Đảm bảo để người dân TPHCM "đứng vững" trước những cú sốc về kinh tế, dịch bệnh
“Các đồng chí phải làm sao để có thể tăng số người tiếp cận được BHYT, BHXH để đảm bảo một mạng lưới an sinh xã hội tốt hơn, đảm bảo cho người dân thành phố có thể chịu đựng được những cú sốc có thể xảy ra về kinh tế, về dịch bệnh”, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đặt hàng TPHCM.
Ngày 15-7, Thành ủy TPHCM tổ chức hội nghị đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
TPHCM quyết tâm cao trong thực hiện các mục tiêu nghị quyết
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai nhận xét, trong bối cảnh nửa đầu nhiệm kỳ, TPHCM chịu sự tác động nghiêm trọng, nhất là những vấn đề liên quan đến an ninh phi truyền thống, môi trường, tội phạm, dịch Covid-19. Song, TPHCM đã có nhiều nỗ lực, nửa nhiệm kỳ qua đã có những kết quả vượt bậc. Trong đó, Thành ủy TPHCM đã nghiêm túc quán triệt, cụ thể hoá triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng gắn với Nghị quyết XI của Đảng bộ TP. Những nghị quyết, quy chế, quy định của Trung ương được nghiêm túc tổ chức thực hiện.
Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Cụ thể, TPHCM đã nỗ lực tổ chức tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong toàn Đảng bộ bằng nhiều hình thức khác nhau, tạo sự thống nhất trong nhận thức, hành động, quyết tâm đưa nghị quyết vào cuộc sống.
Đặc biệt, TPHCM đã cụ thể hóa Nghị quyết XI của Đảng bộ TPHCM và Nghị quyết XIII của Đảng với 51 đề án, chương trình để thực hiện 4 chương trình đột phá. Cùng với đó, TPHCM đã tập trung, lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc nhằm nâng cao hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng. Đồng thời, có nhiều nỗ lực trong triển khai thực hiện chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.
Điểm lại kết quả nửa nhiệm kỳ đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần XI, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, năm 2021, TPHCM cũng như nhiều tỉnh thành phía Nam rơi vào tăng trưởng âm. Song, năm 2022, sau khi kinh tế bắt đầu phục hồi, kinh tế TPHCM đã tăng trưởng được 9,03%. Trong 6 tháng đầu năm 2023, dù quý 1 có nhiều lo ngại nhưng kết thúc quý 2, kinh tế thành phố đã tăng trưởng được 3,55%. Bên cạnh đó, năng suất lao động của thành phố cũng đang tăng cao hơn mức cả nước, giai đoạn vừa qua tăng 4% (cao hơn cả nước khoảng 1,8 lần). Kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 111 tỷ USD (tăng khoảng 32,4% so với nhiệm kỳ trước); thu hút FDI tiếp tục là địa phương dẫn đầu, thu ngân sách tăng.
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Gần đây, TPHCM tiếp tục tập trung đầu tư đưa vào sử dụng nhiều công trình hạ tầng trọng điểm; đẩy mạnh công tác chuẩn bị để tiếp tục triển khai các dự án giao thông trọng điểm, kết nối vùng. Thường trực Ban Bí thư bày tỏ, nhìn thấy sự quyết tâm rất cao của thành phố trong việc triển khai các mục tiêu đã đề ra.
Bổ sung Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, con người
Bên cạnh các kết quả đạt được, Thường trực Ban Bí thư cũng nhận xét, một số chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra tại Nghị quyết XI còn khó khăn; đồng thời yêu cầu TPHCM tiếp tục tập trung tìm kiếm giải pháp giải quyết các điểm nghẽn.
Về nhiệm vụ giải pháp sắp tới, ngoài 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030), Thường trực Ban Bí thư yêu cầu bổ sung thêm Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, con người.
Cùng với đó, TPHCM cần tiếp tục gắn kết chặt chẽ giữa thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong nửa nhiệm kỳ còn lại với Nghị quyết 24, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 98 của Quốc hội. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục khắc phục hạn chế, khó khăn, điểm nghẽn, không để hạn chế kéo dài, ảnh hưởng đến cơ hội, đến thuận lợi, đến phát huy được tiềm năng của thành phố.
