Ngăn chặn, đẩy lùi bệnh "sợ trách nhiệm" và khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm
Căn bệnh sợ trách nhiệm không dám làm đang hiện hữu trong một bộ phận không nhỏ cán bộ ở các cấp, các ngành, các lĩnh vực, khiến nhiều việc bị trì trệ, ách tắc, nhiều nguồn lực của đất nước không được khơi dậy và phát huy, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế-xã hội. Ngăn chặn, đẩy lùi căn bệnh này và khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm là hai mặt “xây và chống” của một quá trình, đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm cao nhất và những giải pháp đồng bộ, quyết liệt đang được Đảng, Nhà nước và các đồng chí lãnh đạo chỉ đạo triển khai.
Căn bệnh sợ trách nhiệm đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ lúc sinh thời |
Lời toà soạn: Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Nhà nước luôn nhất quán về đường lối, quan điểm, từng bước hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật, nhằm khơi dậy, phát huy cao nhất ý thức, trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì Nhân dân phục vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: "Có chính sách khuyến khích và cơ chế phù hợp bảo vệ những cán bộ Đảng viên có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện các nguyên tắc của Đảng và pháp luật của Nhà nước, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung".
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định, trong khi nhiều vấn đề mới nảy sinh càng khiến căn bệnh "sợ trách nhiệm" có cơ hội lan rộng trong cuộc sống.
Báo Điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu loạt bài: Ngăn chặn, đẩy lùi bệnh "sợ trách nhiệm" và khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm với mong muốn góp tiếng nói mạnh mẽ, từng bước khắc phục, đẩy lùi "căn bệnh" ngồi im, thụ động, ngại việc của cán bộ, công chức, viên chức cũng như khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết liệt hành động vì lợi ích chung..
Bài 1: "Bắt bệnh" né tránh, thiếu trách nhiệm, ngại việc
Theo Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, thiếu trách nhiệm, ngại việc trong thực thi công vụ không chỉ diễn ra đơn lẻ mà ở nhiều địa phương và một số bộ, ngành Trung ương; thể hiện rõ nhất trên lĩnh vực đầu tư công, quản lý đất đai, bất động sản, mua sắm trang thiết bị khu vực công, thủ tục hành chính đầu tư cho phát triển doanh nghiệp, cung ứng các dịch vụ trực tiếp liên quan đến người dân và doanh nghiệp…
'Tôi muốn có địa vị cao, nhưng lại sợ trách nhiệm'
Căn bệnh "sợ trách nhiệm" đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ lúc sinh thời. Trong di sản tư tưởng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến căn nguyên của căn bệnh "sợ trách nhiệm" một cách rất cụ thể: "Có lợi cho tôi thì tôi tích cực; không có lợi cho tôi thì tôi tiêu cực. Tôi muốn có địa vị cao, nhưng lại sợ trách nhiệm".
Theo Bác, những người mắc bệnh sợ trách nhiệm là những người: "Họ muốn địa vị cao, nhưng lại sợ trách nhiệm nặng. Dần dần tinh thần đấu tranh và tính tích cực của họ bị kém sút, chí khí anh dũng và phẩm chất tốt đẹp của người cách mạng cũng kém sút; họ quên rằng tiêu chuẩn số một của người cách mạng là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng".
Trong cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch vững mạnh" - xuất bản vào dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 2/2023) - trích đăng một số bài đã đăng trên Tạp chí Cộng sản, trong đó có những bài của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết cách đây gần 50 năm về bệnh sợ trách nhiệm, cũng đã chỉ rõ căn bệnh sợ trách nhiệm và những biểu hiện của nó: "Nhiệm vụ trước mắt đòi hỏi mọi người phải có tinh thần trách nhiệm rất cao, nhưng hiện nay trong cán bộ, đảng viên ta còn có những đồng chí sợ trách nhiệm".
Theo đồng chí Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương: "Điều đó là đúng, tức là có một bộ phận, có một số ít đã bộc lộ từ lâu rồi chứ không phải đến bây giờ. Thực tiễn thời gian gần đây, tình trạng sợ trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm, né tránh trách nhiệm diễn ra phổ biến hơn, rộng hơn, nhất là đối với một số cán bộ có chức, có quyền".
