánh bắt xa bờ; trong đó 33 tàu đóng mới, nâng cấp công suất 11 tàu với số dư nợ 267 tỷ đồng. Đánh giá thực trạng hoạt động của các tàu cá đang vay vốn theo Nghị định 67 tại tỉnh Tiền Giang đến ngày 31-3-2023, có 8 tàu đã xử lý rủi ro chuyển ngoại bảng để theo dõi thu hồi nợ, 11 tàu cá đã trả hết nợ vay, còn 24 tàu với tổng dư nợ 62,2 tỷ đồng.
Cử tri huyện Gò Công Đông phát biểu ý kiến. |
Trong 24 tàu đang được theo dõi nội bảng, có 23/24 tàu cá đang hoạt động hiệu quả, các chủ tàu trả nợ vay tốt; 1/24 tàu cá đang phát sinh nợ xấu, 1/24 tàu cá chuyển nợ xấu theo CIC. Nguyên nhân là do ngư trường khai thác không thuận lợi dẫn đến các chủ tàu gặp khó khăn và không có khả năng trả nợ, gặp vướng mắc trong Quyết định 1481/QĐ-BNN-TCTS ngày 2-5-2019 về việc phân bổ hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản cho các tỉnh khi thực hiện bán tài sản thế chấp là tàu cá để trả nợ vay, tàu cá bị chìm nhưng chưa được công ty bảo hiểm bồi thường dẫn đến khó khăn trong nguồn trả nợ.
Các chi nhánh ngân hàng cũng đã có nhiều biện pháp, cũng như tìm nhiều giải pháp để bán tài sản thế chấp để thu hồi nợ. Cụ thể, Ngân hàng Vietinbank Chi nhánh Tiền Giang xử lý tài sản thì khách hàng có nhu cầu bán tài sản là tàu cá để trả nợ cho ngoài tỉnh. Tuy nhiên, do vướng Quyết định 1481/QĐ-BNN-TCTS ngày 2-5-2019 về việc phân bổ hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản cho các tỉnh, chỉ có người mua trong tỉnh, nên tiến độ xử lý bị kéo dài, tàu cá neo đậu tại chỗ nhanh xuống cấp, giảm giá trị. Kiến nghị hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc cho ngân hàng và khách hàng bán tài sản là tàu cá khi khách hàng tìm được người mua tàu cá ở ngoài tỉnh để xử lý nhanh tài sản thế chấp, thu hồi nợ, nhằm giảm tỷ lệ nợ xấu cho ngân hàng cũng như khách hàng.
Còn theo giải pháp của Ngân hàng Vietcombank Chi nhánh Tiền Giang là đề nghị các công ty bảo hiểm giải thích rõ điều kiện được xem xét việc bồi thường nếu có rủi ro xảy ra cho người đóng tàu biết để tuân thủ đúng quy định. Điều kiện bồi thường cần có điều kiện giảm trừ nghĩa vụ theo tỷ lệ khi chủ tàu thiếu một vài điều kiện, quy định phải thật cụ thể, rõ ràng để không bị vướng mắc khi thực hiện.
NÂNG CẤP, SỬA CHỮA ĐƯỜNG GIAO THÔNG NÔNG THÔN
Tại điểm tiếp xúc, nhiều cử tri xã Long Hưng, huyện Châu Thành phản ánh một số tuyến đường giao thông nông đã xuống cấp, hư hỏng trầm trọng, chưa đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông như: Huyện lộ 34 nối dài đến cống Đập; công trình đường Nguyễn Văn An. Từ đó, cử tri kiến nghị cấp trên có phương án sửa chữa, đảm bảo an toàn cho người dân đi lại.
Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri huyện Châu Thành. |
Trả lời vấn đề này của cử tri, đại diện lãnh đạo UBND xã Long Hưng và UBND huyện Châu Thành nhìn nhận, tình trạng tuyến huyện lộ 34 đã xuống cấp như cử tri phản ánh. Đối với tuyến đường Kênh Đàm - Gò Me là tuyến đường xã có điểm đầu là huyện lộ 34 và điểm cuối là huyện lộ 35 với chiều dài 4,3 km, năm 2019 tuyến đường được tiến hành tráng nhựa và đến năm 2020 thí đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, đến nay trên tuyến đường đã xuất hiện nhiều vết nứt, ổ gà và UBND xã Long Hưng đã kiến nghị UBND huyện Châu Thành xem xét hỗ trợ kinh phí dặm vá, nâng cấp lại tuyến đường.
Cử tri huyện Châu Thành phát biểu ý kiến. |
Hiện nay, UBND huyện Châu Thành đã có công văn chính thức cho nâng cấp, sửa chữa lại tuyến đường Kênh Đàm - Gò Me để phục vụ phát triển dân sinh. Phòng Kinh tế hạ tầng huyện đã thuê đơn vị tư vấn thiết kế đối với tuyến đường Kênh Đàm - Gò Me và dự kiến đến cuối tháng 6-2023 tuyến đường này sẽ hoàn thành.
Đối với một số tuyến đường mở rộng nhưng chưa vận động được người dân như tuyến đường Xóm Giữa (tuyến đường ấp) với chiều dài 600 m, tuy nhiên có khoảng 200 m với 15 hộ dân cư sinh sống đã được trải đá xanh, còn lại 400 m là trồng cây ăn trái. Do điều kiện chưa đưa tuyến đường Xóm Giữa vào quy hoạch trong xây dựng nông thôn mới, do đó năm 2022 xã Long Hưng đã đề nghị bổ sung đưa tuyến đường vào quy hoạch, nguồn vốn còn hạn chế.
Đối với tuyến đường Nguyễn Văn An, UBND xã Long Hưng cũng đã trao đổi và hợp dân cùng thực hiện tuyến đường này; và sẽ liên hệ vận động người dân có phần đất trong tuyến đường cần mở rộng để sớm đưa vào đầu tư, nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại.
P.CÔNG - T.LÂM - N.AN