.

Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy trong tiếp công dân

Cập nhật: 09:42, 14/06/2024 (GMT+7)

5 năm qua, Tỉnh ủy Tiền Giang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Quy định 11 ngày 18-2-2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân (gọi tắt là Quy định 11) và đạt nhiều kết quả tích cực.

Sự lắng nghe và giải quyết kịp thời của người đứng đầu cấp ủy đối với các ý kiến, nguyện vọng của nhân dân không chỉ giúp củng cố niềm tin của người dân vào Đảng và Nhà nước, mà còn góp phần xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

TRIỂN KHAI QUYẾT LIỆT, HIỆU QUẢ

Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch, đầu tư, xây dựng... khó tránh khỏi những vấn đề liên quan đến lợi ích của người dân nên xảy ra các tranh chấp, mâu thuẫn dẫn đến việc khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của người dân cần được giải quyết.

Đồng chí Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang chủ trì buổi tiếp công dân.
Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang Nguyễn Văn Danh phát biểu tại buổi tiếp công dân.

Kể từ khi Quy định 11 được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chủ động xây dựng kế hoạch, ban hành Công văn 1489 ngày 22-3-2019, Công văn 1739 ngày 9-10-2019 để chỉ đạo triển khai, hướng dẫn thực hiện Quy định 11...

Để đôn đốc việc tổ chức thực hiện hiệu quả Quy định 11, dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh, nhất là người đứng đầu cấp ủy triển khai thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo vệ người tố cáo; Luật Tiếp công dân và các quy định pháp luật có liên quan của Chính phủ, cơ quan thanh tra, kiểm sát, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án về tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị...

Đồng thời, lấy hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị, bảo vệ người tố cáo làm tiêu chí đánh giá năng lực, kết quả công tác của cơ quan, tổ chức, đơn vị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hằng năm.

Qua đó, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân, xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân... Nhiều vụ việc nổi cộm, bức xúc kéo dài đã kịp thời giải quyết, củng cố niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy đảng, chính quyền.

Đồng thời, các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là người đứng đầu đã cụ thể hóa thực hiện Quy định 11 bằng nhiều nội dung, hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia, thông qua các hình thức như: Hội nghị, Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về khiếu nại, tố cáo”; tuyên truyền qua các buổi họp lệ hằng tháng của Ban Chấp hành, của chi bộ, đoàn thể, hội quần chúng, họp giao ban cơ quan, họp tổ nhân dân tự quản; tuyên truyền thông qua đài truyền thanh xã, phường, thị trấn, mạng thông tin nội bộ, Zalo; sao gửi tài liệu đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Qua 5 năm thực hiện Quy định 11, 100% cấp ủy hoàn thành việc tổ chức triển khai, quán triệt Quy định 11, 105 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo được ban hành và phát hành 3.222 tài liệu, ấn phẩm để phổ biến, quán triệt, triển khai, tổ chức thực hiện. Các văn bản được ban hành kịp thời, đáp ứng công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong việc tiếp dân, tiếp nhận, giải quyết phản ánh, kiến nghị của công dân...

PHÁT HUY TRÁCH NHIỆM NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU CẤP ỦY

Tiếp công dân không chỉ là dịp để tuyên truyền, hướng dẫn các quy định liên quan đến việc phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo đến người dân, mà còn giúp cán bộ lắng nghe, tiếp thu, nắm bắt nội dung vụ việc một cách đầy đủ.

Qua đối thoại, sẽ giúp cấp ủy các cấp phát hiện những hạn chế, tồn tại để từng bước khắc phục, nhằm nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Mặt khác, tạo môi trường dân chủ, cởi mở giữa cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy với nhân dân, tạo sự đồng tình rộng rãi trong dư luận xã hội...

Để công tác tiếp công dân đảm bảo tính chặt chẽ, đạt hiệu quả cao, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành quy chế phối hợp giữa các ngành, cơ quan chuyên trách, quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của mỗi cơ quan trong thực hiện công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân.

