Thứ Năm, 18/04/2024, 09:48 (GMT+7)
.
Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị

Bài cuối: Đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học

Bài 1: Linh hoạt, sáng tạo đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới

Công tác đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục lý luận chính trị (LLCT) cho cán bộ (CB), đảng viên (ĐV) trên địa bàn tỉnh Tiền Giang hiện nay vẫn còn những bất cập; cần được khắc phục kịp thời, hiệu quả…

NHẬN DIỆN KHÓ KHĂN ĐỂ THÁO GỠ

Trong điều kiện hiện nay, một vài Trung tâm Chính trị huyện (tương đương) còn vướng một số khó khăn. Điển hình tại Trung tâm Chính trị huyện Gò Công Tây còn thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học; công tác phối hợp giữa Trung tâm Chính trị với một vài đoàn thể trong mở lớp đôi lúc chưa chủ động.

Học viên trao đổi, thảo luận làm bài tập nhóm trong một tiết học lớp Trung cấp LLCT tại Trường Chính trị tỉnh Tiền Giang.
Học viên trao đổi, thảo luận làm bài tập nhóm trong một tiết học lớp Trung cấp LLCT tại Trường Chính trị tỉnh Tiền Giang.

Còn tại Trung tâm Chính trị TX. Cai Lậy, trong điều kiện biên chế rất hạn chế nên Trung tâm đôi lúc gặp khó khăn trong quá trình giảng dạy… Những bất cập trên cũng là khó khăn chung của các Trung tâm Chính trị cấp huyện, đã và đang là vấn đề cần sớm được giải quyết, khắc phục.

Ở khía cạnh khác, công tác giáo dục, tuyên truyền nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước hiện nay vẫn còn một số hạn chế khi còn mang nặng tính lý thuyết, không sát thực tiễn... Đây là điều cần phải được khắc phục kịp thời.

Mặt khác, trong quá trình học tập, học viên chưa chủ động tự nghiên cứu, hình thức học tập “đối phó” với thi cử. Thực tiễn chứng minh, hầu hết các học viên là CB, ĐV trải qua đào tạo, bồi dưỡng LLCT đã nâng cao được trình độ LLCT, chuyên môn, nghiệp vụ. Trong đó, nhiều học viên được đề bạt, bổ nhiệm ở các chức vụ cao hơn.

Tuy nhiên, cũng có không ít học viên sau khi được đào tạo, bồi dưỡng chưa thật sự nâng cao trình độ, năng lực; việc vận dụng lý luận vào thực tế giải quyết công việc ở một số địa phương của một số CB còn chưa tốt.

Do đó, mỗi học viên, CB, ĐV trong quá trình học tập cần chủ động, tự giác xây dựng tinh thần nghiêm túc học tập, để từ đó với những kiến thức đã được đào tạo, bồi dưỡng làm “cẩm nang” vận dụng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị…

LẤY NGƯỜI HỌC LÀM TRUNG TÂM

Đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng LLCT cho CB, ĐV được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, then chốt, có ý nghĩa quyết định trong công tác tạo nguồn nhân lực có chất lượng của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Tiền Giang nói chung và Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm Chính trị huyện (tương đương) nói riêng. Do đó, đòi hỏi cần có tư duy chiến lược, kế hoạch trong xây dựng, định hướng phát triển công tác đào tạo, bồi dưỡng LLCT trước mắt và lâu dài.

Giảng viên Nguyễn Dương Thanh Thủy đạt danh hiệu “Giảng viên dạy giỏi” tại Hội thi Giảng viên dạy giỏi toàn quốc các Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lần thứ VIII năm 2023. Ảnh: nhân vật cung cấp.
Giảng viên Nguyễn Dương Thanh Thủy đạt danh hiệu “Giảng viên dạy giỏi” tại Hội thi Giảng viên dạy giỏi toàn quốc các Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lần thứ VIII năm 2023. Ảnh: nhân vật cung cấp.

Trước mắt là cần đổi mới phương thức đào tạo “lấy người học làm trung tâm, lấy chất lượng, hiệu quả làm mục tiêu chính”; giải quyết tốt mối quan hệ giữa đào tạo và bồi dưỡng, giữa lý luận và thực tiễn, giữa học ở trường lớp với việc tự học, tự giác rèn luyện qua thực tiễn công tác của bản thân CB, ĐV. Đồng thời, khảo sát, nghiên cứu hiệu quả công tác của học viên đã được đào tạo, bồi dưỡng; làm tốt công tác quản lý học viên, quản lý việc dạy và học.

Đồng thời, thường xuyên tổ chức rút kinh nghiệm sau những giờ giảng, bài giảng của giảng viên để bổ sung góp ý về cả nội dung và phương pháp cho các bài giảng, lấy ý kiến đóng góp của học viên nhằm nâng cao chất lượng giờ giảng, đổi mới nội dung, phương pháp ra đề thi, đề kiểm tra cho các môn học. Qua đó, chú trọng việc đổi mới công tác tổ chức coi thi, chấm thi... theo hướng ngày càng khoa học và chặt chẽ hơn.

Bên cạnh đó là tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu đào tạo trước mắt và lâu dài tại Trường Chính trị tỉnh và các Trung tâm Chính trị huyện (tương đương), tạo điều kiện để giảng viên có nhiều lựa chọn đối với các phương tiện kỹ thuật phù hợp để bài giảng trở nên sinh động, hấp dẫn hơn; học viên tiếp thu một cách dễ dàng, không nhàm chán.

