.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri

Cập nhật: 08:29, 08/01/2024 (GMT+7)

Tiếp xúc cử tri (TXCT) là một trong những nhiệm vụ quan trọng, mang tính bắt buộc của đại biểu HĐND các cấp; làm tốt công tác này sẽ nâng cao vai trò, vị trí của người đại biểu HĐND, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp.

Trách nhiệm của người đại biểu HĐND với cử tri được quy định cụ thể tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), trong đó có trách nhiệm TXCT. Qua các cuộc TXCT, cử tri gửi gắm những ý kiến, kiến nghị chính đáng của mình đến cơ quan nhà nước. Đồng thời, qua đây, đại biểu HĐND kịp thời thông tin đến cử tri tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, tuyên truyền, phổ biến, giải thích cho cử tri nắm vững về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của HĐND.

LINH HOẠT, HIỆU QUẢ

Thời gian qua, hoạt động TXCT của đại biểu HĐND tỉnh Tiền Giang được thực hiện nghiêm túc theo luật định; có nhiều đổi mới trong tiếp xúc, tổng hợp, phân loại. Thông qua hoạt động này, nhiều vấn đề bức xúc tại địa phương đã được xem xét, giải quyết kịp thời, tạo sự đồng thuận của cử tri.

Ban VH-XH- HĐND tỉnh tổ chức tọa đàm “Giải pháp nâng cao trách nhiệm của đại biểu HĐND trong hoạt động tiếp xúc cử tri”.
Ban VH-XH, HĐND tỉnh Tiền Giang tổ chức Tọa đàm “Giải pháp nâng cao trách nhiệm của đại biểu HĐND trong hoạt động tiếp xúc cử tri”.

Từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay, Thường trực HĐND tỉnh Tiền Giang đã tổ chức cho đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc trên 749 cuộc, ghi nhận 4.941 ý kiến, kiến nghị của cử tri. Các ý kiến, kiến nghị của cử tri đều được Thường trực HĐND tỉnh tổng hợp, chuyển đến cơ quan có thẩm xem xét, giải quyết và kịp thời thông tin kết quả giải quyết đến cử tri.

Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội (VH-XH), HĐND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thị Tuyết Vân cho biết, thực tế thời gian qua cho thấy, đại biểu HĐND nói chung và đại biểu là thành viên Ban VH-XH, HĐND tỉnh nói riêng đã thực hiện khá tốt nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong hoạt động TXCT và giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri.

Thông qua ý kiến, kiến nghị của cử tri, Ban VH-XH tổ chức các cuộc khảo sát để nắm tình hình về những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc triển khai thực hiện nghị quyết như: Việc thực hiện chế độ, chính sách cho các đối tượng tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19; tổ chức các buổi làm việc với các ngành liên quan để trao đổi về việc cấp phép, bổ sung dịch vụ kỹ thuật trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo y học cổ truyền - phục hồi chức năng tại phòng khám tư nhân trên địa bàn tỉnh; về hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Hội Cựu thanh niên xung phong; về hỗ trợ kinh phí hoạt động của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin cấp xã và hỗ trợ tiền công cho cán bộ Hội...

Các ý kiến, kiến nghị của cử tri cũng làm cơ sở để đại biểu HĐND tỉnh lựa chọn một số nội dung thảo luận và đề nghị giải trình, chất vấn gửi đến kỳ họp HĐND tỉnh như: Vấn đề nợ bảo hiểm xã hội, giải quyết việc làm; về chế độ, chính sách cho các đối tượng tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19...

Đối với việc xem xét, giải quyết kiến nghị cử tri, Ban đã thực hiện thẩm tra nhiều nội dung góp phần giải quyết dứt điểm những kiến nghị chính đáng của cử tri, tháo gỡ khó khăn cho ngành và địa phương; trong đó nổi bật nhất là: Giải quyết chế độ đối với người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; thực hiện chế độ, chính sách đối với dân công hỏa tuyến; về việc chi trả tiền trợ cấp cho gia đình chính sách, người cao tuổi, người khuyết tật qua đường Bưu điện; về giải quyết chế độ trợ cấp tiền tuất hằng tháng cho vợ liệt sĩ tái giá; về đầu tư máy chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang…

Đặc biệt là trường hợp hồ sơ đề nghị công nhận Liệt sĩ Lê Văn Son kéo dài hơn 28 năm, đến tháng 9-2018, Ban VH-XH chọn nội dung này để thẩm tra và thông qua kết quả thẩm tra, cùng với ý kiến của Ban VH-XH với lãnh đạo Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét; kết quả là ông Lê Văn Son được công nhận liệt sĩ vào năm 2019.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn đầu của nhiệm kỳ, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, phải thực hiện giãn cách xã hội, Thường trực HĐND tỉnh đã linh hoạt tổ chức để đại biểu TXCT thông qua hình thức gián tiếp (các phương tiện thông tin đại chúng) đối với những địa bàn dịch bệnh diễn biến phức tạp… đảm bảo để cử tri trình bày những tâm tư, nguyện vọng của mình đến đại biểu…

TIẾP TỤC ĐỔI MỚI, NÂNG CHẤT

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động TXCT của đại biểu HĐND tỉnh vẫn còn không ít hạn chế. Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thị Kim Nhung cho rằng, hình thức TXCT chưa phong phú, đa dạng, chủ yếu chỉ mới tổ chức định kỳ theo Tổ đại biểu trước và sau kỳ họp thường lệ, chưa tổ chức được TXCT theo chuyên đề, lĩnh vực, nhóm vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm; thành phần tham dự các cuộc TXCT một số nơi vẫn còn diễn ra tình trạng “đại cử tri”, “cử tri chuyên nghiệp”.