Theo đồng chí Nguyễn Đức Hà, đây là một điều thực tiễn và chính từ thực tiễn đó, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 14-KL/TW về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám đổi mới, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. "Chúng tôi vẫn gọi đó là kết luận "6 dám". Đây là một chủ trương rất đúng đắn, rất cần thiết", đồng chí Nguyễn Đức Hà nhận định.
Nói về nguyên nhân của tình trạng này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết có 4 nguyên nhân cơ bản. Thứ nhất là nhận thức và ý thức trách nhiệm, cũng như năng lực chuyên môn của một bộ phận cán bộ công chức bị hạn chế.
Thứ hai là việc nêu gương của một số cán bộ đứng đầu chưa được phát huy một cách nghiêm túc.
Thứ ba là thể chế chính sách còn bất cập, chồng chéo, chậm sửa đổi một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn; quy chế, phối hợp giữa các bộ, địa phương vẫn còn một số mặt chưa kịp thời, đồng bộ, thống nhất.
Thứ tư là kỷ cương, kỷ luật đang được siết chặt lại, phòng chống tham nhũng tiêu cực đang được đẩy mạnh và hàng loạt cán bộ công chức bị kỷ luật, khởi tố, truy tố do sai phạm nghiêm trọng cũng dẫn đến tâm lý một bộ phận cán bộ công chức sợ sai, sợ trách nhiệm.
"Những biểu hiện về đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ ở một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức đã vi phạm các quy định theo nghị quyết của Đảng, vi phạm các quy định của Luật Chính quyền địa phương, Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Cán bộ, công chức", Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Tín: Thực chất của căn bệnh sợ sai, sợ trách nhiệm là sợ liên lụy, sợ bị quy trách nhiệm, sợ bị thua thiệt, sợ bị động chạm đến lợi ích cá nhân - Ảnh: VGP/Phương Liên |
3 cấp độ của bệnh sợ trách nhiệm
Thiếu tướng Nguyễn Văn Tín, nguyên Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phân tích: Thực chất của căn bệnh này là sợ liên lụy, sợ bị quy trách nhiệm, sợ bị thua thiệt, sợ bị động chạm đến lợi ích cá nhân. Đó trước hết phản bội lại lời hứa của người đảng viên khi mà họ tuyên thệ trước khi kết nạp vào Đảng, phản bội lại lời hứa của người lãnh đạo, của người quản lý khi họ tuyên thệ nhậm chức.
Đó còn là biểu hiện của "tự diễn biến mới", là quá trình tự biến đổi từ bên trong, cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của người cán bộ, đảng viên theo chiều hướng tiêu cực; làm thui chột dần các chuẩn mực của người cán bộ cách mạng.
Nếu không được ngăn chặn, triệt tiêu kịp thời, những cán bộ, đảng viên này sẽ trở thành "suy thoái". Nghiêm trọng hơn, đó là mảnh đất màu mỡ cho các thế lực thù địch, phản động khai thác, chuyển hóa, triệt để lợi dụng và trở thành những phần tử chống đối Đảng, chống đối Nhà nước và Nhân dân.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Tín, căn bệnh "sợ sai, sợ trách nhiệm" được bộc lộ cụ thể với 3 cấp độ. Ở mức độ thấp, mức độ phổ biến, "sợ sai, sợ trách nhiệm" biểu hiện trong suy nghĩ, trong hành động, trong đấu tranh phê bình và tự phê bình. Họ chỉ muốn yên thân, nhàn thân, lợi thân, bàng quan, thờ ơ, tư tưởng trung bình chủ nghĩa, không cần chí tiến thủ.
Trong hành động, những người này thấy cái gì có lợi cho mình thì mới làm, làm việc cầm chừng, làm lấy lệ, làm cho xong việc. Đó còn là sự rụt rè, do dự, dễ làm, khó bỏ. Trong đấu tranh phê bình và tự phê bình, đó là "dĩ hòa vi quý", ngại va chạm, "im lặng là vàng".
Ở mức độ cao hơn, bệnh "sợ trách nhiệm" đã bộc lộ rõ sự tính toán thiệt hơn, cơ hội, vụ lợi. Biểu hiện là: Sợ bị gán trách nhiệm, dẫn đến né tránh, đùn đẩy, thiếu quyết đoán, co cụm, phòng thủ, che chắn.
