Tiền Giang sơ kết 5 năm thực hiện Hướng dẫn 12 và triển khai các quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư
Cập nhật: 15:17, 06/10/2023 (GMT+7)
(ABO) Sáng 6-10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Hướng dẫn 12 ngày 6-7-2018 của Ban Tổ chức Trung ương về một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và triển khai thực hiện Quy định 114 ngày 11-7-2023 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; Quy định 116 ngày 28-7-2023 của Ban Bí thư về chỉ đạo, định hướng và cung cấp thông tin, tuyên truyền phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Quy định 117 ngày 18-8-2023 của Bộ Chính trị về xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan.
Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến 196 điểm cầu cấp ủy huyện và tương đương, cấp xã với hơn 5.430 đảng viên tham dự. Đồng chí Võ Văn Bình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tiền Giang dự và chủ trì hội nghị.
Quang cảnh hội nghị. |
Toàn tỉnh Tiền Giang có 15 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, 493 chi bộ cơ sở, 289 đảng bộ cơ sở với 2.699 chi bộ trực thuộc và hơn 51.800 đảng viên. Qua 5 năm thực hiện Hướng dẫn 12 của Ban Tổ chức Trung ương, nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp ủy, cán bộ, đảng viên về vai trò, vị trí của chi bộ và ý nghĩa, tầm quan trọng việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ đã có sự chuyển biến tích cực, nâng lên rõ rệt.
Bên cạnh đó, nền nếp sinh hoạt chi ủy, chi bộ luôn được duy trì, tổ chức sinh hoạt có chất lượng hơn; tỷ lệ đảng viên dự sinh hoạt chi bộ ngày càng cao, đảng viên có trách nhiệm hơn trong việc đóng góp xây dựng nghị quyết của chi bộ; nội dung, chương trình sinh hoạt chi bộ ngày càng được cải tiến. Nhiều chi bộ tổ chức sinh hoạt chuyên đề với nhiều nội dung thiết thực, phong phú hơn, nhận thức trong cán bộ, đảng viên trong tham gia sinh hoạt chi bộ được nâng lên, góp phần xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh; nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng ở cơ sở…
Đồng chí Võ Văn Bình phát biểu tại hội nghị. |
Cấp ủy các cấp thực hiện tốt việc rà soát chi bộ có đông đảng viên, chia thành nhiều tổ đảng, triển khai thực hiện thí điểm sinh hoạt tổ đảng, khắc phục dần tình trạng khó khăn về địa điểm sinh hoạt chi bộ, tạo điều kiện thuận lợi để tất cả đảng viên được tham gia sinh hoạt. Quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn, năng lực công tác cho đội ngũ chi ủy viên, bí thư chi bộ; từng bước bố trí bí thư chi bộ là người đứng đầu cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, lực lượng vũ trang; thực hiện tốt chủ trương bí thư chi bộ đồng thời là trưởng ấp, khu phố; khắc phục việc bố trí đảng viên là cán bộ hưu trí, lớn tuổi, sức khỏe không đảm bảo làm bí thư chi bộ ấp, khu phố…
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện sinh hoạt chi bộ “mẫu” ở một vài đảng bộ cơ sở chưa nghiêm túc; việc tổ chức kiểm điểm tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ còn mang tính hình thức, có biểu hiện xuề xòa, dễ dãi, chưa mạnh dạn làm rõ những hạn chế, thiếu sót của thập thể cấp ủy chi bộ và của từng đảng viên…
Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Nhã, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy thông qua Quy định 114 và dự thảo Quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; đồng chí Châu Thị Mỹ Phương, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thông qua Quy định 116 và dự thảo Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Quy định 116; đồng chí Nguyễn Ngọc Trầm, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy thông qua Quy định 117.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Võ Văn Bình đề nghị, cấp ủy các cấp tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức về tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư… Qua đó, nâng cao nhận thức cho cấp ủy viên, nhất là đảng viên hơn nữa về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của chi bộ, trách nhiệm của đảng viên trong sinh hoạt chi bộ. Nâng cao chất lượng và phát huy dân chủ trong sinh hoạt chi bộ, làm sao để mọi đảng viên mạnh dạn thực hiện quyền đảng viên, bày tỏ chính kiến của mình để phát huy được trí tuệ của tập thể và thực hiện nghị quyết, chương trình đã đặt ra. Xây dựng đội ngũ bí thư chi bộ có chất lượng, nhất là khu vực ấp, khu phố; sắp xếp cho những đảng viên lớn tuổi nghỉ ngơi, phân công đảng viên trẻ có điều kiện sức khỏe để đảm nhận công việc…
Đồng chí Nguyễn Văn Nhã, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy thông qua Quy định 114 và dự thảo Quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. |
Về Quy định 114, đồng chí Võ Văn Bình đề nghị nghiên cứu kỹ từng nội dung, trong đó chú ý đến việc “giải trình từ ngữ”, về hành vi tham nhũng tiêu cực; về hành vi chạy chức, chạy quyền; về các hành vi tiêu cực; trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo; trách nhiệm của người đứng đầu, cơ quan tham mưu, cán bộ tham mưu và các cá nhân liên quan.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Trầm, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy thông qua Quy định 117. |
Đối với Quy định 116, đồng chí yêu cầu các cơ quan chức năng có trách nhiệm chỉ đạo, định hướng thông tin, tuyên truyền; cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí, xuất bản, tuyên truyền; xác định rõ những nội dung cung cấp và nội dung không cung cấp…
Đồng chí Châu Thị Mỹ Phương, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thông qua Quy định 116 và dự thảo Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Quy định 116. |
Đối với Quy định 117, đồng chí Võ Văn Bình đề nghị nắm chắc phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nguyên tắc... Cần xác định rõ “kỷ luật oan” là việc tổ chức đảng, đảng viên không vi phạm; khác với đảng viên bị thi hành kỷ luật được cơ quan có thẩm quyền quyết định tăng, giảm hình thức kỷ luật theo quy định giải quyết khiếu nại, kỷ luật Đảng. Đồng thời, nghiên cứu kỹ trường hợp không thực hiện xin lỗi và phục hồi quyền lợi.
VĂN THẢO