Thứ Năm, 30/05/2024, 10:38 (GMT+7)
.
UBND TỈNH - ỦY BAN MTTQ VIỆT NAM TỈNH TIỀN GIANG:

Phối hợp hiệu quả để chăm lo tốt hơn cho người dân

(ABO) Phát biểu tại Đại hội Đại biểu Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh Tiền Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2024 - 2029, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh đã nêu rõ trách nhiệm của UBND tỉnh trong mối quan hệ phối hợp giữa UBND tỉnh với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trong thời gian qua, gắn với thực hiện phong trào thi đua “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh.
 
Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang.
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh.

Nhằm tăng cường mối quan hệ phối hợp, ngày 30-12-2021, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, MTTQ Việt Nam tỉnh đã thống nhất Nghị quyết liên tịch về Quy chế phối hợp công tác giai đoạn 2021 - 2026. Đây là căn cứ quan trọng để phối hợp trong các mặt công tác về: Tổ chức lấy ý kiến xây dựng pháp luật; chuẩn bị, tổ chức các kỳ họp HĐND tỉnh; việc tiếp xúc cử tri, trả lời và giải quyết kiến nghị của cử tri; hoạt động giám sát, kiểm tra; việc tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý và giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Riêng trong mối quan hệ phối hợp giữa UBND tỉnh và MTTQ tỉnh, nổi bật trên hết là 2 nhiệm vụ: Góp ý, phản biện, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Qua thống kê, từ cuối năm 2021 đến nay, các sở, ngành tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành 96 quyết định, trình HĐND tỉnh ban hành 48 Nghị quyết quy phạm pháp luật. Việc xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) đều đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất; góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp. 
 
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh tiếp công dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh tiếp công dân.
 
UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quá trình soạn thảo VBQPPL phải thực hiện đầy đủ việc tổ chức lấy ý kiến, phản biện xã hội, nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến đóng góp, phản biện của MTTQ tỉnh, nhằm nâng cao chất lượng, hoàn thiện VBQPPL của địa phương. Hằng năm, trên cơ sở đề nghị của MTTQ tỉnh, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với các sở, ngành tỉnh rà soát, lập danh mục các VBQPPL cần phản biện xã hội theo Quyết định 217 của Bộ Chính trị, Luật MTTQ Việt Nam. Kết quả, từ năm 2022 đến nay, các sở, ngành tỉnh đã đăng ký phản biện xã hội đối với 24 dự thảo VBQPPL (16 nghị quyết, 8 quyết định) gửi MTTQ tỉnh nghiên cứu, thực hiện phản biện. 
 
Các ý kiến góp ý, phản biện xã hội của MTTQ tỉnh được cơ quan chủ trì soạn thảo tổng hợp, nghiêm túc tiếp thu, giải trình theo quy định. Trong quá trình thẩm định, Sở Tư pháp đã kịp thời phát hiện, hướng dẫn nhiều trường hợp chưa thực hiện đầy đủ, yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo thực hiện nghiêm túc việc lấy ý kiến góp ý, phản biện của MTTQ tỉnh và tiếp thu, giải trình để các dự thảo văn bản đủ điều kiện trình UBND tỉnh và HĐND tỉnh.
 
UBND tỉnh cũng giao Sở Tư pháp phối hợp rà soát các văn bản của tỉnh có liên quan đến công tác giám sát, phản biện xã hội để kịp thời đề xuất sửa đổi, bãi bỏ các văn bản không còn phù hợp hoặc trình ban hành VBQPPL mới, nhằm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ quyền và trách nhiệm tham gia giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. 
 
Đối với công tác phối hợp tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý và giám sát việc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, những năm qua, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo thủ trưởng các sở, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các cấp tăng cường hoạt động tiếp dân, giải quyết các phản ánh của nhân dân; tăng cường phối hợp, giám sát trong tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
 
Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức tiếp công dân định kỳ tại Trụ sở Tiếp công dân theo quy định (ít nhất 1 ngày/tháng). Kết quả, trong 2 năm (2022 và 2023) đã tiếp 24 kỳ với 31 lượt, không có ủy quyền cho cấp phó tiếp thay. Qua kết quả tiếp công dân, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo giải quyết 14 vụ việc và thông báo chấm dứt khiếu nại đối với 10 vụ việc phức tạp, kéo dài, đã giải quyết hết thẩm quyền, đúng pháp luật. Việc tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch UBND tỉnh có sự tham dự của các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể có liên quan, để cùng giải thích, vận động, thuyết phục các hộ dân chấp hành quyết định giải quyết của cơ quan nhà nước. 
 
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh tiếp công dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh tiếp công dân.
 
Hằng năm, UBND tỉnh đều ban hành các văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh liên quan đến công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo (đã ban hành 28 văn bản chỉ đạo); qua đó quán triệt việc nêu cao vai trò của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân, giải quyết các vấn đề của người dân; tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành có liên quan; trường hợp để xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp thì người đứng đầu đơn vị, địa phương phải chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh. 
 
