Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang góp ý đối với dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
(ABO) Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều ngày 2-11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ đóng góp ý kiến đối với dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tiền Giang tiếp tục có nhiều ý kiến đóng góp đối với dự án luật này.
Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được xây dựng nhằm bảo đảm an sinh xã hội của người dân theo quy định của Hiến pháp; sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn; mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích để thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH).
Dự án luật được xây dựng dựa trên quan điểm: Bảo đảm quyền an sinh xã hội theo quy định của Hiến pháp; thể chế hóa quan điểm, đường lối, nội dung cải cách trong Nghị quyết 28-NQ/TW và các văn kiện, nghị quyết có liên quan; kế thừa, phát triển những quy định hiện hành phù hợp, sửa đổi các quy định chưa phù hợp, bổ sung những quy định mới; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia BHXH; xây dựng các chế độ BHXH theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững; tham khảo và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới.
Tại phiên thảo luận tổ, đa số các đại biểu thống nhất với các điều khoản, điểm mới của dự án Luật; đồng thời, tập trung trao đổi về các nội dung còn gây tranh luận như việc rút BHXH 1 lần, mức xử phạt đối với đơn vị sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc…
Đại biểu Nguyễn Văn Dương phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ. |
Tham gia góp ý kiến đối với dự án Luật BHXH (sửa đổi, đại biểu Nguyễn Văn Dương, ĐBQH tỉnh Tiền Giang quan tâm đến vấn đề trợ cấp hưu trí xã hội (chương 3, từ điều 20 đến điều 24), dự thảo Luật BHXH đã giảm độ tuổi trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 xuống 75 tuổi, đây là quy định rất đáng mừng đối với người cao tuổi cả nước, thể hiện tính ưu việt, nhân văn trong chính sách BHXH của Đảng, Nhà nước ta, là một trong những nội dung trong dự thảo luật thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội, đặc biệt là người cao tuổi cả nước.
Đại biểu Nguyễn Văn Dương thông tin, tính đến cuối năm 2022 Việt Nam có khoảng 14,4 triệu người cao tuổi, người sau độ tuổi nghỉ hưu, tổng số người hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội hằng tháng, trợ cấp hưu trí xã hội hiện chỉ khoảng 35%, tương đương khoảng 5,1 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu. Theo thống kê của Hội Người cao tuổi Việt Nam thì việc giảm độ tuổi từ 80 xuống 75 tuổi sẽ giúp mở rộng đối tượng thụ hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thêm khoảng 800 đến 1 triệu người cao tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và bảo hiểm y tế. Điều này rất có ý nghĩa với người cao tuổi cả nước.
Liên quan đến quy định về các chế độ, quyền lợi, đối tượng hưởng trợ cấp hưu trí xã hội được nhận, đại biểu Nguyễn Văn Dương cho rằng, dự thảo luật xác định bằng mức chuẩn trợ cấp xã hội hiện đang được quy định tại Nghị định 20 là 360.000 đồng/người/tháng và tại điểm d của dự thảo luật cũng nêu rõ tùy thuộc điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng cân đối ngân sách, kết hợp huy động các nguồn lực xã hội tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Quang cảnh thảo luận tại tổ. |
Đại biểu Nguyễn Văn Dương cho rằng, mức trợ cấp này là thấp so với chuẩn mức sống tối thiểu. Theo Tổng cục Thống kê đã tính toán chuẩn mức sống tối thiểu tính đến tháng 1-2021 ước tính khoảng 1.586.000 đồng ở khu vực nông thôn và khu vực thành thị là 2.065.000 đồng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã đề xuất mức chuẩn tối thiểu này. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Văn Dương đề xuất Ban soạn thảo luật nghiên cứu dựa vào mức chuẩn tối thiểu này để quy định trong Luật BHXH (sửa đổi).
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Văn Dương đề xuất bỏ điểm d, khoản 1, điều 22 để đảm bảo tính công bằng của chính sách. Bởi nếu giữ như dự thảo luật thì dẫn đến chênh lệch trợ cấp hưu trí hằng tháng giữa các địa phương vì mức hỗ trợ giữa các tỉnh có thể khác nhau, nhất là giữa các địa phương có nguồn thu khác nhau, chưa kể sẽ có sự di dân cơ học. Vì vậy, chính sách này Nhà nước nên quyết định thống nhất trong cả nước. Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Văn Dương kiến nghị Chính phủ sửa đổi Luật Người cao tuổi năm 2009 để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật cũng nhằm tránh chồng chéo chưa thống nhất giữa các dự án luật…
* Sáng cùng ngày, Quốc hội thảo luận tại hội trường về: Đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024 (trong đó có Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2024 - 2026; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2023, dự kiến kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2023, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2024 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý; việc bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2023 cho các bộ, cơ quan ở trung ương, các địa phương…
THU HOÀI - MINH TRÍ