Tạo hiệu quả từ sắp xếp đơn vị hành chính
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành các nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố Cần Thơ và 12 tỉnh: Bắc Giang, Đắk Lắk, Đồng Nai, Gia Lai, Khánh Hòa, Lào Cai, Ninh Thuận, Quảng Ninh, Phú Yên, Thái Bình, Tiền Giang, Vĩnh Long.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua toàn bộ 21 dự thảo Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 21 tỉnh, thành phố với tỷ lệ 100% tán thành. (Ảnh: DUY LINH) |
Bộ Nội vụ cho biết, việc kiện toàn tổ chức và chức danh lãnh đạo của các cơ quan, đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mới hình thành sau sắp xếp được thực hiện theo quy định của Đảng, điều lệ của tổ chức và pháp luật hiện hành.
Sắp xếp các đơn vị hành chính là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta; phù hợp thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước; bảo đảm hoàn thiện thể chế về đơn vị hành chính, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức; giảm gánh nặng cho ngân sách và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Thời gian qua, các địa phương thực hiện sắp xếp bảo đảm ổn định chính trị-xã hội, không gây xáo trộn lớn. Các địa phương sau sáp nhập phù hợp quy hoạch tổng thể, yêu cầu phát triển của địa phương.
Tại Cần Thơ, lãnh đạo phường Tân An, quận Ninh Kiều (được thành lập sau sắp xếp ba đơn vị hành chính) cho biết, sau sáp nhập, chất lượng các hoạt động dịch vụ được nâng lên, mở ra nhiều loại hình dịch vụ mới, tạo sự lan tỏa đối với các đơn vị hành chính cùng cấp liền kề phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác, hình thành liên kết vùng.
Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, việc sắp xếp đơn vị hành chính tại nhiều địa phương cũng đang gặp không ít vướng mắc, bất cập. Một số địa phương, các công trình trụ sở làm việc, trường học... bị bỏ hoang; việc chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng hoặc tổ chức thanh lý, bán đấu giá trụ sở, tài sản công dôi dư đang gặp vướng mắc. Công tác bố trí, sắp xếp người dôi dư là bài toán khó giải; khó tránh khỏi việc sắp xếp cán bộ, công chức không đúng chuyên môn hoặc nguyện vọng. Bên cạnh đó, nhiều địa phương còn băn khoăn trong việc lựa chọn tên gọi mới, nơi đặt trụ sở hành chính.
Với những thuận lợi, bất cập nêu trên, thời gian tới, để phát huy hiệu quả việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã, cần có sự chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Công tác kiểm tra, giám sát phải được tiến hành thường xuyên, liên tục để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh. Phương án sắp xếp đơn vị hành chính và dự kiến bố trí đội ngũ cán bộ cần tiến hành khoa học, khách quan, công khai, minh bạch.
Sau sắp xếp, cần tập trung bố trí nguồn lực đầu tư cần thiết để các đơn vị hành chính sớm ổn định về tổ chức và hoạt động, có nền tảng ban đầu để thực hiện yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Việc ưu tiên các nguồn lực tại các đơn vị hành chính mới cũng cần được chú trọng để phát huy đặc điểm, thế mạnh về kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, phù hợp định hướng và tốc độ phát triển đô thị, hạ tầng giao thông trong tương lai, tạo được sự thống nhất, đồng thuận trong nhân dân...
Theo nhandan.vn