Thứ Năm, 23/11/2023, 17:30 (GMT+7)
.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang tranh luận dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

(ABO) Sáng 23-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp. Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tiền Giang tham gia tranh luận một số vấn đề liên quan đến dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và tiến hành thảo luận ở tổ, Tổng Thư ký Quốc hội đã có báo cáo tổng hợp ý kiến phát biểu tại tổ về dự án Luật này.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các ĐBQH  tập trung thảo luận đối với 7 vấn đề nêu trong báo cáo thẩm tra, đặc biệt về Hội đồng quản lý Quỹ Bảo hiểm xã hội, về mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, quản lý, thu Quỹ Bảo hiểm xã hội, thẩm quyền của cơ quan Bảo hiểm xã hội, điều kiện, thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu, quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần, xác định hành vi trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội… cùng các vấn đề khác các đại biểu quan tâm.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp.

Góp ý hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu cho rằng, việc mở rộng đối tượng hoạt động không chuyên trách ở thôn tổ dân phố cho thấy luật đã thể chế hóa quan điểm của Nghị quyết số 28 của Trung ương, đó là mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sang đối tượng là người hoạt động không chuyên trách.

Liên quan đến quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần, theo dự thảo Luật đề xuất 2 phương án tại điểm đ khoản 1 Điều 70. Các ý kiến đại biểu trong phiên thảo luận còn nhiều quan điểm khác nhau.

Tranh luận về bảo hiểm xã hội một lần quy định tại Điều 70, dự thảo Luật nêu ra 2 phương án, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang bày tỏ thống nhất cao với quan điểm của cơ quan thẩm tra.

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, nếu chọn Phương án 1 sẽ không đảm bảo sự công bằng giữa những người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước và sau khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực. Bởi một trong những lý do chính khiến người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần trong thời gian qua là để bù đắp những khó khăn về mặt kinh tế để lo cho cuộc sống trước mắt.

Quy định như Phương án 1 dễ dẫn tới nguy cơ sẽ không động viên được người lao động trẻ, người lao động mới tham gia bảo hiểm xã hội khi tích lũy từ tiền lương và thu nhập của người lao động còn rất thấp. Do vậy, việc rút bảo hiểm xã hội một lần trong nhiều trường hợp là nguồn tài chính vô cùng cần thiết để người lao động duy trì bảo đảm được phần nào cuộc sống trước mắt của họ. Như vậy, vô hình trung sẽ không tạo động lực để người lao động trẻ, lao động mới tham gia bảo hiểm xã hội, không thực hiện được nguyên tắc công bằng, bình đẳng của bảo hiểm xã hội như quan điểm xây dựng luật đã nêu, khiến cho mục tiêu, ý nghĩa của chính sách về bảo hiểm xã hội không đạt được như Nghị quyết 28 của Trung ương đề ra.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm phát biểu ý kiến tại hội trường
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm phát biểu ý kiến tại hội trường.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm cho biết, nếu chọn Phương án 2 người lao động vẫn có thể rút bảo hiểm xã hội một lần như hiện nay nhưng mức rút chỉ là 50% trên tổng tích lũy của họ trước đó là không hợp lý, vì số tiền người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động cũng là tiền của người lao động. Bên cạnh đó, việc chỉ được rút 50% chưa phải là một phương án tốt hỗ trợ cho người lao động khi họ đang phải đương đầu với những khó khăn ngay trước mắt của cuộc sống.

Đặc biệt hơn, khi người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần lại là phụ nữ thì việc sử dụng những khoản tiền này chủ yếu dành cho những nhu cầu thiết yếu của gia đình. Phương án này cũng sẽ tạo ra sự khác biệt khá lớn về số tiền hưởng bảo hiểm xã hội một lần của những người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần trước và sau khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực. Chính sách cũng không thực hiện được mục tiêu xây dựng luật là mở rộng gia tăng quyền, lợi ích tạo sự hấp dẫn để thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội.

Vì các lý do nêu trên, đại biểu kiến nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu và lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động trực tiếp, có xem xét dưới góc độ giới để có được một phương án thấu đáo, đáp ứng được quyền lợi thực chất và nguyện vọng của người lao động về việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Đại biểu ủng hộ phương án người lao động vẫn được rút bảo hiểm xã hội một lần và được rút một cách thỏa đáng nhất có thể. Ngoài ra, cần có các hình thức hỗ trợ song song như tín dụng vốn vay ưu đãi cho người lao động kèm theo công tác vận động truyền thông để thay đổi nhận thức, hành vi giúp mọi người nhận diện được lợi ích lâu dài của việc tham gia bảo hiểm xã hội, từ đó tự nguyện cam kết thực hiện.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu nêu.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu giải trình, làm rõ các vấn đề ĐBQH nêu.

Liên quan đến quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ, các phương án trong dự án Luật trình trước Quốc hội là góp phần thể chế hóa nguyên tắc tiến tới là bảo hiểm xã hội đa tầng và bảo hiểm xã hội toàn dân, khắc phục cơ bản những vướng mắc, khó khăn hiện nay.

Về bảo hiểm xã hội một lần, Bộ trưởng nêu rõ đây là vấn đề lớn, quan trọng, nhạy cảm, vừa có tính chất chính trị - xã hội nhưng cũng có tính chất chuyên môn rất cao. Do đó, Ban soạn thảo và Chính phủ sẽ tiếp tục cân nhắc thấu đáo, nghiên cứu, lấy thêm ý kiến của các đối tượng thụ hưởng, của người sử dụng lao động, để đưa ra phương án bảo hiểm xã hội một lần cần hướng tới hai tới mục tiêu cơ bản. Thứ nhất là đáp ứng được nhu cầu chính đáng của người tham gia bảo hiểm xã hội là vẫn có quyền để giúp bảo hiểm xã hội. Thứ hai là phải phấn đấu để giữ chân người lao động trong hệ thống, đảm bảo an sinh xã hội và chăm lo cho người dân khi về già là có lương hưu đảm bảo cuộc sống.

Hiện tại khó có thể đưa ra một phương án tối ưu mà sẽ đi theo phương án nhiều ưu điểm hơn. Việc điều chỉnh hưởng bảo hiểm xã hội sẽ tiếp tục được điều chỉnh theo hướng là người lao động có quyền vấn đề này nhưng không phân biệt người đóng trước hay đóng sau khi Luật có hiệu lực.

Trước ý kiến một số đại biểu nêu nhiều về vấn đề mức cho rút khác nhau, Bộ trưởng làm rõ Ban soạn thảo đưa ra phương án 2, thì ở đây 50 - 50 là thời gian đóng chứ không phải mức đóng. Để lại 50% là để lại cho người lao động và được ghi nhận trong sổ Bảo hiểm xã hội để người lao động tiếp tục được hưởng các quyền lợi bảo hiểm xã hội. Khi người lao động quay trở lại tham gia thì được cộng hưởng tiếp thời gian đóng. Còn nếu không tham gia thì khi đến tuổi nghỉ hưu, người lao động sẽ hưởng trợ cấp hằng tháng.

Về tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng làm rõ hiện nay mức đóng bảo hiểm xã hội của các quốc gia rất khác nhau, thường là phù hợp với bối cảnh, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Mức đóng hiện nay của chúng ta là 27,5% tiền lương tháng và làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Về cơ bản, mức này là tương đương và tương thích với các quốc gia trong khu vực. Vì vậy, mức đóng bảo hiểm xã hội hiện nay của Việt Nam là tương đối phù hợp.

THU HOÀI – MINH TRÍ

.
.
.