Định kỳ 6 tháng và hằng năm, UBND tỉnh đều có báo cáo kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo trình tại Kỳ họp HĐND tỉnh để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát. Kết quả thẩm tra, kiến nghị của HĐND tỉnh, MTTQ tỉnh đều được UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện. Trên thực tế, phần lớn đơn thư khiếu nại phát sinh tập trung trong công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ nên khi triển khai các dự án mới, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo Hội đồng Bồi thường giải tỏa kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan Nội chính, MTTQ và các đoàn thể cùng cấp để theo dõi, giám sát việc lập hồ sơ ngay từ đầu, nhằm góp phần hạn chế khiếu kiện. Đồng thời, tập trung giải quyết có chất lượng và dứt điểm các vụ khiếu nại tố cáo mới phát sinh, nhằm hạn chế thấp nhất số vụ việc tiếp tục khiếu nại.
 
Từ những nỗ lực nêu trên, kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo hằng năm trên địa bàn tỉnh đều đảm bảo tiến độ; trong 2 năm (2022 và 2023), toàn tỉnh thụ lý giải quyết 96 đơn, đã giải quyết 89/96 đơn, đạt tỷ lệ 92%. Qua giải quyết, đã kiến nghị trả lại cho 2 cá nhân 90 triệu đồng và bồi thường giá trị 76,9 m2 đất; kiến nghị thu hồi cho Nhà nước 431,7 triệu đồng; kiến nghị trả lại cho cá nhân, tổ chức hơn 11 triệu đồng; trả lại quyền lợi cho 3 tổ chức, 3 cá nhân; kiến nghị xử lý hành chính 29 cá nhân là cán bộ, công chức, viên chức; trong đó, có 2 quyết định liên quan xử lý kỷ luật, 27 kiểm điểm.
 
Thực hiện phong trào thi đua “Xóa nhà tạm, nhà dột nát”, trong những năm qua, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực, vận động đóng góp ủng hộ người nghèo, người yếu thế, người bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh… Cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã được kéo giảm đáng kể, đời sống của nhân dân được nâng lên. Tỉnh đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,6% (năm 2021) xuống còn 0,97% (đầu năm 2024), giảm 3.187 hộ nghèo, tương ứng tỷ lệ giảm 0,63%. Hiện trên địa bàn tỉnh còn 4.925 hộ nghèo; trong đó, có một số lượng nhỏ hộ nghèo có chỉ số thiếu hụt về chất lượng nhà ở - đây là đối tượng cần hướng tới của phong trào thi đua.
 
Tiền Giang thực hiện có hiệu quả Phong trào thi đua “Xóa nhà tạm, nhà dột nát”
Tiền Giang thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Xóa nhà tạm, nhà dột nát”
 
Trong giai đoạn 2016 - 2020, triển khai thực hiện Quyết định 33 ngày 10-8-2015 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã phê duyệt và tổ chức thực hiện Đề án Hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo; kết quả đã hỗ trợ xây dựng được 2.292/3.097 căn (đạt tỷ lệ 74,01% so với số lượng nhà ở được phê duyệt theo Đề án). Từ năm 2021, căn cứ Quyết định 90 ngày 18-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Tiền Giang không thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở. Do đó, công tác hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo được thực hiện từ nguồn kinh phí vận động Quỹ “Vì người nghèo” và Chương trình an sinh xã hội. Kết quả, trong 3 năm (2021 - 2023), từ nguồn vận động của MTTQ các cấp đã xây dựng mới 2.242 nhà đại đoàn kết cho người nghèo, với tổng kinh phí 102,3 tỷ đồng.
 
Để thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ phối hợp với MTTQ tỉnh tập trung một số giải pháp, như: Tiếp tục huy động hệ thống chính trị, các doanh nghiệp, tôn giáo, các tổ chức, cá nhân hảo tâm trong và ngoài tỉnh phát huy tinh thần đoàn kết, “tương thân, tương ái” tích cực, nỗ lực tham gia phong trào thi đua, nhằm tăng cường nguồn lực, góp phần “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác tuyên truyền về phong trào thi đua, các chính sách giảm nghèo, chính sách hỗ trợ nhà ở bằng nhiều hình thức phù hợp, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để phong trào thi đua được lan tỏa, đạt hiệu quả cao.
 
Tổ chức phong trào thi đua toàn diện, liên tục và rộng khắp, đẩy mạnh triển khai vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”, Tháng cao điểm “Vì người nghèo”; làm cơ sở để hỗ trợ hộ nghèo có chỉ số thiếu hụt về chất lượng nhà ở như đã nêu và các trường hợp phát sinh, góp phần giúp cho hộ nghèo ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
LÊ PHƯƠNG - HÀ NAM
 
.
.
.