“Sự phát triển của thành phố không chỉ là cho nhân dân thành phố hiện nay cũng như trong tương lai mà quan trọng còn góp phần rất to lớn cho phát triển của đất nước và phát triển của khu vực Đông Nam bộ”, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.
Cũng theo đồng chí Trương Thị Mai, với vai trò là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, vị trí chính trị quan trọng của cả nước thì sự phát triển của thành phố sẽ có sức lan tỏa, là sự động viên, thúc đẩy cho cả khu vực Đông Nam bộ, khu vực trọng điểm kinh tế phía Nam.
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Dành nhiều thời gian để phân tích về các giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, Thường trực Ban Bí thư lưu ý, TPHCM phải chú trọng đến những vấn đề liên quan thiết yếu đến cuộc sống của nhân dân như: giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, các chính sách an sinh xã hội.
“Các đồng chí phải làm sao để có thể tăng số người tiếp cận được BHYT, BHXH để đảm bảo một mạng lưới an sinh xã hội tốt hơn, đảm bảo cho người dân thành phố có thể chịu đựng được những "cú sốc" có thể xảy ra về kinh tế, về dịch bệnh”, đồng chí Trương Thị Mai đặt hàng.
Bên cạnh đó, TPHCM cũng phải quan tâm đến công tác an ninh trật tự; đảm bảo quốc phòng, an ninh; không để xảy ra điểm nóng, điểm phức tạp và phải quan tâm tiếp tục xử lý nguyện vọng, tâm tư hợp pháp, chính đáng của người dân.
Thước đo quan trọng nhất là cuộc sống tốt hơn của người dân
Về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Thường trực Ban Bí thư lưu ý TPHCM tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện tiêu cực tha hóa trong đội ngũ cán bộ, tiếp tục xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái. Đồng thời, chú trọng đến công tác cán bộ với vai trò là then chốt của then chốt. Trong đó, khẩn trương chuẩn bị nguồn cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt cho nhiệm kỳ tiếp theo cũng như chú trọng đến những cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực nổi trội, dám dấn thân, dám hy sinh vào những thời điểm khó khăn của thành phố.
Thường trực Ban Bí thư cùng các đồng chí lãnh đạo Trung ương và TPHCM chụp hình lưu niệm tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG |
“Qua một trận đại dịch chúng ta cũng có những cán bộ rất tốt, nổi bật dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám hành động vì lợi ích chung. Tôi đề nghị thành phố hết sức quan tâm, tạo điều kiện cho họ. Ở những thời điểm khó khăn then chốt nhất mà họ vượt qua được cũng rất đáng ghi nhận, đáng được tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng và trong đó quan tâm để nâng cao tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ”, đồng chí Trương Thị Mai gợi mở. Đồng thời, đồng chí yêu cầu tiếp tục triển khai có hiệu quả Kết luận 14 Bộ Chính trị về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Nhiệm vụ trọng tâm khác mà Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh là TPHCM đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát để có thể phòng ngừa, chủ động phòng ngừa từ xa, đặc biệt là trong những lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra vi phạm, những nơi mà dư luận bức xúc, xã hội quan tâm.
Theo đồng chí, đối với sự lãnh đạo của Đảng, thước đo quan trọng nhất đó chính là cuộc sống tốt hơn của người dân, đó là sự đồng thuận, là niềm tin của người dân đối với Đảng và đó cũng là mục tiêu phấn đấu quan trọng của Đảng nói chung và của Đảng bộ TPHCM nói riêng.
Thường trực Ban Bí thư tin tưởng nửa nhiệm kỳ còn lại, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TPHCM sẽ tiếp tục phát huy truyền thống kết quả đã đạt được, đoàn kết, nhất trí chung sức, chung lòng, quyết tâm, nỗ lực xây dựng thành phố trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động, sáng tạo, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á, tiếp tục tăng trưởng, đời sống nhân dân mỗi ngày một nâng cao.
Theo sggp.org.vn