Đối với cấp tỉnh, Văn phòng Tỉnh ủy là đầu mối tiếp nhận đơn, thư gửi đến Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, chuyển đến Ban Nội chính Tỉnh ủy phân loại, xử lý, chuẩn bị các điều kiện, phương tiện phục vụ Bí thư Tỉnh ủy tiếp dân.

Còn đối với cấp huyện, Thường trực cấp ủy huyện giao Văn phòng cấp ủy huyện là cơ quan chủ trì, đầu mối tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn, thư gửi đến Bí thư, cấp ủy huyện; trên cơ sở kết quả phân loại xác định vụ việc cần tham mưu, đề xuất Bí thư cấp ủy tiếp, đối thoại; phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch, báo cáo, tham mưu, đề xuất nội dung trả lời, đối thoại, giúp Bí thư cấp ủy tổ chức buổi tiếp dân theo quy định.

Cấp xã phân công cán bộ Văn phòng Đảng ủy xã tham mưu Bí thư Đảng ủy xã thực hiện công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý, giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của dân.

Với tinh thần cầu thị, trách nhiệm, cấp ủy, chính quyền các cấp đã giải quyết được các vấn đề đặt ra trong thực tiễn, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân. Nhờ đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn giữ vững, góp phần tích cực trong thực hiện thành công nhiệm vụ chính trị ở địa phương. 

Nổi bật qua 5 năm thực hiện Quy định 11, tổng số trường hợp người dân yêu cầu Bí thư Tỉnh ủy tiếp 8 trường hợp, kết quả Bí thư Tỉnh ủy tổ chức tiếp 8 cuộc với 15 công dân, chỉ đạo các cơ quan xem xét, giải quyết xong 8 trường hợp, đạt 100%; tiếp trên 20 lượt cán bộ, đảng viên và người dân xin gặp trực tiếp phản ánh (tại cơ quan, tại nơi tiếp xúc cử tri...), những trường hợp này hầu hết đồng ý theo giải thích, hướng dẫn, thực hiện đúng quy định khi khiếu nại, tố cáo.

Bí thư cấp ủy huyện tổ chức 345 lượt tiếp dân (định kỳ 268, đột xuất 77) với 747 lượt người. Bí thư Đảng ủy xã, phường, thị trấn tổ chức 6.731 lượt tiếp dân (định kỳ 6.677, đột xuất 54) với 116 lượt người.

Bên cạnh những chuyển biến mới từ hiệu quả của việc thực hiện Quy định 11, công tác tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân của người đứng đầu cấp ủy vẫn còn một vài khó khăn nhất định. Đó là, một ít địa phương, cơ sở chưa tổ chức tốt việc tiếp công dân, còn hình thức, chưa sâu sát.

Lực lượng làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cấp xã kiêm nhiệm, chưa phù hợp về trình độ, nghiệp vụ trong tiếp dân, xử lý đơn, thư. Số lượng người dân đến đăng ký đề nghị Bí thư cấp xã tiếp ít, mặc dù có tổ chức buổi tiếp dân nhưng không có người dân đến để yêu cầu tiếp, đối thoại… cần sớm có giải pháp phù hợp để khắc phục.

THỰC HIỆN ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP

Để thực hiện Quy định 11 tiếp tục đạt hiệu quả cao, đáp ứng sự hài lòng, mong mỏi của người dân với Đảng, với chính quyền địa phương, nhất là tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu cấp ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.

Đó là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Quy định 11...

Đồng thời, tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phố biến, giáo dục chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong thực hiện công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; nâng cao nhận thức của người dân trong thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, hạn chế khiếu nại, tố cáo vượt cấp…

Bên cạnh đó, các cơ quan, cán bộ tham mưu, giúp việc cấp ủy các cấp về công tác tiếp dân, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan giúp cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quy định, quy chế, bố trí trụ sở, địa điểm thuận lợi để tiếp công dân, niêm yết lịch tiếp công dân, nội quy tiếp công dân; bố trí cán bộ có năng lực, phẩm chất, có trách nhiệm làm công tác tiếp công dân; bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị.

GIA TUỆ - HẢI ĐĂNG

.
.
.