Bàn về giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng LLCT cho CB, ĐV, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Tiền Giang Lê Văn Tý cho biết, Trường Chính trị tỉnh Tiền Giang tiếp tục tham mưu Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo thực hiện hoàn thành tốt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hằng năm. Đồng thời, tổ chức tốt các hội thi học viên học giỏi LLCT; tăng cường đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng theo quy chế của học viện và quy định của Bộ Nội vụ trong thời gian tới.

ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC GIẢNG DẠY

Bên cạnh đó, việc nâng cao năng lực, trình độ giảng viên cũng là vấn đề cần được quan tâm thường xuyên, liên tục. Hiện nay, các cơ sở giáo dục, trung tâm đào tạo, bồi dưỡng LLCT rà soát, đánh giá lại chất lượng CB, giảng viên gắn với sắp xếp tổ chức, bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ CB, công chức, viên chức.

Cùng với đó là tìm giải pháp thích hợp để nâng cao chất lượng giảng dạy, bồi dưỡng LLCT cho CB, ĐV; tập trung xây dựng đội ngũ giảng viên làm công tác nghiên cứu, giảng dạy phải là người CB vừa “hồng”, vừa “chuyên”, nêu gương sáng.

Với tư cách là những người “chiến sĩ” đứng trên bục giảng, giảng viên dạy LLCT tại Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm Chính trị các huyện (tương đương) trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và trong cả nước đóng vai trò rất quan trọng trong việc “nêu gương” bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, giúp học viên có nhãn quan chính trị đúng đắn trước thực tiễn đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, chính trị mà các thế lực thù địch đang ra sức chống phá.

Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang, để thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng LLCT trong thời gian tới, cần: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác giáo dục LLCT; tổ chức thực hiện nghiêm túc chỉ thị, kết luận của Đảng về đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng LLCT cho CB, ĐV của cơ quan, đơn vị và địa phương. Đồng thời, chú trọng nâng cao nhận thức học tập LLCT của mỗi CB, ĐV, xem đây là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của cá nhân; khắc phục bệnh “lười học tập LLCT”.

Để từ đó chủ động, tự giác, tích cực trong học tập, nghiên cứu để đạt được kết quả cao trong học tập và lĩnh vực mà mình công tác; phát huy vai trò nêu gương của CB, ĐV, nhất là CB lãnh đạo các cấp trong việc học tập LLCT.

Đồng thời, mỗi giảng viên là người “truyền lửa” cho học viên hiểu được tầm quan trọng của việc học LLCT là niềm vinh dự, trách nhiệm và là yêu cầu cần thiết của từng CB, ĐV trong hệ thống chính trị các cấp. Học LLCT không chỉ là việc chuẩn hóa tiêu chuẩn CB, mà là “học để làm việc, làm người, làm CB, học để phụng sự tổ chức, đoàn thể và phụng sự Tổ quốc, dân tộc và nhân loại”.

Từ việc xác định được mục tiêu, trách nhiệm học tập, người học sẽ có thái độ tích cực trong lĩnh hội những kiến thức, trang bị lý luận khoa học, bản lĩnh chính trị vững vàng.

Để nâng cao kiến thức, phương pháp giảng dạy phù hợp, tạo ra sự chuyển biến về nhận thức, hành động thực tiễn của người học, mỗi giảng viên có thể tìm hiểu các nội dung giảng dạy với những góc nhìn đa chiều về các vấn đề liên quan, kỹ năng tiếp cận, tư duy phản biện làm cơ sở để rèn luyện năng lực chuyên môn.

Trao đổi về phương pháp giảng dạy LLCT, giảng viên Nguyễn Dương Thanh Thủy (Trường Chính trị Tiền Giang), là một trong những giảng viên đạt danh hiệu “Giảng viên dạy giỏi” tại Hội thi Giảng viên dạy giỏi toàn quốc các Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lần thứ VIII năm 2023, cho biết, trong mỗi bài giảng, cô luôn trau dồi, đầu tư, nghiên cứu làm sao cho trở nên cuốn hút, tạo không khí sinh động, tâm lý thoải mái để học viên dễ tiếp thu.

“Trước khi lên lớp, tôi tìm hiểu rất kỹ nội dung bài giảng để làm sao truyền đạt hiệu quả, giảm bớt lý thuyết, chú trọng vào trao đổi, liên hệ thực tiễn nhiều hơn. Đồng thời, trong quá trình giảng dạy, tôi luôn chú ý quan sát, nắm bắt tâm lý học viên để điều chỉnh phương pháp giảng dạy cho phù hợp, tạo sự hứng khởi cho người học. Tôi thường kết hợp đa dạng các phương thức giảng dạy khác nhau phù hợp với từng nội dung của môn học như: Thảo luận, nêu ý kiến, kết hợp phương thức “bẫy cá” sàng lọc các vấn đề, đối tượng được nêu ra trong nội dung bài học, câu hỏi trắc nghiệm nhận định đúng, sai… để tiết giảng trở nên phong phú, sinh động và hiệu quả với người học” - cô Thủy chia sẻ.

Để nâng cao việc đào tạo, bồi dưỡng LLCT cho CB, ĐV, đòi hỏi các cấp, các ngành quan tâm, phối hợp, xây dựng cụ thể các kế hoạch, tạo điều kiện thuận lợi để CB, ĐV được trang bị, cập nhật kiến thức LLCT, nâng cao bản lĩnh chính trị, rèn luyện phẩm chất đạo đức ngang tầm nhiệm vụ được giao.

LÊ NGUYÊN

.
.
.