Những đóng góp của nữ đại biểu Quốc hội đầu tiên của tỉnh Mỹ Tho
Đồng chí Nguyễn Thị Thập là nữ đại biểu Quốc hội đầu tiên của tỉnh Mỹ Tho và cũng là 1 trong 10 nữ đại biểu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
DẤU ẤN QUỐC HỘI KHÓA I
Ngày 6-1-1946, ngày Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên, máy bay Pháp bắn dữ dội suốt ngày ở Nam kỳ. Tại xã Mỹ Hạnh Đông, mặc cho máy bay gào rú, bay lên hạ xuống, rà theo kinh mà bắn phá, cán bộ ta vẫn chèo tam bản, đánh trống chở thùng phiếu len lỏi vào các mương, rạch - những nơi đồng bào tản cư neo đậu xuồng, che chòi ẩn náu. Cán bộ tìm gặp từng người để bà con được tận tay mình cầm lá phiếu làm nhiệm vụ công dân, bầu những người đại biểu xứng đáng vào Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Thông qua tổng tuyển cử, nhân dân cả nước đã bầu 333 đại biểu, cùng với 70 đại biểu không thông qua bầu cử, Quốc hội khóa I có 403 đại biểu, với đầy đủ các thành phần công nhân, nông dân, trí thức, chiến sĩ cách mạng, các nhà tư sản, người buôn bán… là hình ảnh tượng trưng cho khối toàn dân đoàn kết, minh chứng hùng hồn cho việc thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền lực của nhân dân.
Đồng chí Nguyễn Thị Thập (đứng) về quê hương kể chuyện khởi nghĩa Nam kỳ. |
Ngày 2-3-1946, phiên họp đầu tiên của Quốc hội khóa I diễn ra tại Nhà hát Lớn (Hà Nội) với gần 300 đại biểu tham dự. Nhiều đại biểu miền Nam chưa ra kịp do chiến tranh. Kỳ họp vỏn vẹn diễn ra trong 4 giờ, Quốc hội nghe Chính phủ báo cáo, thành lập và công nhận Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu thay cho Chính phủ lâm thời, có trách nhiệm đưa kháng chiến đến thắng lợi, nước nhà đến độc lập hoàn toàn.
Từ Mỹ Tho, trải qua 3 tháng “băng rừng, vượt núi” vô cùng khó khăn và nguy hiểm, đến gần cuối tháng 4, đồng chí Nguyễn Thị Thập và một số đại biểu Nam bộ ra đến Hà Nội để dự kỳ họp Quốc hội đầu tiên. Tuy không dự được phiên họp đầu tiên của Quốc hội khóa I, nhưng đồng chí Nguyễn Thị Thập đã dự họp khoảng 10 phiên sau đó để trao đổi, thảo luận các điều khoản của Ủy ban dự thảo Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đề ra trong phiên họp đầu tiên.
Tháng 11-1946, tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Thị Thập tham dự kỳ họp của Quốc hội và cùng với các đại biểu khác thông qua Dự án Luật Lao động (ngày 8-11-1946) và nhất là thông qua Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 9-11-1946) - đây là bản Hiến pháp đầu tiên ở nước ta, có tính dân chủ, tiến bộ không kém bất kỳ bản hiến pháp nào trên thế giới. Giữa tháng 11-1946, với cương vị là đại biểu Quốc hội, đồng chí trở về miền Nam với nhiệm vụ do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó là tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng và củng cố Đảng bộ ở Nam kỳ ngày càng vững mạnh…
Quốc hội khóa I có nhiệm kỳ 14 năm (từ tháng 1-1946 - 5-1960), là nhiệm kỳ Quốc hội dài nhất đến nay với tổng cộng 12 kỳ họp. Đất nước có chiến tranh, 2 miền chia cắt nên không thể tổ chức cuộc bầu cử trên cả nước để bầu Quốc hội khóa mới. Trong suốt nhiệm kỳ, do không thể triệu tập đầy đủ đại biểu mà Quốc hội mỗi năm họp 2 kỳ, các vấn đề đều được ủy quyền cho Ban Thường vụ Quốc hội giải quyết. Trong nhiệm kỳ, Quốc hội khóa I đã xem xét và thông qua bản Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1960, 16 đạo luật và 50 nghị quyết, phê chuẩn Hiệp định Giơ-ne-vơ.
Luật Cải cách ruộng đất được thông qua tại Kỳ họp thứ 3 (năm 1953) là văn bản có ý nghĩa quan trọng nhằm xóa bỏ chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất của giai cấp địa chủ, thực hiện chính sách “người cày có ruộng” và chế độ sở hữu ruộng đất của nông dân. Với tư cách là Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đồng chí Nguyễn Thị Thập đã có những đóng góp quan trọng cho sự ra đời của Luật Hôn nhân và gia đình (ban hành ngày 13-1-1960).