Họ né tránh việc khó, việc nhạy cảm, việc có tác động ảnh hưởng đến cấp trên, đến nhiều người, việc ít mang lại lợi ích cho bản thân. Họ đùn đẩy, đùn đẩy sang người khác, đùn đẩy sang tập thể khác, sang bộ phận khác, sang đơn vị khác, sang địa phương khác và đùn đẩy cho cấp dưới.
Họ dựa dẫm và ỷ lại, cụ thể là dựa dẫm vào cấp trên, dựa dẫm vào tập thể, dân chủ giả hiệu, ỷ lại vào số đông, quá ỷ lại trông chờ vào ý kiến chỉ đạo, văn bản hướng dẫn; không dám đột phá, ban hành các văn bản chỉ để lo giữ ghế chứ không để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; có thể có năng lực, song không có động lực; một số người đã từng "dính chàm", nên sợ tất cả những "cành cong"…
Họ không dám nghĩ, không dám làm, không dám tham mưu, không dám đề xuất, không dám triển khai và chỉ đạo công việc. Đối tượng thuộc nhóm này là những cán bộ lãnh đạo, quản lý, những người có chức, có quyền.
Ở mức độ nguy hiểm, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tín cho rằng, "sợ trách nhiệm" đã trở thành tráo trở, trì trệ. Họ "đóng băng" mọi việc, bất chấp việc đó có tác động, ảnh hưởng lớn đối với xã hội. Họ ngụy tạo chứng cứ, dối trên lừa dưới, chạy án, chạy tội, trốn tránh pháp luật.
"Đối tượng thuộc nhóm này là những cán bộ, đảng viên suy thoái, biến chất, bị "tự diễn biến" và cơ bản là những cán bộ giữ chức quyền cao, có phạm vi lãnh đạo, quản lý rộng. Mà chúng ta biết rằng lãnh đạo càng cao, phạm vi quản lý càng rộng thì mức độ nó sẽ càng nguy hiểm", ông Tín phân tích.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII: "Ai bàn lùi, né tránh trách nhiệm thì đứng sang một bên" |
'Ai không làm thì đứng sang một bên'
Trước thực trạng căn bệnh "sợ trách nhiệm", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh đến vai trò của người đứng đầu theo tinh thần "Ai không làm thì đứng sang một bên". Thực tế thời gian qua, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực, Đảng ta đã làm hết sức quyết liệt, đã loại sang một bên không ít cán bộ, đảng viên thoái hóa.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Tín nhận định, có 4 vấn đề cần phải nhận thức rõ trong khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Thứ nhất, cho thấy vấn đề đã trở nên nghiêm trọng, rất nhức nhối, rất đáng lo ngại, gây những tác hại rất lớn.
Thứ hai, khẳng định sự quyết liệt, thái độ rõ ràng, dứt khoát. Đó là sự tuyên chiến với những thế lực tham nhũng và những thế lực suy thoái, tiêu cực, làm cản trở cuộc đấu tranh chống tham nhũng và đấu tranh chống suy thoái, tiêu cực trong Đảng và trong xã hội. Đó là tối hậu thư, là quyết tâm chính trị, là mệnh lệnh của người đứng đầu. Đó cũng chính là bản lĩnh chính trị của Đảng ta, là ý chí của mọi cán bộ, đảng viên chân chính, đồng thời cũng là niềm tin là nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Thứ ba, khẳng định Đảng ta, đất nước ta, các địa phương, bộ, ngành không thiếu người tài đức; cảnh tỉnh, răn đe những cán bộ có tư tưởng bàn lùi, "sợ trách nhiệm". Khẳng định quyền lực đang được gắn rất chặt với kiểm soát quyền lực, quá trình xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên cũng là quá trình sàng lọc, thanh lọc đội ngũ, không làm được tất sẽ có người thay thế xứng đáng.
Thứ tư, phát biểu nói trên toát lên sự nhân văn, một nét văn hóa độc đáo trong phong cách lãnh đạo của Đảng ta và của Tổng Bí thư. Đảng có rất nhiều biện pháp. Các biện pháp rất quyết liệt, đồng bộ, triệt để, song trước hết, Tổng Bí thư vẫn nhấn mạnh yếu tố tự nguyện, tự giác, nếu thấy mình không làm được thì đứng ra một bên cho người khác làm.
Theo baochinhphu.vn