Thứ Hai, 05/10/2020, 10:58 (GMT+7)
.

Nâng cao chất lượng giáo dục tạo nguồn nhân lực phát triển

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang; sự chung tay chăm lo của các sở, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân; cùng sự nỗ lực, quyết tâm của đội ngũ cán bộ, giáo viên, người lao động toàn ngành Giáo dục và Đạo tạo (GD&ĐT) Tiền Giang, nên chất lượng GD&ĐT của tỉnh trong thời gian qua đã có rất nhiều khởi sắc.

Một trong những thành công lớn của tỉnh nhà trên lĩnh vực GD&ĐT là đã phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện về mọi mặt, tạo được nguồn nhân lực vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ngành GD&ĐT Tiền Giang nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Ngành GD&ĐT Tiền Giang nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

NÂNG CHẤT TOÀN DIỆN

Về Tiền Giang hôm nay, chạy xe bon bon trên những tuyến đường từ thành thị đến nông thôn, đâu đâu cũng thấy hệ thống trường lớp khang trang, sạch đẹp. So với khoảng 10 năm trước, cơ sở hạ tầng giáo dục đã phát triển nhanh, có rất nhiều đổi thay tích cực.

Hầu hết các xã đã có trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở (của từng xã hoặc liên xã). Mạng lưới các trường trung học phổ thông (THPT) được mở rộng đến rất nhiều vùng sâu, vùng xa. Toàn tỉnh hiện có 9.420 phòng học, phòng học bộ môn ở bậc học mầm non, phổ thông, trong đó có 7.345 phòng học kiên cố, chiếm tỷ lệ 78,4%. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia tăng 26,3% so với đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020, hiện toàn tỉnh có 307/532 trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 57,7%.

Đứng trước những yêu cầu phát triển, toàn ngành GD&ĐT tỉnh nhà đã thực hiện đổi mới mạnh mẽ theo tinh thần Nghị quyết 29 ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Qua đó, chất lượng học sinh đại trà ở tất cả các trường học trong tỉnh được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ học sinh được xếp loại khá, giỏi về học lực, tốt về hạnh kiểm hằng năm học đều tăng và tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học giảm đáng kể.

Việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh và phương pháp dạy học đã được đổi mới theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, rèn luyện phương pháp tự học và vận dụng kiến thức, kỹ năng của học sinh.

Chất lượng học sinh giỏi cấp quốc gia tiếp tục được duy trì và đạt kết quả cao (năm 2017 đạt 5 giải, năm 2018 đạt 9 giải, năm 2019 đạt 8 giải và năm 2020 đạt 10 giải). Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT được duy trì và ổn định ở mức cao hơn so với tỷ lệ chung của cả nước (năm 2016 tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 95,19%, năm 2020 là 99,23%).

Một trong những điểm nhấn nổi bật của giáo dục Tiền Giang phải kể đến là toàn ngành đã nỗ lực triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở khối lớp 1. Quá trình đổi mới lần này đã nhận được sự quan tâm, đánh giá tích cực từ dư luận xã hội do chất lượng và phương pháp dạy học sinh động hơn, phát huy năng lực, tư duy của học sinh…

Tiến sĩ Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang cho biết, có thể nói, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, ngành GD&ĐT tỉnh nhà đã có những bước tiến mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, được xem là bước đệm, tiền đề khá quan trọng để ngành thực hiện tốt nhiệm vụ “trồng người” trong thời gian tới. Tuy nhiên, toàn ngành cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức, như chất lượng giáo dục không đồng đều giữa các địa phương, cơ sở vật chất giáo dục ở một số nơi vẫn còn thiếu thốn…

PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Võ Ngọc Hà, Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang đánh giá qua khảo sát thực tế từ các cơ quan, doanh nghiệp cho thấy, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh Tiền Giang trong thời gian qua đã được nâng lên rất nhiều, được dư luận ủng hộ và đánh giá rất cao. Điều đó cho thấy, chất lượng GD&ĐT của tỉnh ta đã phát triển toàn diện, đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội.

Trong thời gian qua, chất lượng tuyển sinh và đào tạo của Trường Đại học Tiền Giang đã được khẳng định và công nhận. Nhà trường đã tập trung thiết kế, thay đổi chương trình đào tạo bám sát thực tế, nhu cầu của địa phương, như các ngành nghề: Giáo dục mầm non, Du lịch, Công nghệ thông tin... Mỗi năm học, nhà trường cung ứng ra thị trường hơn 2.000 lao động có tay nghề chuyên môn và trình độ cao.

Như vậy, cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội thì GD&ĐT được xem là lĩnh vực rất quan trọng, đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội. Bởi một nền giáo dục có hiện đại mới có thể thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Đặc biệt là, trong bối cảnh đất nước ta đang trong quá trình hội nhập, phát triển như hiện nay thì việc quan tâm, chăm lo cho GD&ĐT được xem là quốc sách hàng đầu.

Riêng tại tỉnh Tiền Giang, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, nên chất lượng giáo dục tỉnh nhà đã có rất nhiều tiến triển đáng phấn khởi. Nếu đem chất lượng giáo dục so sánh với các tỉnh bạn, đặc biệt là với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, thì thực tế đã chứng minh, chất lượng giáo dục của tỉnh ta không thua kém so với các tỉnh khác. 

Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang Lê Quang Trí cho biết, toàn ngành GD&ĐT tỉnh nhà tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Nghị quyết 88/2014 của Quốc hội khóa XIII về “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”. Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và hiệu quả đào tạo ở các ngành học, cấp học thông qua việc bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và đẩy mạnh việc tiêu chuẩn hóa, hiện đại hóa các điều kiện dạy và học. Đào tạo nguồn nhân lực, từng bước đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh phục vụ cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước của tỉnh nhà nói riêng và cả nước nói chung.

Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và hiệu quả đào tạo ở các cấp học thông qua việc bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên theo hướng đạt chuẩn và trên chuẩn; đẩy mạnh việc tiêu chuẩn hóa và hiện đại hóa các điều kiện dạy và học, bao gồm cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; quy hoạch mạng lưới trường lớp, bảo đảm diện tích đất cho giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ trong độ tuổi đến trường. Mở rộng quy mô phát triển giáo dục mầm non, nâng cao kết quả thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập trung học cơ sở. Đảm bảo tỷ lệ huy động học sinh ra lớp; đẩy mạnh phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, nâng cao hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp và giáo dục phổ thông gắn với dạy nghề…

Đ. PHI
 

.
.
.