.

Hai vị tướng của vùng đất Long Hưng anh hùng

Cập nhật: 14:32, 20/09/2023 (GMT+7)

Long Hưng (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) là xã Anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, là quê hương của bà Nguyễn Thị Thập, người con ưu tú của Nam bộ thành đồng. Long Hưng còn là nơi sản sinh ra hai vị tướng tài ba của Quân đội Nhân dân Việt Nam là Trung tướng Nguyễn Văn Tiên (1924 - 2003) và Thiếu tướng Nguyễn Văn Tàu (1928 - 2010).

* TRUNG TƯỚNG NGUYỄN VĂN TIÊN (1924 - 2003)

Ông Nguyễn Văn Tiên, sinh năm 1924 tại làng Long Hưng, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Năm 1940, ông thi đậu vào Trường Kỹ nghệ thực hành Sài Gòn. Tháng 8-1945, ông tham gia giành chính quyền ở quê nhà; rồi gia nhập bộ đội khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Nam bộ vào tháng 9-1945. Sau đó, ông được cử làm Đại đội trưởng Đại đội 3 của Tỉnh đội Mỹ Tho.

Tháng 10-1946, ông Tiên được đưa đi học lớp quân sự đầu tiên của Trường Quân chính Khu 8. Kết thúc khóa học, ông được giữ lại làm Huấn luyện viên của trường và tham gia đánh trận Giồng Dứa (tháng 4-1947), giành được thắng lợi to lớn. Đến tháng 12-1947, ông Tiên được điều đến Tiểu đoàn 305 của Gò Công làm Chính trị viên tiểu đoàn. Tháng 4-1949, ông làm Chính trị viên Tiểu đoàn 307 nổi tiếng của Quân khu 8; và 2 tháng sau, ông kiêm nhiệm chức vụ Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 307.

Dưới sự chỉ huy tài ba của ông Tiên, Tiểu đoàn 307 đã tiến hành nhiều trận đánh vang dội, tạo nên những chiến công vô cùng oanh liệt, làm nức lòng nhân dân Nam bộ và khiến địch vô cùng khiếp sợ, tiêu biểu là các trận Mộc Hóa (tỉnh Long An); La Bang, Cầu Kè (tỉnh Trà Vinh); Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp); An Xuyên (tỉnh Cà Mau)…

Năm 1953, ông Tiên được đề bạt làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1, Quân khu 8. Năm 1954, ông tập kết ra miền Bắc; rồi được cử sang Trung Quốc học ngành Không quân. Năm 1960, ông trở về nước giữ chức Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Việt Nam; rồi Tham mưu trưởng Cục Không quân.

Năm 1963, ông làm Phó Tư lệnh Quân chủng Không quân; đến năm 1967, đảm trách chức vụ Tư lệnh của quân chủng này. Năm 1969, khi hai quân chủng Phòng không và Không quân hợp nhất lại với nhau, ông được giao trọng trách làm Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân.

Cùng với tập thể lãnh đạo của quân chủng, ông đã góp phần chỉ huy lực lượng không quân non trẻ của ta đánh bại các cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ đối với miền Bắc từ năm 1964 đến năm 1973, bắn cháy nhiều máy bay của địch.

Năm 1974, ông Tiên được cử làm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật Bộ Quốc phòng, đã góp công sức vào Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975). Năm 1979, ông Tiên làm Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự.

Năm 1980, ông được phong quân hàm Thiếu tướng. Năm 1983, ông làm Phó Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, đặc trách về trang bị kỹ thuật, góp công trong việc hồi sinh nhân dân Campuchia sau nạn diệt chủng do tập đoàn Pol Pot gây ra. Do có thành tích xuất sắc trong công tác chỉ huy chiến đấu, nên ông được thăng quân hàm Trung tướng vào năm 1989.

Năm 1994, ông Tiên nghỉ hưu sau nửa thế kỷ phục vụ trong Quân đội. Ông được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập và nhiều huân, huy chương cao quý khác. Năm 2003, do tuổi cao sức yếu, Trung tướng Nguyễn Văn Tiên từ trần tại TP. Hồ Chí Minh và tên ông được đặt tên cho một con đường ở TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

* THIẾU TƯỚNG NGUYỄN VĂN TÀU (1928 - 2010)

Ông Nguyễn Văn Tàu (bí danh Nguyễn Văn Thành), sinh năm 1928 tại làng Long Hưng, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang).

Tháng 8-1945, ông Tàu tham gia cách mạng tại xã nhà. Năm 1946, gia nhập bộ đội, làm Tiểu đội trưởng rồi Trung đội trưởng. Đầu năm 1947, ông làm Đại đội trưởng Đại đội Cơ động tỉnh Mỹ Tho. Tháng 4-1947, ông chỉ huy đại đội tham gia trận đánh Giồng Dứa, tạo nên chiến thắng lẫy lừng. Do có nhiều thành tích trong chiến đấu, tháng7-1947, ông vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).

Dưới sự chỉ huy của ông, đại đội đã đánh nhiều trận, giành được những chiến thắng oanh liệt, như trận cầu Đúc - Long Định tháng 8-1947 và trận xóm Cò - Long Định (huyện Châu Thành) đầu năm 1948...

Năm 1950, ông Tàu được phân công làm Huyện đội phó Huyện đội Cai Lậy kiêm Bí thư Chi bộ, Đại đội trưởng Đại đội địa phương quân huyện Cai Lậy. Đại đội địa phương quân huyện do ông chỉ huy hoạt động ở Mảng 1 và Mảng 2 Cai Lậy về phía Nam - lộ Đông Dương (nay là Quốc lộ 1).