NỮ ĐẠI BIỂU CỦA NHÂN DÂN
Năm 1960, đồng chí Nguyễn Thị Thập tiếp tục trúng cử đại biểu Quốc hội khóa II (1960 - 1964). Trong nhiệm kỳ này, đồng chí Nguyễn Thị Thập và các đại biểu Quốc hội đã phát huy vai trò quan trọng của mình trong việc động viên sức người, sức của để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.
Quốc hội khóa II đã ban hành 6 đạo luật và 9 pháp lệnh quan trọng để củng cố chính quyền dân chủ nhân dân ở miền Bắc; đồng thời, thông qua kế hoạch phát triển kinh tế nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965), thông qua Cương lĩnh hành động của toàn dân nhằm thực hiện nhiệm vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa và bước đầu xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; phê chuẩn việc thành lập các tổ chức và cơ quan nhà nước, bổ nhiệm các cán bộ cấp cao của Nhà nước, phê chuẩn việc khen thưởng và tích cực giải quyết các đơn thư, khiếu tố của nhân dân, ân xá những phạm nhân đã cải tạo tốt.
Đồng chí Nguyễn Thị Thập về thăm quê hương Vĩnh Kim - Châu Thành. Ảnh: Trần Biểu |
Do hoàn cảnh chiến tranh, nhiệm kỳ Quốc hội khóa III (1964 - 1971) kéo dài 7 năm và có 7 kỳ họp. Nhiệm kỳ này, đồng chí Nguyễn Thị Thập vinh dự được bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Với trọng trách của mình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp 95 lần, thông qua nhiều nghị quyết về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, đối ngoại và tổ chức hành chính, nhân sự.
Đồng chí Nguyễn Thị Thập đã góp phần quan trọng vào hoạt động của Quốc hội khóa III và khóa IV (1971 - 1975) trong việc động viên nhân dân cả nước đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thực hiện hòa bình và thống nhất nước nhà.
Trong nhiệm kỳ của Quốc hội khóa V (1975 - 1976), với bối cảnh đất nước sạch bóng quân thù, non sông quy về một mối và đi vào kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên đất nước thống nhất cùng tiến lên chủ nghĩa xã hội, chung sức chung lòng xây dựng lại đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, với vai trò là Phó Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Nguyễn Thị Thập cùng với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp 10 phiên để bàn bạc quyết định nhiều vấn đề trọng đại của đất nước.
Quốc hội đã nghiên cứu thảo luận đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1975 và quyết định kế hoạch nhà nước năm 1976, năm thứ nhất của kế hoạch 5 năm lần thứ hai, mở đầu thời kỳ xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa. Quốc hội đã cải tiến hệ thống các đơn vị hành chính nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, phê chuẩn giải thể cấp khu và hợp nhất một số tỉnh nhỏ thành tỉnh lớn.
Ở miền Nam, Hội đồng Cố vấn và Hội đồng Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cũng quyết định giải thể cấp khu, hợp nhất các tỉnh nhỏ thành tỉnh lớn theo chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Một trong những sự kiện quan trọng nhất của Quốc hội khóa này là thông qua Nghị quyết phê chuẩn kết quả của Hội nghị Hiệp thương thống nhất nước nhà về mặt nhà nước mở ra thời kỳ phát triển mới của nước Việt Nam thống nhất.
Trong cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa VI (1976 - 1981) nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngày 25-4-1976, đồng chí Nguyễn Thị Thập trúng cử đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang. Sau đó, tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VI, từ ngày 24-6 đến ngày 3-7-1976, được tổ chức tại Hà Nội, đồng chí tiếp tục được bầu làm Phó Chủ tịch Quốc hội.
Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tên nước, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, quyết định đổi tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quyết định chính thức đặt tên TP. Sài Gòn - Gia Định là TP. Hồ Chí Minh.
Sự ra đời của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mở đầu cho bước phát triển mới trong quá trình đi lên của đất nước. Trong nhiệm kỳ, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1980, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và 4 pháp lệnh.
Với cương vị của mình, đồng chí Nguyễn Thị Thập đã có những đóng góp quan trọng trong hoạt động của Quốc hội. Trong không khí vui tươi, phấn khởi khi đất nước được hòa bình, thống nhất và bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Quốc hội đã quyết định những vấn đề quan trọng hàng đầu trong thời kỳ phát triển mới của dân tộc, quyết định về đường lối, chính sách của Nhà nước Việt Nam thống nhất.
Quốc hội khóa VI đã có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng hệ thống chính quyền mới ở miền Nam, xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, bảo vệ chính quyền trong điều kiện hòa bình, xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn quốc.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi của mình, dù ở cương vị nào, đồng chí Nguyễn Thị Thập cũng đều tận tâm, tận lực phục vụ đất nước và nhân dân; luôn tỏ rõ bản lĩnh, trí tuệ, tài năng, tâm huyết của mình, xứng đáng là nữ đại biểu ưu tú, đại biểu của nhân dân.
HÀ NAM