KỶ NIỆM 232 NĂM CHIẾN THẮNG RẠCH GẦM - XOÀI MÚT (20-1-1785 - 20-1-2017)

Nhớ trận Rạch Gầm - Xoài Mút oanh liệt

Cập nhật: 20:24, 16/01/2017 (GMT+7)

Mỗi lần đi công tác ở Tiền Giang, tôi đều tranh thủ đến tham quan Khu di tích lịch sử Rạch Gầm - Xoài Mút (tọa lạc xã Kim Sơn, huyện Châu Thành), bởi nét uy nghiêm quyến rũ rất lạ thường và bao giai thoại hào hùng về một trận đánh lịch sử của người anh hùng áo vải Tây Sơn - Nguyễn Huệ.

Ảnh: Vân Anh
Lễ kỷ niệm 230 năm chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút và đón nhận bằng di tích Quốc gia đặc biệt. Ảnh: Vân Anh

Trong chuyến tham quan gần đây nhất, có khá đông bạn bè tôi đến từ các tỉnh miền Trung. Anh Võ Phá, quê tỉnh Bình Định cho biết: “…Tôi sinh ra trên đất võ Bình Định, quê hương của vua Quang Trung. Xưa học lịch sử và qua đọc sách báo, tôi biết về trận đánh này. Nay mới có dịp đến tận nơi diễn ra cuộc chiến, tôi rất xúc động…”.

Hàng trăm năm nay, người dân Tiền Giang nói riêng, cả nước nói chung khá quen thuộc với những câu ca dao kể về chiến công vang dội bằng trí mưu lược tuyệt vời đã đánh tan mấy mươi vạn quân Xiêm trên đoạn sông lịch sử Rạch Gầm - Xoài Mút.  Tháng 7-1784, mượn cớ giúp Nguyễn Ánh chống Tây Sơn, khoảng 50.000 quân Xiêm và hơn 300 chiến thuyền do Chiêu Tăng, Chiêu Sương chỉ huy cùng 4.000 quân Nguyễn Ánh theo 2 đường thủy và đường bộ tiến vào Mỹ Tho. Tháng Giêng năm 1785, Nguyễn Huệ đưa quân thủy - bộ từ Quy Nhơn vào chặn đánh. Ngày 20 tháng Giêng năm 1785, quân Xiêm tiến đánh thành Mỹ Tho. Khi thuyền quân Xiêm - Nguyễn Ánh lọt vào trận địa phục kích tại Rạch Gầm - Xoài Mút, quân Tây Sơn với gần 55 tàu chiến, 100 thuyền buồm, 300 xuồng nhỏ, trên 132 khẩu súng thần công bắn áp đảo kết hợp tấn công. Kết quả, toàn bộ chiến thuyền và phần lớn quân Xiêm - Nguyễn bị diệt. Chiêu Tăng, Chiêu Sương bỏ chạy về nước, Nguyễn Ánh trốn sang Xiêm. Đây là một trong những trận thủy chiến lừng lẫy trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta.

Ông Lương Văn Có, 88 tuổi, cư dân cố cựu tại đây kể rằng, rạch Gầm còn có tên là rạch Con Cọp. Rạch Xoài Mút cách rạch Gầm 7 km, dài khoảng 8 km. Tương truyền, rạch này có cây xoài rất to, khi ăn người ta mút rất lâu cái hột vì hương vị thơm ngon, vì lẽ đó đoạn sông này có tên Rạch Gầm - Xoài Mút…

Để ghi nhớ chiến công oai hùng đó, năm 2001, Khu di tích Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút chính thức được khởi công. Ngày 20-1-2005, nhân kỷ niệm 220 năm Chiến thắng lịch sử oanh liệt trận Rạch Gầm - Xoài Mút, công trình chính thức được đưa vào hoạt động. Năm 2015, Khu di tích lịch sử Rạch Gầm - Xoài Mút vinh dự được công nhận Khu di tích đặc biệt cấp quốc gia.

Đến với Khu di tích Rạch Gầm - Xoài Mút, du khách sẽ được nhìn tượng đài người anh hùng Nguyễn Huệ uy nghiêm cao lồng lộng giữa mây trời, cảm nhận được không khí uy nghiêm, cổ kính, thoáng mát nằm cạnh bờ sông gợi cảm giác hoài cổ rất lạ thường. Giữa khu di tích là tượng đài Chiến thắng bằng đồng nguyên khối nặng 20 tấn, cao hơn 8 m tạc tượng người anh hùng áo vải Tây Sơn - Nguyễn Huệ cùng binh sĩ, người dân chèo thuyền tạo thành một thể thống nhất, hài hòa. Phần bệ tượng cũng chính là vách của ngôi đền với một loạt phù điêu bằng tranh ghép gốm, thể hiện chủ đề khẩn hoang lập ấp, trận thủy chiến, khúc khải hoàn. Bên trong nhà trưng bày khoảng 540 hiện vật. Cạnh đó là nhà cổ Nam bộ được phục dựng nguyên trạng với 3 gian, 2 chái, 48 cột gỗ căm xe, mái ngói âm dương, diện tích 225 m2 dùng để trưng bày và tiếp khách.    

Thời gian đã đi qua, nhưng hào khí trận thủy chiến oanh liệt cách nay 232 năm vẫn còn sống mãi trong lòng dân tộc, trong lòng du khách mỗi khi có dịp đến tham quan.

TAM ANH

.
.
.