Hãy tôn trọng quyền công dân của ông Thích Minh Tuệ
Thời gian gần đây, hiện tượng liên quan ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) tiếp tục gây ồn ào trên mạng xã hội. Mặc dù những thông tin lợi dụng hiện tượng này để phỉ báng, công kích tu sĩ Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã giảm nhưng những quan điểm về tôn giáo lạ, mang màu sắc mê tín dị đoan lại xuất hiện, tác động làm ảnh hưởng niềm tin của nhân dân với Giáo hội. Các đối tượng chống đối chính trị “mượn gió bẻ măng” tiếp tục viết bài công kích nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chống phá chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta.
Thực tế cho thấy, từ khi hiện tượng liên quan ông Thích Minh Tuệ được các youtuber, tiktoker phát tán rộng rãi trên không gian mạng đã tác động đa chiều tới người dân, dư luận xã hội. Xét dưới phương diện tích cực, ông Lê Anh Tú đã lan tỏa được những nét đẹp của một người “con của Phật”, tử bỏ “tham – sân – si” để sống một cuộc đời an lạc. Hình ảnh một người bộ hành lời lẽ khiêm nhường, tự xưng mình là “con” với tất cả mọi người, từ bỏ mọi điều kiện vật chất thế gian để “tập học theo lời Phật dạy” đã tạo được thiện cảm với nhiều người dân.
Tuy nhiên, những biến tướng từ hiện tượng Thích Minh Tuệ cũng đã tạo nên làn sóng “truyền thông bẩn” hướng tới công kích, hạ uy tín Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thậm chí các đối tượng xấu còn bẻ lái, hướng mũi nhọn sang chống phá chế độ, bôi nhọ các quan chức của Việt Nam có mối quan hệ với các nhà sư thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đã xảy ra sự cãi vã, tranh luận không hồi kết giữa các nhóm người không cùng quan điểm dẫn tới xung đột, mâu thuẫn trên không gian mạng và mâu thuẫn cả ngoài đời thực. Điều này không chỉ tác động tiêu cực đến an ninh, trật tự mà còn xuất hiện các biến tướng của hoạt động mê tín dị đoan, ảnh hưởng đến đức tin của Phật giáo chân chính.
Đây là một thực tế đáng buồn trong xã hội hiện đại, mặc dù đời sống ngày càng phát triển về vật chất, trình độ dân trí, nhận thức của người dân được nâng cao nhưng nhiều người vẫn không thoát được “bóng tối” của u mê, khát khao tìm kiếm những điều huyền bí hư ảo trong tâm linh. Và trong cơn khát này, nhiều người đã vô tình hay cố ý biến những người tu hành chân chính thành đối tượng tôn sùng một cách mù quáng.
Ông Thích Minh Tuệ viết đơn đề nghị mọi người không tự ý đưa hình ảnh của ông lên mạng xã hội. |
Trong nhiều phát ngôn, ông Lê Anh Tú khẳng định “tôi không phải là sư, thầy hay thần thánh, Phật gì cả”. Ông khẳng định bản thân mình chỉ đơn thuần là một người đang học theo lời Phật dạy và xứng đáng được tôn trọng quyền được sống một cuộc sống bình yên. Thế nhưng, dường như những lời chân thành ấy chẳng thấm vào đâu so với cơn khát tâm linh, thần thánh của một bộ phận người tự nhận mình là sùng đạo. Họ tôn sùng, thần thánh hóa một cách quá mức kiểm soát, rồi tự cho mình cái quyền được làm phiền người khác, bất chấp mọi đề nghị, mọi lời từ chối. Đây không còn là sự tôn kính nữa mà đã trở thành một dạng cuồng tín đáng báo động.
Đó là những biến tướng nguy hiểm không khó nhận thấy từ những ồn ào liên quan đến hiện tượng mạng Thích Minh Tuệ. Nhận thức được vấn đề trên, vừa qua ông Lê Anh Tú và gia đình đã có đơn gửi cơ quan chức năng với mong muốn mọi người không quay phim, chụp ảnh và đưa hình ảnh của cá nhân ông lên mạng xã hội vì ảnh hưởng tới quá trình tu học. Theo đơn của ông Lê Anh Tú, ông đề nghị mọi người không tụ tập đông người để đảm bảo an toàn giao thông, không phát tán hình ảnh của ông lên mạng xã hội khi chưa được phép. Thời gian qua, việc tụ tập, “bao vây” bám riết lấy ông ở bất cứ đâu, tuỳ ý quay phim, tung hình ảnh lên mạng Internet đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình tu tập của ông. Ông mong muốn cơ quan chức năng xử lý đối với người tự ý đưa hình ảnh, thông tin cá nhân của ông lên mạng xã hội.
