Thứ Sáu, 17/11/2023, 11:31 (GMT+7)
.

Đại đoàn kết toàn dân tộc - cội nguồn sức mạnh của mọi thành công

Tư tưởng đoàn kết, đại đoàn kết toàn dân tộc giữ vị trí đặc biệt quan trọng, nhất quán và xuyên suốt trong đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam. Trải qua các thời kỳ cách mạng, quan điểm của Đảng ta về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được hoàn thiện, phát triển.

Đảng ta luôn xác định, đoàn kết là giá trị cốt lõi, đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam, có ý nghĩa quyết định mọi thắng lợi của cách mạng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

 “TRONG BẦU TRỜI VIỆT NAM KHÔNG GÌ QUÝ BẰNG NHÂN DÂN”

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề đoàn kết toàn dân tộc. Trong hệ thống tư tưởng của Người, đại đoàn kết toàn dân tộc là một nội dung cốt lõi, làm nên dấu ấn quan trọng của Người trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, được Đảng Cộng sản Việt Nam kế thừa, vận dụng thành công trong quá trình lãnh đạo nhân dân đấu tranh giải phóng dân tộc, tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh trao Bằng khen của UBND tỉnh tặng các tập thể  có thành tích xuất sắc trong tổ chức Ngày hội giai đoạn 2003 - 2023 trên địa bàn tỉnh.             Ảnh: NGỌC AN
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh trao Bằng khen của UBND tỉnh tặng các tập thể có thành tích xuất sắc trong tổ chức Ngày hội giai đoạn 2003 - 2023 trên địa bàn tỉnh. Ảnh: NGỌC AN

Tư tưởng của Người về đại đoàn kết toàn dân tộc thể hiện rõ quan điểm, lập trường, thế giới quan, nhân sinh quan và phương pháp luận khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, được cụ thể hóa thành những luận điểm, nguyên tắc, phương pháp tập hợp, quy tụ và phát huy sức mạnh của các tầng lớp nhân dân, tổ chức lực lượng cách mạng, đoàn kết quốc tế nhằm phát huy cao nhất sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Người chỉ rõ, sức mạnh lớn nhất là ở nhân dân: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”, đoàn kết được nhân dân sẽ tạo ra sức mạnh to lớn nhất. Người khẳng định: “Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết. Nó cũng như cái nền của nhà, gốc của cây. Nhưng đã có nền vững, gốc tốt, còn phải đoàn kết các tầng lớp nhân dân khác. Bất kỳ ai mà thật thà tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ thì dù những người đó trước đây chống chúng ta, bây giờ chúng ta cũng thật thà đoàn kết với họ”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”.

20 NĂM NGÀY HỘI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC ĐI VÀO NỀN NẾP

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (gọi tắt là Ngày hội) ở khu dân cư (KDC) được tổ chức hằng năm vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam (18-11). Trong suốt 20 năm (2003 - 2023) triển khai tổ chức Ngày hội, tùy vào từng giai đoạn, MTTQ các cấp trong tỉnh Tiền Giang tích lũy kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức với phương châm “lấy KDC là trọng tâm, người dân là chủ thể”. Đến nay, việc tổ chức Ngày hội đã trở thành nền nếp, bài bản, không thể thiếu trong cộng đồng dân cư.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 20 năm Ngày hội trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2003 - 2023, đồng chí Võ Văn Bình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền; sự nỗ lực của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp, các tổ chức thành viên của Mặt trận ấp, khu phố đã chủ động tham mưu, phối hợp tổ chức thành công Ngày hội ở khu dân cư.

Đồng thời, đề nghị các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức thành viên Mặt trận và Ban Công tác Mặt trận các ấp, khu phố tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp về đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy hơn nữa những kết quả đạt được, kinh nghiệm, mô hình hay trong thời gian qua và cần thực hiện tốt một số vấn đề: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc về ý nghĩa và tầm quan trọng của đại đoàn kết toàn dân tộc; tiếp tục nâng cao chất lượng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh”, “Ngày Vì người nghèo”, gia đình văn hóa…

Trong thời gian qua, MTTQ các cấp đã tập trung vận động có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết, hỗ trợ sinh kế, đảm bảo an sinh xã hội; chủ trì phối hợp tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân; không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng đến nâng cao chất lượng hoạt động từ cơ sở. Đồng thời, chủ động nắm bắt tình hình dư luận xã hội và đời sống nhân dân; tích cực tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền các địa phương làm tốt công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; công tác dân tộc - tôn giáo; giải quyết các ý kiến, kiến nghị của người dân, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ngay từ cơ sở.

Vào dịp 18-11 hằng năm, Ngày hội được tổ chức đều khắp ở các KDC trên địa bàn tỉnh, góp phần quan trọng trong việc củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Ngày hội đã tôn vinh những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tăng cường đồng thuận xã hội, góp phần thắt chặt thêm tình làng, nghĩa xóm.

Thông qua Ngày hội, nhiều khu dân cư đã sáng tạo ra các hình thức thi đua giữa các xóm, tổ dân phố, tổ nhân dân tự quản, thực hiện các công trình dân sinh trên địa bàn, giải quyết việc làm, thành lập các tổ giúp đỡ nhau trong sản xuất hay xóa khó giảm nghèo, hỗ trợ các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chăm sóc người già yếu, neo đơn… Ngày hội cũng đã tạo điều kiện cho việc phát huy quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân, giúp cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp lắng nghe được những nguyện vọng, những phản ánh của nhân dân trong cuộc sống…

Qua 20 năm tổ chức Ngày hội trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, hằng năm có 100% KDC tổ chức Ngày hội, trong đó có trên 90% KDC tổ chức cả phần lễ và hội. Ngày hội có sự tham gia của đông đảo cán bộ, đảng viên cư trú trên địa bàn, thành viên Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của cấp xã…

Thông qua Ngày hội, có 12.350 lượt KDC và 129.242 hộ gia đình được biểu dương và khen thưởng. Các công trình chào mừng Ngày hội 20 năm qua đã được thực hiện như: 2.734 công trình giao thông nông thôn, cầu dân sinh do nhân dân đóng góp xây dựng; 6.134 nhà đại đoàn kết được xây dựng mới; 879 căn nhà đại đoàn kết được sửa chữa và có 1.728 căn nhà được tài trợ trao tặng kinh phí xây dựng... Đặc biệt, trong xây dựng nông thôn mới, nhân dân đã tự nguyện hiến 1,8 triệu m2 đất và hơn 100.000 ngày công lao động để xây dựng các công trình giao thông nông thôn.

Thời gian qua, cán bộ và nhân dân tại các KDC luôn nêu cao tinh thần đoàn kết; chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; quy ước, hương ước ở KDC; hăng hái thi đua lao động sản xuất, xóa khó giảm nghèo; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo ra những nông sản có giá trị kinh tế cao, ngày càng nhiều mô hình hiệu quả phát triển kinh tế gia đình, hình thành lên vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

Năm 2023, nhân Ngày hội, để giúp tăng cường thêm mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, chính quyền, MTTQ với nhân dân, chia sẻ khó khăn với hộ nghèo, hộ cận nghèo, Ban Vận động Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh trích nguồn kinh phí từ Quỹ “Vì người nghèo” để tặng 375 phần quà cho hộ nghèo, cận  nghèo, mỗi phần quà trị giá 400 ngàn đồng.

NHƯ LÊ (tổng hợp)

.
.
.