Cử tri kiến nghị đến đại biểu HĐND những vấn đề còn bất cập ở địa phương.
Cử tri kiến nghị đến đại biểu HĐND những vấn đề còn bất cập ở địa phương.

Bên cạnh đó, kỹ năng tiếp xúc, đối thoại với cử tri của một số đại biểu HĐND còn hạn chế; việc giải trình và tiếp thu ý kiến cử tri của một số đại biểu HĐND tại cuộc TXCT chưa thuyết phục; chất lượng giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri của UBND và các cơ quan chức năng có lúc chưa kịp thời, có những ý kiến kéo dài cử tri phải kiến nghị nhiều lần… phần nào làm ảnh hưởng đến chất lượng công tác TXCT, ít nhiều ảnh hưởng đến lòng tin của cử tri với đại biểu dân cử.

Mặt khác, công tác theo dõi, đôn đốc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri chưa được đại biểu quan tâm thường xuyên; chưa tổ chức được nhiều cuộc khảo sát, giám sát để làm rõ ý kiến, kiến nghị của cử tri và “đeo bám” kết quả giải quyết đến cùng…

Để hoạt động tiếp xúc cử tri đạt được chất lượng, hiệu quả, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Tiền Giang khóa IX Nguyễn Thị Sáng cho rằng, cần nghiên cứu đa dạng hóa các hình thức TXCT, tăng cường TXCT theo lĩnh vực, ngành nghề, nhóm đối tượng; nên nghiên cứu tăng số điểm TXCT, đại biểu HĐND ở mỗi đơn vị bầu cử cần chia lẻ ra để có thể mỗi đợt TXCT được nhiều điểm nhất. Bên cạnh đó, các địa phương cần dự báo có vấn đề bức xúc thuộc lĩnh vực nào thì cần mời đại diện lãnh đạo các cơ quan chuyên môn cùng tham dự để kịp thời nắm bắt, trả lời và làm sáng tỏ những vấn đề mà cử tri kiến nghị. Đồng thời, cũng phải có sự tham dự xuyên suốt của đại diện lãnh đạo chính quyền địa phương để giải đáp và giải quyết tại chỗ những vấn đề thuộc thẩm quyền của địa phương.

Đặc biệt, người đại biểu HĐND cần nâng cao tinh thần trách nhiệm trong hoạt động TXCT, đại biểu phải lắng nghe, cởi mở, tiếp thu, giải trình ý kiến, kiến nghị của cử tri; phải cố gắng nghiên cứu nắm chắc tình hình kinh tế - xã hội, nhất là các vấn đề bức xúc của địa phương nơi TXCT, chuẩn bị các tình huống giải đáp thắc mắc của cử tri hoặc giao cho các cơ quan có trách nhiệm giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Bên cạnh đó, cần bố trí người điều hành hội nghị TXCT có năng lực tổ chức, nắm chắc nội dung, trình tự và nhiệm vụ cụ thể hội nghị đặt ra; biết xử lý tình huống linh hoạt, gợi ý thu hút nhiều cử tri phát biểu ý kiến đúng trọng tâm, trọng điểm vào nội dung chương trình đã thông qua; dẫn dắt, định hướng sự đóng góp ý kiến của cử tri đối với chủ trương, chính sách, các giải pháp hữu hiệu để tổ chức thực hiện tốt nội dung tại buổi TXCT.

Đồng quan điểm trên, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Tiền Giang khóa IX Nguyễn Văn Hùng cũng cho rằng, đại biểu cần dẫn chiếu luật, nghị định, thông tư, nghị quyết… để trả lời cử tri. Nếu nhận thấy kiến nghị của cử tri hợp lý mà chưa được pháp luật điều chỉnh thì đại biều tiếp thu và kiến nghị với cấp trên; nếu kiến nghị hợp lý mà chưa được thực hiện thì tiếp thu và chuyển kiến nghị của cử tri đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét và đôn đốc để có sự trả lời hoặc tiến độ và kết quả giải quyết.

Đại biểu giải thích với cử tri về các vấn đề đã được pháp luật quy định, muốn sửa đổi phải kiến nghị với cấp có thẩm quyền; không tranh luận về quan điểm cá nhân. Đại biểu trả lời thẳng vào nội dung kiến nghị với thái độ cầu thị và tôn trọng người bầu mình làm đại biểu theo quy định về trách nhiệm của đại biểu dân cử.

THU HOÀI

.
.
.