Có thể thấy, việc ông Lê Anh Tú phải làm đơn gửi đến cơ quan chức năng như một tiếng kêu cứu, cho thấy người đàn ông này đã mệt mỏi trong việc khuyên giải những người hiếu kỳ, đặc biệt là các youtuber, tiktoker đeo bám, làm phiền 24/24h. Vì ông Tú là người hiểu rõ hơn ai hết khi những phiền toái này đeo bám hàng ngày chính là rào cản trên con đường tu tập của ông. Do đó, trong đơn gửi cơ quan chức năng và nhiều lần phát ngôn, ông Tú khẳng định mình không phải là một vị thánh sống để mọi người chiêm ngưỡng, làm lễ vì đơn giản ông đang tu học để đạt mong muốn có thể thấu hiểu những lời dạy của Đức Phật, kiên trì tu tập đạt tới cảnh giới của “Niết bàn”.
Về tín ngưỡng Phật giáo, nếu như hàng ngày, hàng giờ vẫn tiếp tục có nhiều người đeo bám ông Tú, gây mất an ninh, trật tự, tạo phiền toái cho xã hội như vậy sẽ khiến cho ông cảm thấy bất an, không có không gian riêng để “thiền định” thì sẽ khó khăn trong việc học những triết lý của Phật giáo nguyên thủy. Theo đó, những người tự nhận mình yêu mến Thích Minh Tuệ lại đang trực tiếp phá hoại con đường tu hành chân chính của người đàn ông này.
Nhìn nhận các vấn đề xung quanh hiện tượng Thích Minh Tuệ dưới góc độ pháp luật hiện hành, việc ông Lê Anh Tú không phải nhà tu hành chuyên nghiệp, chưa có thể nhân hợp pháp thì mọi hoạt động truyền bá đạo hay việc xây dựng các địa điểm sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo theo dạng tự phát là không đảm bảo theo quy định pháp luật Việt Nam. Mặc dù chính sách của Đảng ta và hệ thống pháp luật về tôn giáo luôn tôn trọng và đảm bảo quyền do tín ngưỡng tôn giáo của công dân song mọi cá nhân và tổ chức hoạt động tín ngưỡng tôn giáo phải tuân thủ pháp luật.
Những hoạt động tôn giáo ích nước lợi dân, phù hợp với nguyện vọng và lợi ích chính đáng, hợp pháp của tín đồ đều được đảm bảo. Ngược lại, mọi hành vi lợi dụng tôn giáo để làm mất trật tự an toàn xã hội, phá hoại chính sách đoàn kết toàn dân, chống phá chính sách của Đảng, Nhà nước hay gây tổn hại các giá trị đạo đức, lối sống, văn hóa của dân tộc đều phải bị xử lý theo pháp luật. Những ai bày tỏ “đức tin” về ông Thích Minh Tuệ hãy nhớ và tôn trọng điều ông nói rằng, ông không phải là một vị thánh sống để mọi người chiêm ngưỡng, ông cũng không phải là phương tiện để ai đó thỏa mãn nhu cầu tâm linh của mình vì đơn thuần ông chỉ là một người đang học theo lời Phật dạy và xứng đáng được tôn trọng quyền được sống một cuộc sống bình yên.
Vì vậy, hãy tôn trọng những lời đề nghị của ông trong đơn gửi chính quyền địa phương cũng như những điều ông từng chia sẻ về quá trình tu tập của mình. Qua đó góp phần ngăn chặn những hệ lụy, những tác động tiêu cực đến tình hình an ninh, trật tự và cũng là cách để giúp ông Lê Anh Tú có thể đạt được mong muốn, nguyện vọng thực hành tu tập 13 hạnh đầu đà theo lời Phật dạy.
Theo Báo điện tử Công An Nhân Dân