Với tinh thần anh dũng tiến công địch, đại đội đã tạo nên những chiến công vang dội, như kết hợp với Tiểu đoàn 309 tỉnh Mỹ Tho tiêu diệt tiểu đoàn lê dương của địch ở kinh Bùi (huyện Cái Bè) vào cuối năm 1953; các trận diệt các đồn: Mỹ Long, Cống Trâu, Cặp Rằng Núi, Giồng Tre, Phú Mỹ Hòa, Xuân Sơn, Hội Sơn, Long Trung, Tam Bình... vào đầu năm 1954, góp phần giải phóng một vùng đất rộng lớn ở huyện Cai Lậy.

Sau Hiệp định Genève (tháng 7-1954), ông Tàu tập kết ra miền Bắc, được cử đi học khóa 9, Trường Sĩ quan Lục quân Việt Nam. Năm 1956, sau khi tốt nghiệp, ông trở về nước, được phân công làm Đại đội trưởng Đại đội 2, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 2, Sư đoàn 330. Năm 1957, ông làm Tiểu đoàn phó và đến năm 1959 làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 5. Ở cương vị này, ông cùng với tập thể Đảng ủy, Ban Chỉ huy tiểu đoàn ra sức xây dựng tiểu đoàn trưởng thành, tiến bộ về quân sự, chính trị, nội bộ đoàn kết chặt chẽ, quan hệ quân dân tốt.

Năm 1962, ông Tàu là học viên Trường Văn hóa, Bộ Quốc phòng rồi học viên Trường Quân sự cao cấp trung ương. Năm 1964, ông trở về miền Nam chiến đấu, làm Phó Ban Quân báo Quân khu 8. Năm 1967, ông được chỉ định làm Thành ủy viên Thành ủy Mỹ Tho, Thành đội trưởng Thành đội Mỹ Tho (lúc bấy giờ, TP. Mỹ Tho ngang với cấp tỉnh).

Với chức trách được giao, ông đã ra sức xây dựng Lực lượng vũ trang thành phố ngày càng lớn mạnh cả về quân sự lẫn chính trị, kiên cường bám trụ, tấn công địch ngay trong nội ô và đánh bại các cuộc hành quân càn quét của bọn chúng ở các xã ven thành phố. Đầu năm 1968, ông Tàu chỉ huy lực lượng Thành đội tham gia cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, cùng với các đơn vị bạn tiến công mạnh mẽ quân địch ở TP. Mỹ Tho, được xem là chiến trường trọng điểm của Khu 8, gây cho quân Mỹ và quân đội Sài Gòn những tổn thất nặng nề.

Giữa năm 1968, với trọng trách là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 2, Quân khu 8, ông Tàu và Ban Chỉ huy trung đoàn tập trung xây dựng đơn vị để liên tục chiến đấu chống càn quét của Sư đoàn 7, Quân đội Sài Gòn, tiêu diệt nhiều sinh lực, giam chân địch ở một số xã thuộc huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang tạo điều kiện cho các chiến trường khác chiến đấu giành thắng lợi.

Giữ năm 1969, ông Tàu được chỉ định làm Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Mỹ Tho. Là cán bộ chỉ huy binh chủng hợp thành, được đào tạo chính quy, nhưng khi được phân công làm công tác quân sự địa phương, ông đã vượt qua nhiều khó khăn, chỉ huy Lực lượng vũ trang tỉnh Mỹ Tho thực hiện thế chiến lược tiến công, mở chiến dịch A, B, C năm 1970; Chiến dịch Tiến công tổng hợp Hè - Thu năm 1972; Chiến dịch Mùa khô và Mùa mưa năm 1974; Chiến dịch Mùa khô và mở mảng chuyển vùng đầu năm 1975; đặc biệt là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (tháng 4-1975), thu được những thắng lợi giòn giã, góp phần đánh bại hoàn toàn quân địch, giải phóng miền Nam, thực hiện hòa bình và thống nhất nước nhà.

Sau ngày 30-4-1975, ông Tàu là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang, Tỉnh đội trưởng Tinh đội Tiền Giang. Khi chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, từ năm 1977 - 1978, ông chỉ huy Lực lượng vũ trang tỉnh tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới trước sự xâm lược của quân Khmer Đỏ.

Tháng 7-1979, ông được đề bạt làm Phó Tham mưu trưởng Quân khu 9 và được cử đi học tại Học viện Quân sự cấp cao ở Hà Nội. Cuối năm 1980, sau khi mãn khóa học, ông trở về Bộ Tham mưu Quân khu 9, làm Phó Tham mưu trưởng kiêm Phó Bí thư Đảng ủy Bộ Tham mưu Quân khu 9, phụ trách công tác quân sự địa phương. Năm 1984, ông là Phó Tư lệnh Mặt trận 979.

Năm 1987, ông được thăng quân hàm Thiếu tướng. Năm 1989, ông là Trưởng đoàn Chuyên gia K3B có nhiệm vụ giúp Campuchia ổn định tình hình quân sự tại Quân khu 3, Campuchia. Năm 1990, sau khi hoàn thành công tác chuyên gia, ông Tàu trở về nước, làm Phó Tham mưu trưởng Quân khu 9.

Năm 1992, ông nghỉ hưu. Ông Tàu còn là Đại biểu Quốc hội khóa VI (1976 - 1981). Năm 2010, do tuổi cao sức yếu, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tàu từ trần tại TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

NGUYỄN PHÚC NGHIỆP


 

.
.
.