.

Ngành Thanh tra tăng cường quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng

Cập nhật: 13:52, 14/07/2023 (GMT+7)
(ABO) Sáng 14-7, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của ngành Thanh tra. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong chủ trì hội nghị.
 
Dự hội nghị tại điểm cầu Tiền Giang có đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
 
Trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành Thanh tra đã triển khai hơn 4.200 cuộc thanh tra hành chính và gần 94.800 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra đã chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 179.000 tỷ đồng (tăng 615% so với cùng kỳ năm 2022), 404 ha đất (giảm 95,8%); trong đó, kiến nghị thu hồi 148.206 tỷ đồng (tăng 1.343%) và 9 ha đất (giảm 93,1%); xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 30.800 tỷ đồng (tăng 108%), 395 ha đất (giảm 95,8%).
 
Ban hành 60.319 quyết định xử phạt vi phạm hành chính các tổ chức, cá nhân (tăng 5,5%) với số tiền 2.873 tỷ đồng (giảm 32,3%); kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 784 tập thể (giảm 53,4%) và 2.912 cá nhân (tăng 8,8%); chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 208 vụ (tăng 27,6%) với 316 đối tượng (tăng 255%)…
 
Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự tại điểm cầu Tiền Giang
Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang dự tại điểm cầu Tiền Giang.
 
Trong 6 tháng đầu năm 2023, có hơn 187.300 lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (tăng 17,9% so với năm 2022), với tổng số người được tiếp hơn 204.600 người (tăng 19,1%) về 152.310 vụ việc (tăng 20,7%), có hơn 1.800 đoàn đông người (tăng 27,5%). Các cơ quan hành chính tiếp nhận hơn 216.800 đơn các loại; đã xử lý hơn 205.300 đơn, có hơn 177.600 đơn đủ điều kiện xử lý, chiếm 81,9% tổng số đơn đã xử lý; qua xử lý có hơn 11.300 vụ việc khiếu nại, hơn 3.800 vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính nhà nước. So với năm 2022, số đơn các loại tăng 16,1%, đơn khiếu nại tăng 11,6%, đơn tố cáo tăng 20,4%, số vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền tăng 8,6%, số vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền tăng 16,4%.
 
Cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã giải quyết 11.064/15.177 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 72,9% (tăng 1,1% so với 6 tháng đầu năm 2022). Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho nhà nước 4,4 tỷ đồng, 14,1 ha đất; trả lại cho tổ chức, cá nhân 432,7 tỷ đồng 20,4 ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 25 tổ chức, 307 cá nhân; kiến nghị xử lý 249 người (trong đó có 216 cán bộ, công chức); chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 19 vụ, 12 đối tượng (có 6 cán bộ, công chức).
 
Quang cảnh tại điểm cầu Tiền Giang.
Quang cảnh tại điểm cầu Tiền Giang.
 
Ngành Thanh tra tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị: Kết quả kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, xử lý tố cáo, phòng, chống tham nhũng được công bố, công khai theo đúng quy định của pháp luật.
 
Các bộ, ngành, địa phương kiểm tra tại 7.700 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, phát hiện 374 đơn vị vi phạm. Các cấp, các ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác đối với hơn 26.000 cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng. Phát hiện 49 vụ việc tham nhũng (tăng 63,3%), 72 người (tăng 80%); trong đó, qua hoạt động kiểm tra nội bộ phát hiện 7 vụ, 14 người; qua hoạt động thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 26 vụ, 45 người; qua giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện 13 vụ, 13 người liên quan đến tham nhũng…
 
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đề nghị toàn ngành Thanh tra tăng cường quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng, triển khai có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng, tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nguy cơ tham nhũng cao hoặc có nhiều dư luận về tham nhũng. Tiến hành thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên công chức vi phạm, nhất là việc chấp hành các quy định của đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra theo yêu cầu phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng tiêu cực…
 
VĂN THẢO
 
.
.
.