.

Lời giải nào cho bài toán tiêu thụ hàng hóa nông sản?

Cập nhật: 08:26, 25/05/2013 (GMT+7)

“Được mùa thì rớt giá” - Dường như câu nói này đã trở nên quen thuộc với người nông dân. Điều này cho thấy, giá bán nông sản chưa được thực hiện theo quy luật giá trị, thậm chí có nhiều thời điểm, giá nông sản thấp hơn rất nhiều giá trị sản xuất, dẫn tới nhiều nông dân gặp nhiều khó khăn trong sản xuất.

Ảnh: Như Lam
Ảnh: Như Lam

Rõ ràng, thị trường nông sản chưa thể giải được bài toán tiêu thụ nông sản bền vững cho nông dân. Trong nền kinh tế thị trường, người sản xuất vừa là người bán, vừa là người mua. Người nông dân mua các yếu tố đầu vào từ các nhà máy như công cụ sản xuất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,… còn người tiêu dùng, chẳng hạn như người làm việc trong các nhà máy lại mua nông sản của nông dân để tái sản xuất sức lao động. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để hài hoà lợi ích giữa các bên tham gia vào quá trình sản xuất.

Việt Nam có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, cả về trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ hải sản với sản phẩm đa dạng. Để hỗ trợ nông dân tiêu thụ được sản phẩm, nhiều năm qua đã có nhiều chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hoá nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp phục vụ sản xuất của nông dân đã được ban hành. Những chính sách này bước đầu đã phát huy hiệu quả nhất định. Ở một số địa phương, người nông dân được vay vốn với mức hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay ngân hàng; hoặc tiêu thụ nông sản thông qua mô hình hợp tác xã theo phương thức sản xuất theo đơn đặt hàng.

Mặt khác, thông qua các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến trong nông nghiệp đã được áp dụng vào thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, cũng như nâng cao giá trị gia tăng trên một diện tích canh tác. Đây là nhân tố quan trọng để góp phần giúp nông dân sản xuất và tiêu thụ được nông sản kịp thời, với khối lượng lớn.

Tuy nhiên, nông sản của Việt Nam có đặc điểm là đa dạng về chủng loại, nên phương thức tiêu thụ cũng có sự khác nhau. Chẳng hạn, đối với sản phẩm trồng trọt như gạo, bông, mía, chè… thì phương thức tiêu thụ thông qua hợp đồng gần như là tối ưu nhất, mặc dù khối lượng của từng loại sản phẩm này tiêu thụ theo phương thức này không đồng đều.

Đối với ngành chăn nuôi và thuỷ sản thì lại khác. Chẳng hạn, do các đặc điểm riêng của sản xuất và tiêu dùng sản phẩm thịt và sự biến động khá mạnh về giá cả mặt hàng này trên thị trường, nên hình thức tiêu thụ sản phẩm thịt theo hợp đồng không phổ biến như các nông sản xuất khẩu hoặc phục vụ công nghiệp chế biến khác. Nhìn chung, kênh thị trường sản phẩm thịt lợn của các hộ chăn nuôi chủ yếu tiêu thụ cho lò mổ. Việc ký hợp đồng tiêu thụ thường áp dụng đối với các hộ chăn nuôi lớn và phục vụ xuất khẩu.

Tuy nhiên, do thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn nên các công ty chuyên doanh xuất khẩu thịt lợn lớn cũng không có điều kiện ký kết hợp đồng đầu tư ứng trước và bao tiêu sản phẩm đến các hộ, các trang trại chăn nuôi, mà chủ yếu vẫn phải thông qua các mạng lưới trung gian như thương lái, các hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi.

Hoặc đối với thủy sản, do đặc điểm sản xuất, nuôi trồng thủy sản có nhiều nét đặc thù riêng, mức độ phụ thuộc vào điều kiện sinh thái tự nhiên và thời tiết khá lớn, cũng như bị chi phối bởi sự biến động của thị trường về cung - cầu, giá cả, nên hoạt động liên kết kinh tế theo hình thức hợp đồng đầu tư và bao tiêu sản phẩm giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, tỷ lệ tiêu thụ mặt hàng này thông qua hình thức ký kết hợp đồng so với các hình thức tiêu thụ khác khá thấp.

Nhìn chung, việc tiêu thụ nông sản cho nông dân đã đạt được kết quả bước đầu. Tuy vậy, thực tiễn cho thấy vẫn còn những tồn tại cần sớm khắc phục. Đa số sản phẩm nông nghiệp (chiếm khoảng 73%) vẫn do nông dân loay hoay tìm thị trường tiêu thụ.

Nhận thức của người sản xuất, doanh nghiệp và cán bộ quản lý nhà nước thực thi nhiệm vụ liên quan về chủ trương tiêu thụ nông sản chưa đầy đủ. Ở nhiều nơi, nông dân và các tổ chức của nông dân (hợp tác xã, tổ hợp tác), hiệp hội... còn chưa biết các nội dung chính sách về tiêu thụ sản phẩm.

Những địa phương có tuyên truyền, phổ biến còn nặng tính hình thức, chủ yếu mới chỉ dừng ở cấp tỉnh, chưa được triển khai mạnh đến cấp huyện và đặc biệt là cấp xã. Những điển hình liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp về sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ thông qua hợp đồng chưa được phổ biến và nhân rộng.

Để thị trường nông sản thực sự phát triển bền vững, công tác quy hoạch sản xuất nông nghiệp và vùng nguyên liệu phải đi trước một bước. Các doanh nghiệp cần đi tiên phong trong việc tiêu thụ nông sản kết hợp với đầu tư ứng trước cho nông dân về giống, vật tư phân bón, hướng dẫn kỹ thuật để nông dân sản xuất đúng quy trình kỹ thuật tạo ra sản phẩm có chất lượng.

Quá trình sản xuất cũng như tiêu thụ cần thực sự đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ và lợi ích giữa doanh nghiệp và người sản xuất. Nhà nước cần đẩy mạnh công tác hỗ trợ thông qua các chính sách khuyến khích và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại, nhất là xúc tiến hoạt động xuất khẩu....

Các cấp chính quyền địa phương cần tập trung chỉ đạo, hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện sản xuất, tiêu thụ nông sản. Xây dựng và tăng cường năng lực quản lý và hoạt động tiêu thụ sản phẩm của hợp tác xã, tổ hợp tác của nông dân, thực sự là cầu nối giữa doanh nghiệp và hộ nông dân.

(Theo dangcongsan.vn)

.
.
.